Việt Nam có thể mất quyền tham gia cuộc thi ‘Gạo ngon nhất thế giới’?

Tổ chức The Rice Trader ra thông cáo cảnh báo Việt Nam có thể mất quyền dự cuộc thi ‘Gạo ngon nhất thế giới’ vì các vấn đề vi phạm bản quyền thương hiệu.
Sputnik

Chuyên gia cho rằng, việc sở hữu được giống lúa ST24, và ST25 ‘ngon nhất thế giới’ mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để Việt Nam tạo dựng được thương hiệu gạo quốc tế phụ thuộc vào cách làm của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các ngành chức năng.

Gạo Việt Nam có thể mất quyền dự thi ‘Gạo ngon nhất thế giới’?

Dù được đánh giá là gạo ngon nhất thế giới, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn gặp phải vấn đề nan giải xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Ngày 27/5, The Rice Trader, đơn vị tổ chức cuộc thi ‘Gạo ngon nhất thế giới’ ra cảnh báo Việt Nam có thể mất quyền tham dự cuộc tuyển chọn 'World's Best Rice' (‘Gạo ngon nhất nhất thế giới’), uy tín có quy mô toàn cầu này vì các rắc rối xung quanh vấn đề vi phạm bản quyền thương hiệu.

Việt Nam có mất thương hiệu gạo ST25 ngon nhất thế giới?

Theo đó, tổ chức The Rice Trader khẳng định, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất được phép sử dụng biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” độc quyền, sử dụng cho mục đích tiếp thị và kinh doanh.

Giám đốc phát triển kinh doanh của The Rice Trader tại Việt Nam Phan Mai Hương cho biết, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, công ty Hồ Quang Trí đã tôn trọng và trung thực trong việc sử dụng thương hiệu giải thưởng quốc tế “Gạo ngon nhất thế giới”.

Ngược lại, có đến chừng 10 công ty Việt Nam sử dụng thương hiệu của The Rice Trader để in trên bao bì, tài liệu quảng bá trong nước và xuất khẩu nhưng không được sự cấp phép của The Rice Trader.

“Một số công ty khi chúng tôi làm việc đã tỏ rõ thái độ bất hợp tác và thiếu tôn trọng The Rice Trader cũng như các quy định về bản quyền. Điều này buộc The Rice Trader cần có những hành động để bảo vệ thương hiệu, uy tín của giải thưởng cũng như những đơn vị tham gia giải thưởng và làm ăn uy tín”, đại diện The Rice Trader nhấn mạnh.

Theo The Rice Trader, hành vi của các doanh nghiệp sử dụng không phép biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ.

Tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp cần có sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” trên bao bì sản phẩm bán ra thị trường.

Việt Nam có thể mất quyền tham gia cuộc thi ‘Gạo ngon nhất thế giới’?

The Rice Trader khẳng định, người tham gia cuộc thi công nhận rằng họ không có quyền sử dụng thương hiệu cuộc thi nếu không được phép và quốc gia chiến thắng cũng được yêu cầu tuân thủ các cam kết của cuộc thi.

Tên các công ty cố tình vi phạm sẽ được công khai vì những ảnh hưởng của họ đối với định hướng chung của ngành.

“Tổ chức của chúng tôi cân nhắc vấn đề này nghiêm túc đến việc quốc gia thậm chí có thể mất quyền tham gia cuộc thi này trong những năm tiếp theo. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn những người tạo ra giá trị xứng đáng được tưởng thưởng và đây luôn là ý định của chúng tôi trong suốt quá trình tổ chức cuộc thi này”, theo bà Phan Mai Hương chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Việt Nam không thể để mất thương hiệu gạo ngon nhất thế giới vào tay nước ngoài
World's Best Rice – Gạo ngon nhất thế giới – là giải thưởng thường niên độc quyền trong khuôn khổ Hội nghị gạo thế giới, được tổ chức liên tục trong 12 năm, do The Rice Trader sáng lập và là chủ sở hữu duy nhất.

Năm 2019, cũng là năm thứ 11 của Hội nghị, Việt Nam đã lần đầu tiên trong lịch sử giành được giải thưởng này với giống gạo ST25. Đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục giành vị trí thứ 2 tại cuộc thi này.

Cha đẻ của giống gạo ST25 là kỹ sư nông nghiệp - Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua. Sau khi giống gạo của ông giành chiến thắng năm 2019, đã có rất nhiều nơi chào bán giống gạo này dù ông Cua khẳng định, chưa có hàng bán ra thị trường.

Nhiều doanh nghiệp sau đó đã in nhãn hiệu và logo “World's Best Rice" lên bao bì gạo để bán trong nước cũng như xuất khẩu dù không được The Rice Trader cho phép.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm xây dựng thương hiệu

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khaonrg 1.9 triệu tấn gạo với giá trị đạt khoảng 1,01 tỷ USD.

Gạo ‘ngon nhất thế giới’ của Việt Nam bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ: Bài học cay đắng

Cơ quan chức năng cho hay, tuy giảm khoảng 10,8% về khối lượng nhưng gạo xuất khẩu Việt Nam lại tăng 1,2% về giá trị so với cùng thời kỳ. Cũng theo số liệu của các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương…các thị trường chính nhập khẩu gạo của Việt Nam là Philippines, Trung Quốc, Cuba, Malaysia…

Đặc biệt, sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu (EVFTA), với Vương Quốc Anh (UKVFTA), thị trường châu Âu được đánh giá hết sức tiềm năng với gạo Việt Nam, khu vực này nhập gần trăm nghìn tấn gạo Việt mỗi năm với thuế suất 0%, đồng thời mở cửa cho gạo Việt tiến sâu vào thị trường rộng lớn.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, thực tế ở giai đoạn đầu tiên, gạo Việt Nam chưa tạo dựng được tên tuổi. Khi xuất qua Anh, qua châu Âu vẫn phải “mượn tên”, “mượn thương hiệu”.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Thương vụ Việt Nam tại Anh, Bộ Công Thương cho biết, phần lớn gạo Việt ở Anh mang thương hiệu của nhà phân phối chứ không phải của nhà xuất khẩu. Gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu phổ biến như Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket) , Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood).

Theo ông Cường, lý do chính là do nhà xuất khẩu chưa làm thương hiệu, hoặc nhà phân phối sở tại cho rằng thương hiệu riêng của họ sẽ tiếp thị hiệu quả hơn thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng sở tại biết đến.

Ông dẫn chứng, gạo ST25 Việt Nam dù được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019 nhưng rất ít người dân Anh biết tới. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, sản phẩm mang thương hiệu của nhà phân phối mà không mang thương hiệu của nhà sản xuất là một trong những tập quán kinh doanh thông thường tại Anh được luật pháp cho phép.

“Trong môi trường cạnh tranh có lợi cho người nhập khẩu sở tại hơn người xuất khẩu nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường sẵn sàng chấp thuận xuất gạo không có thương hiệu và để cho nhà phân phối sử dụng thương hiệu riêng của họ”, ông Nguyễn Cảnh Cường nêu vấn đề.

Ngớ ngẩn: Tranh cãi vụ đem gạo Việt Nam ngon nhất thế giới đi thi rồi chỉ đạt giải nhì
Trên cơ sở này, để có thể tạo ra đột phá thị trường lớn hơn nữa và tăng cường vị thế bền vững cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường Anh cũng như các thị trường lớn khác, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường.

Theo đó, Chương trình thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao có sản lượng lớn để đặt tên theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ phát âm và gắn với địa danh nơi trồng lúa như gạo Sóc Trăng Việt Nam hay tên người tạo ra giống lúa, như gạo Ông Cua, để có thể đăng ký bảo hộ thuận lợi tại nước ngoài.

“Sở hữu được giống lúa ST24, và ST25 mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để Việt Nam tạo dựng được thương hiệu gạo quốc tế phụ thuộc vào cách làm của doanh nghiệp trong thời gian tới”, Thương vụ Việt Nam tại Anh lưu ý.

Nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm rằng, việc tạo ra được giống lúa, hạt gạo được công nhận ngon nhất thế giới đã là điều không dễ dàng. Do đó, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cần bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền và thương hiệu doanh nghiệp, và phải làm sao để giữ gìn phát triển được thương hiệu ấy là những điều cần suy nghĩ.

Thảo luận