Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á này. Đặc biệt, mặc kệ tình hình dịch bệnh do coronavirus (Covid-19) còn phức tạp, Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu.
Việt Nam lọt top 10 nền kinh tế lớn nhất khu vực vào 2050?
Sáng nay 30/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA”.
Hội nghị do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đồng chủ trì.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, nửa đầu năm 2020, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 3893 trên tổng số 6191 điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Ngoài ra, 6.776 trên tổng số 9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 trên tổng số 120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành cũng được lược bỏ. Qua đó, tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp bày tỏ hài lòng với việc cắt giảm thủ tục hành chính, cũng như việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Sauhơn 6 tháng hoạt động Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến (tăng 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với 3 tháng trước).
Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm hơn 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Về phần mình, ông Nicolas Audier nhận định, sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, một trong những yếu tố hàng đầu là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý.
Theo ông, nhà chức trách Việt Nam, EU và các doanh nghiệp cần có thêm những biện pháp bảo đảm tính hiệu quả thực thi, trong đó có việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp của EVFTA để nghiên cứu, giải quyết những thách thức đặt ra trong quá trình triển khai và phối hợp giải quyết.
Ông Nicolas Audier cũng cho rằng, Việt Nam đang có “cơ hội vàng” để tận dụng và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) từ EU, các doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, giàu tính cạnh trạnh và môi trường thân thiện, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước đang phải tập trung đối phó với đại dịch Covid-19.
“Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA nhằm thu hút FDI từ các công ty châu Âu đang muốn tìm kiếm thị trường mở cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp. Nếu Chính phủ Việt Nam xem xét những kiến nghị được nêu trong Sách Trắng của EuroCham, nhiều công ty châu Âu sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong tương lai”, ông Audier nêu rõ.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước. Nhờ vậy, đất nước Đông Nam Á này đã và đang trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Với chi phí kinh doanh thấp, sở hữu một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu phát triển và môi trường thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn FDI.
Eurocham nêu quan điểm, trong vài thập kỷ tới, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm ước tính là 5% trong giai đoạn 2014 đến 2050.
Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và xuất khẩu mạnh nhờ vào dòng vốn FDI. Tất cả những yếu tố đó sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và thứ 10 châu Á vào năm 2050.
Mặc dù vậy, trên thực tế, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam hiện đứng thứ 70 trong số 190 quốc gia trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng Mức độ Dễ dàng Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2020, giảm một bậc so với năm 2019. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 5 nhưng khoảng cách còn khá xa so với Thái Lan, Malaysia.
Chính sách hiện hành của Việt Nam còn gây rào cản khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các vấn đề nhiều bộ ngành và địa phương cùng quản lý, có hướng dẫn không nhất quán. Sắp tới, sẽ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 20% thủ tục hành chính nữa, ngăn chặn việc ban hành quy định mới là rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Để hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ, nêu lên các khó khăn vướng mắc hiện gây cản trở lớn với phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, các rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phía Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính sẽ tổng hợp quá trình đối thoại để hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Mặc kệ Covid-19, Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, đại dịch do coronavirus vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt, tại các nước là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu, kim ngạch thương mại song phương, đa phương.
Nhận định, trong điều kiện hiện nay, xuất/nhập khẩu vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng với nền kinh tế, Tổng Cục Thống kê cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng Cục Thống kê thông tin các chỉ số về kim ngạch xuất/nhập khẩu, xuất siêu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 này của Việt Nam với nhiều điểm đáng chú ý.
Về xuất/nhập khẩu và xuất siêu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm nay đạt 2 kết quả nổi bật. Điểm nổi bật thứ nhất là xuất siêu. Xuất siêu cao hơn cùng kỳ năm trước cả về mức tuyệt đối (4,04 triệu USD so với 1,77 triệu USD), cả về tỷ lệ xuất siêu so với kim ngạch xuất khẩu (3,3% so với 1,4%).
Tổng Cục Thống kê đánh giá, xuất siêu đạt được do nhiều yếu tố. Nhìn tổng quát, kim ngạch xuất khẩu lớn hơn kim ngạch nhập khẩu (121,21 triệu USD so với 117,17 triệu USD), so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu (giảm 1,1%, hay giảm 1,35 tỷ USD, so với giảm 3% hay giảm 3,62 tỷ USD).
Theo khu vực, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) tiếp tục xuất siêu lớn cả về mức kim ngạch tuyệt đối (14208 triệu USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (17,8%)- chẳng những bù đắp được cho phần nhập siêu của khu vực trong nước, mà còn giúp cho cả nước xuất siêu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo nhóm/mặt hàng, trong 35 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu được thống kê chi tiết so với cùng kỳ năm trước có 13 mặt hàng tăng, trong đó một số mặt hàng có mức tăng lớn (trên 100 triệu USD), lớn nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, tiếp đến là đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, gạo, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, Dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, giấy và sản phẩm từ giấy.
Đặc biệt, Tổng Cục Thống kê cho hay, nới qua một nửa thời gian đã có 22 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD (lớn nhất là Điện thoại và linh kiện, tiếp đến là Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Dệt may, Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, Giày dép).
Bên cạnh đó, có 4 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 21,5 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,3 tỷ USD, tăng 24,2%, hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25,2%.
Tổng Cục Thống kê nhấn mạnh, về cơ bản, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó, điện thoại và linh kiện chiếm 91,7%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 70,4%, giày dép chiếm 77,8%, hàng dệt may 58%.
Trong khi đó, trong 36 mặt hàng nhập khẩu có thống kê chi tiết so với cùng kỳ năm trước, có 24 mặt hàng bị giảm, trong đó giảm sâu (trên 100 triệu USD) có 17, đặc biệt có 4 mặt hàng giảm trên 500 triệu USD (Xăng dầu, Vải, Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, Sắt thép, Ô tô nguyên chiếc).
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo báo cáo, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, thị trường EU, thị trường ASEAN...
Ở chiều xuất khẩu, trong 6 tháng qua, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,55 tỷ USD, tăng 0,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,62 tỷ USD, giảm 5,4%.
Cũng theo thị trường xuất khẩu, trong 85 thị trường chủ yếu có thống kê chi tiết trong 5 tháng xuất khẩu tăng có 25, mức tăng khá (trên 100 triệu USD) có 5 thị trường (Trung Quốc, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, Mehico).
Mới qua 5 tháng, đã có 25 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 thị trường đạt trên 3 tỷ USD (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông).
Trong 85 thị trường chủ yếu trong 5 tháng, Việt Nam xuất siêu 53, trong đó xuất siêu trên 1 tỷ USD có 9 (Mỹ, Hồng Kông, Hà Lan, Anh, Đức, Campuchia, Canada, Áo, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất).
Điểm nổi bật thứ hai là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước khá cao, lên đến 11,7%. Nhờ đó, tỷ trọng của khu vực này trong tổng số 6 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ (34,1% so với 30,2%). Cũng nhờ vậy mà khu vực này tuy vẫn còn nhập siêu lớn, nhưng so với cùng kỳ năm trước đã giảm cả về mức tuyệt đối (10170 triệu USD so với 14453 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (24,5% so với 39,0%).
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 6 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 109,5 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.
Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,7 tỷ USD), trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,2 tỷ USD
“Việc xuất siêu đã có tác động tích cực về nhiều mặt. Trực tiếp nhất là góp phần cải thiện cán cân thanh toán, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá VND/USD (sau 6 tháng tăng 0,47%, bình quân 6 tháng tăng 0,12% so với cùng kỳ)”, Tổng Cục Thống kê đánh giá.