Theo các chuyên gia, những chiêu trò phi thể thao chống Trung Quốc trước Thế vận hội như vậy có thể gây hiệu ứng ngược cho chính các nước phương Tây.
Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Tom Malinowski và Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Michael Gallagher đề xuất Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ra nghị quyết kêu gọi IOC bắt đầu khẩn cấp tìm địa điểm thích hợp cho Thế vận hội Mùa đông 2022 thay vì tổ chức tại Bắc Kinh. Nghị quyết, được Chủ tịch của Ủy ban này là Gregory Meeks ủng hộ, đã được gửi đến Quốc hội Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Ủy viên Nghị viện Châu Âu Engin Eroglu đã đệ trình bản yêu cầu chính thức của Nghị viện lên Hội đồng Châu Âu. Ông Engin Eroglu đề nghị trở lại câu hỏi liệu các đại diện EU có nên tham dự Thế vận hội Bắc Kinh hay không, ông ta cũng đề xuất lắng nghe ý kiến các công ty châu Âu nhà tài trợ thương mại cho Thế vận hội. Trên Twitter của cái gọi là Liên minh Nghị viện về vấn đề Trung Quốc cũng đưa tin rằng một số nghị sĩ ở Anh, Đức, Canada, Ý, Cộng hòa Séc, Thụy Sĩ, Litva, Thụy Điển và Đan Mạch đang kêu gọi các quan chức, thành viên chính phủ, hoàng gia hoặc tuyên bố công khai tẩy chay hoặc từ chối lời mời tham dự Thế vận hội. Đồng thời cũng có đề xuất lợi dụng Thế vận hội để thảo luận về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và đạt được tự do báo chí trong giai đoạn tiến hành Thế vận hội.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Alexander Lomanov, Phó Giám đốc IMEMO thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết rằng những lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội ở Bắc Kinh gần như đồng thời xuất phát từ các nước phương Tây khác nhau, có vẻ giống như chiến dịch chính trị được phối hợp nhịp nhàng, nhằm mục đích làm mất uy tín Thế vận hội Mùa đông 2022.
“Các chính trị gia và các lực lượng chính trị cấp tiến ở phương Tây rất nỗ lực để làm hỏng bầu không khí Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Họ cho rằng Thế vận hội sẽ mang lại cho Trung Quốc một số lợi thế chính trị trên trường quốc tế, mà theo quan điểm của họ, Trung Quốc không đáng nhận. Tuy nhiên, như mọi quốc gia khác, Trung Quốc thực sự đánh giá cao các loại sự kiện như vậy. Vị thế của đất nước đăng cai tổ chức các cuộc thi quốc tế hoành tráng là điều quan trọng đối với Trung Quốc", - ông Alexander Lomanov nói.
Ảnh hưởng chính trị
Ảnh hưởng chính trị đối với Thế vận hội theo cách này hay cách khác có thể xảy ra, bởi vì sau khi Biden lên nắm quyền ở Mỹ, phương Tây cố gắng thành lập một thứ liên minh chống Trung Quốc, cho rằng cần phải áp dụng các biện pháp tẩy chay và trừng phạt với lý do quyền con người. Đối với sáng kiến chuyển địa điểm tổ chức Thế vận hội, đây là đòn bẩy chính trị độc quyền gây áp lực lên Trung Quốc, là nỗ lực ép Bắc Kinh đưa ra một số nhượng bộ. Tất nhiên, với sức nặng và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, đây là sáng kiến không có triển vọng và không thể thực hiện được. Nếu áp lực của phương Tây trở nên quá mạnh, thì Bắc Kinh có thể sử dụng các biện pháp trả đũa, hơn nữa là những biện pháp rất cứng rắn.
Bình luận về những lời kêu gọi "tẩy chay ngoại giao", ông Gong Hongle, phó giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh nói rằng áp lực đối với Trung Quốc trước Thế vận hội 2008 và hiện giờ phản ánh định kiến sâu xa và sự thù địch về ý thức hệ của Hoa Kỳ và phương Tây nói chung đối với Trung Quốc.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác vẫn chưa chính thức thể hiện thái độ của họ đối với Thế vận hội Bắc Kinh. Trong khi đó, chiến dịch chống Trung Quốc tại Hoa Kỳ ngày càng phát triển quá mức với những dấu hiệu cuồng loạn. Ví dụ, trong bài báo của Tổng thống Mỹ Biden trên tờ Washington Post, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã bị từ chối quyền tham gia xây dựng các quy tắc thương mại thế giới. Biden viết rằng tại cuộc họp ở Brussels với các nhà lãnh đạo EU, các bên phải tái khẳng định rằng không phải Trung Quốc hay bất kỳ ai khác, mà chính là "các nền dân chủ thị trường" mới có quyền đặt ra các quy tắc về thương mại và công nghệ của thế kỷ 21.
Nhận định này khẳng định dự đoán của giới quan sát rằng một trong những kết quả chuyến thăm London và Brussels vào giữa tháng 6 của Tổng thống Mỹ có thể là sự đối đầu ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia Alexander Lomanov cũng không loại trừ trường hợp này:
“Khi tuyên bố rằng chính họ sẽ tiếp tục áp đặt các quy tắc của mình cho toàn thế giới, lập trường của phương Tây là bế tắc và không thể thỏa hiệp. Thế giới đã thay đổi, không còn khiêm tốn sẵn sàng chấp nhận những quy tắc này như trong thế kỷ trước. Do đó, chính sách của Biden không phải là con đường có thể đưa mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đến sự tương tác mang tính xây dựng trong thiên niên kỷ mới”.
Chiến dịch “tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội Bắc Kinh không có bất kỳ sự ủng hộ đáng kể nào ở Hoa Kỳ cũng như ở châu Âu. Các vận động viên và các nhà tài trợ thương mại cho Thế vận hội không hề hưởng ứng lời kêu gọi tẩy chay. Về phần mình, IOC đang tăng cường liên hệ với Trung Quốc trong việc tổ chức thành công Thế vận hội 2022.
Tham vấn về các vấn đề của cộng đồng quốc tế cần được tiến hành với sự tham gia của tất cả các quốc gia; chứ không được giới hạn trong một nhóm các quốc gia lựa chọn. Điều này đã được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) tuyên bố tại cuộc họp báo hôm thứ Hai, khi bình luận về bài báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc nắm giữ ranh giới ý thức hệ, thực hiện các chính sách khối nhằm vào các quốc gia cụ thể, hoặc thực hành chủ nghĩa đa phương giả tạo có chọn lọc - tất cả những điều đó đều là những hành động đi ngược lại xu hướng hiện đại, chúng không được ưa chuộng và sẽ không thu được thành công.