Bài viết của Sputnik giới thiệu về loại đạn dược hiện đại và đầy triển vọng của hạm đội Nga.
Hồi mùa hè năm 2018, các phương tiện truyền thông đưa tin 18 quả UET-1 đã được tải lên tàu ngầm diesel-điện B-261 «Novorossiysk» thuộc đề án 636.3 «Varshavyanka». Khi đó «Dagdizel» - nhà phát triển loại đạn này - đã ký hợp đồng 73 quả ngư lôi cho đến năm 2023. Cuộc mua sắm như vậy khiến Bộ Quốc phòng tiêu tốn 7,2 tỷ rúp. Loại vũ khí mới sẽ tăng cường sức mạnh cho hạm đội tàu ngầm một cách nghiêm túc. Cụ thể, UET-1 sẽ được tiếp nhận dành cho các tàu «Varshavyanka» của Hạm đội Biển Đen. Chu trình kiểm tra cấp Nhà nước đã được hoàn thành ngay từ năm ngoái.
Hiện tại, các đặc điểm chính xác của ngư lôi điện vạn năng vẫn còn trong vòng bí mật. Mới chỉ công bố thông tin về phiên bản xuất khẩu, với khả năng chiến đấu được hạ thấp một cách cố ý. Và đó là: tầm xa hoạt động - khoảng 25 km, tốc độ - đến 50 hải lý / giờ, khoảng cách phát hiện mục tiêu dưới nước - 3,5 km. Hệ thống tự dẫn đường - theo kênh âm thanh.
Giống như tất cả các loại đạn dược tương tự, UET-1 phát hiện các tàu mặt nước theo định kỳ phát xung động thủy âm phía trên. Khi xung lực phản xạ thay đổi, hệ thống sẽ gửi lệnh đến bộ điều khiển lái. Ngư lôi đuổi theo mục tiêu, di chuyển kiểu hình chữ chi ngoằn ngoèo zigzag. Khi đến dưới đáy của con tàu bị tấn công, một cầu chì từ tính sẽ âm thầm kích hoạt.
UET-1 tổng hợp được trong bản thân nó tất cả những ưu điểm của ngư lôi điện trước các đạn dược nhiệt áp. Công suất động cơ không phụ thuộc vào độ sâu di chuyển, điều rất quan trọng đối với vũ khí chống tàu ngầm. Ngư lôi giữ hải trình ngầm ổn định như mệnh lệnh đã nhận, cả khối lượng và trọng tâm đều không thay đổi. Tiếng ồn thấp và nó hầu như vô tăm tích. Phát hiện ra nó là nhiệm vụ hoàn toàn không giản đơn, có thể nói là bất khả thi.
Mạnh hơn các «tiền bối»
Trước UET-1, đã có USET-80 (ngư lôi điện đa năng tự dẫn đường), được chế tạo vào những năm 1980. Trải qua những thập kỷ phục vụ, loại ngư lôi này đã chứng tỏ là thứ vũ khí sấm sét đáng gờm, chắc chắn và «dễ tính», thế nhưng hôm nay lại hoá ra thua kém đáng kể so với các mẫu tương tự của phương Tây. Động cơ điện cung cấp năng lượng bởi ắc-quy đồng-magiê, kích hoạt bằng nước biển. Tầm xa hoạt động - 18 km, tốc độ - 45 hải lý/giờ. Độ sâu tối đa là 1.000 mét. Hệ thống dẫn hướng hai kênh - âm thanh thụ động chủ động và theo dấu báo thức. Rõ ràng là ngay cả phiên bản xuất khẩu của UET-1 cũng vượt trội hơn hẳn so với «tiền bối» của nó.
Ngư lôi mới sẽ có độ linh hoạt tổng hợp hơn. Qua 40 năm, USET-80 chưa lần nào được thử nghiệm kiểm tra ở vùng vĩ độ cao, nơi nước biển có sự khác biệt đáng kể so với nước ở các thao trường thử nghiệm của hải quân. Ở Bắc Cực, có thể nảy sinh vấn đề với bộ ăc-quy, và cũng không rõ hệ thống tự dẫn đường sẽ hoạt động ra sao khi phía trên là «cánh đồng» băng mấp mô không bằng phẳng đồng đều, phản xạ hỗn loạn vô số tín hiệu. Còn UET-1 đạt hiệu suất trong mọi điều kiện.
Câu hỏi duy nhất ở đây là giá cả: khoảng 100 triệu rúp cho một quả ngư lôi. Mặc dù loại tương đương F21 của Pháp khiến người nộp thuế phải trả giá đắt gấp đôi, nhưng dù sao số tiền này cũng là khá nặng. Rõ ràng, bởi thế mà Bộ Quốc phòng Nga chỉ đặt hàng 73 quả. Và đây là cơ số đạn tối đa của bốn chiếc «Varshavyanka».
Thứ vũ khí chạy bằng năng lượng hạt nhân
Hạm đội tàu ngầm không vội vã từ bỏ ngư lôi tầm nhiệt bởi loại này cũng có điểm ưu việt riêng. Thứ nhất, chúng rẻ hơn và sản xuất dễ hơn. Thứ hai, phục vụ lâu dài hơn (ngư lôi chạy bằng ăc-quy - không quá chục năm). Thứ ba, đạn nhiệt áp có thể tái sử dụng, điều này đặc biệt quan trọng khi huấn luyện thủy thủ đoàn tàu ngầm. Chẳng hạn, người Mỹ lựa trong số ngư lôi Mark 48 đã bắn, xạc pin và lại nạp vào ống phóng ngư lôi.
Loại đạn nhiệt áp hiện đại nhất trong kho tàng vũ khí của Hải quân Nga được coi là ngư lôi phóng từ biển sâu (UDST) «Fizik» cỡ 533 mm. Hệ thống động cơ đẩy nhiệt hoạt động bằng nhiên liệu lỏng một thành phần. Bộ dẫn tiến lắp hệ thống đẩy phản lực phụt nước với bánh lái bung ra thay cho chân vịt truyền thống, vì vậy đảm bảo giảm độ ồn khi tấn công mục tiêu. Tốc độ - lên đến 65 hải lý / giờ, tầm xa hoạt động - 60 km.
Năm 2017, Hải quân Nga tiếp nhận «Fizik-2» với những đặc tính kỹ-chiến thuật đã được nâng cấp. Ngoài ra, vẫn đang tiếp nối công việc với ngư lôi «Futlyar» tiên tiến nhất. Được biết, ngư lôi này sẽ được lắp đặt hệ thống tự dẫn đường cải tiến với khả năng bắt mục tiêu ngầm dưới nước ở cự ly xa hơn. Nếu dự án thành công, «Futlyar» sẽ dành trang bị cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc đề án 955 «Borey» và 885 «Yasen» cũng như các phiên bản sửa đổi của chúng.