Phải nhìn rõ “bộ mặt thật của Trung Quốc”: Mỹ không bắt nước nào phải chọn phe

Biển Đông làm lộ “bộ mặt thật của Trung Quốc” – nói một đằng, làm một nẻo. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell khẳng định, Mỹ không bắt nước nào (kể cả Việt Nam) phải chọn phe, đồng thời, đại diện chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc bắt nạt, cưỡng ép đối với các nước Đông Nam Á.
Sputnik

Trong một diễn biến khác, chuyên gia sinh học biển Mỹ John McManus lên án những hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt quá mức của Trung Quốc gây nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái và làm cạn kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông.

Nguy cơ tàu cá Trung Quốc làm cạn kiệt hải sản, hủy hoại sinh thái ở Biển Đông

Ngày 16/9, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM vừa tổ chức buổi trao đổi trực tuyến về vấn đề hiện trạng Biển Đông, hệ sinh thái biển và phương hướng bảo vệ nguồn hải sản ở khu vực này.

Tại buổi làm việc, chuyên gia John McManus, một giáo sư sinh học biển đến từ tại Đại học Miami (Mỹ) đã dẫn lại các dữ liệu cho thấy, ước tính có khoảng 3,7 triệu người khai thác đánh bắt ở Biển Đông, trong số đó có 649.000 người Trung Quốc tham gia vào hoạt động này.

Khẩu chiến Mỹ- Trung. Việt Nam và ASEAN ủng hộ Hoa Kỳ duy trì hòa bình ở Biển Đông

Trung Quốc cũng là nước đang sở hữu đội tàu cá với hơn 4 triệu thuyền viên, thuộc hàng lớn nhất thế giới. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hôm 16.8 đã đăng tải đoạn video trên Twitter, cho thấy có hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam đã ra khơi cùng ngày sau khi lệnh cấm đánh bắt do Bắc Kinh đơn phương áp đặt ở Biển Đông kết thúc.

Theo ảnh chụp vệ tinh của Tổ chức Global Fishing Watch (Theo dõi Đánh bắt Toàn cầu) xác nhận, đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc có đến 16.966 chiếc.

Các tàu cá Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng trong việc mạnh tay khai thác thủy hải sản ở Biển Đông và thường được tàu cảnh sát biển hộ tống khi đánh bắt xa bờ. Theo chuyên gia McManus, chính quyền và quân đội Trung Quốc tài trợ đáng kể cho các đội tàu cá tiến hành hoạt động đánh bắt ở Biển Đông.

“Điều này dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật biển”, ông McManus cảnh báo.

Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra việc chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động đánh bắt của ngư dân nước này, bao gồm miễn thuế, hỗ trợ tiền mua nhiên liệu, với mức chi lên đến khoảng 16,6 tỷ USD/năm. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ghi nhận, Trung Quốc chiếm khoảng 15% sản lượng đánh bắt trên toàn thế giới trong năm 2018.

Theo ông McManus, vì chính quyền Bắc Kinh không cung cấp thông tin minh bạch nên sẽ là rất khó để có thể xác định chính xác số lượng hải sản các tàu cá Trung Quốc đánh bắt.

Trong khi đó, nguồn sinh vật biển đang suy giảm một cách đáng báo động trong vòng nửa thế kỷ qua. Chuyên gia cũng thừa nhận giới khoa học khó có thể dự đoán được khi nào nguồn hải sản ở Biển Đông sẽ cạn kiệt vì không có đủ dữ liệu.

Liệu Việt Nam và các nước ASEAN có thể học Indonesia “dọa" Trung Quốc ở Biển Đông?

Từ năm 2013 đến nay, chính quyền Bắc Kinh đã điều nhiều tàu nạo vét và phá hủy hầu hết các rạn san hô để bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại 7 thực thể bị nước này chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Theo chuyên gia, hoạt động nạo vét của Trung Quốc cơ bản đã giết chết mọi sinh vật sống xung quanh các rạn san hô ở Biển Đông.

Hôm 26/8 vừa qua, chính phủ Mỹ đã công bố lệnh cấm vận đối với 24 công ty nhà nước cùng những quan chức của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Theo thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị liệt vào danh sách cấm vận đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

“Kể từ năm 2013, Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để bồi đắp hơn 1.200 hecta tại các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp quyền chủ quyền của các nước láng giềng và tàn phá môi trường”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu trong tuyên bố.

Phát biểu tại sự kiện, ông McManus nhấn mạnh về ý tưởng phát triển một công viên hòa bình quốc tế tại khu vực này. Theo nhà sinh học biển, Hiệp ước Nam Cực có thể là một mô hình đáng nghiên cứu cho các bên trong tranh chấp Biển Đông.

Theo đó, tương tự như Hiệp ước Nam Cực (văn bản được ký năm 1959), các quốc gia tham gia ký kết phải cam kết giữ nguyên hiện trạng, không cải tạo hay tiến hành nhiều hoạt động nhằm củng cố yêu sách biển đảo và lãnh thổ.

“Mọi hoạt động nên hướng tới nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, vì mục đích hòa bình và phi quân sự hóa”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, điểm khác so với Hiệp ước Nam Cực, theo nhà nghiên cứu McManus chính là hiệp ước giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông nên có thời gian cụ thể, ví dụ, mốc 30 năm và có thể gia hạn sau mỗi giai đoạn.

Mỹ không buộc nước nào phải chọn phe, Trung Quốc nói không đi đôi với làm

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á-  Thái Bình Dương David Stilwell vừa lên tiếng cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt và thiếu chân thành” trong quan hệ và giao dịch với các quốc gia Đông Nam Á.

Đại diện chính phủ Mỹ cũng nhấn mạnh quan điểm rằng, Washington không buộc bất kỳ nước nào (trong đó gồm cả Việt Nam – PV) thuộc khu vực này phải chọn bên nào giữa hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc tố Mỹ gây bất ổn tình hình biển Đông

Tờ The Hamilton Spectator hôm 15/9 dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell nhấn mạnh quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong đó nhấn mạnh lập trường kiên định ngăn chặn “chủ nghĩa quân sự hóa đơn phương kèm theo những ý đồ chính trị riêng biệt không được cộng đồng quốc tế ủng hộ hay vì lợi ích chung”, bao gồm cả vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Theo đó, loạt phát ngôn được đưa ra trong cuộc họp báo trực tuyến là động thái mới nhất kèm những luận điệu cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc.

Tuần trước, các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tranh cãi nảy lửa trong các cuộc họp chính và bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á AMM 53.

Ông Stilwell chỉ ra loạt hành động của Trung Quốc đối với “đối thủ” - các quốc gia có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nhóm ủng hộ nền dân chủ ở Hồng Kông liên quan đến việc ban hành luật An ninh Quốc gia đối với đặc khu này cũng như việc vận hành các con đập trên thượng nguồn đe dọa nguồn cung cấp nước cho các quốc gia hạ lưu dọc sông Mekong. Washington cho rằng Bắc Kinh đang thực thi chính sách mang tính “đàn áp, khiêu khích và bắt nạt”.

Phải nhìn rõ “bộ mặt thật của Trung Quốc”: Mỹ không bắt nước nào phải chọn phe

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng ám chỉ về sự thiếu thành thật, thiếu thiện chí của Trung Quốc được thể hiện rõ nhất qua hành vi gây hấn của họ ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã biến các bãi đá ngầm tranh chấp thành tiền đồn quân sự, các đảo nhân tạo được trang bị vũ khí, bất chấp cam kết không quân sự hóa khu vực.

Theo ông Stilwell, năm 2015, Trung Quốc cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Tuy nhiên, thực tế những gì mà chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang làm đi ngược hoàn toàn với tuyên bố của họ. Điều đó cho thấy, Biển Đông là minh chứng rõ ràng nhất cho cái gọi là “bộ mặt thật của Trung Quốc – nói không đi đôi với làm”.

“Mỹ coi các tuyên bố chủ quyền hàng hải đơn phương, rộng lớn của Trung Quốc trên tuyến đường thủy chiến lược ở Biển Đông là bất hợp pháp, nhưng nhấn mạnh rằng các tranh chấp âm ỉ kéo dài cần được giải quyết một cách hòa bình và thông qua đối thoại”, ông Stilwell khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Đavid Stilwell cho biết việc Bắc Kinh kiểm soát các đập dọc theo thượng nguồn sông Mekong “gây tổn hại đến sinh kế của hàng chục triệu người trong cộng đồng các nước Đông Nam Á trên và dưới lưu vực sông này”.

Biển Đông vẫn là thách thức, các nước ASEAN phải đoàn kết và tin cậy nhau

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Washington đã khuyến khích các nước bị ảnh hưởng như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào cần nhìn nhận đánh giá trách nhiệm đối với Trung Quốc.

Trên thực tế, năm quốc gia thuộc khối ASEAN (gồm 10 nước) vốn thường bị vướng vào cuộc cạnh tranh chiến lược trong khu vực Mỹ-Trung. Bốn nước thành viên trong số này là Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia - đang bị kẹt trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trợ lý David Stilwell nói: “Chúng tôi thường nhận được những lời chia sẻ từ những người bạn ở ASEAN cùng một số nước khác rằng họ không muốn bị phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi muốn khẳng định rằng Mỹ không ép các bạn phải chọn ai cả. Nếu Trung Quốc đem lại được lợi ích cho ASEAN và tôn trọng chủ quyền của các bạn thì chúng tôi không phản đối gì cả”, ông Stilwell nêu quan điểm

Tuy nhiên, theo đại diện chính quyền Hoa Kỳ đến nay, Trung Quốc “vẫn chưa làm được gì cả”.

Tranh nhau đổ tội: Bắc Kinh nói Mỹ ly gián quan hệ Trung Quốc-ASEAN

Có thể xem phát ngôn của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ là phản ứng đáp trả lại màn “đá xéo” của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại AMM 53 do Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam chủ trì diễn ra tuần vừa qua.

Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông?

Cụ thể, ông Vương Nghị đã đả kích Mỹ tại buổi đối thoại với các nước Đông Nam Á với giọng điệu rằng, chính Washington mới là “nguồn cơn lớn nhất dẫn đến quá trình quân sự hóa” và là “yếu tố nguy hiểm nhất gây tổn hại đến hòa bình” trong khu vực.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn cho biết Mỹ đã triển khai gần 3.000 phi vụ xuất kích máy bay quân sự và hơn 60 đợt tuần tra tàu chiến trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông trong nửa đầu năm nay chỉ để “phô trương cơ bắp”.

Ngoại trưởng Vương Nghị đồng thời cũng chỉ trích Hoa Kỳ đang cố tình ly gián quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông.

Đại diện chính quyền Trung Quốc khẳng định Mỹ cố gắng phủ nhận mọi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giải quyết các tranh chấp thông qua đối tác ASEAN của mình về vấn đề Biển Đông.

Thảo luận