Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà, việc kiểm tra, giám sát nhân sự trước Đại hội Đảng XIII được chỉ đạo rất quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không có chuyện chỗ này làm, chỗ kia không.
Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói về việc xử lý đơn thư mùa Đại hội
Ông Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư/UBKTTW) có những trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 15/6 về công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trong những phát biểu định hướng chỉ đạo về chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội khóa tới, các lãnh đạo cao nhất của Đảng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Bí thư Trần Quốc Vượng…đều lưu ý phải cẩn trọng với những trường hợp cán bộ trong quy hoạch có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Thông tin về vấn đề này, theo lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, người ta hay nói “mùa Đại hội là mùa đơn thư”, người dân và dư luận hết sức quan tâm đến việc xem xét, đánh giá nhân sự trước mỗi kỳ Đại hội, đặc biệt là Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới.
Cùng với đó, nhân dân có nhiều thông tin phản ánh với các tổ chức Đảng và cơ quan hữu quan có thẩm quyền, do vậy, trước mỗi kỳ Đại hội Đảng ở Việt Nam thường phát sinh nhiều đơn thư.
“Hiện giải quyết đơn thư như thế nào trước Đại hội đều có quy định”, ông Hoàng Văn Trà cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chuyện “đơn thư rộ lên mỗi mùa Đại hội” đều là những chuyện bất thường, có mục đích, vì bình thường trong Đảng luôn duy trì hoạt động tự phê bình và phê bình, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, liệu đây có phải điều bất thường, có sự đấu đá, thiếu đoàn kết trong nội bộ tổ chức Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, phê bình trong Đảng là việc làm thường xuyên, nhưng gần đến Đại hội, vấn đề nhân sự luôn nhận được quan tâm.
“Có thể nói trong quá trình kiểm tra giám sát, phê bình thường xuyên có thể có những việc mình chưa làm đến nơi đến chốn, vẫn còn việc này việc kia nên đến gần Đại hội, khi lựa chọn người vào cấp ủy các cấp thì mới có đơn thư phản ánh”, ông Hoàng Văn Trà tái khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, công tác nhân sự là cả một quá trình chuẩn bị, có nhiều bước theo quy định.
Cụ thể, liên quan đến nhân sự, có Quy định 105 đưa ra năm bước cơ bản. Đây là quy định do Ban Chấp hành Trung ương ban hành năm 2017 về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử đưa ra.
Trước ý kiến của phóng viên và dư luận rằng, câu chuyện phê bình, tự phê bình trong Đảng là công việc thường xuyên, nhưng có vẻ như việc này chưa thật hiệu quả trong thực tế, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho hay, công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua đã có rất nhiều cố gắng, từ đầu nhiệm kỳ tới nay có nhiều việc được giải quyết nhưng “nói là đáp ứng hết yêu cầu chưa thì còn nhiều vấn đề”.
“Bởi lẽ, công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng chưa thể làm hết được. Mà nếu giải quyết hết được vấn đề thì nói làm gì nữa. Không thể làm hết được”, Phó Chủ nhiệm UBKTTW Hoàng Văn Trà chia sẻ.
Công tác nhân sự Đại hội Đảng XIII không có vùng cấm
Trước đó, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12 khoá XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, rà soát kỹ các trường hợp có đơn thư trước khi Bộ Chính trị xem xét, quyết định nhân sự. Bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Hoàng Văn Trà cũng thông tin thêm về vấn đề này.
Theo đó, hiện nay việc này được tiến hành theo phân cấp, còn ở Trung ương thì chưa có nhân sự gì, đang làm theo các bước trong quy trình.
“Hôm nọ, Trung ương cũng mới thông báo phương hướng nhân sự, tức là tiêu chuẩn như thế nào, ai thuộc diện nào tái cử, diện nào mới… Việc rà soát nhân sự có 2 bước. Công tác nhân sự do cơ quan tổ chức tham mưu, khi chuẩn bị nhân sự thì Uỷ ban Kiểm tra tham gia quá trình thẩm định”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà nói.
“Quy trình thẩm định cũng có hết rồi, nếu có vụ việc, đơn thư phát sinh thì kiểm tra phải vào ngay để giải quyết. Trường hợp nhân sự xứng đáng thì tiếp tục ủng hộ giới thiệu”, ông Hoàng Văn Trà cho biết thêm.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, hiện đã có các chương trình, kế hoạch. Năm nay ưu tiên kiểm tra, giám sát phục vụ Đại hội nên Uỷ ban Kiểm tra các cấp dành một quỹ thời gian nhất định để xử lý kịp thời. Còn việc xem xét ai, xử lý ai thì các kỳ họp của Uỷ ban Kiểm tra đều công bố thông tin.
“Bao giờ cũng thế, trước Đại hội, đơn thư phản ảnh nhiều nên cơ quan kiểm tra sẽ dành một quỹ thời gian nhất định để kịp thời xử lý”, ông Trà nhấn mạnh.
Liên quan đến kết quả cụ thể, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết hiện vẫn chưa có kết quả.
“Chúng ta đang làm bài bản đúng quy trình, có kết quả là phải được thông báo, chỉ khi có thông báo thì mới có thông tin”, ông Trà nêu rõ.
“Tinh thần chung là làm rất quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không có chuyện bảo chỗ này làm, chỗ kia không, cứ theo quy trình mà làm công bằng, minh bạch”, Phó Chủ nhiệm UBKTTW Hoàng Văn Trà nhấn mạnh.
Trả lời về câu hỏi thời gian qua dư luận có “ì xèo” nào liên quan đến trường hợp nhân sự từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương “điểm mặt, gọi tên”, có đề nghị, xem xét kỷ luật mà vẫn lọt quy hoạch, ông Hoàng Văn Trà quả quyết là không có và khẳng định chỉ khi có đơn thư thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới làm.
“Lựa chọn nhân sự là theo tiêu chuẩn mà. Tiêu chuẩn thế nào thì được giới thiệu, khi nào có kết luận, có hình thức xử lý, kỷ luật thì phải xem xét trì hoãn. Cán bộ vẫn còn uy tín, được mọi người tôn vinh mà bị kỷ luật một việc gì đó thì vẫn xem xét”, Phó Chủ nhiệm UBKTTW nói.
Trả lời câu hỏi làm thế nào để người ta không còn gọi “mùa Đại hội là mùa đơn thư”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ.
“Phải xây dựng Đảng thật tốt. Bác Hồ nói rồi, phải “xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh”. Tổng bí thư, Chủ tịch nước gần đây đã chỉ đạo, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng chỉ đạo liên tục. Không phải chỉ trong Đảng mà trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa cũng thế, chúng ta cũng phải tiếp tục xây dựng, củng cố”, ông Hoàng Văn Trà nhấn mạnh.
Kỷ luật cán bộ rất đau lòng, nhưng phải làm
Tại Hội nghị Trung ương 12 vừa qua của Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương quyết định thống nhất trình lên Đại hội XIII số lượng khoảng 200 Ủy viên Trung ương.
Trong số này, sẽ có khoảng 180 Ủy viên chính thức và 20 dự khuyết. Đồng thời, Ủy viên Bộ Chính trị sẽ giữ như khóa trước, tức từ 17-19 người. Ban Bí thư sẽ bao gồm khoảng từ 12-XIII người.
Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo, trong đó nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tất cả các cán bộ Ban chấp hành Trung ương khóa XIII phải có tầm nhìn chiến lược, có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo, tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân.
“Đặc biệt, phải đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cùng với đó, lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ, cần có số lượng và cơ cấu hợp lý cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Uỷ viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu. Phải bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc giới thiệu nhân sự phải trên cơ sở quy hoạch, giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới.
“Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác sẽ đóng vai trò là căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Đi kèm với đó phải kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tiêu chí lựa chọn cán bộ.
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần phải cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn phá hoại, gây rối nội bộ của các thế lực thù địch.
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, thậm chí có một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Nói về việc kỷ luật cán bộ, thời gian qua, cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Bí thư Trần Quốc Vượng, hay cả Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh, “kỷ luật cán bộ rất đau lòng, nhưng phải làm”.