Phòng vệ thương mại Việt Nam lộ điểm yếu: Đừng chỉ hám lợi trước mắt

Hàng Việt Nam đã bị kiện phòng vệ thương mại gần 200 vụ. Bộ Công Thương cập nhật thông tin cho biết, số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng, gây lo ngại.
Sputnik

Các chuyên gia cho rằng, việc càng tham gia nhiều FTA, xuất khẩu tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam dễ bị theo dõi, bổ sung điều tra, các sản phẩm bị kiện ngày càng mở rộng ở nhiều ngành hàng. Do đó, cần rà soát, kiểm tra và ứng phó kịp thời. Đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam không nên vì cái lợi trước mắt mà tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội lợi dụng để gian lận xuất xứ.

Việt Nam đối diện với số vụ kiện tăng về phòng vệ thương mại

Việt Nam đang đứng trước cơ hội xuất khẩu hàng hóa lớn qua việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Mặc dù vậy, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết của hiệp định thì số lượng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ ngày càng gia tăng, và doanh nghiệp sẽ phải chủ động ứng phó.

Hà Nội “thân” hơn với EU: Chờ Việt Nam bứt phá trên “đường cao tốc” EVFTA

Phòng vệ thương mại (PVTM) là công cụ hỗ trợ các ngành sản xuất, doanh nghiệp trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa mạnh mẽ như hiện nay.

Tính đến nay, đối với Việt Nam, phòng vệ thương mại còn lộ nhiều điểm yếu trong thực hiện các Hiệp định tự do thương mại. Có thể hiểu, việc tính đến thời điểm này, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như nông thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ, ván ép…

Bộ Công Thương nhận định rằng, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước, Việt Nam lại đang thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới nên yêu cầu nâng cao năng lực phòng vệ thương mại một cách tổng thể, toàn diện nhằm bảo vệ hợp pháp, hợp lý sản xuất trong nước là yêu cầu ngày càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, thời gian qua số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng.

Đứng trước tình hình này, Bộ Công Thương khẳng định cơ quan này đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện, cung cấp thông tin cập nhật.

Bộ Công Thương đã kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc cũng như tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp khi tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra.

Việt Nam phản hồi về Báo cáo tự do tôn giáo, EVFTA, Mỹ điều tra gỗ dán

Cũng theo số liệu cập nhật của Bộ Công Thương, Việt Nam đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ kiện, đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp.

“Việt Nam cũng đã khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực”, báo cáo của Bộ Công Thương khẳng định.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng, Bộ Công Thương cũng đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp Phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng, nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Về phần mình, tính đến nay, Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc phòng vệ thương mại và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Theo Bộ Công Thương, các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.

“Các biện pháp này cũng góp phần thực hiện các giải pháp liên quan tới xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, trong đó, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty Phân bón DAP-Vinachem (Đình Vũ - Hải Phòng), Công ty Thép Việt Trung, Công ty Thép Việt Ý, Công ty Thép Pomina”, đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Việt Nam cần theo dõi và cảnh báo sớm

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua nhưng công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập mới của Việt Nam.

Việt Nam phản hồi về Báo cáo tự do tôn giáo, EVFTA, Mỹ điều tra gỗ dán

Cụ thể cần thẳng thắn thừa nhận rằng, năng lực phòng vệ thương mại của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam chưa được nâng cao. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế triển khai, phối hợp giữa các cơ quan trong công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài còn bất cập.

Đồng thời, nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng vệ thương mại chưa tương xứng với sự gia tăng về số lượng và độ phức tạp của các vụ việc khởi kiện và kháng kiện phòng vệ thương mại.

Phát biểu về vấn đề phòng vệ thương mại, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị, nhà nước cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cảnh báo sớm nếu như xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến.

Cùng với đó, để khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, năng lực phòng vệ thương mại.

Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA, EVIPA, Công ước số 105

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 35 của Bộ Công Thương, cần nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp.

“Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực cho công tác phòng vệ thương mại, kể cả rà soát, tổng kết, đề xuất định hướng kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ quan phòng vệ thương mại để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác PVTM”, vị lãnh đạo cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương nêu quan điểm rằng, cần củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về phòng vệ thương mại để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM.

Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và thực tiễn xử lý phòng vệ thương mại của Việt Nam và thế giới cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Đồng thời, Bộ, ngành cần xây dựng chiến lược chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hợp lý và hợp pháp ngành sản xuất trong nước theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật trong nước”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Vì sao Việt Nam dễ bị kiện phòng vệ thương mại?

Đối với các hiệp định thương mại tự do có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn.

Việt Nam bàn về EVFTA, EVIPA, Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức

Cũng theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nông sản là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khi xuất sang EU nên khả năng EU cân nhắc áp dụng phòng vệ thương mại nếu hàng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến là rất hiện hữu.

“Nếu một mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU gia tăng đột biến, gây thiệt hại cho ngành sản xuất của các quốc gia thuộc khối này, thì EU có thể sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngay lập tức. Họ có thể ngừng giảm thuế 0% trong vòng 4 năm hoặc đưa về mức thuế cơ sở đối với mặt hàng này”, Cục trưởng Lê Triệu Dũng nói.

Theo ông Dũng, khi EVFTA đi vào hiệu lực, việc mua bán hàng hóa giữa Việt Nam và EU sẽ gia tăng bởi vì đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ về mức 0%. Điều này dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa 2 bên để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu.

Chính vì lẽ đó, việc Bộ Công Thương cung cấp, trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng về rủi ro phòng vệ thương mại, đồng thời đưa ra khuyến nghị các ngành hàng, doanh nghiệp theo dõi chặt chẽ kim ngạch xuất khẩu sang EU là rất cần thiết.

Chiến tranh thương mại và Covid-19: Liệu Việt Nam có thắng Trung Quốc?

Ngay lúc này, Việt Nam là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi quyết định dịch chuyển sản xuất lúc Hiệp định EVFTA bước vào giai đoạn thực thi.

Mặc dù vậy, xuất khẩu tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam dễ bị theo dõi, bổ sung điều tra, các sản phẩm bị kiện ngày càng mở rộng ở nhiều ngành hàng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, vì các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại là rất lớn nên xuất hiện tình trạng một số doah nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính.

Vì vậy, Bộ Công Thương xác định, các hoạt động phòng vệ thương mại cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này.

Đừng vì lợi ích trước mắt mà tiếp tay cho gian lận thương mại nước ngoài

Theo nhiều chuyên gia, việc thực thi Hiệp định EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về phòng vệ thương mại. Từ đó, các doanh nghiệp có thể bắt tay vào khai thác các lợi ích mà hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Việt Nam và Trung Quốc thống nhất khôi phục hoạt động thương mại tại biên giới

Mặt khác, doanh nghiệp cần chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.

“Các doanh nghiệp cũng nên có chiến lược rà soát giá bán phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin”, khuyến nghị nêu rõ.

Khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa liên quan, doanh nghiệp cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có, gây bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc.

Trong khi đó, theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Trương Đình Hòe, việc thuê luật sư, văn phòng luật giàu kinh nghiệm, am hiểu thị trường ngay tại nước khởi xướng các vụ việc phòng vệ thương mại đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đương đầu với những điều khoản, yêu cầu của nước nhập khẩu.

“Cần phải kiên trì theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá, bởi nếu bỏ cuộc cũng đồng nghĩa bỏ thị trường lớn”, ông Hòe khẳng định.

Việt Nam có cần đến chiến thắng trong cuộc chiến thương mại hay không?
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, để phòng tránh những thiệt hại từ những vụ kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần thường xuyênliên lạc với VCCI, Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu, qua đó hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.

“Đặc biệt, doanh nghiệp Việt không nên vì lợi ích trước mắt tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ của doanh nghiệp nước ngoài”, bà Trang lưu ý.
Thảo luận