Trong suốt những năm chiến tranh, những sự kiện diễn ra trên các mặt trận đều liên quan trực tiếp đến vận mệnh của Việt Nam, nước đang bị chính quyền thực dân Pháp Vichy chiếm đóng cùng với nước Đức Hitler và quân phiệt Nhật tràn vào Đông Dương. Những người yêu nước Việt Nam đã nhận thức rõ rằng, việc giành được tự do và độc lập của Tổ quốc liên quan trực tiếp đến các chiến dịch quân sự thành công của quân Đồng minh, và trên hết là của Liên Xô đang chiến đấu chống lại phát xít Đức và quân phiệt Nhật Bản.
Các thắng lợi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán
Và ở đây không thể không nhắc đến hai lời tiên tri chính xác của Hồ Chí Minh. Vào mùa thu năm 1941, khi quân đội phát xít Đức tiến sát Mátxcơva trong phạm vi khoảng 20 km, ông đã nói rằng, chiến tranh sẽ kết thúc với chiến thắng của Liên Xô, điều này sẽ xảy ra vào năm 1945, và cùng năm đó sẽ là thời điểm Việt Nam giành được tự do và độc lập.
Lật trang báo chí cách mạng Việt Nam
Vào tháng 10 năm 1942 tờ báo “Cờ giải phóng” đã viết: “Liên Xô sẽ giành chiến thắng, mặc dù một phần lãnh thổ của họ đang bị nước Đức Quốc xã chiếm đóng, bởi vì Liên Xô đoàn kết toàn dân chiến đấu để đánh bại kẻ thù”.
Điều quan trọng là bài báo này đã được viết vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất đối với đất nước Xô viết trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
Những người yêu nước Việt Nam tin chắc rằng, chiến thắng của Liên Xô đã được định trước bởi vì người dân của nước này đang chiến đấu không chỉ vì lợi ích của mình. Tờ báo “Cờ giải phóng” đã viết: "Liên bang Xô Viết đang chiến đấu vì lợi ích của toàn nhân loại, vì tất cả các dân tộc đang rên xiết dưới gót sắt của bè lũ phát xít. Chúng tôi không ngần ngại tuyên bố rằng, những người lính Hồng quân đang chiến đấu vì các dân tộc Đông Dương. Chúng ta phải hỗ trợ Liên Xô trong cuộc đấu tranh này! Nếu lính Đông Dương được phát xít Pháp hay Nhật cử sang đánh Liên Xô, thì phải về phe Hồng quân!"
Về mặt này, cần phải nhắc nhở rằng, có cả những chiến sĩ Việt Nam tình nguyện tham gia các đơn vị Hồng quân ra mặt trận chiến đấu năm 1941: họ đã tham gia chiến dịch bảo vệ Matxcơva và cuộc phản công sau đó của Hồng quân, các chiến sĩ người Việt được truy tặng huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất của Liên Xô.
Vào tháng 11 năm 1942, tờ báo “Chiến đấu” đã viết: “Hồng quân đang chiến đấu chống lại kẻ thù của chúng ta. Nếu phát xít Đức và Ý bị đánh bại, thì Nhật và Pháp cũng sẽ thất bại. Chỉ có chiến thắng của Liên Xô mới có thể tạo cơ sở để hy vọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Ngày 30 tháng 4 năm 1945, những người lính Liên Xô đã cắm Lá cờ Chiến thắng trên tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin. Một sự trùng hợp mang tính biểu tượng: cùng ngày đó, chỉ 30 năm sau, các chiến sĩ Việt Nam đã cắm Lá cờ Chiến thắng trên nóc phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn.
Ngày 8 và 9 tháng 5 năm 1945, phát xít Đức đã ký văn bản đầu hàng hoàn toàn và vô điều kiện. Vài ngày sau, tờ báo “Cờ giải phóng” đã viết: "Chúng tôi tin chắc rằng, sau khi đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức, Liên Xô sẽ điều động lực lượng của mình để đánh bại Nhật Bản. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh khởi nghĩa vũ trang! Hãy để chủ nghĩa anh hùng của những người lính Liên Xô trở thành tấm gương cho chúng ta!"
Đánh bại quân đội Kwantung Nhật Bản
Và đây là dự báo đúng hoàn toàn. Vào đêm nay 8/8 rạng sáng ngày 9/8, quân đội Liên Xô đã mở cuộc tấn công vào tập đoàn quân chủ lực của Nhật Bản trên mặt trận dài khoảng năm nghìn km. Tập đoàn quân Kwantung gồm một triệu người đóng ở Đông Bắc Trung Quốc và Triều Tiên. Hồng quân đã lên kế hoạch bao vây kẻ thù trên diện tích một triệu rưỡi km vuông. Vào ngày 9 tháng 8, tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Tối cao, Thủ tướng Nhật Bản Suzuki đã tuyên bố: "Việc Liên Xô tham chiến khiến chúng ta rơi vào tình thế tuyệt vọng và chúng ta không thể tiếp tục chiến tranh".
Ngày 12 tháng 8, Hồng quân chọc thủng mặt trận quân Nhật trên tất cả các hướng. Vào ngày 16 tháng 8, người chỉ huy quân đội Kwantung, tướng Otozo Yamada đã ra lệnh đầu hàng. Ngày 19 tháng 8, lính Nhật bắt đầu đầu hàng hầu như khắp nơi. Theo số liệu của Liên Xô, 84 nghìn lính Nhật Bản đã thương vong, khoảng 600 nghìn người bị bắt làm tù binh.
Ông Phạm Văn Hảo, cán bộ lão thành cách mạng, kể lại rằng, khi ông đang viết một bài cho tờ báo “Cứu Quốc”, nhà thơ Xuân Thủy chạy vào phòng để đưa tin vui: “Hồng quân giành được thắng lợi! Người Nhật đầu hàng! Chúng ta cần phải khẩn trương phát hành số đặc biệt! Niềm hạnh phúc tràn đầy, anh em ta cùng hát ca!”, - ông Phạm Văn Hảo hồi tưởng lại.
Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô là thời cơ của Cách mạng Việt Nam
Các lực lượng yêu nước Việt Nam đã khéo léo và kịp thời tận dụng thời cơ thuận lợi do chiến thắng của quân đội Liên Xô tạo ra.
Đầu tháng 6, Hội nghị cán bộ đã thông qua quyết định thành lập chiến khu Tân Trào để củng cố căn cứ địa cách mạng ở Việt Bắc. Chỉ hai ngày sau khi bắt đầu cuộc tấn công của Liên Xô, ở tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu cuộc khởi nghĩa chống quân chiếm đóng Nhật. Ngày 12 tháng 8, chính quyền nhân dân được thành lập ở Hà Tĩnh. Ngày 13 tháng 8, Hội nghị toàn quốc họp ở Tân Trào đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Dưới ảnh hưởng của thông tin về chiến thắng của quân đội Xô Viết, Nghệ An và Thanh Hóa đã thiết lập nên chính quyền nhân dân.
Đến tối ngày 19/8, nhân dân đã chiếm tất cả những cơ sở quan trọng nhất ở Hà Nội. Ngày 23 tháng 8, Tổng khởi nghĩa ở Huế đã chiếm dinh thự của Trần Trọng Kim, người đứng đầu chính phủ bù nhìn thân Nhật. Ngày hôm sau, vua Bảo Đại đọc lời tuyên bố thoái vị, rồi trao ấn kiếm cho dại diện của Chính phủ cách mạng.
Ngày 25/8, Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Sài Gòn, hai ngày sau Chính phủ Cách mạng lâm thời mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được thành lập ở Việt Nam. Rồi vào ngày 2 tháng 9, khi Nhật Bản ký văn bản đầu hàng vô điều kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình.
Kể từ đó, hàng năm, vào ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam tổ chức lễ Quốc khánh là ngày tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và nước Nga được gắn kết với nước Việt Nam độc lập bằng mối quan hệ hữu nghị chân thành và đối tác chiến lược toàn diện.