Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu. Chính phủ cần có những biện pháp giảm đau – hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, trong khi đó, về phần mình, VCCI cho rằng, các đơn vị sản xuất cũng phải tự cứu lấy mình trong giai đoạn hiện nay.
Covid-19 khiến một nửa doanh nghiệp Việt Nam phá sản?
Trước thềm Hội nghị trực tuyến của Chính phủ Việt Nam với tất cả các địa phương nhằm thảo luận tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm thiểu thiệt hại và tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh do coronavirus (Covid-19) bùng phát nghiêm trọng, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một số đánh giá về tình hình kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến vừa phải đẩy lùi đại dịch SARS-CoV-2, vừa phải đảm bảo mục tiêu sinh tồn, duy trì và tăng trưởng sản xuất.
Theo nghiên cứu của VCCI và nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu. Dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp.
Cụ thể, báo cáo của VCCI trình lên Thủ tướng về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp Việt Nam cho biết, tình trạng dịch Covid-19 đã gây nên sự suy giảm của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2020 kéo theo gần 35.000 doanh nghiệp không còn góp mặt trong quý I năm nay. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay, theo đánh giá của VCCI.
“Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới”, báo cáo của VCCI nêu rõ.
VCCI cho biết thêm, gần 85% doanh nghiệp cho biết thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp; 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Trong khi đó, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% cho rằng doanh thu của họ sẽ sụt giảm so với 2019.
Theo nhận định của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Theo khảo sát của VCCI, trong bối cảnh dịch bệnh hiên nay, chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động, hơn 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% phải giảm tới một nửa quy mô lao động so với hiện nay. Điều này sẽ khiến hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc trong thời gian sắp tới.
“Chưa ai dự báo lúc nào dịch bệnh qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc. Khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhận xét.
Doanh nghiệp hy sinh thầm lặng, cố bảo vệ người lao động giữa đại dịch
“73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các doanh nghiệp nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động”, báo cáo khẳng định.
Đồng thời cũng theo VCCI, trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà.
Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.
“Nhiều doanh nghiệp đang là những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến này để có thể duy trì sản xuất kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp đang là một chiến sĩ trong công cuộc chống dịch. Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
VCCI hiến kế hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiệt hại vì Covid-19
Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ cần bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
“VCCI đề nghị Chính phủ bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này phục vụ đời sống nhân dân, ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa”, báo cáo cho biết.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, các địa phương đang hiểu chưa đúng dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhiều địa phương đưa ra quy định không cho phép lưu thông hàng hóa, nguyên liệu, thậm chí đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, đình chỉ thi công công trường xây dựng.
Ông Lộc đề nghị thêm, cần cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế giá trị gia tăng VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn. Ngoài việc thực hiện giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí, đề nghị có các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này thuộc chức năng của Chính phủ.
Chủ tịch VCCI cho rằng, Chính phủ cần trình Quốc hội ngay đầu kỳ họp giữa năm các biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đề nghị giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất cho các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
“Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ngay đầu kỳ họp giữa năm các biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị giảm sâu thêm lãi suất xuống khoảng 4-5% đối với khoản vay VND và 2-3% với khoản vay USD cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau. Liên quan đến logistics, cơ quan này đề xuất giảm một nửa phí cảng biển, giãn thời gian thu phí để giảm chi phí BOT.
VCCI cũng đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp để giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp, trong đó có việc không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021 và đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020.
Bên cạnh chính sách từ phía nhà nước, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng các doanh nghiệp cũng phải tự cứu lấy mình. Theo đó, doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng hiệu quả hơn, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số và hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đào tạo lại nhân viên, tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và địa phương, phát triển thị trường nội bộ và hợp tác với nhau vươn ra thị trường thế giới.
“Chuẩn bị tích cực các nền tảng cho giai đoạn phát triển bền vững sau đại dịch và nền tảng quan trọng nhất là ý chí và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân”, Chủ tịch VCCI khẳng định.