Các công ty chạy khỏi Trung Quốc: Liệu Việt Nam có chiến thắng cuộc đua đón “đại bàng”?

Liệu Việt Nam có thành công và chiến thắng trong cuộc đua đón làn sóng chuyển dich sản xuất từ Trung Quốc? Nhà cung ứng của Apple, Foxconn, Panasonic, LG hay nhiều gã khổng lồ công nghệ toàn cầu đang gấp rút rời khỏi Trung Quốc và có kế hoạch mở rộng đầu tư, xây dựng chuỗi sản xuất ở Việt Nam hậu Covid-19.
Sputnik

Theo Bộ Công thương, việc kiểm soát thành công đại dịch do coronavirus (Covid-19), đây là động lực quan trọng để Việt Nam thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài sau đại dịch.

Các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư và theo như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giới đầu tư đều bày tỏ tin tưởng Việt Nam, coi Hà Nội là điểm đến an toàn, do đó, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một sự thật rằng, ngoài Việt Nam, còn Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và loạt quốc gia cố dành lấy lợi thế cho riêng mình. Điển hình, như trong một báo cáo mới đây của JLL khi phân tích về chính sách thu hút đầu tư trong giai đoạn bình thường mới, Việt Nam không phải điểm đến hấp dẫn nhất.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc

Để tránh thành ‘con tốt’ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, những căng thẳng đối đầu trong quan hệ Bắc Kinh- Washington, nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài đang đau đầu với kế hoạch rời bỏ Trung Quốc, đi tìm miền đất hứa. Việt Nam chính là một trong những quốc gia tiềm năng nhất ‘vào tầm ngắm’ của giới đầu tư.

Chuyển sản xuất sang Việt Nam: những ưu điểm rõ ràng và những nhược điểm tiềm ẩn

Làn sóng chuyển dịch sản xuất đã bắt đầu từ lâu. Chuyện nhiều công ty nước ngoài muốn chuyển một phần hay toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi lãnh thổ Trung Quốc để tránh bị ảnh hưởng bởi xung đột thương mại Mỹ -Trung và chủ động nguồn cung ứng, tránh phụ thuộc vào Đại lục không phải điều gì quá mới mẻ.

Thời gian qua, xuất hiện hàng loạt thông tin liên quan đến việc các gã khổng lồ công nghệ hay giới đầu tư nước ngoài đang xem xét kế hoạch dịch chuyển sản xuất, tìm đến những quốc gia năng động, an toàn hơn nhằm thay thế công xưởng toàn cầu Trung Quốc.

Hàng loạt ứng cử viên trong cuộc đua gay go này được giới đầu tư nhắm đến như Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Trong đó, Việt Nam được nhận định là có lợi thế rất lớn và là ngôi sao sáng thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) khi nhanh chóng kiểm soát thành công đại dịch coronavirus, mở cửa và khôi phục mọi hoạt động kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Theo Reuters, Tập đoàn công nghệ Foxconn (Đài Loan) mới đây thông báo cho biết, họ có kế hoạch chi 1 tỷ USD mở rộng nhà máy ở Ấn Độ để lắp ráp iPhone cho Hãng Apple (Mỹ). Động thái này nằm trong kế hoạch của Apple về việc âm thầm chuyển dần khỏi Trung Quốc do xung đột thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19.

Đồng thời, theo Bloomberg, hàng chục công ty sẽ nhận được khoản trợ cấp để chuyển từ Trung Quốc về Nhật hay các nước khác, trong đó có 30 công ty sẽ được trợ cấp để chuyển cơ sở sản xuất đến các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Myanmar và Thái Lan.

Quá trình chuyển dời sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang tăng tốc

Trong khi đó, Nikkei cho hay, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chi ít nhất 70 tỷ yen (15.197 tỷ đồng) cho các công ty Nhật chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và giảm lệ thuộc vào nước này.

Khảo sát mới đây được Công ty nghiên cứu và Dịch vụ Gartner Mỹ công bố cho thấy xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc là vô cùng rõ rệt. Theo đó, có 33% các công ty được hỏi xác nhận đã di rời hoặc đã lên kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc trong vòng 3 năm tới đây.

Khảo sát của Gartner có sự tham gia của 260 đại diện doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về sản phẩm công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, thực phẩm, chế tạp máy vv…Nhiều gã khổng lồ, chủ các công ty bắt đầu tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam, Ấn Độ và Mexico.

FDI đang được mở rộng tại Việt Nam. Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, năm nay quốc gia Đông Nam Á này cũng đón đón nhiều khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Singapore.

Việt Nam chuẩn bị đón làn sóng đầu tư của nhiều tập đoàn lớn?

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2020 cũng như giải pháp thực hiện trong thời gian tới của Bộ Công thương Việt Nam cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Samsung chuyển sản xuất điện thoại từ Hàn Quốc sang Việt Nam

Nhưng trong cuộc đua đón làn sóng chuyển dịch này, Việt Nam cần phát huy lợi thế của riêng mình cũng nhiều giải pháp hợp lý và chủ động đón nhận cơ hội, đón các “đại bàng” đến làm tổ.

Thực tế, kể từ năm 2019, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, các công ty đa quốc gia đã rục rịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung nguyên liệu. Sang đến năm 2020, dịch Covid-19 được xem như một cú hích cho làn sóng này diễn ra nhanh hơn. Trong khi đó, việc kiềm soát tốt dịch Covid-19 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này.

“Xác định việc sớm kiềm chế được dịch Covid-19 là cơ hội vàng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế“, Bộ Công thương nêu rõ.

Theo Bộ Công thương, với việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.

Samsung, LG, Panasonic, Foxconn- nhà cung ứng linh kiện cho Apple được nhắc tới trong báo cáo của Bộ Công thương.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn đón làn sóng đầu tư này”, Bộ Công Thương khẳng định.

Điển hình như với LG, LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng thậm chí đã đề xuất điều chỉnh địa giới khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, gắn liền mở rộng khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3 với diện tích 687 ha. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh, mục đích xin mở rộng khu công nghiệp này để thu hút Tập đoàn LG (Hàn Quốc) mở rộng quy mô tại đây.

Ngoài LG, theo Bộ Công Thương, Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị tiếp nhận dây chuyền sản xuất tủ lạnh, máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan, vào đầu tháng 9 tới. Hay Apple cũng gia tăng sản xuất 3-4 triệu chiếc tai nghe AirPods trong quý II, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods của hãng trên toàn thế giới thông qua Foxconn - nhà cung ứng của Tập đoàn này ở Việt Nam.

Việt Nam trong cuộc đua trở thành công xưởng mới của thế giới

Ba dự án nhà ở xã hội của Foxconn dự tính xây tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Trong đó, dự án tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có quy mô lớn nhất với 16,7 ha, vốn đầu tư 3.422 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD). Hai dự án còn lại ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có quy mô 6,3 ha, vốn đầu tư 2.925 tỷ đồng (hơn 125 triệu USD) và ở Vĩnh Phúc có quy mô 9,9 ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

“Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới”, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Nhằm hạn chế tối đa các khó khăn, vướng mắc và tận dụng được cơ hội từ việc chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn đến Việt Nam, Bộ Công Thương cũng có nhiều để xuất như phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước.

Bộ Công thương tham mưu, đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.

“Phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực”, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Chỉ một Hiệp định lịch sử, Việt Nam thu về hàng chục tỷ USD?

Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ, tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ và hiện đại, đồng thời, nâng cấp thị trường và công cụ tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong nước để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đón nhận các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam ở đâu trong cuộc đua đón làn sóng chuyển dịch sản xuất?

Tuy nhiên, cũng phải chấp nhận một sự thật, ngoài Việt Nam còn rất nhiều đối thủ nặng ký khác muốn giành lấy miếng bánh béo bở này.

Việt Nam có thể thay Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới?

Theo Giáo sư Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ trước đó, không chỉ có Việt Nam mà còn nhiều nước khác ở Châu Á cũng đang tham gia vào đường đua này.

Trong thực tế, các nước Đông Nam Á và đặc biệt là Ấn Độ đã sớm đưa ra nhiều chính sách để thu hút dòng vốn nước ngoài. Hồi tháng 4, Ấn Độ tung ra một loạt chính sách ưu đãi nhằm lôi kéo hơn 1.000 công ty Mỹ rời Trung Quốc.

Các doanh nghiệp được ưu tiên bao gồm các hãng cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi. New Delhi thuyết phục các doanh nghiệp rằng dù tổng chi phí cao hơn Trung Quốc, họ vẫn còn rẻ hơn Mỹ hay Nhật Bản nếu xét về đất đai và lao động lành nghề. Chính phủ nước này cũng cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động, hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử...

Trong khi đó, Thái Lan cũng tung ra một loạt chính sách thu hút đầu tư mới gồm các biện pháp về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài.

Malaysia giữa năm ngoái đã đưa ra một chương trình hỗ trợ đầu tư quy mô 1 tỷ ringgit (khoảng 240 triệu USD) nhằm hỗ trợ thuế, tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài chọn nước này là điểm đến.

Trong một báo cáo mới đây của JLL khi phân tích về chính sách thu hút đầu tư trong “giai đoạn bình thường mới” cũng nhận định, Việt Nam không phải điểm đến hấp dẫn nhất.

Tổng giám đốc JLL Việt Nam Stephen Wyatt phân tích, hiện mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nước này cũng cao hơn. Lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc thậm chí còn cao hơn dân số Việt Nam. Ngoài ra, một lượng lớn các ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc.

Trong khi đó, không phải lĩnh vực sản xuất nào của Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận thời cơ. Chẳng hạn như công nghiệp hỗ trợ, ngành này được dự báo "đón nhận ít thông tin lạc quan từ thời cơ mới".

Tránh xa Trung Quốc: Nhà đầu tư Mỹ-Châu Âu thích Việt Nam hơn

Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Trương Thị Chí Bình chia sẻ trên VnExpress cho rằng, Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu việc chuyển giao. Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia có lợi thế hơn hẳn.

Nguyên do của việc này là bởi, quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ, trung bình dưới 200 lao động, dây chuyền, máy móc ít... nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời. Chỉ có số ít công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi đó, khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn, sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.

Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, cần nhiều doanh nghiệp đảm trách các khâu. Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại, đối với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan, Trung Quốc gia công rồi gửi về. Điều này càng đẩy chi phí cao thêm.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là ngay cả khi đạt chất lượng, chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc.

“Nếu so với các hỗ trợ mà công nghiệp hỗ trợ ngành chế tạo được chính phủ các nước áp dụng thì doanh nghiệp Việt Nam quá thiệt thòi”, bà Bình cho hay.

Về mặt pháp lý, Việt Nam đã có nhiều chính sách thay đổi trong thời gian qua. Nghị quyết 50 về thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới đã được thông qua, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách mới để thu hút vốn FDI “sạch”, công nghệ cao trong bối cảnh mới.

Đại dịch coronavirus khiến một nửa doanh nghiệp Việt Nam bị phá sản?
Giáo sư Nguyễn Mại nhận định, Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa nếu muốn tạo thế cân bằng với các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng ý với ý kiến này, cho rằng Việt Nam phải “chủ động tiến công vào chuỗi cung ứng mới, chứ không phải chỉ chờ họ tìm đến chúng ta để hình thành chuỗi giá trị”.

Để tối ưu hóa cơ hội trước mắt, ông Nguyễn Mại cho rằng, Chính phủ cần cải thiện hạ tầng đất đai, công nghệ, nhân lực. Các thủ tục đầu tư phải được đơn giản hoá, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép. Cuối cùng là hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa.

Trong khi đó, theo ông Lộc, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất để Việt Nam đón nhận cơ hội này. Theo đó, mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3, 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN cần "kiên định hiện thực hoá và coi đó là thước đo đánh giá hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở các ngành, địa phương".

Bên cạnh việc đẩy nhanh chính sách thông thoáng thu hút vốn FDI, Chính phủ cũng cần quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa. Cần có các chính sách kích cầu tiêu dùng, ngành công nghiệp nội địa phát triển, tránh sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nước ngoài và gặp trở ngại khi đứt gãy mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng.

Bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ đón bắt được thời cơ dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, Chính phủ cần tiếp cận để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia này đang có ý định dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang thị trường thứ ba.

Đối tác của Apple chọn Việt Nam

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp, liên danh công nghiệp hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất (industrial cluster), hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới.

“Cần xây dựng các chương trình hiệu quả khuyến khích hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo”, bà Bình đề xuất.

Liệu Việt Nam có đón thành công làn sóng chuyển dich sản xuất từ Trung Quốc? Câu hỏi còn cần thời gian và rất nhiều yếu tố khác để trả lời. Nhưng điều quan trọng nhất là chính phủ Việt Nam đã bắt đầu hành động, thậm chí là rất quyết liệt và kiên trì để dành nhiều lợi thế nhất có thể nhằm phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất của đất nước, hướng đến một Việt Nam hùng cường, quốc gia công nghiệp trong thời gian tới.

Thảo luận