Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng nêu phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, thử tên lửa diệt hạm ở Biển Đông. Theo bà Hằng, mọi hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không được cho phép đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam phản đối Trung Quốc bắn tên lửa ở Biển Đông
Trung Quốc đã bắn hai tên lửa DF-26B và DF-21D ra Biển Đông được cho là nhằm đe dọa Mỹ nhưng thực tế các tên lửa diệt tàu sân bay của Bắc Kinh đều rơi xuống khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Ngày 31/8/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của các phóng viên Việt Nam cũng như đại diện nhiều hãng thông tấn nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đã thông tin về việc nước này tiến hành tập trận quân sự, bắn đạn thật, bắn tên lửa ở Biển Đông, trong đó có khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
“Lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc tập trận ở khu vực Biển Đông đã được nêu trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 26/8/2020”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc thông tin về việc Hải Quân Nhân dân Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự, bắn tên lửa tại Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam là động thái tiếp theo trong chuỗi phát ngôn mà Hà Nội muốn tái khẳng định lập trường của mình đối với hai quần đảo ở khu vực vùng biển tranh chấp.
Sau động thái hung hăng gây bất ngờ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, và dư luận quốc tế đều đồng loạt lên tiếng phản đối.
Bà Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nhắc lại yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
“Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà không được Việt Nam cho phép là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, không có lợi cho hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
“Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, huỷ bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự”, đại diện Bộ Ngoại giao bày tỏ kiên quyết.
Trung Quốc bắn tên lửa diệt hạm ra Biển Đông
Như Sputnik Việt Nam đã đưa tin trước đó, hôm 23/8, PLA công bố 4 cuộc tập trận quân sự tập trung trên ba vùng biển lớn là Biển Đông, Hoàng Hải và Bột Hải để “phô trương cơ bắp”, chứng tỏ khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của lính tinh nhuệ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Trước đó, thông tin từ Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc) cho biết, Hải quân PLA thực hiện diễn tập quân sự ở Biển Đông. Cuộc diễn tập diễn ra từ hôm 24/8 đến 29/8, với quy mô bao trùm một số địa điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa (mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền).
Theo truyền thông, phạm vi cuộc tập trận là bên trong khu vực giới hạn bởi tọa độ bởi 18°19.5N 111°13.5E, 19°02.0N 112°14.5E, 19°02.5N 112°57.0E, 18°17.0N 113°51.5E, 17°37.5N 113°52.0E, 16°38.0N 112°44.0E, 16°38.0N 112°20.0E ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (đảo Phú Lâm) và đông nam đảo Hải Nam.
Tại vùng biển phía bắc đảo Đài Loan và biển Hoa Đông, Cục Hải sự tỉnh Sơn Đông cùng ngày cũng thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật quy mô lớn từ ngày 22/8 đến ngày 26/8 ở Hoàng Hải, nhằm đối phó nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ. Đây là khu vực biển rộng lớn ở phía đông thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông và thành phố Liên Vân Cảng thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Ngoài ra, các cuộc tập trận bắn đạn thật cũng được tổ chức tại biển Bột Hải từ ngày 25/8 đến ngày 30/9, Cục An toàn Hàng hải Đường Sơn hôm 21/8 thông báo.
Đồng thời, Cục Hải sự Quảng Đông (Trung Quốc) hôm 23/8 ra thông báo từ 0 giờ hôm 24/8 đến 24 giờ 29/8 diễn ra cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông.
Thông báo của Cục Hải sự Quảng Đông nêu 4 tọa độ giới hạn khu vực tập trận và cấm tàu bè vào đó. Các tọa độ cho thấy khu vực tập trận nằm ở phía bắc Biển Đông gần tỉnh Quảng Đông.
Đây đã là lần thứ hai Trung Quốc tổ chức tập trận trong vòng hai tháng qua ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền nhưng bị Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.
Hôm 26/8, Trung Quốc được cho là đã nã hai quả tên lửa ra Biển Đông. Cụ thể, một tên lửa Đông Phong 26B (DF-26B) đã được phóng đi từ tỉnh Thanh Hải ở Tây Bắc Trung Quốc, trong khi tên lửa còn lại Đông Phong 21D (DF-21D) được phóng từ tỉnh Chiết Giang ở miền Đông nước này. Cả hai tên lửa đều rơi xuống khu vực giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Mỹ, Nhật đồng loạt phản đối vụ bắn tên lửa ra Biển Đông của Trung Quốc
Trong bối cảnh đối đầu căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang ở Biển Đông, việc Quân đội PLA phóng tên lửa “dằn mặt” Hoa Kỳ hôm 26/8 thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 27/8 ngay lập tức lên tiếng bình luận và tuyên bố Trung Quốc phóng thử 4 tên lửa đạn đạo trong cuộc tập trận trái phép quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây ngờ vực cam kết của Bắc Kinh năm 2002 về tránh các hành động khiêu khích.
Theo Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea khẳng định, Trung Quốc đã “quá sai lầm” khi cho rằng tên lừa Đông Phong có thể dọa nổi Mỹ.
“Nếu Trung Quốc nghĩ rằng việc phóng tên lửa đạn đạo theo một cách nào đó sẽ đe dọa Mỹ và các đồng minh của chúng ta, đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”, Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về các vấn đề kiểm soát vũ khí, đã viết trên Twitter.
Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Scott D. Conn ngày 27/8 khẳng định, Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào ở Biển Đông.
“Nếu tất cả các hoạt động quân sự đều chuyên nghiệp, chúng ta có thể đưa một tàu chiến đến cùng một vùng biển”, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ nhấn mạnh.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã áp lệnh trừng phạt đối với 24 công ty Trung Quốc vì đã giúp xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Sau đó, trong tuyên bố được Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra khi ông chủ Lầu Năm Góc Mark Esper tổ chức lễ đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono tại đảo Guam, nhằm tái khẳng định sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật và thảo luận về việc mở rộng hợp tác quốc phòng song phương, vấn đề Biển Đông một lần nữa lại được nhắc đến.
Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản nhắc lại cam kết duy trì trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và rộng hơn là trong khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hoan nghênh nỗ lực của Nhật Bản trong việc tăng cường hợp tác với các đối tác cùng chí hướng khác, bao gồm các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ấn Độ, Australia, cũng như hợp tác 3 bên với Mỹ và Hàn Quốc.
“Hôm nay, tôi mong muốn được thảo luận với đồng minh Nhật Bản về hành vi “thâm hiểm” của Trung Quốc trong khu vực dưới các quyết sách chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả việc đe dọa và cưỡng ép các nước láng giềng, cũng như việc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”, ông chủ Lầu Năm Góc nêu rõ.
Về phần mình, ông Taro Kono cho biết, Tokyo đồng thuận rằng, cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng kiên quyết trước bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông (khu vực tranh chấp căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc).
Chuyên gia Việt Nam bình luận vụ phóng tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông
Chuyên gia Nguyễn Thế Phương, công tác tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ trên Tuổi Trẻ về cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật và phóng tên lửa ra Biển Đông, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho biết, bản thân cuộc tập trận của Trung Quốc đã là một thông điệp, nhưng các hoạt động trong cuộc tập trận đó mới quyết định sức nặng của thông điệp muốn gửi gắm.
“Vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26B như báo chí Hong Kong nói là một động thái bất ngờ, nhưng thông điệp vẫn như cũ: cảnh báo Mỹ và chứng minh năng lực, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc”, chuyên gia Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.
Theo ông Phương, DF-26B là loại tên lửa có thiết kế đặc biệt, cho phép “thay nóng” đầu đạn thường thành đầu đạn hạt nhân trong thời gian ngắn.
“Xét về góc độ chiến lược, việc bắn DF-26B có thể là để kiểm tra tính năng chiến thuật của loại tên lửa này, nhưng cũng vừa gởi thông điệp nhắc nhở tới Mỹ rằng Trung Quốc đã sở hữu các loại vũ khí ngăn Mỹ tiến vào chuỗi đảo thứ nhất”, ông Phương khẳng định.