Cùng với thông tin về việc ký kết hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam – Vương Quốc Anh, bà Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định việc Bộ Ngoại giao kiên quyết xử lý nghiêm hành vi trục lợi các chuyến bay nhân đạo liên quan đến việc người Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam phải “bôi trơn” hay “cò bán vé máy bay chợ đen” ở Hàn Quốc.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo về việc phát triển vaccine Covid-19 trong nước, đẩy mạnh phối hợp với các công ty, các nhà cung cấp vaccine chống coronavirus uy tín trên thế giới, để Việt Nam cũng có thể có vaccine Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
Bộ Ngoại giao nói gì về việc Việt Nam - Anh chuẩn bị ký FTA?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng bình luận về việc thông tin Việt Nam và Vương quốc Anh chuẩn bị ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA trong khuôn khổ buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 3/12/2020.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc có thể là trong tuần tới Việt Nam và Anh sẽ hoàn tất đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định FTA giữa hai nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam luôn đánh giá cao quan hệ hợp tác với Vương Quốc Anh, đặc biệt là trong năm 2020 này, hai bên đánh dấu 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Vương Quốc Anh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, quan hệ giữa hai nước được tăng cường một cách toàn diện trên tất cả các phương diện, đặc biệt là về kinh tế, thương mại.
“Theo tôi được biết, hai nước đang tích cực trao đổi để xác định các vấn đề đàm phán tiến tới ký kết FTA”.
Vương Quốc Anh có mối quan hệ tốt đẹp và phát triển tích cực với Việt Nam cũng như các quốc gia trong khối ASEAN. Thương mại hàng hóa với Việt Nam tăng trưởng ở mức 9% hàng năm trong giai đoạn 2014 -2019.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 6,6 tỷ USD và đầu tư FDI của Anh vào Việt Nam đạt 3,7 tỷ USD.
Việt Nam và Anh đã cùng xây dựng tầm nhìn mới cho quan hệ song phương trong 10 năm tới, cùng nỗ lực hướng tới thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước lên một mức cao hơn.
Việt Nam và Vương Quốc Anh cũng nhất trí cùng lên kế hoạch nối lại trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, tăng cường nội dung thực chất cho các cơ chế hợp tác, nhất là Đối thoại Chiến lược - an ninh - quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư (JETCO), Đối thoại quốc phòng.
Bộ Ngoại giao nói về việc mời Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam
Cũng trong buổi họp báo chiều ngày 3/12, phóng viên nêu câu hỏi về việc vừa qua, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có lời mời Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống vừa đắc cử Kamala Harris.
“Phía Việt Nam đã có liên hệ, gửi lời mời hay sắp xếp điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ vừa đắc cử chưa?”, phóng viên nói.
Trả lời vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin cho biết, vừa qua thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có gửi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Cùng ngày Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã gửi điện chúc mừng Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris.
“Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ. Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc mối quan hệ song phương, duy trì trao đổi đoàn các cấp, tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và giao lưu nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Trước đó, như đã thông tin, ngày 30/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chúc mừng ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ.
Trong điện mừng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu mà hai bên đã đạt được trong 25 năm quan hệ Việt – Mỹ, đồng thời bày tỏ tin tưởng quan hệ “Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ” sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng với nền tảng quan hệ đã được xây dựng trong 25 năm qua, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, góp phần mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, cũng nhân dịp này, các nhà lãnh đạo Cấp cao Việt Nam cũng trân trọng mời Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris thăm Việt Nam vào thời gian sớm nhất.
Việt Nam nói gì việc Mỹ trừng phạt các công ty Trung Quốc sở hữu giàn khoan HD-981?
Trong buổi họp báo chiều nay, phóng viên cũng nêu câu hỏi liên quan đến sự việc vừa qua, chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định đưa công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen các công ty liên quan quân đội Trung Quốc.
Bình luận về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho hay, Trung Quốc và Mỹ đều là hai đối tác lớn của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
“Do đó chúng tôi cũng theo dõi các diễn biến trong quan hệ giữa hai nước”, bà Hằng nói.
“Bên cạnh đó, Việt Nam kiên quyết phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác định theo Công ước Luật Biển của LHQ 1982 (UNCLOS)”, người phát ngôn nêu rõ.
Thực tế, CNOOC là tập đoàn sở hữu giàn khoan HD-981 đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam hồi năm 2014 gây nên làn sóng phản đối hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông tại Việt Nam và dư luận quốc tế.
Chuyện người về từ Đài Loan phải “bôi trơn” để nhập cảnh vào Việt Nam
Phóng viên đặt câu hỏi về việc một số người Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam bằng chuyến bay thuê bao gần đây có phản ánh tình trạng khi làm thủ tục giấy tờ xuất nhập cảnh vào Việt Nam và trong quá trình di chuyển vào sân bay cũng như cách ly tại cơ sở lưu trú thì đều được yêu cầu nộp “phí bôi trơn”.
“Xin hỏi Chính phủ Việt Nam bình luận như thế nào về vấn đề này?”, đại diện cơ quan truyền thông chất vấn.
Trả lời câu hỏi này của phóng viên, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép (vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế) thì cùng với nỗ lực đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn ở nước ngoài về thì Chính phủ Việt Nam cũng đã mở cửa cho các nhà ngoại giao, các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan liên quan của Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng là nhà ngoại giao, các chuyên gia, các nhà đầu tư nước, lao động tay nghề cao và thân nhân của họ đến Việt Nam, từ việc thu xếp các chuyến bay cho đến việc cách ly tại các cơ sở lưu trú của Việt Nam.
“Những hành vi trục lợi tiêu cực làm thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.
Cò bán vé chợ đen ở Hàn Quốc
Phóng viên cũng nêu câu hỏi về việc có thư phàn nàn về tình trạng cò bán vé máy bay chợ đen tại Hàn Quốc.
“Tình trạng này đã được báo cáo chưa và sứ quán có biện pháp gì để hạn chế vấn đề này?”, câu hỏi được phóng viên nêu với người phát ngôn.
Đáp lại, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay, Bộ Ngoại giao đã nhận được thông tin từ đại sứ quán tại Hàn Quốc liên quan đến phản ánh của người dân về một số vấn đề phát sinh với các chuyến bay theo hình thức tự nguyện và việc trả phí cách ly.
“Chúng tôi đã trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Theo đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan chức năng, xác minh thông tin, làm rõ vụ việc nếu có và sẽ có hình thức xử lý nghiêm minh. Như tôi đã nêu ở câu trả lời trước, những hành vi trục lợi, tiêu cực ở các chuyến bay nhân đạo cần bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật”, đại diện Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Việt Nam bình luận về vấn đề vaccine Covid-19
Trong cuộc họp báo chiều nay, đại diện Bộ Ngoại giao nhận được câu hỏi liên quan đến vấn đề vấn đề vaccine Covid-19.
“Được biết trước đây Việt Nam đã đặt vaccine Covid-19 từ các nhà cung cấp nước ngoài, xin người phát ngôn có thể cho biết thời gian và khối lượng vaccine có thể giao. Một số vaccine có kết quả thử nghiệm khả quan, xin người phát ngôn có thể chia sẻ về chương trình tiêm chủng vaccine ở Việt Nam?”, phóng viên hỏi.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam luôn theo dõi và hoan nghênh kết quả nghiên cứu của các công ty, các quốc gia sản xuất vaccine chống Covid-19.
“Chúng tôi mong muốn các vaccine sau khi được chấp nhận sẽ được phổ biến 1 cách rộng rãi, mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, đặc biệt là ở các nước đang phát triển”, bà Hằng nói.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua, bên cạnh nỗ lực tập trung vào phòng chống kiểm soát dịch bệnh, thì Chính phủ Việt Nam cũng đã rất quan tâm và chỉ đạo cho các cơ quan liên quan phát triển vaccine trong nước, đồng thời đẩy mạnh phối hợp với các công ty, các nhà cung cấp vaccine uy tín trên thế giới, để Việt Nam cũng có thể có vaccine chống Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
“Và cũng để chuẩn bị cho việc sẵn sàng tiếp nhận và đưa vào sử dụng vaccine, chúng tôi đang xây dựng những chính sách về việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối vaccine để có thể ngay sau khi tiếp nhận vaccine có thể đưa vào sử dụng ngay”, người phát ngôn cho biết.
Hội nghị quốc phòng – quân sự ASEAN ADMM lần thứ 14 và ADMM+ lần thứ 7
Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin về các Hội nghị quốc phòng - quân sự ASEAN gồm Hội nghị ADMM lần thứ 14 và Hội nghị ADMM+ lần thứ 7 sắp tới dự kiến diễn ra từ 9-10/12/2020.
Theo đó, Hội nghị ADMM lần thứ 14 và Hội nghị ADMM+ lần thứ 7 được đánh giá hoạt động đối ngoại quốc phòng quan trọng, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Bộ Quốc phòng và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và đối tác gồm Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ.
Hội nghị ADMM lần thứ 14 và Hội nghị ADMM+ lần thứ 7 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 9-10/12/2020. Một số hoạt động liên quan như Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+, Chương trình khách mời của nước Chủ tịch, lễ bàn giao vai trò Chủ tịch ADMM và ADMM+ cho Brunei.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, chủ nhà Việt Nam cũng tổ chức các sự kiện chương trình khách Chủ tịch, trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN sẽ có phiên đối thoại với Bộ trưởng Quốc phòng các nước khách mời bao gồm Canada, Anh và Liên Hợp Quốc.
“Qua đó, các bên sẽ tăng cường hiểu biết và khả năng hợp tác trong tương lai”, bà Hằng nói.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục phát triển diễn biến phức tạp thì Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết và chủ động thích ứng của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 tiếp tục duy trì đà hợp tác thông qua việc tổ chức Hội nghị ADMM và ADMM mở rộng và các sự kiện liên quan, chuyên đề theo hình thực trực tuyến.
“Việc tổ chức lễ kỷ niệm 10 ra đời cơ chế ADMM mở rộng, cơ chế đối thoại an ninh quan trọng của khu vực với sự tham gia của các nước có ảnh hưởng lớn đến khu vực và vai trò dẫn dắt của ASEAN”, người phát ngôn nêu rõ.
“Đây cũng là cơ hội để các nước trong ADMM mở rộng cùng nhìn lại chặng đường lịch sử 10 năm vừa qua và đưa ra các phương hướng hoạt động trong tương lai”, đại diện Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Trước đó, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị lần này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị cùng lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 14, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 và các hoạt động liên quan.
Trong đó, Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tiến hành công tác chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt theo nhiệm vụ được phân công, chú trọng công tác chuẩn bị về nội dung, kỹ thuật, đường truyền, công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh, an toàn, y tế trong bối cảnh dịch Covid-19 để Hội nghị ADMM-14, Hội nghị ADMM+ lần thứ 7 và các hoạt động liên quan đạt kết quả cao nhất, giúp Việt Nam hoàn thành vẹn toàn trọng trách nước Chủ nhà ASEAN 2020 này.