Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định đang khẩn trương xử lý các hạng mục theo khuyến cáo của Tư vấn độc lập ACT Pháp về an toàn hệ thống để sớm đưa dự án Cát Linh – Hà Đông vào vận hành, khai thác.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Hứa rồi, không kéo dài mãi được
Ngày 9/4, Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I/2021 và phương hướng nhiệm vụ Quý II/2021 đã diễn ra, trong đó, dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông tiếp tục được đưa ra thảo luận.
Tại sự kiện này, phát biểu với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đại diện chính quyền Hà Nội, các Bộ, Ban, ngành, các bên liên quan Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, TP.HCM và Hà Nội cũng như các đô thị lớn trực thuộc Trung ương cần phải thực hiện các giải pháp cụ thể, khả thi làm sao nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế bớt lại việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong bối cảnh hạ tầng giao thông đô thị của Việt Nam như hiện nay.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, vấn đề lớn là phải làm sao cải thiện cho được điều kiện cơ sở hạ tầng.
“Lưu ý đường sắt Cát Linh – Hà Đông, tình hình đang ách tắc như vậy mà hứa rồi để kéo dài mãi là không được”, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Trước khi rời nhiệm kỳ, một trong những vấn đề cuối cùng nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng còn đau đáu chính là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ông Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP. Hà Nội khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại, thủ tục theo quy định để đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại, khai thác phục vụ nhu cầu đi lại chính đáng của người dân, giữ lời hứa với nhân dân và đảm bảo an toàn khi chạy tàu.
Bộ GTVT đang ‘nỗ lực’ để tàu Cát Linh – Hà Đông chạy thật
Trong khi đó, tại Hội nghị sáng nay, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, Bộ hiện nay đang phối hợp với UBND Hà Nội khẩn trương xử lý các hạng mục trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo khuyến cáo của đơn vị tư vấn độc lập (ACT Pháp) về an toàn hệ thống.
“Về đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chúng tôi rất tập trung, nỗ lực. Chúng tôi đã thống nhất với Hà Nội là bàn giao dự án nhanh nhất trong tháng 4 này, để cuối tháng 4 có thể khai thác thương mại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Đồng thời, theo Tư lệnh ngành giao thông, ngay chiều nay (9/4), Bộ GTVT sẽ tiếp tục họp để cuối tháng 4 bàn giao vận hành thương mại tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Ông Thể cũng đề nghị UBND Hà Nội tập trung cùng Bộ tiếp nhận bàn giao dự án này thuận lợi nhất.
“Đề nghị thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo, cùng Bộ GTVT phối hợp bàn giao và giải quyết một số vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông của đường sắt”, Bộ trưởng Thể nói.
Cũng phát biểu trong Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I/2021 và phương hướng nhiệm vụ Quý II/202, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông từ Bộ Giao thông Vận tải theo đúng quy trình, quy định, nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện vận hành khai thác thương mại cũng như yêu cầu an toàn tuyệt đối.
Ông Tuấn cũng có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Công ty Metro Hà Nội xử lý dứt điểm các tồn tại còn lại theo khuyến cáo của tư vấn ACT. Phải tạo điều kiện làm sao để việc đánh giá an toàn hệ thống hoàn thành đúng kế hoạch.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Hà Nội, đồng chí Dương Đức Tuấn cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cấp chứng chỉ lái tàu cho các nhân viên lái tàu của Metro Hà Nội.
Bao giờ dự án Cát Linh – Hà Đông vận hành?
Trước đó, thông tin với báo chí, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dự kiến sẽ chính thức vận hành thương mại vào ngày 30/4/2021, đúng ngày kỷ niệm đất nước thống nhất, ngày miền Nam hoàn toàn Giải phóng.
Theo thông tin từ vị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này các vướng mắc của dự án này cơ bản được tháo gỡ.
Theo đó, Chứng chỉ an toàn hệ thống của dự án này đã hoàn thành và hiện đang làm thủ tục báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá.
Cũng theo vị lãnh đạo Bộ GTVT, với những khuyến cáo về công tác an toàn khi vận hành dự án mà đưa ra từ tư vấn ACT (Pháp) như nút chống ngủ gật cho lái tàu tại thời điểm ký hợp đồng thực hiện dự án thì trong thiết kế của dự án chưa có quy định về vấn đề này.
Do đó, các bên đã phải thực hiện bổ sung giải pháp đó là trong khoang lái sẽ bố trí thêm một nhân sự (thuộc tổ an toàn) để kiểm soát lái tàu chống tình trạng ngủ gật thay vì có nút tự động như công nghệ hiện nay.
“Việc này sẽ giải quyết được khuyến cáo mà tư vấn ACT đã đưa ra”, đại diện Bộ GTVT khẳng định.
Bộ GTVT cũng nêu rõ, dự án Cát Linh – Hà Đông đến nay đã hoàn thành nghiệm thu toàn bộ các hạng mục xây dựng và thiết bị, công tác nghiệm thu vận hành thử, nghiệm thu đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Đối với dự án Cát Linh – Hà Đông, Việt Nam đã thực hiện hai đợt vận hành thử toàn hệ thống trong năm 2019 và vào cuối năm 2020 vừa qua. Từ 31/3, dự án này đã bắt đầu được kiểm đếm hồ sơ, tài sản chuẩn bị bàn giao cho Hà Nôij.
Dự kiến, ba bên gồm Tổng thầu Trung Quốc, Bộ Giao thông Vận tải và TP. Hà Nội sẽ kiểm đếm trong thời gian dự kiến từ 3 đến 4 tuần.
Trong tháng 1/2021, đơn vị tư vấn độc lập ACT có báo cáo nêu 16 khuyến nghị về hồ sơ tài liệu, các vấn đề cần khắc phục ở hiện trường và nâng cao mức độ an toàn, nhân sự vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông.
ACT đưa ra những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành dự án, và đã được giải quyết trong 2 tháng qua. Bộ GTVT hiện đang tiếp tục chỉ đạo bổ sung hoàn thiện những nội dung khuyến nghị để ACT Pháo hoàn tất đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống đồng thời tiếp tục báo cáo Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công trình xây dựng xem xét, cho ý kiến cuối cùng.
Thông tin về giá vé, thời gian chạy các tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Trước đó, thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi được đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày.
Khung giờ cao điểm khi vận hành cứ 6 phút sẽ có một đoàn tàu vào ga với sức chở tối đa 960 người/chuyến. Trong giờ bình thường tàu được khai thác thì thời gian chờ dự khiến sẽ là 10 phút/chuyến.
Sở cũng cho hay, đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy với tốc độ bình quân 35km/h. Khi vào ga, lái tàu sẽ dừng 25-35 giây để hành khách lên xuống.
Đại diện Sở GTVT cũng cho biết, thời gian tàu chạy toàn tuyến hết 25,5 phút (tính cả thời gian dừng).
Đặc biệt, Sở GTVT Hà Nội sẽ bố trí khu vực tổ chức dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị 2A trong quá trình vận hành khai thác.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, dự kiến lượng khách đi lại trên tàu đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ rất lớn.
“Để đảm bảo việc kết nối, các tuyến buýt hiện có sẽ được điều chỉnh, bố trí lại. Việc điều chỉnh luồng tuyến đảm bảo đồng bộ, tăng cường kết nối ngang từ 12 nhà ga với các tuyến buýt, giảm dần kết nối dọc”, ông Viện cho hay.
Theo đó, có 3 kịch bản kết nối được đưa ra: Kịch bản số 1: 15 ngày đầu chạy miễn phí; kịch bản số 2: sau thời gian chạy miễn phí khi vận hành 10 đoàn tàu; kịch bản số 3: khi gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động trên 2 tiếng.
Cùng với đó, nhằm đảm bảo tổ chức giao thông, tăng tính kết nối, tiếp cận, Sở GTVT Hà Nội dự kiến tổ chức cấm ô tô (trừ xe buýt) trên đường Giảng Võ nhỏ (đoạn từ Hào Nam tới Nguyễn Thái Học) để tạo hành lang bổ sung tăng cường cho các tuyến xe buýt lưu thông kết nối ga Cát Linh với điểm trung chuyển Kim Mã và ngược lại.
Sở GTVT Hà Nội cũng có thể xem xét giải tỏa việc lấn chiếm hành lang vỉa hè, cải tạo lại vỉa hè trên đoạn tuyến Giảng Võ (đoạn từ Hào Nam tới Nguyễn Thái Học) để hành khách có không gian đi bộ từ ga Cát Linh tiếp cận với điểm trung chuyển xe buýt tại số 1 Kim Mã để đảm bảo việc vận hành tàu thông suốt, an toàn.
Sau 15 ngày miễn phí, giá vé tàu tuyến Cát Linh – Hà Đông dự kiến sẽ ở mức 7.000 -15.000 đồng/vé/lượt.
Theo Hà Nội Metro, mức giá này căn cứ theo quãng đường ngắn dài, trong đó nếu khách đi một số đoạn ga thì mức giá từ 8.000 đồng, còn nếu đi từ ga đầu đến hết tuyến là 15.000 đồng/lượt. Ngoài ra, sẽ có cơ chế miễn, giảm giá vé cho đối tượng ưu tiên.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Việt Nam vốn vay ODA của Trung Quốc theo thỏa thuận ký năm 2008 và công trình này do Tập đoàn Xây dựng đường sắt số 6 Trung Quốc làm Tổng thầu thực hiện.
Dự án Cát Linh Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13,5 km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu.
Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở tối đa 960 người, vận tốc thiết kế 80 km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng).