Bà Diao Li, chuyên gia về kinh tế Ukraina, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Vũ Hán, nói lên ý kiến này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Ukraina luôn quan tâm tìm hiểu hợp tác với Trung Quốc, trước hết để thu hút những khoản đầu tư và cho vay từ nước này. Ngoài ra, Ukraina có nhu cầu về những sản phẩm công nghệ cao của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ máy tính và các ngành công nghiệp khác. Đến lượt mình, Trung Quốc coi thị trường Ukraina nhiều tiềm năng, hấp dẫn nhờ dân số tương đối lớn và theo đó là tiềm năng tiêu dùng cao, lực lượng lao động chất lượng cao, vị trí địa lý thuận lợi nối liền Đông và Tây, điều kiện nông nghiệp vô cùng thuận lợi.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Ukraina, đến cuối năm 2019, Ukraina đã nhận được tổng cộng 35,81 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, khối lượng đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Ukraina đạt 150 triệu USD - tức là xấp xỉ 0,4% tổng số đầu tư nước ngoài.
Hướng đầu tư chính của Trung Quốc vào Ukraina là các ngành thâm dụng vốn
Đến cuối năm 2018, trong số các hướng đầu tư của Trung Quốc vào Ukraina, công nghiệp chiếm khoảng 59,7%, nông, lâm nghiệp và chăn nuôi - khoảng 35,8%, kinh doanh khách sạn và ăn uống công cộng - khoảng 2,2%.
Nhưng, sau cuộc lật đổ chính phủ Ukraina vào năm 2014, trên thực tế là cuộc đảo chính, lợi ích của Kiev hướng về các nước phương Tây. Ukraina đã từ chối hợp tác với Nga. Trong mối quan hệ với Trung Quốc cũng diễn ra những thay đổi bởi vì Hoa Kỳ bắt đầu có ảnh hưởng rất đáng kể đối với các chính sách đối ngoại và đối nội của Ukraina.
Một ví dụ nổi bật về sự can thiệp của Mỹ là xung đột về tổ hợp chế tạo động cơ máy bay Motor Sich, mà Ukraina ngăn chặn việc Trung Quốc mua lại Motor Sich dưới áp lực nghiêm trọng của Mỹ. Cho đến năm 2014, Nga đã mua hầu hết các sản phẩm của công ty. Sau năm 2014, Ukraina đã chặn nguồn cung cấp. Kết quả là, công ty bị mất nhà nhập khẩu chính. Năm 2017, chủ sở hữu nhà máy Ukraina thông báo ý định bán một nửa cổ phần của đơn vị mình cho phía Trung Quốc. Các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm đến các sản phẩm của Motor Sich, họ đã mua lại từ 75 đến 80% cổ phần của công ty Ukraina.
Nhưng, người Mỹ không thích thỏa thuận này. Với sự giúp đỡ của Cơ quan An ninh Ukraina và các cơ quan nhà nước khác, họ bắt đầu chặn giao dịch này, ngăn cản các nhà đầu tư quản lý tài sản mà họ đã mua. Vào cuối năm ngoái, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đệ đơn kiện chính phủ Ukraina ra trọng tài quốc tế để đòi bồi thường 3,5 tỷ USD vì không được phép mua công ty Motor Sich. Vào cuối tháng 1 năm 2021, Tổng thống Vladimir Zelenskiy đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, và đưa tập đoàn Motor Sich nhập về quyền sở hữu Nhà nước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi các hạn chế này là không hợp lý.
“Chính phủ Ukraina đang nằm dưới quyền ảnh hưởng và kiểm soát không chỉ của NATO, mà còn của Liên minh châu Âu, đồng thời lại bị một số lực lượng thân Nga kìm hãm. Ngoài ra, Ukraina còn chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang cạnh tranh với nhau”, - chuyên gia Diao Li nhận xét.
Một rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư ở Ukraina không chỉ là sự bất ổn chính trị, mà còn là pháp luật không hoàn hảo, và các hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ, ở Ukraina có một hệ thống tư nhân hóa tài sản nhà nước, nhưng, một số luật “chỉ nằm trên giấy”, chuyên gia Diao Li lưu ý. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các xung đột như vụ việc với Motor Sich:
“Ukraina đã đưa ra những thay đổi nhỏ vào các biện pháp trong quá trình chuyển giao quyền lực. Vụ việc với Motor Sich cho thấy rằng, các khoản đầu tư lớn vào Ukraina phải có tác dụng thực tế, và nhà nước phải đưa ra những đảm bảo nhất định cho nhà đầu tư”.
Vụ việc với nhà máy Motor Sich sẽ gây hậu quả nghiêm trọng
Chuyên gia cho rằng, xung đột về nhà máy động cơ Motor Sich sẽ không trôi qua mà không để lại dấu vết ở Ukraina:
“Môi trường đầu tư ở Ukraina sẽ chịu tác động tiêu cực của cách tiếp cận như vậy. Bởi vì vụ việc với Motor Sich cho thấy rõ rằng, quyền lực hành chính ở Ukraina đứng trên pháp luật. Ở Ukraina không có môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động kinh doanh. Do đó, Trung Quốc thận trọng hơn đối với các khoản đầu tư và hoạt động kinh doanh ở Ukraina. Rất có thể Bắc Kinh sẽ sớm giảm các khoản đầu tư vào Ukraina”.
Mới đây, cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili, người đứng đầu ủy ban điều hành của Hội đồng Cải cách Quốc gia Ukraina, tuyên bố rằng, do các hành vi của mình, Ukraina không còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo chính trị gia này, Ukraina trở thành nổi tiếng như một quốc gia lừa dối các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, các nhà đầu tư vào Ukraina thường “bị cướp sạch sành sanh" và vốn đầu tư nước ngoài trên thực tế thấp hơn 0,2% GDP.