Bên cạnh việc không xê dịch bát hương, không bất kính với tổ tiên, điều quan trọng nhất khi lau dọn, sắp xếp, bài trí bàn thờ, sắp mâm ngũ quả là sự thành tâm, công đức, lòng hiếu kính của gia đình, hướng về nguồn cội, những điều tốt đẹp cho mình và người khác.
Cách dọn dẹp bàn thờ ngày Tết như thế nào?
Với nét đẹp coi trọng lễ nghĩa, đề cao, tôn thờ tổ tung, việc dọn dẹp, bài trí trang nghiêm bàn thờ Tết và mâm ngũ quả đặc sắc, phong phú đa dạng là những yếu tố không thể thiếu trong quá trình chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt.
Trong văn hóa và tâm thức người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, bàn thờ luôn là nơi linh thiêng, trang trọng và tôn kính của mỗi gia đình. Năm hết Tết đến, “tống cựu, nghênh tân” là dịp mà mỗi gia chủ thường chú trọng dọn dẹp, lau chùi, sắp xếp, bài trí bàn thờ, trưng mâm ngũ quả, trang hoàng nhà cửa đón Tết, đón một Năm Mới mới nhiều điều tốt lành, an khang, thịnh vượng.
Đâu là những kiêng kỵ cần tránh và cách bài trí bàn thờ Tết, trưng bày mâm ngũ quả theo ý kiến kiến chuyên gia để vừa tỏ lòng thành kính với Trời, Đất, thần Phật, tổ tiên linh thiêng, vừa không phạm sai lầm về phong thủy, tín ngưỡng, rước lộc, phúc, may mắn đến với gia chủ?
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cũng như các chuyên gia phong thủy, không phải chỉ đến Tết mới cần lau dọn bàn thờ, gia chủ nên thường xuyên dọn sạch nơi trang nghiêm này để thể hiện sự tôn kính Thần, Phật, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên.
GS. Bùi Quang Thanh, chuyên gia Văn hóa dân gian của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, trong nhà, theo truyền thống dân gian xưa, người dọn dẹp ban thờ thường là đàn ông, trụ cột trong gia đfinh, người có tiếng nói quan trọng.
Các chuyên gia lưu ý, trước khi dọn dẹp bàn thờ gia tiên, nên chuẩn bị một địa hoa quả hay kẹo bánh, thắp hương thông báo và xin phép thần linh, tổ tiên cho gia đình dọn dẹp ban thờ. Nên dùng khăn vải, bàn chải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, bát hương, đèn, nến, đồ trang trí trên bàn thờ. Gia chủ nên đợi hương tàn rồi mới bắt đầu công việc lau dọn, trang trí.
Vì là nơi linh thiêng nhất trong nhà nên khi lau chùi bàn thờ, tuyệt đối không được dùng giẻ hay dụng cụ bẩn. Chổi quét, khăn lau, nếu không thể mua đồ mới, thì cũng phải đảm bảo tất cả đều phải sạch sẽ, tươm tất, thể hiện sự kính trọng.
“Có những gia đình, để cẩn trọng, người lau dọn còn dùng một tấm khăn điều che ngang mặt, tránh thở trực tiếp vào bàn thờ, bởi họ quan niệm sẽ gây ô uế không gian linh thiêng nơi thờ phụng”, GS. Bùi Quang Thanh nhấn mạnh.
Nếu có thể, dùng rượu trắng và nước sạch, nước ấm để lau bàn thờ. Nên dùng nước, dầu thơm để lau sạch ban thờ, bài vị, bát hương. Đáng chú ý, chuyên gia khuyến cáo, nếu trong nhà còn có cả bàn thờ Phật thì phải tiến hành lau bàn thờ Phật trước rồi mới lau ban thờ gia tiên, để không mạo phạm Thần Phật.
Khi lau dọn, cần để ý lau từ trên cao xuống thấp. Dùng khăn mềm, sạch, tránh dùng các vật nhọn, khăn cứng, dễ gây xước bài vị, bát hương.
Như đã nêu, dù là lau dọn hay bài trí bàn thờ cũng phải tránh không làm đổ vỡ đồ thờ. Đồ thờ cúng trên ban thờ là vật linh thiêng, trang trọng nên cần hết sức cẩn thận và nhẹ nhàng.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi tỉa bớt chân hương, gia chủ sẽ rút từng chút một cho tới khi còn một số lẻ trong bát hương (thường là 3, 5, 7, 9). Số còn lại sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây.
Một trong những sai lầm cần tránh là tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc nơi ô uế.
Đối với bát hương, vốn được coi là nơi giáng của thần linh, tổ tiên, cần tránh xê dịch, di chuyển. Nếu bắt buộc phải rời bát hương thì sau đó cần phải làm lễ xin phép và sau khi hoàn tất cần trả về đúng vị trí ban đầu.
Đặt lại đồ thờ cúng, bài vị đúng vị trí, thay nước, thay chum gạo muối (nếu có) và khấn thỉnh các hương linh, Thần Phật, tổ tiên và báo cáo đã lau dọn xong bàn thờ, xin phép chuẩn bị trang trí ban thờ đón Tết.
Chuyên gia gợi ý cách bài trí bàn thờ ngày Tết Việt Nam
Cuối năm nông lịch (người Việt thường gọi theo thói quen là âm lịch) là thời điểm mỗi gia đình bắt đầu lau dọn, trang trí, bày biện lễ vật, chuẩn bị đón Tết.
Nhân dịp này, nhà nghiên cứu phong thủy, GS.TS Nguyễn Xuân Cường đã có những chia sẻ về một số điều cần lưu ý khi sửa soạn, dọn dẹp bàn thờ ngày Tết.
Lưu ý đầu tiên của vị chuyên gia này chính là không tùy tiện dịch chuyển vị trí bát hương. Theo ông Cường, lau dọn bàn thờ sạch sẽ làm việc mà các gia đình vẫn thường làm để tiến hành bài trí mâm thờ đón Tết. Tuy nhiên, gia chủ không nên tùy tiện thay đổi vị trí đặt bát hương.
“Bởi nếu chẳng may bát hương bị di chuyển sang hướng xấu, rất có thể sẽ mang đến những điều không may cho gia đình”, chuyên gia phong thủy Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Một điều nữa cũng cần lưu ý là sau khi rút chân hương, tuyệt đối không nên cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài.
“Các cụ ngày xưa vẫn cho rằng, nếu làm như vậy sẽ dễ gây tán tài, tán lộc. Do đó, chỉ nên dùng chiếc thìa nhỏ, xúc từng thìa tàn hương đổ ra ngoài”, ông Cường nói.
Do vậy, cũng như nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia phong thủy khuyến cáo, trong quá trình lau dọn bàn thờ, tốt nhất nên dùng một chiếc khăn mới, lau từ cao xuống thấp. Nên sử dụng rượu để lau bàn thờ, tốt nhất có thêm nhánh gừng đập dập.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết ở Việt Nam
Lưu ý tiếp theo mà các chuyên gia phong thủy nhấn mạnh đến chính là việc bày mâm ngũ quả.
Một trong những thứ không thể thiếu trên bàn thờ mỗi gia đình dịp Tết là mâm ngũ quả. Đây là lễ vật thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt đối với ông bà tổ tiên, với tiền nhân gia tộc.
Thông thường, vào khoảng 28, 29 tháng Chạp, sau khi lau dọn nơi thờ cúng, gia chủ sẽ bắt đầy bày biện mâm ngũ quả thật đẹp mắt để bài trí trên bàn thờ.
Người ở mỗi vùng sẽ sử dụng các loại quả khác nhau để đặt lên mâm quả này. Đối với người miền Bắc, đó thường là chuối, cam, phật thủ, bưởi, đào, hồng, ớt...
Mỗi loại quả tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, những cần đảm bảo đầy đủ các màu sắc trắng, xanh, vàng, đen, hồng (đỏ). Việc này thực ra cũng có lý do đứng sau.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Phong, trong quan niệm trong đạo Phật, ngũ quả là có 5 màu tượng trưng cho ngũ thiện căn bao gồm: Huệ căn (sáng suốt), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), tấn căn (ý chí kiên trì) và tín căn (lòng tin). Quan niệm này được nhắc đến trong kinh Vu Lan bồn hay còn gọi là Vu lan báo hiếu (Ullambana Sutra).
Trong khi đó, quan niệm của người Việt và văn hóa phương Đông nói chung, mâm ngũ quả cần có đầy đủ 5 yếu tố ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ.
Và ngũ hành tương ứng với các màu sắc như sau: Kim – màu trắng, Mộc – màu xanh lá, Thủy – màu đen, Hỏa – màu đỏ, Thổ – màu vàng.
Một điều đặc biệt, đó là nải chuối xanh thường được đặt dưới cùng tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, bao bọc và che chở lẫn nhau.
“Tuy nhiên, đây là loại trái cây mà người miền Nam tuyệt đối kiêng kỵ. Lý do là vì chuối được cho là gây liên tưởng đến việc thất bại trong làm ăn. Quan niệm này xuất phát từ cách phát âm của quả chuối theo giọng người miền Nam là "chúi", tức "chúi nhủi", chỉ việc làm ăn lao đao, thất bại”, chuyên gia Nguyễn Hải Phong lưu ý.
Mâm ngũ quả của người miền Nam thường dùng 5 loại trái cây là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với quan niệm “cầu sung vừa đủ xài”.
Ngoài ra, có thể thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn. Trong khi đó, những loại trái cây như cam, quýt gợi nhớ đến câu “quýt làm cam chịu”, mang ý nghĩa xấu nên cũng không được bày trong ngày Tết.
Riêng người miền Trung, theo ông Phong, hầu như chỉ quan trọng tấm lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên nên hầu như không kiêng kỵ bất kỳ loại quả nào, kể cả về hương vị, màu sắc lẫn tên gọi trong mâm quả.
Do đó, mâm quả của người miền Trung thường có các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, xoài, bưởi, nho, dứa, táo, cam, lê, mãng cầu... Tuy nhiên, có một gợi ý cho mâm ngũ quả miền Trung mà mọi người vẫn thường sử dụng, đó là dứa đặt cao nhất, bao quanh là xoài, thanh long và táo, nho đặt dải ngang và quýt bày xung quanh.
“Mâm quả của người miền Trung đơn giản, không quá cầu kỳ, qua đó phần nào cho thấy tính cách chân chất của người dân nơi đây”, chuyên gia Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh.
Về vấn đề bày mâm ngũ quả theo ngũ hành, GS. Bùi Quang Thanh cho rằng, dù bài trí mâm ngũ quả khác nhau ở ba miền, nhưng mọi gia đình đều tuân thủ theo nguyên lý chung là bài trí theo hình thức quả to, nặng đặt ở dưới làm đế, quả nhỏ ở trên hay xe kẽ, sao cho đẹp mắt, không rơi rụng.
Những kiêng kỵ cần tránh trên bàn thờ ngày Tết
Như đã nêu, trong dòng chảy văn hóa Việt Nam từ ngàn đời nay, việc bài trí, sửa soạn bàn thờ ngày Tết là một vấn đề cực kỳ được chú trọng. Bởi lẽ, đây là việc làm thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tiền nhân, với ông bà tổ tiên, gia tộc, qua đó cầu mong một năm mới bình an, may mắn, nhiều tài lộc.
Các chuyên gia phong thủy cũng lưu ý một số yếu tố kiêng kỵ cần tránh khi bài trí bàn thờ để tránh không phạm sai lầm trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.
Theo GS. Nguyễn Xuân Cường, cần lưu ý, không bày hoa giả, trái cây giả lên bàn thờ. Hiện nay, một số gia đình có thói quen bày hoa giả trên bàn thờ vì hoa giả vừa giúp tiết kiệm chi phí, lại không phải mất công thay nước.
Tuy nhiên, ông vị chuyên gia, không nên bày hoa nhựa, hay đèn điện nhấp nháy trên bàn thờ. Việc sử dụng hoa quả thật để dâng cúng trên bàn thờ ngày Tết sẽ thể hiện được sự trân trọng, thành kính với tổ tiên.
Khi dùng hoa tươi để trưng bày bàn thờ ngày Tết, nên chọn các loại hoa có tên đẹp, hương thơm dễ chịu. Những loại hoa tươi nên dùng là hoa huệ, hoa cúc vàng, hoa mai, hoa đào vừa đẹp, tươi lâu, mang lại không khí Tết.
Bên cạnh đó, truyền thống Việt Nam cũng kiêng sử dụng một số loại hoa khi bài trí trên bàn thờ ngày Tết như hoa ly, hoa lan, hoa loa kèn. Ngoài ra, để thể hiện sự thành kính với tổ tiên, gia chủ không nên mang hoa dại mọc ven đường bày biện lên bàn thờ.
Tiếp theo, không được để bát hương chông chênh, không chính giữa bàn thờ. Chuyên gia cho rằng, bàn thờ luôn luôn phải thờ ba bát hương, bát chính giữa to nhất để thờ các quan thổ công, thổ thần, Táo quân. Hai bát hai bên để thờ ông bà, tổ tiên của gia đình.
Những gia đình khá giả, điều kiện thường có thêm ngai thờ, đỉnh đồng kèm theo đặt trên ban. Còn những gia đình bình thường thì nên có thêm đèn dầu hoặc nến thắp sáng mỗi khi thắp hương. Tuy nhiên dù có bài trí ban thờ thế nào đi nữa, thì lưu ý bát hương phải đặt chính giữa, cân xứng, chắc chắn, không xê dịch, tránh hướng về hướng xấu.
Các nhà nghiên cứu tín ngưỡng cũng không khuyến dùng bát hương bằng đá trên bàn thờ vì đây là các bát hương chỉ phù hợp với đền, miếu, chùa, đình. Tại gia, chỉ nên dùng bát hương bằng sứ, có điều kiện hơn thì mua và sử dụng bát hương bằng đồng.
Vị trí đặt bàn thờ hết sức quan trọng. Không đặt bàn thờ theo hướng xấu, hướng “độc” theo phong thủy cũng là điều cần lưu ý. Theo đó, đại kỵ nhất chính là hướng của bàn thờ không được ngược với hướng của nhà, điều này rất độc, theo các chuyên gia.
Bên cạnh đó, cũng nên chọn hướng hợp với tuổi của gia chủ, bàn thờ không được đặt ở cuối lối đi. Nếu đường đi lại đâm thẳng vào vị trí bàn thờ sẽ gây tổn hại đến cung tài lộc, nhân đinh của gia đình.
Vì là nơi linh thiêng, nên bàn thờ không được đặt đối diện nhà vệ sinh để người trong nhà tránh được bệnh tật đau đớn. Đồng thời, bàn thờ nếu để đối diện nhà bếp sẽ gây tranh cãi, tính tình gia chủ nóng nảy. Nếu đặt dưới cầu thang sẽ khó có cơ hội phát triển.
Nếu đặt trên nền đất lồi lõm sẽ khiến chủ nhân gặp khó khăn. Nếu phía trên, dưới, trái, phải bàn thờ có cửa sổ thì chủ nhân dễ bị tán tài. Tuyệt đối không đặt bàn thờ trên nóc tủ. Bàn thờ gia tiên tránh đặt giữa nhà. Bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật không nên đặt đối diện nhau trong một gian phòng.
Theo một số chuyên gia, không nên thờ ba họ trên cùng một ban thờ. Cụ thể, theo chuyên gia, bàn thờ trong nhà chỉ nên thờ quan thần linh, Thổ công, Táo quân trong gia đình và thờ hai bên họ nội, ngoại, ngoài ra không nên thờ thêm. Họ nội đặt ở bên trái còn họ ngoại thì đặt ở bên phải.
Nếu có nhu cầu, một số gia đình có thể lập thêm bàn thờ phụ để thờ bà cô ông mãnh, cô bé cậu bé đỏ, điều này hoàn toàn bình thường và sẽ giúp mọi thứ được tốt hơn.
Tiếp đến, cần lưu ý không đặt đồ vật linh tinh, bừa bãi lên ban thờ. Thói quen của nhiều người hay đặt các đồ dùng vặt vãnh, sinh hoạt linh tinh như dao kéo, thuốc men, vật dụng gia đình lên ban thờ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phong thủy, điều này là không đúng. Điều này làm mất đi sự thanh tịnh, trang nghiêm vốn có.
Một lưu ý nữa gia chủ cần nắm được là không dùng cát bỏ vào bên trong bát hương. Đây là thói quen của rất nhiều gia đình Việt Nam, tuy nhiên, theo một số chuyên gia, điều này là không chính xác, có thể khiến gia đình gặp những điều không may mắn hay lục đục, không thuận lợi.
Bát hương cũng nên được bốc bằng tro sạch, được đốt từ rơm nếp hoặc rơm tẻ sạch, sàng lọc kỹ để bỏ các chạp tất bẩn.
Theo GS. Bùi Quang Thanh, chuyên gia Văn hóa dân gian của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, điều quan trọng ở sự gặp gỡ các ý niệm chung là qua việc bài trí bàn thờ, sắp mâm ngũ quả đều thể hiện sự thành tâm, tôn kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc đủ đầy.
“Không nên quan niệm cứ là loại quả đắt tiền mới là tốt. Lòng thành tâm, hiếu kính của con cháu hướng tới công đức tổ tiên, cha mẹ mới là điều quan trọng nhất”, GS. Thanh nhấn mạnh.
Đọc thêm: