Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, có thể nhận thấy các vụ việc trên đều là các trường hợp xe gặp tai nạn. Các chuyên gia về ô tô, xe máy của Việt Nam nhận định gì về các sự cố ‘rơi càng, gãy càng, văng bánh’ của các dòng xe VinFast?
Xe VinFast bị rụng bánh, gãy càng là do tai nạn?
Thời gian gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam đang tỏ ra hoang mang trước hàng loạt trường hợp ô tô bị rụng bánh khi tham gia lưu thông trên đường.
Đặc biệt, có nhiều người dùng Facebook hướng sự chú ý vào các trường hợp xảy ra với xe VinFast, cho rằng xe đang đi bình thường thì bỗng nhiên “bị rụng bánh, gãy càng” chứ không phải do tai nạn.
Cụ thể, vào chiều tối 22/2/2021, một chiếc xe Fadil gặp sự cố bị rụng bánh trên cầu Bến Thủy (Vinh, Nghệ An). Một người dùng mạng đã đăng tải bức ảnh vụ việc trên lên Facebook, cho rằng “xe đang đi tự rụng bánh”, tạo ra nhiều tranh luận trái chiều. Nhiều cư dân mạng khác sau đó đã chia sẻ thông tin này, khiến dư luận tập trung chỉ trích chất lượng sản phẩm của VinFast.
Tuy nhiên, theo một nhân chứng có mặt trực tiếp tại hiện trường là chị Phan Thu Lê - Trưởng ca trực thu phí tại trạm Bến Thủy 1 (thuộc chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh, thuộc Cienco 4), việc chiếc Fadil này gặp sự cố rụng bánh hoàn toàn là do tai nạn chứ không phải ‘xe đang đi, tự nhiên rụng bánh’.
Theo lời nhân chứng Phan Thu Lên, vào khoảng 18h ngày 22/2/2021, tôi trực tiếp làm việc tại điểm thu phí đầu cầu nên biết rất rõ đấy là vụ tai nạn giao thông. Chiếc xe Fadil tông vào dải phân cách cứng, chứ không phải do xe đang đi tự gãy trục.
Cũng theo chị Lê, sau khi vụ việc xảy ra, lái xe đã gọi điện trình báo cho Cảnh sát Giao thông và đơn vị bảo hiểm đến khám nghiệm hiện trường rồi mới đưa xe đi.
“Về phần công trình đường bộ, thiệt hại không đáng kể do chỉ bị mẻ gờ bê tông nên chúng tôi không yêu cầu lái xe phải bồi thường", chị Lê chia sẻ thêm.
Trong khi đó, vào khoảng 20h cùng ngày 22/2/2021, tại TP.HCM, một chiếc VinFast LUX A2.0 màu bạc lưu thông trên đường Bạch Đằng, hướng từ chợ Bà Chiểu về ngã tư Hàng Xanh, khi đi qua trước số nhà 22 Bạch Đằng thì bất ngờ mất kiểm soát và tông vào dải phân cách giữa 2 làn đường ngược chiều.
Tại hiện trường vụ tai nạn, chiếc VinFast LUX A2.0 nằm xoay ngang với mặt đường, lấn sang làn đường ngược chiều.
Vụ tai nạn làm chiếc VinFast LUX A2.0 bị gãy trục bánh trước bên phía tài xế, đồng thời làm móp nặng phần hông xe bên lái. Ngoài ra, phần rào chắn giữa đường có chiều cao khoảng 90cm cũng đổ nghiêng.
Chuyên gia: Không dễ rụng bánh xe nếu không phải do tai nạn
Xoay quanh vấn đề này, một chuyên gia khá nổi tiếng ở Việt Nam, kỹ sư ôtô Lê Văn Tạch (ông chủ gara ô tô Lê Văn Tạch ở TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã có chia sẻ một số thông tin kỹ thuật liên quan.
Theo chuyên gia Tạch, thông thường, các trục và mâm bánh xe được thiết kế đủ bền để sử dụng cho nhiều tình huống vận hành, nhiều cấu hình xe khác nhau, không dễ bị gãy hay rụng ở điều kiện sử dụng thông thường.
Mặc dù vậy, kỹ sư Tạch cũng nêu rõ, phần bánh trước của xe luôn có độ “mẫn cảm” cao hơn các bánh sau. Lý do là vì bánh trước có liên quan đến hệ thống lái, góc đặt bánh xe khi đánh lái, do đó cơ cấu giữ bánh trước cũng “mẫn cảm” hơn so với bánh sau.
“Vì thế, khi xảy ra va chạm, có thể có 2 lý do khiến cho bánh trước bị “rụng” ra”, kỹ sư này nhận định.
Lý do đầu tiên, theo vị chuyên gia chia sẻ trên báo Giao Thông là khi bánh trước lao vào vật cứng vững ở đúng vị trí đang đánh lái (xe không thẳng lái), tỷ dụ như trong trường hợp xe lao vào "con lươn" cứng ở khúc cua. Đây là tình huống có khả năng cao khiến xe bị rụng bánh.
Trường hợp thứ 2 là khi bánh trước bị sập gầm, ví dụ như khi sa vào một hố ga mất nắp (dù đang đi nhanh hay chậm). Sự cố này sẽ dễ dàng khiến xe bị gãy các ốc giữ càng chữ A, từ đó có thể làm cho xe rụng bánh.
“Thực tế là có một số khách hàng đã sập hố ga, rụng bánh, phải thuê xe cứu hộ mang đến chỗ tôi để sửa, nên việc chiếc xe rụng bánh là có, nhưng phải sau một va chạm mạnh vào vị trí hiểm yếu của trục bánh thì mới rụng được. Còn bình thường xe chạy cao tốc trên 100km/h mà nổ lốp cũng chưa chắc rụng được bánh”, kỹ sư giàu kinh nghiệm về xe hơi phân tích.
Do đó, kỹ sư Lê Văn Tạch khuyến khích người lái xe nên giữ khoảng cách an toàn với vật cứng - cả hai bên và dưới gầm xe. Đây là việc rất quan trọng nhằm tránh gặp phải các va chạm dẫn tới sự cố rụng bánh xe.
Xe VinFast có thiết kế kỹ thuật đảm bảo an toàn
Theo TS Trương Quí Hoàng Phương (chuyên gia nghiên cứu, phát triển công nghệ mới tại tập đoàn BMW), các xe VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0 có thể đã được được thiết kế để tự động “gãy càng” khi gặp tai nạn, nhằm đảm bảo sự an toàn cho hành khách và lái xe trong cabin.
Cơ sở để đưa ra nhận định này, theo TS Phương, đến từ việc mẫu sedan và SUV của VinFast sử dụng kết cấu hệ thống treo trước là kiểu độc lập tay đòn kép (double wishbone), tương tự các dòng xe BMW. Trong đó, cả Lux A2.0 và Lux SA2.0 đều được phát triển dựa trên nền tảng động cơ, khung gầm của BMW 5-Series (F10) và X5 (F15).
Trong trường hợp xe gặp tai nạn đâm ở chính diện khoảng 1/4 đầu xe (small overlap), BMW thiết kế các điểm liên kết giữa cụm tay đòn (control arm) và trục xoay của bánh xe sẽ bị phá hủy. Theo TS. Phương nêu quan điểm trên Zing, điều này sẽ cho phép bánh xe xoay theo phương ngang góc 90 độ ra ngoài hoặc vào trong, thoát khỏi khung xe.
Khi đó, lực va chạm sẽ không đẩy bánh xe vào trong cột chữ A và khoang xe, từ đó giúp hạn chế nguy hiểm cho chân và phần thân dưới của người lái, cũng như hành khách đang ngồi trong xe. Lực đâm và hướng đâm sẽ là yếu tố dẫn đến các tình huống gãy trục bánh xe khác nhau, có thể bao gồm từ nhẹ đến nặng.
TS Hoàng Phương cho biết, các hãng xe cao cấp như BMW luôn chú trọng đến yếu tố an toàn cho người sử dụng, nên trong thiết kế bánh xe trước sẽ có xu hướng "chủ động" lật ngang khi xảy ra tai nạn nhằm ưu tiên bảo vệ cho người lái và hành khách. Khung gầm và các bộ phận bị hư hại do đâm đụng có thể được sửa chữa hoặc thay thế sau đó.
Vị chuyên gia nghiên cứu, phát triển công nghệ mới tại tập đoàn BMW nhấn mạnh, các xe được thiết kế để đạt điểm an toàn cao trong các đợt kiểm tra của Uỷ ban ATGT Quốc gia Mỹ (NHTSA), Viện Nghiên cứu ATGT quốc gia Mỹ (IIHS) và Euro NCAP từ năm 2012 đến nay sẽ có khả năng cao bị gập bánh khi va chạm.
“Toàn bộ khu vực lốp xe, hệ thống treo và một phần vách cabin được thiết kế để trở thành một vùng đệm hấp thụ xung lực cho khoang người lái khi xảy ra đâm xe lệch trục - 25% đầu xe về bên lái hoặc bên phụ”, chuyên gia Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.
Dựa trên bài khảo nghiệm của IIHS thì khi xe đâm lệch đầu xe với tốc độ 65 km/h, bánh đã có khả năng rụng khỏi xe. Tuy nhiên, mỗi hãng sẽ tùy chỉnh một tốc độ hoặc ngoại lực khác nhau.
Theo đó, các bộ phận chịu trách nhiệm hấp thụ xung lực khi va chạm sẽ rụng từng phần theo một trình tự tính toán trước để lực tác động giảm thiểu vào khoang cabin và các chi tiết không đâm vào xe.
“Tất cả xe ở các thị trường các nước phát triển hoặc có platform - như VinFast, thiết kế để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn NHTSA, IIHS và Euro NCAP đều có khả năng rơi bánh khi va chạm”, chuyên gia khẳng định.
“Chúng ta nên nhìn nhận ở khía cạnh xe là để chạy, chẳng chiếc xe nào thiết kế để giữ y nguyên khi xảy ra tai nạn. Ngay cả xe tăng còn có thể rụng bánh xích cơ mà?”, anh Tiến nói.
Cũng theo chuyên gia này, không phải tất cả các xe gãy trục đều là do va chạm. Ví dụ như khi làm mâm vỏ, sau khi tháo ra, thợ siết ốc vào không đủ lực hoặc quá lực khiến ốc bị hư hỏng ốc, moay ơ và mâm xe không được ép sát và luôn có xu hướng lắc ngang, đến một lúc nào đó sẽ tạo dao động cộng hưởng và bẻ gãy liên kết.
“Hoặc với những xe độ bộ "space" để đưa bánh ra ngoài nhiều hơn, cũng khiến cho trục lái chịu tác động lực lớn hơn nhiều, đây cũng là một yếu tố có thể dẫn đến xe dễ gãy trục bánh hơn”, anh Lê Thượng Tiến nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, trên thực tế, nhà sản xuất có thể khiến bánh xe khó gãy khỏi trục hơn. Với cùng một kiểu kết cấu hệ thống treo, nếu nhà sản xuất thay đổi vật liệu có độ bền lớn hơn hoặc tăng số điểm liên kết ở cụm tay đòn, bánh xe sẽ rất cứng chắc khi va chạm. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến toàn bộ lực hấp thụ được truyền tới các bộ phận tiếp theo của xe, và có thể khiến người bên trong xe gặp nạn.
“Các ôtô hiện đại ưu tiên bảo vệ con người hơn là bảo vệ các bộ phận trên xe”, anh Tiến lưu ý.
ASEAN NCAP: VinFast là hãng xe có ‘cam kết cao nhất về an toàn'
Cách đây không lâu, hôm 16/2, chương trình Đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á (ASEAN NCAP) đã trao giải “Hãng xe mới có cam kết cao về an toàn” cho VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Điều đáng chú ý là, với cả ba dòng xe đều đạt chứng nhận 4 và 5 sao (Lux A2.0 và Lux SA2.0 đạt chứng nhận an toàn 5 sao, Fadil đạt mức an toàn 4 sao), VinFast cũng là thương hiệu duy nhất tại khu vực Đông Nam Á nhận được danh hiệu này.
Thông tin về việc trao giải hãng xe mới có cam kết cao về an toàn cho VinFast, ASEAN NCAP khẳng định dù là hãng xe mới nhưng VinFast đã đưa tiêu chí an toàn lên thành ưu tiên cao nhất và đầu tư nghiêm túc để trang bị những tính năng bảo vệ vượt trội cho tất cả các dòng xe của mình.
Đại diện VinFast cho biết, với sự công nhận của tổ chức đánh giá xe uy tín nhất khu vực Đông Nam Á - ASEAN NCAP - một lần nữa khẳng định mạnh mẽ chất lượng và độ an toàn của xe VinFast theo tiêu chuẩn quốc tế.