Cách đây 73 năm, ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam, triệu người như một đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ chế độ phong kiến, đập tan xiềng xích áp bức của chế độ thực dân, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ thắng lợi lịch sử ấy đã làm lên một Việt Nam đầy vị thế trong mắt bạn bè quốc tế.
Mùa thu lịch sử
Nếu kể từ khi pháo lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra từ Tân Trào đêm 13-8, ở Hà Nội ngày 19-8, Huế ngày 23-8 và cuối cùng là khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn ngày 25-8, thì thời gian giành chính quyền chỉ vẻn vẹn 12 ngày. Nếu tính đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9 thì thời gian đó cũng không quá ba tuần lễ.
Với thành công vang dội đó, chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng có thể tự hào rằng: Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi với hơn năm nghìn đảng viên đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền toàn quốc, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Ðông — Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đánh giá thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, PGS, NGND Lê Mậu Hãn cho rằng, cách mạng đã làm nên sự khác biệt căn bản của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc: Thiết lập một nền dân chủ, khẳng định quyền con người, khẳng định những khát vọng của dân tộc.
Những bài học này đã được phát huy trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc trước kia, nay vẫn cần tiếp tục phát huy sáng tạo khi đất nước tiến sâu vào hội nhập, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển bình đẳng.
Đó còn là bài học xây dựng, rèn luyện và trưởng thành của một đảng cộng sản chân chính, toàn tâm, toàn ý đấu tranh, hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân; biết vận dụng thực hiện đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.
Một Việt Nam đổi mới và hội nhập
Nối tiếp những thành công trong việc khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế, Việt Nam tiếp tục đăng cai thành công Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á — Thái Bình Dương lần thứ 25.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định thành công của Năm APEC 2017: đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế. Những kết quả đạt được trong Năm APEC 2017 tạo đà để Việt Nam đảm nhận những trọng trách lớn của quốc tế trong những năm sắp tới, trong đó có việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 — 2021 và Chủ tịch ASEAN 2020.
Con số kỷ lục hơn 4.000 lượt DN tham gia các sự kiện của Tuần lễ Cấp cao APEC thể hiện tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, sáng tạo, khẳng định APEC là diễn đàn vì người dân và DN, đồng thời mở ra triển vọng mới về sự tăng trưởng đầu tư, thương mại và kinh doanh cho khu vực châu Á — Thái Bình Dương và đất nước ta…
Từ thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8-1945 đã mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng như sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai, cho thấy một Việt Nam đầy vị thế trong mắt bạn bè quốc tế với nhiều đổi mới đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, đem lại môi trường đầu tư đầy hấp dẫn cho các DN trong và ngoài nước…