Sau Covid-19, Việt Nam lại lo dịch bạch hầu nguy hiểm

Sau Covid-19, đầu tháng 6/2020, Việt Nam ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại Đắk Nông, Kon Tum và một người là quân nhân, nam học viên ở TP.HCM. Đặc biệt, Việt Nam đã có ca tử vong vì dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông.
Sputnik

Dù chưa xác định được nguyên nhân bùng phát và lây nhiễm dịch bạch hầu ở Đắk Nông, tuy nhiên, Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã phối hợp xử lý ngay các ổ dịch tại Đắk Nông, Kon Tum. Tình hình ổ dịch bạch hầu ở Tây Nguyên hiện đã ổn định.

Tuy vậy, một bệnh nhi 13 tuổi mắc bạch hầu ác tính hiện đang trong tình trạng nguy kịch, trong khi đó, nam bệnh nhân 20 tuổi, là quân nhân, mắc bạch hầu ở TP.HCM đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Bùng phát dịch bạch hầu nguy hiểm ở Đắk Nông

Sau khi xuất hiện 3 ổ dịch bạch hầu ở địa phương, trong đó có cả trường hợp tử vong (bệnh nhi Sùng Thị Hoa, 9 tuổi, trú thôn 6, xã Quảng Hòa) do dương tính với vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae hay còn gọi là trực khuẩn Klebs-Löffler), ngành Y tế Đắk Nông đã tổ chức khám sàng lọc cho hàng ngàn người, truy vết những trường hợp có khả năng lây bệnh bạch hầu.

Việt Nam có ca tử vong vì bệnh bạch hầu, cách ly hàng trăm người dân

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, từ đầu tháng 6 tới nay, địa phương ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đăk Sor, huyện Krông Nô và 8 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’long.

Theo đó, ổ bạch hầu đầu tiên khởi phát tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Ngôi nhà May mắn tại huyện Krông Nô khi ba em nhỏ và một người thân của một cháu mắc bệnh.

Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông xác nhận, bệnh nhân tử vong hôm 20/6 vừa qua là cháu Sùng Thị Hoa, 9 tuổi, trú thôn 6, xã Quảng Hòa. Ngày 19/6, bệnh nhân Hoa được gia đình được đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở.

Bệnh nhân sau đó tiếp tục chuyển biến nặng và được chuyển viện đến Bệnh viện Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. Đến sáng 20/6, cháu Hoa tử vong, nguyên nhân do bạch hầu ác tính biến chứng tim.

Không có ca mắc COVID-19 mới, bệnh nhân 91 sẽ sớm được ra viện

Đồng thời, tại xã Quảng Hòa cũng phát hiện thêm 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu là bạn học và hàng xóm của cháu Hoa.

Sang đến ngày 20/6, tại xã Đắk Rmăng, huyện Đắk G’long, bệnh nhân Giàng A. Phủ (13 tuổi) cũng dương tính với vi khuẩn gây bạch hầu. Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông tiến hành khám sàng lọc và phát hiện ông Giàng A. P. (40 tuổi) và cháu Thào A. T. (10 tuổi) cũng mắc bạch hầu.

Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa Nguyễn Tôn Đông Khoa cho hay, bệnh bạch hầu vô cùng nguy hiểm, lây lan nhanh nên chính quyền địa phương luôn sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, tổ chức cấp phát gạo, phun khử trùng hỗ trợ tại điểm có dịch.

Em bé 13 tuổi ở Đắk Nông nguy kịch do biến chứng bạch hầu ác tính

Theo chia sẻ của BS Trần Thị Thúy Minh, trưởng Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tại Đắk Lắk) cho hay đã tiếp nhận và điều trị 6 trường hợp mắc bạch hầu ở Đắk Nông.

Bệnh coronavirus đang bắt đầu bị lầm lẫn với bệnh Dengue

Đến nay đã có 2 người xuất viện, 3 bệnh nhân hiện trong tình trạng ổn định. Riêng bé Giàng A Phủ, 13 tuổi, mắc bạch hầu biến chứng viêm cơ tim hiện đang rất nguy kịch. Các chuyên gia quyết định chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ngày 26/6 để tiếp tục cứu chữa.

BS. Minh cho biết, em Phủ bị bệnh bạch hầu ác tính ngày thứ 9, phải mở khí quản, đặt máy tạo nhịp tim, truyền tiểu cầu.

Theo BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, quyết định chuyển viện được các chuyên gia dịch tễ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đưa ra chiều 25/6. Đoàn chuyên gia đang thị sát ổ dịch bạch hầu ở tỉnh Đắk Nông, hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị các ca bạch hầu.

“Tình trạng bệnh nhi chuyển nặng, mắc bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp, biến chứng loạn nhịp tim nghiêm trọng”, BS Châu cho biết.

Được biết, ngay trong đêm 25/6 các bác sĩ đã đặt máy tạo nhịp tim, áp dụng các biện pháp hỗ trợ tình trạng suy tim cho bệnh nhân. Tình trạng bệnh nhân còn khả năng diễn biến phức tạp, chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM để tiếp tục hồi sức tích cực và theo dõi sát.

Tây Nguyên: Dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue tiếp tục diễn biến phức tạp
Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng đã có báo cáo nhanh ca nhiễm đến Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế. Cơ sở này cũng đề nghị Bộ xem xét hỗ trợ cung cấp đầy đủ thuốc kháng độc tính SAD cho các đơn vị trong thời gian sớm nhất, để công tác điều trị dập dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, hiện BS Huỳnh Trung Triệu, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ở lại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên để trực tiếp hỗ trợ chuyên môn về hồi sức cho các bệnh nhân.

Đến nay, điều nguy hiểm là vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh bạch hầu ở Đắk Nông dù đã ghi nhận 12 trường hợp dương tính, có cả ca đã tử vong. Ba nơi bùng phát các ổ dịch ở xã Đăk R’măng, xã Quảng Hòa, cùng huyện Đăk G’long, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô cơ bản được khoanh vùng, khống chế.

Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra, dập dịch bạch hầu tại Tây Nguyên

Liên quan đến các ca nhiễm bạch hầu đã ghi nhận trên địa bàn, lãnh đạo ngành y tế tỉnh Đắk Nông khẳng định đã thành lập hai đội phản ứng nhanh để lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp tiếp xúc gần với hai trường hợp dương tính vi khuẩn bạch hầu để gửi đi xét nghiệm. Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cũng tiến hành khử khuẩn 100% các hộ gia đình tại xã Quảng Hòa, tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn và Trạm Y tế xã.

Hết corona đến sốt xuất huyết, Việt Nam có nguy cơ dịch chồng dịch?

Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông cũng tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiếp nhận, chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh bạch hầu cho nhóm đối tượng từ 7 đến dưới 40 tuổi.

Sáng 26/6, BS. Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông thông tin cho biết, Bộ Y tế đã tiến hành lập đoàn kiểm tra, dập dịch bạch hầu tại Tây Nguyên.

Theo BS Hà Văn Hùng, hiện tỉnh Đắk Nông cũng đã thành lập đoàn liên ngành, sở cũng tham mưu thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bạch hầu để kịp thời ngăn chặn dịch trên diện rộng.

“Sáng nay đoàn liên ngành của tỉnh sẽ vào kiểm tra thực tế tại các ổ dịch ở xã Quảng Hòa, Đắk Glong cũng như công tác phòng chống dịch ở những nơi khác để có các biện pháp phòng chống hiệu quả”, BS. Hùng cho hay.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông khẳng định ngành y tế đã tổ chức cách ly, điều trị dự phòng cho hơn 1.200 người tại 3 ổ dịch. Những người này không được rời khỏi địa phương, mọi giao dịch thực hiện tại chốt cách ly. Các nhân viên y tế đã phun hóa chất khử trùng tại các khu dân cư, khu vực công cộng nơi xuất hiện ổ dịch.

Thông tin về những biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, ông Hùng cho biết hiện nay là tăng cường tẩy trùng, khử độc tại các địa phương có dịch cũng như các địa bàn lân cận, các cụm dân cư có người dân tộc M’Nông sinh sống để truy tìm nguồn lây.

Sau corona, Việt Nam đối mặt với virus Zika cực kỳ nguy hiểm do muỗi đốt

Đồng thời, ngoài việc phun hóa chất khử trùng, tiêu độc tại các địa phương có ổ dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cũng cho biết, ngành y tế tỉnh cũng tiến hành lấy mẫu đi xét nghiệm. Bên cạnh đó, tại tất cả các cụm dân cư tại Đắk Glong và Krông Nô đang được tầm soát để ngăn chặn bệnh lây lan.

Theo BS. Hà Văn Hùng đến sáng 26/6, số ca dương tính với bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh là 12 người, trong đó có 1 bé gái tử vong, số còn lại đã và đang điều trị. Có 20 người tại 3 ổ dịch nghi ngờ có khả năng nhiễm bạch hầu đang được theo dõi, điều trị cách ly tại các bệnh viện.

“Sở cũng đã lấy mẫu gần 750 người tại 3 ổ dịch và đến nay số dương tính vẫn 12, âm tính 550 người và còn 182 mẫu đang chờ kết quả”, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông nhấn mạnh.

Ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã rà soát toàn bộ cộng đồng người M’Nông sống trên địa bàn và từ ngày 25/6 tổ chức khám sàng lọc chủ động. Qua thăm khám, những trường hợp nào nghi ngờ thì lấy mẫu đi xét nghiệm và điều trị dự phòng.

“Chúng tôi đi trước một bước, không đợi đến khi phát hiện ca bệnh bạch hầu mới tới chống dịch. Ba ổ dịch kia đã khống chế tương đối nên ngành y tế tung lực lượng đi sàng lọc để ngăn chặn trước”, BS. Hùng cho hay.

Thực tế những năm qua, bệnh bạch hầu vẫn xảy ra rải rác ở những khu vực mà tỉ lệ tiêm chủng còn thấp. Ở Đắk Nông, bệnh chủ yếu xảy ra ở đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông. Cộng đồng dân cư này hưởng ứng việc tiêm chủng thấp. Do đó, ngành y tế đang triển khai tiêm vắc-xin bổ sung phòng chống bạch hầu để ngăn chặn dịch lâu dài.

“Tại các địa phương khác, thực tế ngành y tế chưa đủ nhân lực để khám sàng lọc, kiểm tra. Tuy nhiên, tất cả các địa phương đều có các trạm y tế nên đơn vị cũng yêu cầu các địa phương tổ chức sàng lọc, kiểm tra để ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng”, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông nhấn mạnh.
Kon Tum khống chế thành công 5 ổ dịch bạch hầu

Sáng 26/6, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum Nguyễn Lộc Vương cho biết, đến hôm nay, toàn bộ 5 ổ dịch bạch hầu tại thành phố Kon Tum, các huyện Đắk Hà, Đắk Tô, Sa Thầy đã được ngành Y tế tỉnh khống chế thành công. Ngành chức năng đã triển khai các bước tiếp theo để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Đây là lý do Việt Nam chưa thể công bố hết dịch Covid-19

Cụ thể, 5 ổ dịch bạch hầu xuất hiện tại thành phố Kon Tum, huyện Đắk Hà, Đắk Tô, Sa Thầy từ đầu năm đến nay và đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm bệnh. Cá biệt, có trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu nhưng chưa phát bệnh.

Các ổ dịch xuất hiện từ cuối tháng 1/2020 đến giữa tháng 6/2020, với triệu chứng ban đầu của người bệnh đều sốt, viêm họng, viêm Amidal, họng nhiều giả mạc. Ngay sau khi phát hiện, các ca bệnh đều được điều tra tiền sử tiêm chủng và tiến hành cách ly, điều trị tích cực. Đến nay, các ca bệnh đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã tiến hành điều tra, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để điều trị dự phòng và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.

“Đối với vùng dịch, ngành Y tế triển khai các biện pháp như hạn chế đi lại; cho uống kháng sinh Erythromycin để điều trị dự phòng, tổ chức vệ sinh và xử lý môi trường bằng Chloramin B, truyền thông theo nhóm về tác dụng, lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Đồng thời, đơn vị chức năng tổ chức rà soát, tiêm vét, tiêm nhắc vắc-xin cho trẻ em từ 2 đến 18 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi và trẻ từ 18 đến 48 tháng tuổi chưa được tiêm”, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết.

Riêng ổ dịch ở Sa Thầy, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã tổ chức tiêm vắc-xin Td chống dịch. Tại ổ dịch Đăk Tô, các đối tượng 7-35 tuổi tại xã Đăk Rơ Nga được tiêm vắc-xin Td đợt 1 đạt 88,6%.

Trong khi đó, các ổ dịch tại thành phố Kon Tum và huyện Đắk Hà đang được ngành Y tế tỉnh làm tờ trình gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xin vắc-xin và vật tư tiêm chủng nhằm triển khai tiêm chống dịch.

Bài học từ Bắc Kinh: Việt Nam có nên công bố hết dịch Covid-19?

Ông Nguyễn Lộc Vương cũng khẳng định, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, máy, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng theo nhu cầu phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin Td cho các đối tượng 7-25 tuổi tại các xã có ca bệnh, đảm bảo chiến dịch đạt trên 95%. Trung tâm đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nam học viên mắc bạch hầu ở TP.HCM đã xét nghiệm âm tính

Tối ngày 25/6, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM BS. Nguyễn Trí Dũng xác nhận về trường hợp quân nhân mắc bệnh bạch hầu, hiện đang điều trị ở Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng.

“Bệnh nhân này là quân nhân, mắc bệnh trong trường, môi trường quân nhân chứ không phải xảy ra ở cộng đồng”, BS. Nguyễn Trí Dũng cho biết.

Đây là nam học viên, 20 tuổi, sau khi được xác định dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, bệnh nhân đã được chuyển đến cách ly và điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM, thuộc Bộ Quốc phòng.

Một khách du lịch trở về từ Trung Quốc nhiễm Covid-19

9 ngày trước, nam quân nhân này được chuyển đến bệnh viện Quân Y trong tình trạng sốt, đau họng, sưng to vùng hàm và hạch cổ. Kết quả xét nghiệm  Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả dương tính bệnh bạch hầu.

Đồng thời, ngay sau khi xác định bệnh nhân mắc bạch hầu, bệnh viện này đã nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng khoanh vùng khử khuẩn và điều tra dịch tễ.

Cơ quan chức năng xác định được 16 người tiếp xúc gần với bệnh nhân nam này ở nơi học tập, sinh hoạt. Tất cả đã được cách ly, xét nghiệm âm tính và uống thuốc điều trị dự phòng.

Sang ngày 26/6, đại diện Bệnh viện Quân y 175 thông tin cho biết, sau thời gian điều trị, bệnh nhân này đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu.

“Sau 9 ngày nhập viện và điều trị, bệnh nhân đã hết sốt, hết đau họng, hết sưng hạch cổ, sức khỏe ổn định, kết quả xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân có thể xuất viện trong ba ngày tới”, đại diện BV Quân Y 175 TP.HCM nhấn mạnh.

Về nguyên nhân dịch bạch hầu xuất hiện ở một số khu vực tại Tây Nguyên, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu ở một số khu vực tại Tây Nguyên chỉ 48-52%, là nguyên nhân khiến dịch bùng phát.

Phát hiện một thuyền viên dương tính với Covid-19

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc để phòng bệnh. Ngoài ra, cần giữ nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bạch hầu, người bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Người dân trong phạm vi ổ dịch phải uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin theo chỉ định của cơ quan y tế.

Thảo luận