Bổ sung quyền hạn cho Trưởng BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Quy định số 211-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, vừa được Bộ Chính trị ban hành. Như vậy, so với quy định trước đó là Quy định số 163 (ban hành năm 2013), Quy định 211 cũng có 15 điều, nhưng có thêm một số nội dung quan trọng.
Về chức năng công tác, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo, ngoài việc kế thừa những nội dung của Quy định số 163 cũ, Quy định 211 đã bổ sung thêm thẩm quyền cho Trưởng Ban.
Theo đó, trong trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực tiếp làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Thông qua điều khoản quy định mới này, Trưởng Ban sẽ linh hoạt, chủ động hơn trong công tác. Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn nói trên, Trưởng ban cũng là người lãnh đạo, điều hành hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Trưởng Ban là người chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban cũng chủ trì, định hướng thảo luận, kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Hiện tại, ở Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Trong trường họp đột xuất, khẩn cấp không họp được Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban trực tiếp quyết định và chỉ đạo thực hiện một số công việc cần thiết để đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và báo cáo Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tại phiên họp gần nhất.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cũng được bổ sung thêm nhiệm vụ và quyền hạn
Ngoài ra, Quy định 211 cũng bổ sung một số nội dung mới về nhiệm vụ và quyền hạn của các Phó Trưởng Ban. Theo đó, Phó Trưởng Ban là người giúp Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo phân công của Trưởng Ban.
Phó Trưởng Ban làm việc với cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan; yêu cầu báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để nắm nội dung, tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để kịp thời báo cáo Trưởng Ban.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập từ năm 2013. Hiện Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, với 5 đồng chí Phó Trưởng ban gồm: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo); Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ trưởng Tô Lâm. Cụ thể, ngày 1.2. 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo
Ban Chỉ đạo hiện có 10 ủy viên, trong đó có duy nhất một cán bộ nữ là bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.