Quân PLA dồn dập tập trận ở Biển Đông: Trung Quốc muốn đe dọa Việt Nam?

Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ra loạt thông báo cho biết sẽ tiến hành tập trận quân sự quy mô lớn, bắn đạn thật trên các vùng biển lớn của Bắc Kinh, trong đó có quần đảo Hoàng Sa thời gian tới, trong đó có thử nghiệm tên lửa mới và kiểm tra khả năng chiến đấu của binh lính.
Sputnik

Đáng chú ý, việc Hải Quân Trung Quốc tập trận đúng vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Việt – Trung. Liệu đợt diễn tập quân sự này của Bắc Kinh có nhằm đe dọa Hà Nội?

Theo chuyên gia quân sự, cuộc tập trận của Trung Quốc là đòn đáp ăn miếng trả miếng trước động thái gây hấn của Mỹ. Còn GS.Carl Thayer thì cho rằng, nói theo ngôn ngữ ngoại giao chiến lang của Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải thể hiện rằng Trung Quốc có khả năng đương đầu với Mỹ, sẽ phải “hất” Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển của mình.

Trung Quốc tăng cường tập trận quân sự bắn đạn thật quy mô lớn ở Biển Đông

Thời báo Hoàn Cầu Global Times hôm 23/8 cho biết, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã công bố 4 cuộc tập trận quân sự tập trung trên ba vùng biển lớn của Trung Quốc trong những ngày tới, tiếp nối thông báo gần đây về các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật liên tiếp ở eo biển Đài Loan và ở hai đầu phía bắc và nam bán đảo nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào tình hình khu vực cũng như ở Biển Đông.

Tòa Quốc tế và Biển Đông: Việt Nam sẽ thắng nếu khởi kiện Trung Quốc?

Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc Đại lục cho biết các cuộc tập trận đồng thời ở Biển Đông, Hoàng Hải và Bột Hải sẽ chứng tỏ khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của lính tinh nhuệ PLA.

“Những cuộc tập trận quy mô lớn, bắn đạn thật này dự kiến ​​sẽ nâng cao khả năng tác chiến chung xuyên khu vực của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, bởi nếu xung đột quân sự nổ ra, nhiều khả năng, lính PLA sẽ không bị giới hạn chỉ trong một vùng biển, mà sẽ được kết nối với nhau”, Hoàn Cầu dẫn bình luận của các chuyên gia quân sự nói.

Đồng thời, tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng dẫn thông tin từ Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc) nói nước này sẽ diễn tập quân sự ở Biển Đông. Cuộc diễn tập được biết sẽ diễn ra từ hôm nay 24/8 đến 29/8, với quy mô bao trùm một số địa điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa (mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền).

Dựa vào tọa độ thuộc khu vực cấm tàu bè ra vào mà phía Trung Quốc đưa ra, có thể thấy tọa độ khu vực tập trận lần này gồm các đảo thuộc Hoàng Sa. Đáng chú ý, đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc triển khai máy bay, tiêm kích chiến đấu và tên lửa cũng nằm trong khu vực tập trận.

Theo thông báo từ Cục Hải sự Hải Nam nêu rõ 8 tọa độ giới hạn khu vực diễn tập, trong đó có 3 vị trí nằm trong quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng qua Trung Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn ở Hoàng Sa (nơi mà Bắc Kinh đã dùng vũ lực để chiếm đóng các quần đảo của Việt Nam). Trước đó, từ ngày 01 đến 05/7, quân đội Trung Quốc đã ngang nhiên tập trận xung quanh quần đảo này.

Ngoài ra, Cục Hải sự Quảng Đông (Trung Quốc) hôm 23/8 cũng ra thông báo từ 0 giờ hôm 24/8 đến 24 giờ 29/8 sẽ có cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông.

Thông báo của Cục Hải sự Quảng Đông nêu 4 tọa độ giới hạn khu vực tập trận và cấm tàu bè vào đó. Các tọa độ cho thấy khu vực tập trận nằm ở phía bắc Biển Đông gần tỉnh Quảng Đông.

Bên cạnh những đợt diễn tập quân sự quy mô lớn nêu trên, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hiện đang tiến hành loạt cuộc tập trận khác. Cụ thể, ở Hoàng Hải từ 22-26/8 và hai đợt diễn tập quân sự ở Bột Hải (một đợt hai ngày 24 và 25/8), còn đợt kia kéo dài suốt tuần đến 28/8 theo thông báo của Cục An toàn Hàng hải Đường Sơn.

Chê Mỹ tới tấp nhưng lính Trung Quốc vẫn sợ phải đụng độ ở Biển Đông

Thời báo Hoàn Cầu cũng khẳng định các thông báo từ các Cục Hải sự không nêu chi tiết về những đợt tập trận quân sự dồn dập của PLA ở cả 4 vùng biển lớn của mình.

Theo chuyên gia quân sự Tống Trọng Bình (Song Zhongping) tiết lộ với Thời báo Hoàn cầu hôm Chủ nhật rằng những đợt tập trận này có khả năng bao gồm các bài huấn luyện phòng thủ chống hạm, tác chiến phòng không và chống tàu ngầm.

“Ngoài Hải quân PLA, các lực lượng khác như Lục quân, Không quân, Lực lượng Tên lửa và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng có thể tham gia loạt diễn tập quân sự hiệp đồng tác chiến này”, bình luận viên quân sự Tống Trọng Bình cho biết.

Mỹ càng chỉ trích Trung Quốc, PLA càng muốn chứng tỏ sức mạnh

Giới phân tích quân sự Trung Quốc đánh giá các cuộc tập trận của PLA không chỉ thể hiện khả năng chiến đấu và hoạt động tác chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc như một biện pháp răn đe, mà là phản ứng mạnh mẽ, màn đáp “ăn miếng trả miếng” đối với các hoạt động quân sự gần đây của Mỹ ở eo biển Đài Loan.

Việt Nam và ASEAN: Thêm bạn, bớt thù, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế về vấn đề Biển Đông

Ngay cả sau cuộc tập trận của PLA ở eo biển Đài Loan, Mỹ vẫn tiếp tục điều máy bay chiến đấu và tàu chiến đến khu vực này, bao gồm cả tàu khu trục USS Mustin đã đi qua eo biển Đài Loan hôm thứ Ba và nhiều loại máy bay trinh sát và máy bay ném bom B-1B bay gần đảo trong tuần qua.

Ngoài ra, Các lực lượng không quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (PACAF) đã gửi 4 máy bay ném bom B-1 và 2 máy bay ném bom B-2 thực hiện loạt nhiệm vụ hiệp đồng diễn tập vào thứ Ba ở vùng biển Nhật Bản và Ấn Độ Dương, với một số tiêm kích nhóm tàu tàu sân bay USS Ronald Reagan.

“Rất hiếm khi PLA công bố nhiều cuộc tập trận chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Dù Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến hành loạt diễn tập trận thường xuyên theo lịch trình, nhưng nhiều cuộc tập trận trong số đó thường không được tiết lộ rộng rãi cho công chúng biết” chuyên gia quân sự nhận định.

Do đó cần phải lưu ý rằng chính những thông báo tập trận quy mô lớn nêu trên có thể được coi là một tín hiệu mạnh mẽ.

Lý Kiệt (Li Jie), chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh khẳng định với Global Times hôm Chủ nhật rằng các cuộc tập trận tập trung của PLA đóng vai trò tăng cường cảnh báo đối với sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề Đài Loan đồng thời cũng cho thấy rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã có chuẩn bị và được trang bị đầy đủ khả năng bảo vệ hiệu quả chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ ở tất cả các vùng biển của mình.

Сăng thẳng gia tăng vào mùa hè năm nay ở biển Đông

Đặc biệt, theo chuyên gia Lý Kiệt, khả năng cao các cuộc tập trận ở Biển Bột Hải có thể liên quan đến việc thử nghiệm loạt tên lửa mới của Trung Quốc.

“Các cuộc tập trận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc dự kiến ​​sẽ mang tính định hướng chiến đấu thực sự, bao gồm việc hiện thực hóa chiến lược tác chiến trên biển sẽ diễn ra như thế nào, loại thách thức nào có thể xảy ra và những hành động nào mà quân đội trên đảo hay phía Mỹ có thể thực hiện”, chuyên gia Lý Kiệt nhận xét.

Ông Lý cũng lưu ý rằng các thế lực muốn can thiệp vào vấn đề Đài Loan và cả nước Mỹ cũng không nên ảo tưởng rằng chính những hành động khiêu khích của họ đánh các vùng biển Trung Quốc Đại lục sẽ thành công.

Trung Quốc tập trận quân sự: Đe dọa Việt Nam?

Điểm đáng nói là cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra đúng thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tức khi Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Lễ Kỷ niệm đánh dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng trong vấn đề lãnh thổ biên giới giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Động thái lạ của Trung Quốc ở Biển Đông: Hù Mỹ hay dọa Việt Nam?

Như Sputnik Việt Nam dẫn thông báo Bộ Ngoại giao đã đưa tin, ngày 23/8 tại cầu Bắc Luân II thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) - Đông Hưng (Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc) diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 10 năm thực hiện ba Văn bản quy phạm pháp luật về Biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Về vấn đề này, ngày 23/8, GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc, ĐH New South Wales) trao đổi với Tuổi Trẻ cho biết, cuộc tập trận của Trung Quốc chủ yếu là lời đáp trả dành cho các cuộc tập trận của hải quân Mỹ ở biển Philippines và Biển Đông.

Ngoài ra, ông Thayer cũng chỉ rõ động thái quân sự “có chủ đích” của Trung Quốc trùng với đợt tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) đang diễn ra tại khu vực gần Hawaii từ ngày 17 tới 31/8.

“Nói cách khác, cuộc tập trận của Trung Quốc là một phần trong vòng xoáy hành động - phản ứng. Các cuộc tập trận này rõ ràng nhắm vào ba đối tượng mục tiêu chính: Mỹ, các nước có chung tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông gồm Việt Nam và người Trung Quốc”, ông Thayer phân tích.

Theo vị chuyên gia này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải thể hiện rằng Trung Quốc có khả năng đương đầu với Mỹ.

“Hay nói theo ngôn ngữ tuyên truyền của Trung Quốc là "trục xuất Mỹ" khỏi biển của Trung Quốc”, ông Thayer nói.

Đối với một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về tranh chấp Biển Đông cũng như phân tích tình hình khu vực như GS Thayer, cuộc gặp giữa Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ được Trung Quốc sử dụng như màn đáp trả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Trung Quốc bay huấn luyện máy bay ném bom trên Biển Đông

Ông Pompeo trước đó kêu gọi một dạng liên minh chống đối Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và đây là lúc Trung Quốc thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa nước này và Việt Nam.

GS Thayer bình luận rằng Trung Quốc muốn mời gọi các nước Đông Nam Á tham gia cùng giữ hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, chứ “không dựa vào một quốc gia bên ngoài như Mỹ”. Vì vậy, việc tập trận lần này của Trung Quốc không nhằm vào việc đe dọa Việt Nam.

Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, việc hai bên giải quyết ổn thỏa vấn đề biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc Bộ sẽ là kinh nghiệm quý trong giải quyết vấn đề trên biển Đông “mà không cần đến sự can thiệp từ bên ngoài”.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/8, bình luận về việc Trung Quốc điều oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng thể hiện lập trường nhất quán của Việt Nam.

“Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc các bên đưa các loại vũ khí và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình Biển Đông.

“Chúng tôi kêu gọi các bên đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Thảo luận