Trong ngày 31/8, Việt Nam có 12 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, báo cáo của Tiểu Ban Điều trị cũng cho biết, hiện có 8 trường hợp bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 tiên lượng nặng và nguy kịch, trong đó có 3 người “có thể tử vong bất cứ lúc nào”.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam nêu rõ, cần nâng cao năng lực của Bộ đội Biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19.
Việt Nam thêm 4 ca mắc Covid-19 mới
Căn cứ theo bản tin lúc 6h chiều nay 31/8 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc SARS-CoV-2 mới.
Trong đó, có một trường hợp nhiễm coronavirus tại Phú Thọ, một người ở Hà Nội và hai ca bệnh nCoV tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thông tin cụ thể về 4 trường hợp nhiễm mới này, Bộ Y tế cho hay, tất cả đều là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay sau khi về nước.
Cùng với bệnh nhân số 1041, ca bệnh 1042 cũng là một chuyên gia dầu khí làm việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu, người Ấn Độ và 32 tuổi.
Bộ Y tế thông tin thêm về hai ca bệnh này cho biết, các bệnh nhân này từ Dubai về sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay EK392, được cách ly ngay sau nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mẫu được gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm.
Sau đó, kết quả xét nghiệm khẳng định 2 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả 2 bệnh nhân cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.
Về ca bệnh số 1043 tại Hà Nội, Bộ Y tế cho hay, đây là nữ bệnh nhân 29 tuổi, ở Lên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Trước đó, hôm thứ 6, 28/8, bệnh nhân này bay từ Ấn Độ về sân bay Nội Bài trên chuyến bay 6E8679, được cách ly ngay sau nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Nội.
Kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định bệnh nhân dương tính với coronavirus. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Đối với bệnh nhân mắc nCoV số 1044 tại Phú Thọ, Bộ Y tế khẳng định, đây là trường hợp người đàn ông 62 tuổi, người Ấn Độ, là chuyên gia. Cũng như bệnh nhân số 1043, nam bệnh nhân này đáp xuống sân bay Nội Bài trên chuyến bay 6E8679, được cách ly ngay sau nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm tại Phú Thọ cho kết quả nghi ngờ.
Bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh tại đây bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả bệnh nhân dương tính với coronavirus.
Như vậy, tính tới 18h ngày 31/8, Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc coronavirus do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay đã là 550 ca.
Hiện cả nước đang cách ly tập trung số người tiếp xúc gần và về từ vùng dịch tễ là 57.097 trường hợp. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.111 người, tại các cơ sở cách ly tập trung là 16.006 trường hợp và tại nhà/nơi lưu trú là 39.980 người.
Việt Nam có bao nhiêu bệnh nhân tiên lượng có thể tử vong bất cứ lúc nào?
Chiều nay, công báo báo cáo của Tiểu Ban điều trị cho hay, trong ngày, Việt Nam có thêm 12 bệnh nhân mắc coronavirus được công bố khỏi bệnh.
Cụ thể, có 7 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 được ra viện hôm nay, trong đó có cả bé gái 7 tuổi. Cụ thể, các trường hợp bình phục vừa được công bố là các ca bệnh số 447, 675, 744, 748, 866, 976 và 979.
Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng ngày 31/8 cũng làm thủ tục xuất viện cho 5 trường hợp bệnh nhân đã khỏi Covid-19 là các ca bệnh số 890, 856, 1019, 877 và 987.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi cho 707 bệnh nhân Covid-19 trên tổng số 1.044 ca nhiễm (chiếm 67,7%). Bộ Y tế nhấn mạnh, các bệnh nhân đều âm tính 3 đến 4 lần với virus corona, không còn các biểu hiện lâm sàng như sốt, ho, khó thở. Sau khi ra viện, các bệnh nhân sẽ được theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà trong thời gian 14 ngày theo quy định.
Báo cáo của Tiểu Ban Điều trị cũng nêu rõ, tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân mắc coronavirus đang điều trị, số ca âm tính lần thứ nhất với SARS-CoV-2 của Việt Nam hiện là 29 ca.
Số bệnh nhân đã có kết quả âm tính lần 2 là 72 người và số ca âm tính lần 3 là 36 bệnh nhân.
Ngoài ra, báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, hiện có 8 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, chiếm (3,1%) trong tổng số bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 5/8 trường hợp (2,0%), và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào tăng lên 3 trường hợp (1,2%).
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, số trường hợp mắc Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng. Tính đến thời điểm này số ca mắc Covid-19 đã tử vong ở Việt Nam là 34 người.
Bộ Y tế nói về ca Covid-19 tử vong thứ 33 (bệnh nhân 742)
Chiều 31/8/2020, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng đã cung cấp một số thông tin về ca tử vong của bệnh nhân Covid-19 số 742. tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam đây là ca mắc Covid-19 tử vong thứ 33
Cụ thể, bệnh nhân 742, là nam, 69 tuổi. Bệnh nhân trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Trước đó, vào đầu tháng 7, bệnh nhân đến khám tại phòng khám bác sĩ L. (hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng) ở đường Chi Lăng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, sau đó lấy thuốc và về nhà.
Từ ngày 1 đến ngày 4/8, bệnh nhân cách ly ở nhà, chỉ tiếp xúc với những người trong gia đình, không đi đến nơi khác. Sáng ngày 5/8, bệnh nhân được vợ và con trai đưa đến khám tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng bằng xe ô tô của gia đình. Tại đây, bệnh nhân được lấy dịch hầu họng xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Sáng ngày 31/8, bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Nguyên nhân tử vong được chẩn đoán là do viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển do coronavirus, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng không hồi phục, nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân suy tim, rung nhĩ, đái tháo đường type 2, suy thận mạn.
Ca Covid-19 tử vong trước khi Bộ Y tế công bố dương tính (bệnh nhân 1040)
Cũng trong chiều 31/8/2020, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng đã cung cấp thông tin về ca tử vong của bệnh nhân Covid-19 số 1040. Đây là ca tử vong thứ 34 tính có liên quan đến dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Theo đó, bệnh nhân 1040, là nam, 55 tuổi, trú tại Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân có tiền sử bị sốc nhiễm trùng, suy hô hấp trên bệnh nhân Hội chứng Guillain- Barre, đái tháo đường type 2, suy kiệt nặng.
Ngày 23/7 đến 13/8, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân bị suy kiệt, yếu tứ chi, phụ thuộc máy thở. Ngày 13/8, bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện 199 – Bộ Công an.
Trong cùng ngày, kết quả chụp Xquang phổi cho thấy phổi bệnh nhân bị mờ không đều lan tỏa hai phổi. Ngày 14/8, bệnh nhân lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện 199, kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Từ ngày 14/8 đến 21/8, bệnh nhân điều trị tại khoa, tiếp xúc những người cùng phòng. Ngày 22/8 đến 27/8, tình trạng bệnh nhân trở nặng, cơ thể suy kiệt.
Chẩn đoán lúc ra viện cho thấy bệnh nhân bị suy hô hấp tuần hoàn, sốc nhiễm trùng trên bệnh nhân Hội chứng Guilain Barre, đái tháo đường típ 2, suy kiệt nặng. Đến ngày 28/8, bệnh nhân mới có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Chẩn đoán hồi cứu, bệnh nhân tử vong do viêm phổi bởi Covid-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm trùng trên bệnh nhân có tiền sử Hội chứng Guilain Barre, đái tháo đường típ 2, suy kiệt nặng.
Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam đã có 34 ca tử vong liên quan đến Covid-19. Như Sputnik dẫn nguồn Bộ Y tế Việt Nam thông báo trước đó, hầu hết các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
“Các trường hợp bệnh nhân tử vong đều là bất khả kháng”, như lãnh đạo Bộ Y tế từng nhiều lần nhấn mạnh.
Bộ đội Biên phòng Việt Nam: Vừa chống dịch Covid-19, vừa bảo vệ biên giới
Trong sáng nay, 31/8, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về nhu cầu đầu tư năng lực quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP).
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) chủ trì hội nghị này tại Hà Nội.
Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, tham dự hội nghị về nhu cầu đầu tư năng lực quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch bệnh Covid-19 còn có các đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng: Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Trung tướng Lê Huy Vịnh, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cùng diện các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng và đại diện Bộ Tư lệnh Bộ Đội Biên phòng (BĐBP).
“Trên các tuyến biên giới, tình hình hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, nhất là về ma túy, buôn bán người, buôn lậu và các vấn đề an ninh phi truyền thống, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có tác động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội và nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia”, báo cáo của đại diện Bộ Tư lệnh BĐBP nêu rõ.
Báo cáo của lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP cho hay, với chức năng, nhiệm vụ được giao, từ tháng 2/2020 đến nay, Bộ tư lệnh BĐBP đã tăng cường lực lượng, phương tiện, tổ chức triển khai các tổ, chốt, tiến hành tuần tra, kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 và ngăn chặn kịp thời các hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.
Hiện nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đang duy trì 1.608 tổ, chốt, với hơn 9.000 cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng của quân đội, công an, dân quân tự vệ nhằm quản lý, bảo vệ biên giới, phòng chống dịch Covid-19.
Các tổ, chốt nằm phân tán trên các tuyến biên giới, phần lớn ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, có địa hình phức tạp, hiểm trở, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện ăn ở, công tác của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn.
Từ những vấn đề nêu trên, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề nghị thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu cho phép đầu tư nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19.
Lắng nghe báo cáo tại Hội nghị, trên cơ sở nghiên cứu, xem xét các phương án do Bộ tư lệnh BĐBP đề xuất và các ý kiến tại hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng để làm rõ những vấn đề như: Tình hình kinh tế, xã hội, đặc điểm địa hình, thời tiết, diễn biến các hoạt động vi phạm pháp luật, đặc biệt là hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, cũng như tình hình dịch Covid-19 ở từng địa bàn cụ thể, công tác bảo đảm các mặt hiện nay và nhu cầu thực tế của bộ đội biên phòng tại các tổ, chốt.
Thượng tướng Giang nhấn mạnh, cần có phương án sử dụng ngân sách cụ thể cho từng nội dung công việc. Việc đầu tư xây dựng vừa phải bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của bộ đội, vừa phải đáp ứng được yêu cầu khi có tình huống xảy ra, do đó cần đặc biệt quan tâm đến đầu tư hệ thống thông tin liên lạc phục vụ điều hành, chỉ huy.
Trong tổ chức thực hiện, kiên quyết không tăng quân số mà phải sử dụng lực lượng có trong biên chế, bảo đảm phù hợp cho các nhiệm vụ, chú trọng làm tốt công tác phối hợp với lực lượng chức năng của các nước bạn, nhằm quản lý tốt đường biên và tình hình địa bàn.
Thượng tướng Phan Văn Giang yêu cầu Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ khảo sát, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, đồng thời, tổng hợp báo cáo các cấp nghiên cứu, phê duyệt.
“Sớm tổ chức triển khai thực hiện, để kịp thời nâng cao năng lực của Bộ đội Biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch bệnh Covid-19”, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nêu rõ.