Ngớ ngẩn: Tranh cãi vụ đem gạo Việt Nam ngon nhất thế giới đi thi rồi chỉ đạt giải nhì

© Depositphotos.com / Stephanie FreyGạo
Gạo - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
‘Tôi không hiểu mục đích của mấy anh đưa gạo ST25 đi thi làm gì khi năm 2019 mình đã đạt gạo ngon nhất thế giới rồi? Bây giờ mang đi thi chỉ dành giải nhì thì làm sao mở miệng ra nói gạo ST25 Việt Nam ngon nhất thế giới? Thái Lan họ lại làm ầm ngay’, ông Nguyễn Đình Tùng bức xúc.

Hiện đang xuất hiện nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc, gạo ST25 của Việt Nam “ngon nhất thế giới” năm 2019 chỉ đạt giải nhì tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020 gây ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt Nam và hoạt động kinh doanh.

Mặc dù lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam khẳng định gạo ST25 thắng giải ngon nhất thế giới ‘không phải ăn may’, nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao và Tổng Giám đốc Vina T&T Group, việc đem gạo Việt Nam ngon nhất thế giới đi thi nhưng lại chỉ về nhì, thua gạo Thái Lan là điều ‘ngớ ngẩn và dại dột’.

Tranh cãi xung quanh việc Việt Nam đem gạo ngon nhất thế giới đi thi chỉ được giải nhì

Những ngày qua, thông tin về việc gạo ST25, giống gạo do ông Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng nghiên cứu và trồng thành công chỉ giành thứ hạng nhì ở cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới tại Hoa Kỳ, trong khi đó, năm 2019, loại gạo này của Việt Nam được công nhận là gạo “ngon nhất thế giới” đang gây tranh luận nảy lửa.

Được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình chị Hà Thị Thảo, dân tộc Thái ở thôn Phan Thượng, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đầu tư máy xay xát gạo, chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình có việc làm và thu nhập ổn định - Sputnik Việt Nam
90% người Việt ăn gạo bẩn: Bôi nhọ và làm giảm uy tín gạo Việt Nam

Trước đó, trong các ngày từ 1 -3/12/2020 tại Mỹ, cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020 được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Lúa gạo thế giới lần thứ 12 (World rice conference 12th).

Giành giải quán quân – ngôi vị “gạo ngon nhất thế giới” lần này là đại diện gạo Hom Mali của Thái Lan. Gạo ST25 của Việt Nam giành giải nhì và gạo của Campuchia đứng thứ ba chung cuộc.

Việc gạo ST25, vốn từng đạt giải “gạo ngon nhất thế giới” của Việt Nam năm 2019 nay lại “thua” gạo Thái Lan và chỉ về nhì tại cuộc thi danh tiếng này gây nhiều tranh luận trái chiều.

Các ý kiến xoay quanh thắc mắc không hiểu đơn vị sản xuất loại gạo ST 25 “nghĩ gì” mà đem gạo ngon nhất thế giới đi thi để cuối cùng chỉ về nhì.

Dư luận đánh giá, gạo ST vừa mới xây dựng được thương hiệu mạnh mẽ do đạt được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới nhưng với kết quả cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020 được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Lúa gạo thế giới lần thứ 12 vừa qua thì kết quả này giờ gần như không còn ý nghĩa gì. Mọi nỗ lực cố gắng “đổ sông, đổ bể”, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thương hiệu cho chính loại gạo này.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – Vũ Kim Hạnh nhận xét việc mang gạo ST25 “ngon nhất thế giới” đi thi rồi chỉ đạt giải nhì như vậy là “thảm họa”.

Bà Hạnh gay gắt, gạo ST25 đang là gạo ngon nhất thế giới nhưng lại mang đi thi để dành được vị trí “ngon thứ nhì thế giới”. theo vị lãnh đạo ví von, việc này cũng giống như cô hoa hậu thế giới bị khích tướng đi thi hoa hậu lại và chỉ đạt ngôi á hậu vậy.

Các thành viên hợp tác xã liên kết trong sản xuất, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo: Tại sao không?

Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang than phiền về việc “ham đi thi” này.

“Đang bán gạo ngon nhất thế giới giờ trở thành gạo đứng nhì thế giới. Ai sẽ đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp khi thương hiệu sản phẩm bị ảnh hưởng”, bà Vũ Kim Hạnh bức xúc.

Chia sẻ quan điểm cá nhân của mình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao “phản đối” hành động đưa gạo ST25 đi thi như trong cuộc thi vừa qua bởi “đây là cách làm thương hiệu không sáng suốt”.

“Việc đưa gạo ST25 đi thi trong năm nay là hành động ngớ ngẩn và dại dột. Bởi, năm nay, việc thi trực tuyến sẽ đầy ắp rủi ro cho gạo ST25. Ngoài ra, kỹ năng marketing và kinh nghiệm đi thi quốc tế của Việt Nam cũng còn thua xa với các nước khác. Điều này cũng khiến gạo ST25 càng rủi ro hơn khi đi thi”, bà Vũ Kim Hạnh thẳng thắn.

Cá nhân vị lãnh đạo này đánh giá, bản thân ông Hồ Quang Cua, nhà nghiên cứu và sản xuất ra giống gạo ST25 với tư cách là nhà khoa học, ông không lường trước được hết những hậu quả khó đoán của việc giống gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam hiện chỉ là “gạo ngon nhì thế giới” sau sản phẩm nông sản của Thái Lan.

“Việc gạo ST25 về nhì sẽ để lại di chứng khổ nạn cho những người làm tiếp thị, quảng bá một sản phẩm “nhất thế giới”. Nó sẽ gây hậu quả thương mại thê thảm cho giới kinh doanh. Việc này không khác nào tự mình đánh mình”, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh phân tích.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam nói gì vụ đem gạo ST25 đi thi?

Sau khi gạo ST25 của Việt Nam đem đi thi chỉ dành giải nhì, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lên tiếng lý giải về quyết định này cho biết, việc gạo ST25 đứng thứ 2 thế giới vẫn khẳng định loại gạo này có chất lượng ngon ổn định với vị thế hàng đầu thế giới.

“Thành tích của gạo ST25 vào năm 2019 không phải là may mắn, đó là thực lực của ST25”, đại diện lãnh đạo VFA khẳng định.

Theo đó, ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh, thành tích đứng thứ 2 vẫn là tin vui của ngành gạo Việt Nam và không nên xem đây là sự xuống hạng của gạo ST25.

Lúa hè thu sớm đạt năng suất, chất lượng và giá cao, nông dân phấn khởi. - Sputnik Việt Nam
Xuất khẩu gạo Việt Nam hàng đầu thế giới: Vui và buồn

Về việc gạo Việt Nam xếp sau gạo Thái Lan, ông Nam cho rằng, gạo Thái là giống lúa mùa, canh tác dài ngày với thành tích nhiều năm liền giành giải gạo ngon nhất thế giới.

Trong khi đó, gạo ST25 của Việt Nam là gạo cao sản, thời gian sinh trưởng ngắn hơn, ST25 mới tham gia cuộc thi đã giành giải nhất năm 2019 và giải nhì năm 2020.

Vị lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam nêu rõ, về nguyên tắc, VFA chọn những loại gạo ngon nhất Việt Nam hiện tại mang dự thi để có kết quả tốt nhất.

“Gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất Việt Nam năm 2020 nên mang dự thi là đương nhiên. Ngoài ra, 3 mẫu gạo ngon khác của Việt Nam năm 2020 gồm một mẫu gạo đạt giải nhì và 2 mẫu gạo đạt giải ba cũng tham gia cuộc thi thế giới năm nay nhưng không có giải. Cũng như Thái Lan, năm nào họ cũng dự thi với giống gạo Hom Mali”, ông Đỗ Hà Nam cho biết.

Năm 2019, Hiệp hội Lương thực Việt Nam lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” để tìm ứng cử viên đi thi thế giới. Gạo ST25 chỉ giành giải ba chung cuộc nhưng lại đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” cùng năm đó tại Manila, Philippines.

Gạo Việt Nam ngon nhất thế giới, đem đi thi chỉ về nhì, làm sao mở miệng nói với thế giới?

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết, doanh nghiệp của ông hiện đang gặp khó khăn trong vấn đề truyền thông sau khi gạo ngon nhất của Việt Nam bỗng nhiên chỉ dành giải nhì năm nay.

“Tôi không hiểu mục đích của mấy anh đưa gạo ST25 đi thi để làm gì khi năm 2019 mình đã đoạt giải gạo ngon nhất thế giới rồi? Nếu không đi thi tiếp, danh hiệu đó có thể sử dụng cho nhiều năm sau. Bây giờ mình mang đi thi, chỉ giành được giải nhì thì làm sao mình mở miệng ra nói gạo ST25 ngon nhất thế giới được nữa, Thái Lan họ làm ầm lên ngay”, ông Nguyễn Đình Tùng bức xúc nói trong cuộc phỏng vấn với PLO.

Theo vị lãnh đạo này, khi đem gạo ST25 đã đạt giải ngon nhất thế giới năm 2019 đi thì, trừ khi tiếp tục đạt hạng nhất, những kết quả khác đều không tốt, không giúp ích cho hoạt động truyền thông thương hiệu gạo Việt Nam.

Năng suất lúa năm nay tại tỉnh Nam Định bình quân ước đạt 51,50 tạ/ha, tăng 1,32 tạ/ha so với vụ lúa năm trước. - Sputnik Việt Nam
7 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2020: Việt Nam sẽ trở thành nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới?

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, từ trước đến nay tại thị trường Hoa Kỳ, gạo Việt Nam chủ yếu nằm ở phân khúc dùng chế biến cho bún, bánh, làm cơm chiên, còn cơm ăn hàng ngày, gạo Thái Lan vẫn chiếm ưu thế.

“Sau khi gạo ST25 đạt giải ngon nhất thế giới 2019, chúng tôi bắt đầu làm truyền thông, tặng gạo cho người tiêu dùng Mỹ ăn thử, họ thấy ngon thì mới quay lại mua. Khi bắt đầu bán hàng được thì gạo ST25 lại thua gạo Thái. Thời gian tới, chắc chắn gạo Thái Lan sẽ lấy lại ưu thế”, lãnh đạo Vina T&T Group cho biết.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng kêu khó khi làm marketing. Theo đó, suốt năm qua, khi gạo ST25 được khẳng định là “gạo ngon nhất thế giới”, giới thiệu với khách hàng cũng là như thế. Trên bao bì sản phẩm cũng ghi gạo ngon nhất thế giới, bây giờ phải sửa lại là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019”.

“Tôi làm marketing cho gạo ST25 bên Mỹ rất khó khăn và tốn kém. Mấy hôm nay khi phát gạo miễn phí cho người dân bên Mỹ dùng thử, người dân họ chưa nói gì nhưng bản thân tôi cũng hơi ngượng ngượng, không dám mạnh miệng như trước rằng đây là gạo ngon nhất thế giới, Thái Lan cũng không bằng. Bây giờ cũng một câu nói đó nhưng mình khó nói, khó quảng bá”, Chủ tịch Vina T&T Group cho hay.

Trong lịch sử cuộc thi, Thái Lan vẫn là quốc gia dẫn đầu với 6 lần đạt giải gạo ngon nhất thế giới, Campuchia 4 lần, Hoa Kỳ 2 lần và Việt Nam, Myanmar mới chỉ đăng quang một lần.

Do đó, sau sự việc gây tranh cãi này, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ, Việt Nam phải mất 10 năm mới giành được vị trí gạo ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, sau cuộc thi này thì không biết gạo Việt còn mất bao nhiêu năm nữa để đạt lại được vị trí cao nhất thế giới này.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала