Quốc hội Việt Nam sắp xem xét vấn đề nhân sự quan trọng

Đợt họp thứ 2 kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, dự kiến từ 2-17/11/2020, Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ và có thể tiến hành phê chuẩn Bộ trưởng Y tế.
Sputnik

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20/10/2020, dự kiến bế mạc vào ngày 17/11/2020.

Kỳ họp này vẫn được tiến hành theo 2 đợt. Đợt một họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến sáng ngày 27/10/2020). Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó. Đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đợt hai họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 2/11 đến ngày 17/11/2020).

Quốc hội sẽ quyết nhiều nhân sự tại kỳ họp thứ 10

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10. Trong đó, đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 2 dự án trình Quốc hội cho ý kiến: dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Anh rất hiểu pháp luật nhưng vẫn vi phạm: Quốc hội sẽ bãi nhiệm ĐBQH Phạm Phú Quốc
Công tác nhân sự của kỳ họp sẽ được tiến hành tại đợt họp trực tiếp.

Theo đó, chiều 2/11 UB Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.

Quy trình sau đó lần lượt là thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội, Quốc hội nghe UB Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bãi nhiệm ông Quốc. Quốc hội thành lập ban kiểm phiếu, bỏ phiếu kín, công bố kết quả thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm với lý do có thêm một quốc tịch khác nhưng không báo cáo tổ chức. Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ông Quốc đã không trung thực, vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam.

Nội dung miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh để nhận nhiệm vụ mới (ông Chu Ngọc Anh ít ngày trước đã chính thức nhận vị trí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) như thông tin tại phiên họp thứ 48 của UB Thường vụ Quốc hội chưa được nêu cụ thể tại chương trình dự kiến của kỳ họp.

Có còn trung thành với Đảng và nhân dân? Xử lý vụ ông Phạm Phú Quốc như thế nào?
Ngoài việc bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc, chương trình kỳ họp dự kiến có bố trí thời gian xen kẽ cho công tác nhân sự với chú thích (nếu có) vào chiều ngày 11/11/2020 và sáng 12/11/2020.

Tương ứng với việc bố trí nội dung “chờ” này, tại phiên họp 48 của UB Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đã đề cập với việc, ngoài nhân sự Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ có sự thay đổi kỳ này, việc có trình Quốc hội làm nhân sự Bộ trưởng Y tế hay không đang chờ để sắp xếp.

Cũng tại kỳ họp tháng 11 năm ngoái, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến khi bà Tiến nhận nhiệm vụ mới, làm Trưởng Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Từ đó, nhân sự Bộ trưởng Y tế chưa được kiện toàn. Sau một thời gian Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được giao phụ trách Bộ Y tế, đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định giao Quyền Bộ trưởng Y tế với ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Thường trực Bộ này.

Quốc hội Việt Nam sắp xem xét vấn đề nhân sự quan trọng

Theo quy định, Bộ trưởng là vị trí nhân sự do Quốc hội phê chuẩn. Theo đó, để kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ phải trình đề nghị để Quốc hội xem xét phê chuẩn.

Giáo sư Nguyễn Thanh Long được Thủ tướng điều động làm Thứ trưởng Bộ Y tế
Điểm đáng chú ý khác trong công văn mời các vị đại biểu Quốc hội về tham dự kỳ họp thứ 10 lần này, Tổng thư ký Quốc hội đề cập việc, trong thời gian qua, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội phản ánh ý kiến cử tri của địa phương mình cho rằng: trong quá trình thảo luận tại kỳ họp, vẫn còn tình trạng đại biểu phát biểu chưa cô đọng, súc tích, còn trùng lặp, chưa đúng mực, thiếu tính xây dựng, thiếu thận trọng khi nêu vấn đề nhạy cảm...

Cử tri đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, chú trọng hơn việc nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm bắt tình hình thực tế để nâng cao chất lượng nội dung phát biểu, tập trung phân tích, đánh giá, kiến nghị các giải pháp thiết thực vì quyền lợi của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên họp...

UB Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đọc thêm:

Thảo luận