Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông là “chuyện thường”, liệu hành động của Indonesia có đủ sức răn đe đối với chính quyền Bắc Kinh trong tương lai hay không khi người Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay yêu sách lãnh thổ với cái gọi là đường lưỡi bò hay đường chín đoạn?
Indonesia đuổi tàu Hải Cảnh, phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền EEZ
Bộ Ngoại giao Indonesia đã ra công hàm phản đối Bắc Kinh về việc một tàu tuần duyên của Trung Quốc xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở Biển Đông hai ngày trước khi rời đi vào thứ Hai, SCMP thông tin cho biết.
Vụ việc xảy ra ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia và đây là động thái mới nhất nằm trong chuỗi các cuộc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Indonesia đến từ các tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc.
Cơ quan an ninh hàng hải của Indonesia (hay còn gọi là Bakamla) cho biết tàu Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế sau khi bị một tàu tuần tra của Indonesia bám theo vào khoảng trưa thứ Hai và xua đổi.
Phía Indonesia nhấn mạnh, tàu Hải Cảnh Trung Quốc chỉ bỏ đi sau màn tranh cãi “qua sóng vô tuyến”.
“Đại diện tàu Hải Cảnh (Lực lượng tuần duyên Trung Quốc) nói rằng họ đang tuần tra trong khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ điều này và khẳng định rằng đây là vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ”, phát ngôn viên Wisnu Pramandita của Bakamla nói với This Week in Asia.
Người phát ngôn Wisnu nói thêm rằng tàu Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Indonesia "từ Thứ Bảy (12/9) đến 11:30 sáng Thứ Hai (14/9)".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết Jakarta đã yêu cầu đại sứ quán Trung Quốc giải thích.
“Chúng tôi nhắc lại với phó đại sứ Trung Quốc rằng vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia không chồng lấn với vùng biển của Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Faizasyah nói.
Vụ tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ ở Natuna: Thách thức đối với Indonesia?
Vốn dĩ, Indonesia không coi mình là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng Bắc Kinh tuyên bố quyền lịch sử đối với các khu vực chồng lấn EEZ của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna. Cụ thể, chính quyền Bắc Kinh thể hiện tuyên bố chủ quyền của mình trên bản đồ với đường chín đoạn hay đường lưỡi bò.
“Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã khẳng định các yêu sách về quyền tài phán của mình với đường chín đoạn (đường lưỡi bò), sự hiện diện của các tàu tuần duyên và tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna đã gia tăng. Do đó, việc này đã trở nên bình thường hơn đối với Trung Quốc, mặc dù rất không được hoan nghênh đối với Indonesia”, ông Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, cho biết.
Ông Collin Koh, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, đánh giá vụ việc là "một thách thức" đối với Indonesia.
“Diễn biến mới nhất này chỉ đơn thuần làm nổi bật vấn đề dai dẳng mà Indonesia phải đối mặt với việc Trung Quốc từ chối “xuống thang”, nhượng bộ các tuyên bố bất bình đẳng của họ ở Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn”, vốn đã bị Tòa quốc tế vô hiệu trong phán quyết năm 2016”, ông Koh nói, viện dẫn phán quyết của tòa án quốc tế The Hague bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ kiện mà Philippines là bên thắng cuộc.
“Thay vì coi Trung Quốc là bên “hung hăng hơn”, có lẽ chính xác hơn nếu mô tả Trung Quốc là “vẫn hung hăng” mặc dù đã có giới hạn cuối cùng [gần quần đảo Natuna]”, ông Koh nói thêm.
Vào tháng 1, Indonesia đã triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến để tuần tra gần quần đảo Natuna sau khi lực lượng tuần duyên và tàu cá Trung Quốc tiến vào vùng biển gần đó.
Indonesia, đảo quốc lớn nhất thế giới, đang cố gắng ngăn chặn các tàu nước ngoài đánh bắt cá trong vùng biển của mình, vì cho rằng nó gây tổn thất hàng tỷ đô la cho nền kinh tế mỗi năm.
Cơ quan an ninh hàng hải Bakamla đã triển khai các tàu tuần tra trong "Chiến dịch Ngăn chặn và Đẩy lùi" trên khu vực hàng hải phía tây vào ngày 4 tháng 9 để đảm bảo vùng biển. Theo báo The Jakarta Post, hoạt động dự kiến kết thúc vào tháng 11.
Liệu Indonesia có đủ cứng rắn để răn đe Trung Quốc trong tương lai hay không?
Vụ việc mới nhất diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đến chào xã giao Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto tại Jakarta.
Sau vụ việc, phía Indonesia đã sử dụng cuộc họp để nhắc nhở rằng họ đã “cam kết đối thoại và giải quyết hòa bình ở Biển Đông”.
Ông Storey nói rằng trong việc xua đuổi tàu Trung Quốc, Indonesia đã thể hiện sự “cứng rắn” về lập trường của mình đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói trước đây họ chỉ giám sát các tàu tuần duyên của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của mình.
“Các quốc gia Đông Nam Á khác có chung tranh chấp về lãnh thổ và biển đảo sẽ có thể “làm tốt” hơn nữa thông qua “tấm gương” của Indonesia để cho Bắc Kinh thấy rằng họ hoàn toàn bị bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” trong đường chín đoạn. Khi tòa trọng tài năm 2016 ra phán quyết, những “quyền lịch sử” đó không phù hợp với luật pháp quốc tế”, chuyên gia Storey nói.
Tuy nhiên, nhà phân tích Collin Koh đặt câu hỏi liệu hành động của Indonesia có đủ “cứng” để răn đe Bắc Kinh trong tương lai hay không.
Ông Koh nói Indonesia cần “một chiến lược mạnh mẽ hơn” để tập hợp “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN và các bên ngoài khu vực có cùng chí hướng” để cùng lên án “các hành vi bá quyền” như vậy, mặc dù ông cảnh báo rằng điều này sẽ gây ra “rắc rối về mặt chính trị nếu bị hiểu sai như là chính sách ngăn chặn của Trung Quốc”.
Một lựa chọn khác là đặt vấn đề trong bối cảnh quốc tế, chẳng hạn như lên diễn đàn của Liên Hợp Quốc, mặc dù cách tiếp cận này cũng sẽ có những hạn chế tiềm ẩn.
Chuyên gia Koh cũng cho biết cần phải đầu tư nhiều hơn vào các lực lượng hàng hải của Indonesia và khả năng tuần tra ngoài khơi của họ để đảm bảo “sức mạnh được duy trì đầy đủ trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài quần đảo Natuna trước sự xâm phạm của Trung Quốc”.
Bắc Kinh lên tiếng về cáo buộc xâm phạm vùng EEZ của Indonesia
Về vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) trong cuộc họp báo hôm 15/9 khẳng định rằng các quyền lợi của Trung Quốc trong vùng biển liên quan là rất rõ ràng.
“Tàu Trung Quốc tiến hành tuần tra bình thường trong vùng biển mà Bắc Kinh có quyền tài phán”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định hai bên đã có liên lạc trao đổi về vụ việc vừa qua.
Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, Prabowo cho biết một căn cứ quân sự mới sẽ được xây dựng ở Natuna và các khu vực khác của Indonesia.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto từng tuyên bố rằng Indonesia xem xét khả năng mua sắm tiêm kích chiến đấu tấn công đa nhiệm Eurofighter Typhoon (vốn được mệnh danh là Chiến binh châu Âu hay Cuồng phong, thần phong trời Âu) đã qua sử dụng của Không quân Áo nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội nước này, đối phó với loạt hành vi xâm lấn và coi thường pháp luật của Bắc Kinh ở quần đảo Natuna.
Bên cạnh đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng nhấn mạnh cam kết tăng cường hiện diện quân sự của lực lượng chức năng Indonesia ở đảo Natuna và trên Biển Đông.
Đọc thêm: