Tổng Kiểm toán Nhà nước cam kết, khi siết chặt kỷ cương trong quản lý, tăng cường minh bạch, nghiêm trị sai phạm, tham nhũng sẽ từng bước giảm ở Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân, nâng cao uy tín đất nước.
Việt Nam hướng tới thực hiện “ba không” trong phòng, chống tham nhũng
Sắp tới đây, Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/12/2020. Nghị định này được nhận định là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam với Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng là “người đốt lò” vĩ đại.
Cụ thể, Nghị định 130 của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ chế ngăn ngừa khiến cho người làm cán bộ “không thể”, “không dám” tham nhũng.
Theo nội dung quy định trong Nghị định 130, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có yêu cầu công khai tài sản, thu nhập tại nơi họ đang công tác.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ có trách nhiệm xây dựng, thực hiện kế hoạch xác minh hàng năm.
Trao đổi về Nghị định này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, việc kê khai kiểm soát thu nhập theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định hướng dẫn thi hành luật có tác dụng rất lớn trong phòng, chống tham nhũng.
Một vấn đề khác là cơ chế phòng, chống tham nhũng cũng hết sức quan trọng. Với những biện pháp quản lý chặt chẽ của mình, Chính phủ sẽ điều chỉnh hành vi của cán bộ, khiến họ “không thể tham nhũng” bởi những chính sách chặt chẽ, minh bạch, có tác dụng kiểm soát lẫn nhau, “không dám tham nhũng" vì sợ bị trừng phạt, “không cần tham nhũng” vì chế độ đãi ngộ đầy đủ.
“Nếu thực hiện tốt “3 không” ấy thì chắc chắn, tình hình tham nhũng sẽ giảm”, ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Các quy định kê khai và kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn được nêu rõ trong Nghị định 130 sẽ khiến cho những người có ý đồ tham nhũng không dám tham nhũng vì không thể che đậy được tài sản. Kể cả nếu có sai phạm cũng sẽ dễ dàng bị xử lý do bị phát hiện tài sản bất minh.
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV vừa qua, Chính phủ đã có Báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Báo cáo ghi nhận nhiều kết quả tích cực cũng như nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trước tình hình đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rộng khắp đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động giảm các đầu mối kiểm toán, rút ngắn thời gian và rà soát lại kế hoạch kiểm toán tại các địa phương xảy ra dịch bệnh.
Bên cạnh đó, cơ quan này đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, từ đó kiềm chế, ngăn chặn và từng bước giảm tham nhũng.
Theo ông Hồ Đức Phớc, bằng việc siết chặt kỷ luật kỷ cương trong quản lý, tăng cường minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm, tham nhũng sẽ từng bước được đẩy lùi, từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân trong việc quản lý hiệu quả tiền, tài sản của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tham nhũng ở Việt Nam đã được kiềm chế
Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc thực hiện kê khai kiểm soát thu nhập sẽ có tác dụng to lớn nhằm làm cho cán bộ, công chức “không thể”, “không dám” tham nhũng.
Theo chia sẻ của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy, năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính. Qua thanh tra, kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401 hécta đất, đồng thời, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, trong đó có các các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, tướng lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân như Công an, Quân đội.
Theo ông Hồ Đức Phớc, đối với cơ quan Kiểm toán Nhà nước, đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, 2 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định.
Báo cáo về tình hình chống tham nhũng tại Việt Nam cũng cho thấy, cơ quan công an tiến hành thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ/962 bị can. Tòa án Nhân dân Tối cao và tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo, đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng.
Riêng đối với ngành Kiểm toán, ông Phớc cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến hết tháng 10 này, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 147/184 cuộc kiểm toán, xử lý tài chính 52.970 tỷ đồng. Trong đó tăng thu ngân sách 3.074,5 tỷ đồng, giảm chi 10.700 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 39.195,5 tỷ đồng.
“Từ những kết quả đã đạt được, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Tuy nhiên, báo cáo của về phòng chống tham nhũng cũng dự báo tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi, “tham nhũng vặt” còn tiếp diễn.
Đặc biệt, lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn.
Vì sao phải kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ?
Trao đổi về vấn đề thực hiện Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, ông Hồ Đức Phớc đánh giá đây là yếu tố rất quan trọng, có tác dụng rất lớn trong công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam.
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, các biện pháp quản lý chặt chẽ của Chính phủ sẽ góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của cán bộ, làm cho họ “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng và “không cần tham nhũng”.
Vì vậy, việc kê khai và kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn chính là biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.
“Nghị định 130/2020/NĐ-CP sẽ làm cho những người có ý đồ tham nhũng không dám tham nhũng vì không thể che đậy được tài sản, nếu sai phạm cũng sẽ dễ dàng bị xử lý do bị phát hiện tài sản bất minh”, đồng chí Hồ Đức Phớc khẳng định.
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ, việc công khai minh bạch tài sản, đẩy mạnh kiểm tra giám sát và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt là những biện pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả và cần được áp dụng để ngăn ngừa tham nhũng.
Về các giải pháp trong thời gian tới, ông Phớc cho hay, cơ quan Kiểm toán Nhà nước hiện không chỉ kiểm tra công tác quản lý tài sản công, tài chính công bằng phương pháp hậu kiểm mà còn đang chuyển dần sang tiền kiểm nhằm ngăn ngừa sai phạm nảy sinh, đồng thời giúp các cơ quan, đơn vị kịp thời uốn nắn, sửa chữa sai phạm.
“Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tăng cường công bố kết luận kiểm toán, tập trung vào các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm”, ông Phớc cho biết.
Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ nỗ lực nâng cao tính chuyên nghiệp, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp của cán bộ kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong khối nội chính nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
Đọc thêm: