Việt Nam quyết lọt Top quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, thu nhập 5.000 USD/người

Việt Nam vẫn quyết tâm tiếp tục nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới trong 5 năm tới và đặt mục tiêu GDP tăng từ 6,5 – 7%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2.750 USD hiện nay lên 5.000 USD năm 2025.
Sputnik

Tuy nhiên, đó là kế hoạch tham vọng thời gian tới. Còn đối với giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra đồng thời cũng chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực

Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới

Chiều 29/9, Đoàn Công tác của Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cũng như phương hướng, nhiệm vụ cho 5 năm tới đây (2021 – 2025).

Báo động: Gần 1/3 dân số Việt Nam thất nghiệp, giảm thu nhập vì Covid-19

Thay mặt lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã tiến hành trình bày báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội.

Cụ thể, theo ông Phương, tính đến năm nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam ước đạt vào khoảng 269 tỷ USD, đã tăng 4,4 lần so với thời kỳ năm 2015.

GDP bình quân đầu người năm 2020 của Việt Nam ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Nền kinh tế đạt nhiều thành tựu đáng khen và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức bình quân 6,8%. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dự báo GDP Việt Nam sẽ chỉ tăng khoảng 2%.

Nếu đúng như vậy, toàn giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%, thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.

Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016 -2020

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho hay, thông qua đánh giá sơ bộ 18/21 chỉ tiêu, có 14 chỉ tiêu đạt, vượt và 4 chỉ tiêu chưa đạt (tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị).

Kinh tế Việt Nam có triển vọng sáng nhất châu Á?

Trong báo cáo của Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Phương cho hay, điểm sáng đáng chú ý là năng suất lao động cải thiện rõ nét, đến năm 2020 dự báo tăng gần 1,5 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).

Đồng thời, mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 45%, vượt mục tiêu đặt ra (30 - 35%).

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt nhưng cũng giống như sáng nay Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam 2020 (VRDF 2020) thì vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững.

“Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực”, báo cáo của Bộ KH&ĐT thừa nhận.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam còn một số hạn chế như, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Việt Nam chưa thể mở cửa, chống suy thoái kinh tế như chống giặc

Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng cho hay, các kế hoạch, đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có những bứt phá lớn.

Thứ trưởng Phương nhìn nhận, chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn.

“Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội một số mặt còn hạn chế, bất cập. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp”, ông Phương trình bày trong báo cáo.

Việt Nam muốn đạt thu nhập 5.000 USD/người vào năm 2025

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ KH&ĐT cũng đánh giá lại những mục tiêu đã đạt, chưa đạt, xác định nguyên nhân và tìm giải pháp phù hợp.

Con hổ mới của châu Á: Việt Nam được kỳ vọng là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới năm 2050?

Bất chấp thực tế hiện tại còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, những mục tiêu cho giai đoạn tới của Việt Nam được đánh giá là khá tham vọng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%,  kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Để thực hiện những mục tiêu trên, đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, đã xác định giai đoạn tới cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng.

Bên cạnh đó cũng cần có sự tập trung vào những dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án tạo sự lan tỏa lớn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.

“Để đạt được những mục tiêu trên, với tinh thần chung về cải cách và đổi mới rất mạnh mẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chắc chắn chúng ta phải đi theo con đường đó, không còn cách nào khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nêu rõ, phải đổi mới thì mới tồn tại, mới phát triển. Theo đó, Bộ sẽ tập trung vào những vấn đề lớn; xây dựng chiến lược, quy hoạch lại tất cả theo Luật Quy hoạch, từ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; xây dựng các mô hình kinh tế mới; xây dựng các cơ chế chính sách mới…; đồng thời tập trung vào giải quyết các vấn đề tồn tại để huy động nguồn lực.

“Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ tập trung bám sát chỉ đạo đối với nguồn ngân sách Trung ương; xử lý những vấn đề nợ đọng, vốn đối ứng cho ODA, những dự án chuyển tiếp và tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án còn tồn đọng, hạn chế tối đa khởi công mới, đồng thời, giải quyết căn cơ những tồn tại, hạn chế… Sau này, chúng ta sẽ có bức tranh sạch về đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, cụ thể đến năm 2025, tập trung xây dựng và hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như: toàn bộ đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành.

Ngoài ra, các dự án năng lượng, đặc biệt dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải. Hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất cũng thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

GDP Việt Nam tăng thấp lịch sử, kinh tế thế giới tê liệt vì Covid-19

Bộ này xác định, đối với các đô thị lớn, Việt Nam đều sẽ tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, đường vành đai, đường xuyên tâm, các công trình đầu mối về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải.

Đặc biệt, nhiệm vụ xây dựng và hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ thống trên toàn quốc, vừa là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa là hệ sinh thái hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khoa học công nghệ.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại buổi làm việc hôm nay, nhìn lại công tác đầu tư công nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư thẳng thắn thừa nhận rằng chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính liên kết, đồng bộ gây lãng phí và kém hiệu quả đầu tư đặc biệt là các dự án hạ tầng.

Triệt để tiết kiệm, làm tốt cái cũ đi rồi nói cái mới

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm nổi bật những kết quả của nền kinh tế đạt được trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng cần nỗ lực hơn trong việc cải cách thể chế để có được hệ thống chính sách hiệu quả, minh bạch. Cùng với đó, ông Thanh mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ những vấn đề phân cấp về thẩm quyền.

Việt Nam đem lại bài học giá trị cho một thế giới đang chật vật hậu Covid-19

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong đầu tư công hiện nay của Việt Nam vẫn còn tư duy “xếp hàng”.

Lý giải thêm về điều này, ông Hải cho biết, việc bố trí vốn dàn trải, thiếu vốn dẫn đến công trình chậm khánh thành, hiệu quả không cao, gây thất thoát lãng phí cho Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhấn mạnh, đầu tư vẫn thiếu đồng bộ, còn tình trạng có cầu mà thiếu đường kết nối, có đường điện cao thế nhưng thiếu đường điện hạ thế lại có tình trạng đã có vốn nhưng không giải ngân được do triển khai chậm, vướng mắc thủ tục, vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho hay, qua làm việc với các bộ, ngành, địa phương về nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2015 thì đề xuất gấp đôi, gấp ba giai đoạn trước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng như vậy nhu cầu vượt rất xa khả năng cân đối vốn của Nhà nước.

Trong buổi làm việc với Bộ KH&ĐT, cả Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đều lưu ý đến chủ trương đầu tư giai đoạn tới là triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, bội chi chỉ được chi cho đầu tư phát triển chứ không chi cho các việc khác, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước, tăng tính hiệu quả của vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, đồng chí Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, giai đoạn 2021- 2025 sẽ rất khác giai đoạn trước, đặc biệt, năm 2021 sẽ rất khó khăn và đại dịch Covid-19 chưa thể dừng lại trước tháng 6/2021.

“Thế giới chưa thể trở lại trạng thái bình thường, dự báo năm 2023 mới có thể trở lại trạng thái bình thường. Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng kế hoạch nguồn vốn ngân sách và Bộ cần thắt chặt kế hoạch trong 5 năm tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xử lý dứt điểm những điểm nghẽn về thể chế để giải phóng những dự án chậm tiến độ đối với các dự án điện, hàng không, đường sắt và 11 công trình tuyến cao tốc Bắc Nam

“Hãy làm tốt những cái cũ rồi hãy làm cái mới. Bên cạnh đó, cần có tư duy để giải phóng sản xuất, đồng thời khẩn trương xem xét lại quy hoạch các cấp: quốc gia, vùng, tỉnh”, đồng chí Phùng Quốc Hiển thẳng thắn.

Ngoài ra, Đoàn công tác Quốc hội yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chuẩn bị tốt cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để Quốc hội cho ý kiến.

Việt Nam sẽ phải trả giá đắt nếu mở lại nền kinh tế lúc này?

Trước đó, trong buổi họp báo công bố số liệu của Tổng cục Thống kê sáng nay, cơ quan này cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2020 tiếp tục duy trì được ổn định. Cụ thể, GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (quý I tăng 3,68%, quý II tăng 0,39%, quý III tăng 2,62%), cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới thì mức tăng GDP 2,12% đã là một “thành công lớn” của Việt Nam trong việc thực hiện cùng lúc hai mục tiêu kép - phòng chống dịch bệnh do coronavirus và khôi phục, phát triển kinh tế.

Đọc thêm:

Thảo luận