Anh rất hiểu pháp luật nhưng vẫn vi phạm: Quốc hội sẽ bãi nhiệm ĐBQH Phạm Phú Quốc

© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNTổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Liên quan đến ‘scandal’ sở hữu hộ chiếu vàng Cyprus (Cộng hòa Síp) của ông Phạm Phú Quốc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại Kỳ hợp thứ 10 tới đây, sẽ xem xét bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Quốc.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ông Phạm Phú Quốc rất am hiểu pháp luật nhưng vẫn vi phạm. Sau khi có Quốc tịch thứ hai là Cộng hòa Síp không báo cáo với Quốc hội. Đây là lỗi nặng, cần xử nghiêm, phải bãi nhiệm chứ không thể chỉ cho thôi nhiệm vụ.

Sẽ bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Phạm Phú Quốc vào tháng 10

Sáng nay, ngày 17/9, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin cho biết, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang làm thủ tục để trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc (đại biểu Quốc hội Đoàn TP.HCM).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận Hội nghị. - Sputnik Việt Nam
Có còn trung thành với Đảng và nhân dân? Xử lý vụ ông Phạm Phú Quốc như thế nào?

Dự kiến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc ngày 20/10 tới đây.

Đồng thời, Tổng Thư ký Quốc hội thông tin thêm về việc Ban Công tác đại biểu đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc do bị phát hiện có hai Quốc tịch – Việt Nam và Cyprus (Cộng hòa Síp).

“Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Ban công tác đại biểu hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc vào kỳ họp thứ 10, khai mạc trong tháng sau. Nội dung bãi nhiệm ông Quốc cũng đã được đưa vào chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10 tới”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Thông tin thêm về lý do bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ông Phạm Phú Quốc chứ không phải giải quyết cho thôi nhiệm vụ như với nhiều trường hợp đại biểu khác đã bị kỷ luật và có đơn xin thôi nhiệm như trước đây, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vào đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đã có trường hợp ĐBQH TP. Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách đại biểu vì có hai Quốc tịch Việt Nam và Malta (vi phạm Điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam).

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bà Nguyệt Hường ứng cử đầu nhiệm kỳ, có thể chưa biết quy định này.

Tuy nhiên, ông Phạm Phú Quốc đã biết bà Hường không được công nhận tư cách đại biểu vì liên quan đến Quốc tịch. Thêm vào đó, ông Phạm Phú Quốc cũng là đại biểu tham gia xây dựng luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), thông qua vào tháng 6 vừa qua, trong đó quy định rõ Đại biểu Quốc hội Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam.

“Là đại biểu Quốc hội, ông Quốc rất am hiểu luật pháp, hiểu rõ quy định là đại biểu Quốc hội thì chỉ có một quốc tịch, nhưng vẫn cố tình vi phạm như vậy đây là lỗi nặng, phải xử lý nghiêm túc. Sau khi có quốc tịch thứ 2 cũng không hề báo cáo với Quốc hội. Đây là tình tiết tăng nặng và cần bãi nhiệm chứ không thể cho thôi nhiệm vụ”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, trong trường hợp bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Ông Phạm Phú Quốc vi phạm nghiêm trọng luật Quốc tịch như thế nào?

Chia sẻ về trường hợp sở hữu hai Quốc tịch Việt Nam – Cộng hòa Síp (Cyprus) của ông Phạm Phú Quốc, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp Trần Thất cho biết, ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật Quốc tịch.

Theo ông Trần Thất chia sẻ quan điểm trên Vietnamnet, Quốc tịch là một chế định pháp lý quan trọng của mọi quốc gia. Nó bao giờ cũng được thể hiện trước hết trong Hiến pháp. Bởi vì một trong bốn yếu tố quan trọng cấu thành một quốc gia độc lập là yếu tố cư dân và quốc tịch.

“Quốc tịch cũng thể hiện mối quan hệ pháp lý về quyền và nghĩa vụ giữa công dân với nhà nước. Quốc tịch, vì vậy là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính chính trị sâu sắc”, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Theo đó, trong thực tiễn đã từng có những xung đột quốc gia mà khởi đầu của nó là vấn đề quốc tịch. Vì vậy, giải quyết vấn đề quốc tịch luôn nhạy cảm đối với mọi quốc gia. Tuỳ theo điều kiện, tình hình, vị thế của mỗi quốc gia mà pháp luật về quốc tịch của từng quốc gia cũng có những quy định đặc thù “cứng” hoặc “mềm”.

Quốc hội Việt Nam - Sputnik Việt Nam
“Scandal” ĐBQH Việt Nam mang 2 quốc tịch: Miễn nhiệm ông Phạm Phú Quốc rồi sao nữa?

Kể từ năm 2008, Việt Nam bắt đầu luật Quốc tịch (được sửa đổi bổ sung năm 2014), có thể coi là một qquốc gia chuyển từ một quốc tịch cứng sang quốc tịch mềm.

Theo lý giải của ông Thất, những nước theo nguyên tắc một quốc tịch “cứng” hoàn toàn không cho phép công dân của họ được có cùng lúc hai quốc tịch trở lên. Trong khi đó, ngược lại, các quốc gia áp dụng luật quốc tịch “mềm”, quy định công dân của họ chỉ có một quốc tịch nhưng cũng cho phép trong một số trường hợp (thường là đặc biệt) được phép có hai quốc tịch.

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam, chỉ những công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam thì vẫn có quốc tịch Việt Nam (khoản 2, Điều 13). Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, quy định này không áp dụng đối với công dân Việt Nam định cư trong nước.

Như vậy, công dân Việt Nam bình thường định cư ở trong nước không thể cùng một lúc có từ hai quốc tịch trở lên. Trong trường hợp những công dân này muốn nhập quốc tịch nước ngoài thì phải thôi quốc tịch Việt Nam trước khi nhập quốc tịch nước ngoài.

Không những thế, khoản 4, điều 27 của luật cũng quy định: “Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam”.

“Trong khi ông Phạm Phú Quốc đang là đại biểu Quốc hội thì chắc chắn không được thôi quốc tịch Việt Nam”, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành Chính Tư pháp nêu rõ.

Với những cơ sở này, theo ông Trần Thất, có thể nhận định rằng, ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành.

“Không những vậy, tính chất hành vi vi phạm của ông Quốc là lén lút. Tôi dùng từ “lén lút” là bởi ông Quốc đã thực hiện hành vi này một cách bí mật, không báo cáo tổ chức Đảng, chính quyền. Một đại biểu Quốc hội lén lút và cố ý vi phạm pháp luật không thể không bị một hình thức phạt thích đáng”, nguyên Vụ trưởng Trần Thất nêu rõ.

Bình luận thêm về quyết định bãi nhiệm, vị chuyên gia cho rằng đây không phải hình phạt. Trong pháp luật Việt Nam cũng như các nước trên thế giới chỉ có ba loại phạt là: Phạt hình sự, phạt hành chính và phạt dân sự.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 10/6. - Sputnik Việt Nam
ĐBQH Việt Nam mang hai quốc tịch: Ai trả lại danh dự cho ông Phạm Phú Quốc?

Tương ứng với ba hình thức phạt này thì bộ luật Hình sự, luật Xử lý vi phạm hành chính và bộ luật Dân sự đều có quy định các hình thức phạt cụ thể. Tuy nhiên trong cả ba bộ luật và đạo luật nói trên không hề có quy định hình thức phạt “bãi nhiệm”.

“Bãi nhiệm” chỉ là một hình thức cho thôi làm đại biểu đối với các chức vụ do bầu cử. Bãi nhiệm khác với miễn nhiệm ở chỗ người bị bãi nhiệm do vi phạm kỷ luật hoặc phạm tội nên không còn đủ tư cách làm đại biểu, còn miễn nhiệm thì người đại biểu không còn đủ điều kiện để tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu nên được miễn nhiệm theo đơn đề nghị của chính người đó. Việc phân biệt giữa bãi nhiệm và miễn nhiệm chỉ có ý nghĩa về chính trị. Như vậy “bãi nhiệm” không phải là một hình thức phạt.

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư Pháp, trong lý luận về pháp luật, phạt được coi là việc gây cho người vi phạm pháp luật một thiệt hại (vật chất hoặc tinh thần) nhất định tương ứng với hành vi vi phạm của người đó.

“Nếu coi “bãi nhiệm” là hình thức phạt đối với đại biểu thì hóa ra chúng ta quan niệm làm đại biểu chỉ thuần túy là một quyền lợi của cá nhân đại biểu mà thôi”, ông Trần Thất nhấn mạnh.

Vụ scandal hai quốc tịch Việt Nam – Cyprus của ông Phạm Phú Quốc

Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, liên quan vụ scandal mua hộ chiếu vàng Cộng hòa Síp (Cyprus), ông Phạm Phú Quốc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ĐBQH Việt Nam (thuộc Đoàn TP.HCM), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn Nhà nước) thừa nhận sở hữu quốc tịch Síp nhưng là do gia đình bảo lãnh.

Người đàn ông với hộ chiếu - Sputnik Việt Nam
Vụ ông Phạm Phú Quốc: Quan chức Việt Nam không được phép mang hai quốc tịch

Hồi cuối tháng 8/2020, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này, đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Đại biểu Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cyprus.

Theo ĐBQH Phạm Phú Quốc, khi ứng cử ĐBQH vào tháng 5 năm 2016, ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, vì lý do có một số thay đổi trong công việc và hoàn cảnh cá nhân nên năm 2018, ông Quốc đã hai lần làm đơn trình bày nguyện vọng xin thôi nhiệm vụ công tác (ở thời điểm đó ông đang là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), để chuyển đến Thành ủy, UBND TP.HCM.

Cũng theo ông Quốc, cả vợ và con trai ông đều làm trong lĩnh vực kinh doanh. Con trai ông đã học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, đã có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài tại đây.

“Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus”, ông Quốc cho biết.

Ngày 27/8, ông Quốc đã có đơn giải trình báo cáo các cơ quan chức năng. Đến đầu tháng 9 vừa qua, ông Quốc chính thức có đơn xin thôi việc và các nhiệm vụ do Thành ủy và UBND TP HCM phân công tại Công ty Tân Thuận (IPC).

Đồng thời, ngày 4/9 vừa qua, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM và Thường trực UBND thành phố về việc thống nhất để ông Phạm Phú Quốc thôi việc theo nguyện vọng.

Ông Phạm Phú Quốc, 52 tuổi, nguyên quán tại Quảng Trị. Trong quá trình công tác, ông Quốc từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.

Quốc hội Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Hộ chiếu vàng Cộng hòa Síp: Ông Phạm Phú Quốc gian dối, cần bãi nhiệm tư cách ĐBQH

Ngày 4/12/2019, ông Quốc được UBND TP HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Quốc trúng cử đại biểu Quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 4, gồm các quận 5, 10, 11.

Theo quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua vào tháng 6 năm nay, ĐBQH Việt Nam chỉ được phép có một quốc tịch. Tuy nhiên, luật này đến 1/1/2021 mới có hiệu lực.

Trước ông Phạm Phú Quốc, năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cựu ĐBQH của Hà Nội, đã bị bác tư cách đại biểu vì sở hữu 2 quốc tịch (Việt Nam và Malta) nhưng không khai báo trong hồ sơ ứng cử.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала