Ngày 23/3, Việt Nam đã chính thức phê duyệt vaccine Covid-19 Sputnik V của Liên bang Nga. Sputnik V là vaccine thứ hai (sau AstraZeneca) được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Cùng ngày, Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) cũng thông báo về việc vaccine “Sputnik V” phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế CHXHCN Việt Nam cấp phép đăng ký. Theo RDIF Việt Nam là quốc gia thứ 56 phê duyệt việc sử dụng vaccine Sputnik V.
Đây thực sự là một tin được mong đợi, bởi vì theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, Sputnik V có hiệu quả lên tới 91,6 %, riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98% tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Điều gì đã tác động tới quyết định trên của Việt Nam? Việc phê duyệt Sputnik V có ý nghĩa như thế nào? Phóng viên Sputnik đã phỏng vấn chuyên gia về các vấn đề đối nội và đối ngoại của Việt Nam, nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng.
Việc tặng Sputnik V chỉ có tác dụng như một “cú hích” để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phê duyệt
Sputnik:Sputnik V được phê duyệt chỉ mấy ngày sau khi Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga thăm làm việc Việt Nam và tặng cho Việt Nam một lô nhỏ Sputnik V. Theo ông, hai sự kiện này này có liên quan với nhau không?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Chắc chắn là hai điều này có liên quan với nhau nhưng không đơn giản chỉ là việc tặng quà để chào hàng.
Cần lưu ý rằng, quá trình thử nghiệm vaccine Sputnik V ở giai đoạn 3, giai đoạn quyết định để đánh giá vaccine này chỉ mới được khởi động sau khi Nga tuyên bố đăng ký (tháng 8/2020) và tháng 2/2021 kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mới được công bố trên tạp chí y học uy tín The Lancet. Theo tạp chí này, Sputnik V có hiệu quả lên tới 91,6 %. Trong khi đó, vaccines AstraZeneca đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 (rút ngắn) trên người vào tháng 12-2020 và được Chính phủ Anh phê duyệt khẩn cấp ngày 30/12/2020. Còn WHO thì mãi tới 16/2/2021 mới phê duyệt vaccine AstraZeneca để sử dụng khẩn cấp.
Tính đến nay, WHO vẫn chưa phê duyệt vaccine Sputnik V nhưng đã có tới 55 quốc gia phê chuẩn sử dụng vaccine này. Việt Nam là quốc gia thứ 56. Về giá cả, vaccine AstraZeneca có giá từ 3 đến 4 USD/liều trong khi đó, giá vaccine Sputnik V là chừng 10 USD/liều và vaccine Pfizer-BioNTech có giá 20 USD/liều. Tương ứng với các mức giá đó, AstraZeneca có tác dụng bảo vệ chỉ 67%, chỉ số này ở Sputnik V là hơn 91% và ở Pfizer-BioNTech là 95%. Điều khác biệt là vaccine Pfizer-BioNTech phải bảo quản ở nhiệt độ lạnh sâu tới âm 70 độ C. Hai vaccine còn lại chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường.
Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là những thông số nói trên mà còn là các kết quả thử nghiệm các phản ứng của người được tiêm, thể hiện bằng các thống kê hiệu quả và các phân tích, minh chứng, luận chứng khoa học. Sự thận trọng của Việt Nam trong vấn đề này, tôi cho rằng là rất cần thiết.
Chứng minh cho điều này là hồ sơ phê duyệt vaccine Sputnik V đã được VCVN của Việt Nam chuẩn bị từ ngày 28/2/2021 nhưng chỉ đến khi có trong tay các tài liệu minh chứng về sự an toàn của vaccines Sputnik V khi được tiêm đại trà cho các công dân Nga thì quyết định phê duyệt mới được Bộ Y tế ban hành. Việc Nga tặng Việt Nam 1.000 liều vaccine Sputnik V chỉ có tác dụng như một “cú hích” để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phê duyệt mà thôi.
Tác động thứ hai là sự trì trệ của việc cung cấp vaccine AstraZeneca. Vaccine này được sản xuất ở Hàn Quốc. Có điều nước này cũng đang phải đối phó với làn sóng dịch thứ ba rất nghiêm trọng với một vài biến thể mới, bao gồm cả biến thể Anh, biến thể Nam Phi và biến thể Brazil. Thêm vào đó, việc chậm cung cấp vaccine AstraZeneca vừa qua khiến EU bực mình và họ dọa sẽ kiểm soát việc xuất khẩu vaccine AstraZeneca nếu vaccine không được cấp đủ cho EU. Điều này gây bất lợi cho phía Việt Nam. Bên cạnh đó, Chương trình COVAX của WHO cũng đang gặp trở ngại do thiếu hụt nguồn cung và tác động của “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, điều mà WHO và Liên Hợp Quốc đã cảnh báo trước.
Tác động thứ ba là tại Việt Nam, trong nửa cuối năm 2021 sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tổ chức giải phóng đá AFF CUP 2021, SEA GAMES 2021 và 2 môn thi của ARMY GAMES cũng được tổ chức tại Việt Nam,v.v… Nếu không đạt được một tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ít nhất là 66% dân số thì việc tổ chức các sự kiện trên sẽ chứa đựng nhiều nguy cơ làn sóng lây lan Covid-19 mới. Chúng ta đều biết Nhật Bản đã phải chấp nhận tổ chức một kỳ OLYMPIC không có khán giả nước ngoài để phòng ngừa sự bùng phát trở lại của Covid-19.
Việt Nam có nhiều phương án
Sputnik:Rất nhiều ý kiến trong giới chuyên gia, phân tích, và cả người dân cho rằng, lẽ ra Việt Nam phải phê duyệt Sputnik V đầu tiên vì tính hiệu quả cao của nó đã được chứng thực trên thực tế, nhưng Việt Nam là nước thứ 56 phê duyệt vaccine này. Theo ông có muộn không? Vấn đề là việc Việt Nam phê duyệt không có nghĩa là Việt Nam sẽ mua được ngay, bởi vì chắc chắn sẽ phải xếp hàng sau rất nhiều nước khác.
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Về “tấm khiên vaccine” phòng chống Covid-19 thì Việt Nam có nhiều phương án chứ không chỉ một. Trong đó, cho tới thời điểm này, “tiền quân” là AstraZeneca, “hậu quân” là Sputnik V.
Phương án dự phòng là vaccines của chương trình COVAX do WHO tổ chức (Chưa rõ sẽ được cung cấp loại vaccine nào) và vaccine nội địa tự sản xuất NANOCOVAX. Cuối năm 2020, VNVC đã chấp nhận rủi ro trong đầu tư, ký hợp đồng mua 30 triệu liều vaccine của AstraZeneca với số tiền đặt cọc lên tới trên 600 tỷ đồng ngay từ khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được triển khai. Thế nhưng thời hạn cung cấp 29,87 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam cũng có thể bị lùi lại do các nhà máy đã “chạy hết công suất” nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thế giới.
Tuy nhiên, trước tình hình số lượng vắc xin còn lại trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility dự kiến cung ứng từ quý III năm 2021 có thể bị lùi thời hạn tới năm 2022 và sự chậm trễ về nguồn cung vaccine AstraZeneca, Việt Nam phải “đổi hậu quân làm tiền quân”. Một mặt, khẩn trương nhập khẩu vaccine Sputnik V từ Nga, bất chấp việc vaccine này chưa được WHO phê chuẩn. Hai là đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine NANOCOVAX để có thể đưa vaccine này vào sản xuất đại trà từ cuối quý III-2021 chứ không chờ đến quý I-2022 như kế hoạch trước đây.
Cuối cùng, Việt Nam là thành viên của WHO nên phải xử lý các mối quan hệ với tổ chức này cũng như với các quốc gia có nguồn cung vaccine một cách hết sức linh hoạt và khéo léo, sao cho có thể tranh thủ được mọi nguồn cung một cách có hiệu quả nhất để phòng chống dịch. Do đó, việc Việt Nam phê chuẩn sử dụng vaccine Sputnik V vào thời điểm hiện này là không hề chậm trễ do những yếu tố bắt buộc trong việc thẩm định và minh chứng khoa học cũng như sự thận trọng đối với sức khỏe của dân chúng.
Các nguồn cung vaccine từ bên ngoài chỉ là cứu cánh nhất thời
Sputnik:Cho dù trước đó đã có thông tin, Việt Nam đàm phán với Nga và Nga đồng ý cung cấp cho Việt Nam 60 triệu liều trong năm 2021 - 2022, rồi Việt Nam đã phê duyệt khẩn Sputnik V hôm thứ ba 23/3, nhưng không có nghĩa là vacxin sẽ có một sớm một chiều, vì Việt Nam còn phải xếp hàng sau hàng chục nước. Vậy, Việt Nam còn có những phương án nào nữa?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Như đã nói ở trên, cũng giống như AstraZeneca, Việt Nam coi Sputnik V chỉ là một trong các phương án tiếp cận vaccine phòng chống Covid-19. Việt Nam cũng đã lường trước việc các nguồn cung vaccines từ bên ngoài sẽ gặp trở ngại do sự “mua tranh, bán trèo” của các nước. Đây chính là nguyên nhân để Việt Nam coi các nguồn cung vaccine từ bên ngoài chỉ là cứu cánh nhất thời. Còn việc đẩy nhanh công tác nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước mới là yếu tố quyết định có ý nghĩa chiến lược. Sắp tới, chính phủ Việt nam sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm sớm đưa các loại vaccine nội địa NANOCOVAX và COVIVAX vào sản xuất hàng loạt và sử dụng đại trà.
Sputnik:Theo ông Kirill Dmitriev, CEO của Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, việc Việt Nam phê duyệt vaccine chống coronavirus Sputnik V của Nga - một trong những loại vaccine tốt nhất trên thế giới không chỉ góp phần củng cố tăng cường quan hệ Nga – Việt mà còn có tác động đến tình hình chung của khu vực Đông Nam Á. “Vaccine này sẽ giúp bảo vệ mọi người và cho phép tiến gần hơn đến việc dỡ bỏ các hạn chế vốn phải áp dụng do dịch bệnh coronavirus”, - ông Kirill Dmitriev nhấn mạnh.
Bình luận của ông về phát biểu trên?
Việt Nam và Nga có cùng quan điểm chung trong việc đẩy lùi dịch bệnh
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng
Ngoài ý nghĩa chính trị thì phát biểu của ông Kirill Dmitriev đã phản ánh đúng quan điểm chung của cả hai nước Nga và Việt Nam về việc sớm đẩy lùi dịch bệnh để mở lại giao thương giữa hai nước. Phía Nga đã vừa đưa Việt nam vào danh sách các quốc gia an toàn về dịch COVID-19. Theo đó, các sinh viên Việt nam có thể quay trở lại Nga để tiếp tục học tập.
Việc giúp Việt Nam tiêm vaccine phòng chống COVID-19 để tạo ra một tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao cũng là một biện pháp để Việt Nam có thể mở lại các tour du lịch từ Việt nam sang Nga và từ Nga sang Việt Nam cũng như mở lại các đường bay hai chiều giữa hai nước. Điều này phù hợp với quan điểm của Việt nam thông qua chỉ đạo của Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc đối với vấn đề “hộ chiếu vaccine” trong phiên họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 vừa qua, với mục đích sớm mở lại các đường bay quốc tế và khu vực để khôi phục lại ngành du lịch.
Ngoài ra, tôi còn cho rằng, việc cung cấp vaccine Sputnik V cho Việt nam còn hàm chứa một sự tin tưởng của Nga đối với Việt Nam. Nga hy vọng, Việt nam, với hệ thống phòng chống dịch bệnh mạnh, khoa học, có tổ chức sẽ sử dụng vaccine Sputnik V một cách có hiệu quả nhất để chặn đứng dịch bệnh.
Sputnik: Xin chân thành cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.