Theo Bộ Công an, điểm đáng chú ý trong công tác trấn áp tội phạm, gìn giữ an ninh trật tự thời gian qua nổi lên hiện tượng chống người thi hành công vụ, nhất là lực lượng Công an còn diễn biến phức tạp, số vụ chống lại lực lượng Công an tăng 306% so với cùng kỳ. Đặc biệt, đã có 11 chiến sĩ Công an hy sinh, 66 người bị thương, 10 cán bộ bị phơi nhiễm HIV.
Tăng 306% số vụ chống lực lượng Công an, 11 chiến sĩ đã hy sinh
Theo đó, Bộ Công an khẳng định, toàn ngành đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc nhiều nhiệm vụ và đạt được các kết quả tích cực, cơ bản đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tội phạm được kiềm chế, không để lộng hành góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước. Đặc biệt, có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được điều tra làm rõ.
Ngành Công an trong năm 2019 vừa qua đã điều tra làm rõ tới 37.454 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 78% (án rất nghiêm trọng đạt 91,32% và án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,01%), phát hiện 15.953 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (giảm 18,03% so với cùng kỳ 2018, 312 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (giảm 4,18% so với năm 2018).
Về kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng công an nhân dân, Bộ Công an cho biết, tiếp tục điều chỉnh, bố trí lực lượng Công an hướng về cơ sở và tăng cường cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu. Đồng thời, xây dựng lộ trình chính quy hóa lực lượng Công an xã để nắm tình hình, giải quyết vấn đề ngay từ khi mới phát sinh.
Báo cáo với Quốc hội, Bộ Công an nêu rõ, lực lượng Công an đã đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương chính quy Công an xã, góp phần nắm và giải quyết tình hình ngay từ địa bàn cơ sở. Tính tới thời điểm hiện tại, về cơ bản, các địa phương đã hoàn thành bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Bộ Công an cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức, tránh những hiện tượng tiêu cực bị dư luận báo chí và xã hội phản ánh như trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong báo cáo lần này, điểm đặc biệt nổi bật chính là tỷ lệ tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là lực lượng Công an còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, Bộ Công an cho biết, số vụ chống lại lực lượng Công an tăng 306% so với cùng kỳ, làm 11 chiến sỹ hy sinh (như trong vụ Đồng Tâm, nhóm đua xe ở Đà Nẵng…), 66 người bị thương, 10 cán bộ bị phơi nhiễm HIV.
Bộ Công an cho biết, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn cả nước nói chung, tại các thành phố lớn, các địa bàn chiến lược còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
“Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội để tuyên truyền, kích động biểu tình gây mất an ninh trật tự”, Bộ Công an nêu rõ.
Đặc biệt, còn hiện tượng lợi dụng dịch Covid-19, tăng cường hoạt động buôn lậu, đầu cơ, làm giả các mặt hàng phòng chống dịch bệnh (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn) tăng mạnh, gây bức xúc dư luận.
Bộ Công an lên tiếng về vụ án Đường Nhuệ, các băng nhóm xã hội đen
Liên quan đến những vấn đề dư luận bức xúc, xã hội quan tâm, Bộ Công an cho biết, số vụ phạm pháp hình sự vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Theo đó, có lúc, có nơi nổi cộm nhiều vụ việc gây phẫn nộ như hoạt động của tội phạm liên quan đến tín dụng đen, vay nặng lãi, đòi nợ thuê, các vụ giết người, cướp tài sản, cướp ngân hàng, tội phạm xâm hại trẻ em, ấu dâm, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến. Bộ Công an cũng thừa nhận, việc phát hiện, xử lý chưa triệt để, trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng chưa được làm rõ trong một số vụ việc.
Đồng thời, thời gian qua, hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê, băng nhóm đòi nợ có tính chất xã hội đen, bảo kê vi phạm pháp luật tiếp tục được Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm minh.
“Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm, nhất là những vấn đề dư luận xã hội bức xúc”, báo cáo của Bộ gửi Quốc hội nhấn mạnh.
Đáng chú ý, việc xử lý các nhóm siết nợ, đòi nợ thuê có tính chất xã hội đen, bảo kê, Bộ Công an cho biết, tỷ lệ điều tra, khởi tố vụ án và bị can liên quan nhóm này tăng lên đang kể so với trước đây.
“Từ 1/1/2018 đến 30/4/2019, cơ quan công an khởi tố 214 vụ, 597 bị can. Nhưng riêng 6 tháng đầu năm 2019 khởi tố 205 vụ, 382 bị can”, Bộ Công an cho hay.
Điển hình trong số này chính là vụ án liên quan vợ chồng đại gia Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương) ở Thái Bình. Theo báo cáo của Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã triệt phá băng nhóm xã hội đen do vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường Dương) cầm đầu, khởi tố mới và phục hồi điều tra 4 vụ, 15 bị can.
Trong đó có 4 đối tượng là cán bộ Trung tâm đấu giá tài sản và Trung tâm phát triển quỹ đất Thái Bình với các tội danh Cố ý gây thương tích, Cưỡng đạt tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Liên quan đến băng nhóm giang hồ Đường Nhuệ, tại phiên họp báo Thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua hôm 5 tháng 5, Trung tướng Lương Tam Quang cũng thông tin cho biết, qua quá trình theo dõi của Bộ Công an, từ 2010 đến nay, lực lượng Công an Thái Bình đã xử lý 20 vụ, 15 đối tượng, có đối tượng xử lý nhiều lần và có đối tượng có mối quan hệ với bị can Nguyễn Xuân Đường.
“Tuy nhiên, hoạt động của đối tượng Đường Nhuệ rất tinh vi, phần lớn các vụ việc Đường không ra mặt mà chủ yếu các đối tượng khác. Do vậy, chưa có đủ căn cứ để xử lý đối với Đường, quá trình thu thập chứng cứ cũng khó khăn”, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết.
Theo đại diện Bộ Công an, nhóm giang hồ Đường Nhuệ thực chất là băng nhóm tội phạm có tổ chức, núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp, che mắt bằng hình ảnh doanh nhân thành đạt, có các hoạt động thiện nguyện, phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đối phó cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ.
Trung tướng Quang nêu rõ, đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương vận động quần chúng phát hiện, tố giác hành vi tội phạm của băng nhóm này.
Giải đáp cơ quan truyền thông về nghi vấn có hay không thế lực bảo kê, chống lưng cho các đối tượng vi phạm, Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra mở rộng vụ việc một cách khách quan, công tâm, với quan điểm xem xét toàn diện.
“Vi phạm đến đâu xử lý đến đó, làm triệt để, không có "vùng cấm", không bỏ lọt tội phạm song cũng không làm oan người vô tội”, Trung tướng Lương Tam Quang khẳng định.
“Mọi vi phạm đều bị xử lý theo đúng quy định pháp luật, có chứng cứ chứng minh cụ thể. Khi có kết quả điều tra sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí”, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
“Chúng tôi cũng đã phục hồi điều tra một số vụ án khác khi thu thập được tài liệu chứng cứ trong quá trình điều tra vụ việc này. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh Thái Bình quán triệt tinh thần khẩn trương, kiên quyết, thượng tôn pháp luật, không chịu tác động, ảnh hưởng của bất kỳ ai. Bộ Công an cũng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ Công an Thái Bình trong mở rộng chuyên án này”, Trung tướng Lương Tam Quang tái khẳng định.
Đại diện Bộ Công an nêu rõ, hoạt động điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình sẽ công tâm, khách quan, có sự phối hợp, giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và theo đúng quy định pháp luật.
Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp
Trong báo cáo gửi Quốc hội, thông tin về công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam và các thành phố lớn.
Đáng chú ý những ngày gần đây liên tiếp phát hiện những vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn (vụ bắt 2 đối tượng, thu giữ 307,458 kg ma túy tổng hợp tại Quảng Bình, vụ bắt 7 đối tượng, thu giữ 446 kg ma túy tổng hợp tại Lạng Sơn và Hà Nội).
Trước đó, như đã nêu trong Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tội phạm ma túy năm 2019 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, năm vừa qua, tội phạm ma túy ở Việt Nam diễn biến phức tạp, thu giữ “hàng cấm” nhiều nhất từ trước đến nay.
Tính đến ngày 15/11/2019, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 86 vụ, 283 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 612,5kg heroin, 120,54kg cocain, hơn 2 tấn và 231.814 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vật chứng liên quan.
Ngoài ra, lực lượng Công an đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 23.328 vụ với hơn 36.222 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu hơn 1.222kg heroin, trên 6.253 kg + 1.053.099 viên ma túy tổng hợp, hơn 614kg thuốc phiện và 768kg cần sa.
“Đáng lưu ý, số lượng ma túy tổng hợp tăng đột biến, cao hơn gấp 5 lần so với năm 2018, là năm thu giữ lượng ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng lớn nhất từ trước đến nay”, Bộ Công an cho biết.
Bộ cũng lưu ý, tình trạng tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy tại quán bar, karaoke, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương.