Giới nghiên cứu Việt Nam cũng nhấn mạnh, mặc cho những tuyên bố và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể thay đổi.
Nhiều giả thiết cho rằng, chính việc chế độ Việt Nam Cộng hòa khi đó công bố trữ lượng về dầu khí ở Biển Đông và kêu gọi đầu tư, là một trong những yếu tố khơi dậy lòng tham của Trung Quốc để Bắc Kinh thúc đẩy kế hoạch cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.
Cũng xuất hiện nhiều nghiên cứu minh chứng tính liên tục và duy nhất về chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông từ thời chúa Nguyễn và Tây Sơn thông qua đội Hoàng Sa và Bắc Hải. Điều này cũng đã được Trung Quốc, Hà Lan và nhiều nước trên thế giới thừa nhận.
Hội thảo khoa học về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa
Hôm qua ngày 18/8, tại TP. Huế đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Quá trình xác lập chủ quyền của nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Hội thảo do Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức.
Cùng tham dự hội thảo, còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia sử học và luật học từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và nhiều địa phương khác.
Được biết, đây là lần thứ 5 Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ngoài ra, hội đã xuất bản 7 công trình, sách chuyên khảo về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam đã xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa-Trường Sa từ thời chúa Nguyễn và Tây Sơn
Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, lãnh thổ, tài nguyên ở Biển Đông vẫn luôn thu hút sự quan tâm chú ý của giới nghiên cứu, học giả quốc tế và đại diện các cơ quan về biển và hải đảo của Việt Nam cũng như nhiều nước có chung mối quan tâm.
Tại buổi hội thảo, các phát biểu tham luận đã tập trung làm rõ việc xác lập, thực thi, đấu tranh bảo vệ chủ quyền về mặt nhà nước của Việt Nam, cùng với sự công nhận, thừa nhận từ các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, các chuyên gia, nhà sử học đã trình bày một cách đầy đủ và hệ thống về quá trình xác lập cũng như thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hai thời kỳ: trước năm 1945, và từ năm 1945 đến nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trình bày các cơ sở pháp lý và quá trình đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tuy còn có nhiều định nghĩa khác nhau về chủ quyền biển đảo của một quốc gia, nhưng tựu chung lại, để thừa nhận chủ quyền, chủ nhân là phải nhân danh nhà nước, phải thông qua tư liệu của nhà nước và được nước ngoài hoặc một tổ chức quốc tế thừa nhận ở các mức độ khác nhau.
“Chủ quyền biển đảo không thể nhân danh cá nhân của người phát hiện, thám hiểm, vẽ bản đồ, đặt tên hoặc nhân danh của một tổ chức quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa hay nhân danh chính quyền của một địa phương. Với lập luận này cho ta thấy Việt Nam đã xác lập chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa lâu đời, liên tục trong nhiều thế kỷ”, PGS Đỗ Bang khẳng định.
Theo PGS. Đỗ Bang, đã có nhiều nghiên cứu minh chứng tính liên tục về chủ quyền của nhà nước Việt Nam thời chúa Nguyễn và Tây Sơn thông qua đội Hoàng Sa và Bắc Hải (do nhà nước thành lập) làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và cứu hộ, cứu nạn. Đây là những thông tin được rút ra từ các tài liệu chính thống của nhà nước cùng tài liệu điền dã kết hợp với tư liệu nước ngoài.
Các tư liệu đã cho thấy chính quyền chúa Nguyễn và Tây Sơn là chủ sở hữu liên tục, duy nhất đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này được Trung Quốc, Hà Lan và nhiều nước trên thế giới thừa nhận.
Từ đầu thế kỷ 19 đến năm 1945, dưới thời các vua nhà Nguyễn, nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền liên tục tại Hoàng Sa và Trường Sa.
“Trong số các nước tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam tại Biển Đông, không có nước nào có bộ châu bản (văn bản của nhà nước), bộ chính sử của nhà nước và bộ bản đồ quốc gia ghi lại. Có thể nói, đây là một di sản lịch sử vô giá trong cuộc đấu tranh chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay”, PGS.TS Đỗ Bang khẳng định.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng và Nguyễn Anh Tuấn nêu ý kiến rằng, việc thực hiện hoạt động cứu hộ cứu nạn trên biển dưới triều Nguyễn (1802-1885) mang một ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định quyền kiểm soát và chủ quyền biển của Việt Nam, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - nơi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn trên biển.
Trong khi đó, thông qua khảo cứu nhiều công trình địa lý học thế giới, ThS Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết tất cả khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam vào thời điểm năm 1816, được đánh dấu như là một niên biểu quan trọng của thế giới về chủ quyền của vương triều Gia Long đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc lãnh thổ của Trung Quốc
Trong khi đó, Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học Biển và hải đảo - GS-TS Nguyễn Bá Diến nêu rõ, nhà nước Việt Nam từ lâu đã khai phá, chiếm hữu thật sự, công khai và liên tục vùng đảo Hoàng Sa và vùng đảo Trường Sa khi mà các quần (vùng) đảo này chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.
“Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Suốt trong gần một thế kỷ, nước Pháp đã thực sự đại diện cho Việt Nam trong việc tiếp nối và kế thừa tiến trình lịch sử thực hiện thật sự và liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với 2 vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, GS. Diến khẳng định.
Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu chọn phương án tiếp cận, khảo cứu từ điển, bách khoa toàn thư phổ biến của thế giới.
Qua tra cứu, có thể thấy hàng chục cuốn từ điển, bách khoa toàn thư ở thế kỷ 19 được xuất bản tại các nước như Anh, Pháp, Mỹ... đã đưa thông tin về Hoàng Sa và gắn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này trong hệ thống sách tra cứu tri thức mang tầm vóc quốc tế, có tính phổ biến trên toàn thế giới.
Đó là những minh chứng lịch sử hết sức thuyết phục để khẳng định việc chiếm hữu hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế biết đến, thừa nhận hay công nhận một cách rộng rãi, khách quan, trở thành tri thức chung của thế giới ngay ở thế kỷ 19.
Chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa vẫn tiếp tục sau năm 1945
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, tuy nhà nước triều Nguyễn đã chấm dứt vào tháng 8 năm 1945 nhưng chủ quyền biển đảo Việt Nam vẫn tiếp tục được các thể chế chính trị tiếp đó thực thi.
Tại Hội nghị quốc tế San Francisco (Mỹ) từ ngày 5 đến 8/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng chính quyền quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tuyên bố này đã được các nước tham dự hội nghị thừa nhận. Hội nghị San Francisco là cơ sở pháp lý quốc tế đầu tiên, lớn nhất và thống nhất cao về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo TS Nguyễn Thanh Minh, những văn kiện pháp lý quốc tế bao gồm Tuyên bố Cairo ngày 27/11/1943, Tuyên ngôn hội nghị Potsdam ngày 26/7/1945, Hội nghị Genève (1954), Hiệp định Paris (1973) đã không xác nhận chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam.
“Do đó, hành vi nhà cầm quyền Trung Hoa dùng lực lượng quân sự cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1-1974 là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Hiệp định Paris (1-1973) về chủ quyền của Việt Nam mà chính họ đã cam kết tôn trọng”, PGS Đỗ Bang nhấn mạnh.
Trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khiến Trung Quốc muốn cưỡng chiếm Hoàng Sa?
ThS Nguyễn Đình Dũng với nhiều nghiên cứu về những cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng dưới hai thể chế quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa (1949-1975) trước sự bành trướng, chiếm đóng của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa cũng có tham luận trao đổi tại hội thảo.
Vị chuyên gia nhận xét, đây là những bài học quý giá để hôm nay và mai sau chúng ta có đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý về sự liên tục trong việc thực thi quyền và chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên hai quần đảo này.
Trong khi đó, theo ThS Lưu Anh Rô, chính những công bố về trữ lượng dầu khí ở biển Đông và kêu gọi đầu tư của Việt Nam Cộng hòa lúc đó là một trong những yếu tố làm thôi thúc hơn nữa việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngay sau đó.
Trình bày nghiên cứu một số thông tin qua hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng Đà Nẵng, ThS Bùi Văn Tiếng cho rằng rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiên về quan điểm cần đề cao cảnh giác với âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc độc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Nam Tiến tái khẳng định, từ đầu thế kỷ XX đến nay, qua các chính quyền khác nhau, quá trình hành xử chủ quyền diễn ra liên tục, không từ bỏ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Việt Nam sẽ thắng nếu kiện Trung Quốc ra Tòa về tranh chấp Biển Đông?
Theo PGS.TS Trương Minh Dục, luật pháp quốc tế đương đại về thụ đắc lãnh thổ quy định, một quốc gia được coi là có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ khi quốc gia đó chứng minh được mình đã chiếm hữu, thực thi, quản lý và khai thác lãnh thổ đó với tư cách nhà nước một cách liên tục, hòa bình.
Như vậy, việc Việt Nam xác lập, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, TS Lê Nhị Hòa khẳng định Việt Nam sở hữu đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Mặc cho những tuyên bố và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể thay đổi.
Về vấn đề kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế, ThS Trần Việt Dũng cho rằng, đó có thể xem là giải pháp cần thiết của Nhà nước Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay.
Dựa trên những căn cứ chắn chắc đang sở hữu, cùng với nhận định của các chuyên gia pháp luật quốc tế, ThS Việt Dũng tin rằng, Việt Nam sẽ chiến thắng nếu kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế.
ThS. Trần Việt Dũng có bình luận trong “cuộc chiến công hàm” của các nước phản đối những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua cho thấy sự đơn độc của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý với các quốc gia ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, giải pháp kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế lúc này là cần thiết, tối ưu, đúng đắn và đúng lúc, vì các giải pháp chính trị và ngoại giao hết sức kiên trì qua hàng chục năm đã không mang lại hiệu quả.
Đọc thêm:
Lo chủ quyền: Việt Nam xử nghiêm ô tô dán bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa