Ngày 30/6, Việt Nam ghi nhận thêm 450 ca Covid-19. TP.HCM vẫn là địa phương có nhiều trường hợp dương tính với nCoV nhất cả nước với 249 người.
Ca tử vong số 81 là người đàn ông 61 tuổi ở TP.HCM, có tiền sử bị lao phổi.
Bộ Y tế Việt Nam đang xem xét khả năng cách ly các trường hợp F1 tại nhà trên phạm vi cả nước dựa trên đánh giá thí điểm tại TP.HCM kèm theo các điều kiện, quy định nghiêm, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm coronavirus ra cộng đồng.
Thêm 450 ca Covid-19
Theo cập nhật của Bộ Y tế tối 30/6, có thêm 240 ca Covid-19, riêng TP.HCM thêm 124 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên thành 450.
Trong số 450 ca mắc mới ngày 30/6, 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (7), Ninh Bình (1), Kiên Giang (1). Trong số 441 trường hợp dương tính với nCoV được phát hiện trong nước, TP.HCM (249), Bình Dương (81), Phú Yên (27), Bắc Giang (13), Đồng Nai (12), Quảng Ngãi (10), Hưng Yên (9), Nghệ An (8 ), Bắc Ninh (8 ), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Đồng Tháp (5), Bình Định (4), An Giang (4), Đà Nẵng (2), Long An (1), Hải Phòng (1), Bắc Kạn (1), trong đó 420 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Số ca mắc mới Việt Nam đã ghi nhận từ 27/4 đến nay là 13.495 người. Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 3.142.956 xét nghiệm cho 7.437.135 lượt người.
Số ca bình phục là 6.840/16.863, 81 trường hợp đã tử vong.
Bộ Y tế thông tin ca tử vong số 81
Theo thông cáo của Bộ Y tế, ca Covid-19 thứ 81 tử vong ở Việt Nam là người đàn ông 61 tuổi ở phường An Lạc, quận Tân Bình, TP.HCM, có tiền sử bị lao phổi (đã điều trị cách đây 7 năm).
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết, người đàn ông này bị ho 4 ngày, sau đó khó thở, được xét nghiệm SARS-CoV-2 và cho kết quả dương tính.
Ngày 20/6, ông được cho nhập viện tại Bệnh viện Trưng Vương TP Hồ Chí Minh trong tình trạng tỉnh, khó thở với chẩn đoán viêm phổi nặng do SARS-COV-2.
Tiểu Ban Điều trị khẳng định, bệnh nhân được điều tích cực bằng thở oxy máy, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm, vận mạch, nhưng do tuổi cao, tiền sử mắc lao, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân tử vong ngày 26/6.
“Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp tiến triển, suy đa cơ quan, trên bệnh nhân tiền sử lao phổi đã điều trị cách đây 7 năm”, Bộ Y tế cho biết.
Trong đợt dịch thứ 4 này, Việt Nam có 46 bệnh nhân ca Covid-19 tử vong, trong đó đa phần là các ca bệnh có tuổi cao, có bệnh lý nền lâu năm như ung thư, ung thư di căn, cong vẹo cột sống, thận nhân tạo, viêm gan, lao phổi vv…
Việt Nam sẽ áp dụng cách ly F1 tại nhà?
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế cho biết, trên cơ sở đánh giá thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương nhằm quyết định việc áp dụng hướng dẫn cách ly y tế tại nhà các trường hợp F1 trên phạm vi cả nước.
Theo bà Hương, việc cách ly F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho chính người cách ly, trong đó có việc giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung của địa phương.
“Tuy nhiên, việc cách ly đối với trường hợp F1 tại nhà phải đáp ứng điều kiện đã đề ra”, đại diện Bộ Y tế lưu ý.
Nói về một số khó khăn nếu áp dụng cách ly F1 tại nhà, bà Hương cho hay, hiện nay đã xuất hiện biến chủng virus mới, có cả các đặc tính biến chủng Ấn Độ và Anh có khả năng lây lan nhanh nên nguy cơ lây nhiễm cao, nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch sẽ làm lây lan cho người ở cùng và lây lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, việc cách ly F1 tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương. Các trường hợp là F1 không ở tập trung một nơi mà rải rác nhiều nơi trên địa bàn nên cần phải bố trí nhiều cán bộ y tế, cán bộ chính quyền địa phương hơn để theo dõi, giám sát chặt chẽ đảm bảo không lây lan ra cộng đồng.
“Đặc biệt, khâu giám sát, nếu không có đủ người, không giám sát chặt chẽ trong trường hợp người cách ly không tuân thủ quy định tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly thì nguy cơ lây nhiễm rất cao”, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Bộ Y tế Việt Nam đã có các quy định, hướng dân đầy đủ về điều kiện cách ly F1 tại nhà. Theo đó F1 sẽ cách ly tại nhà trong điều kiện nhà riêng, có phòng và khu vệ sinh khép kín.
Đồng thời, trong thời gian cách ly, F1 phải tuân thủ 5K, cập nhật sức khoẻ thường xuyên, không tiếp xúc với người trong nhà (trừ trường hợp trẻ nhỏ và người già cần người chăm sóc), không dùng điều hoà trung tâm, thường xuyên lau khử khuẩn trong phòng.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế người thuộc đối tượng F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.
“Biến chủng virus mới hiện nay lây lan nhanh, nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình là rất lớn. Vì vậy, nhà cách ly phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong quá trình cách ly”, Cục trưởng Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, sẽ khó khăn nếu bắt buộc người dân phải có nhà riêng độc lập, đặc biệt là đặt trong tình huống các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.
Ông Nhung kiến nghị nới lỏng quy định, chỉ cần F1 có phòng riêng khép kín, cam kết không vi phạm quy định phòng chống dịch, lắp và theo dõi qua camera giám sát thì có thể cách ly tại nhà.
Hai điểm “cốt tử” trong chống Covid-19 ở Việt Nam
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, truy vết và xét nghiệm hợp lý chính là hai điểm “cốt tử” trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam.
Điều này được ông Đam nêu ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác chống dịch.
Theo đó, đồng chí Vũ Đức Đam đề nghị Bình Dương cần xem xét, đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh ở từng khu vực.
“Địa phương phải giữ an toàn các khu vực chưa xuất hiện dịch và xét nghiệm tầm soát định kỳ những nơi có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ, bến xe, bến tàu, khu công nghiệp”, ông Đam lưu ý.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh, đối với các khu vực có chuỗi lây nhiễm phức tạp, tỉnh phải tiếp tục siết chặt “phòng tuyến chống dịch”, nhất là các cơ sở y tế.
“Bình Dương cần siết lại tinh thần chống dịch trong trạng thái bình thường mới, tập trung vào những khu vực nguy cơ cao, các hoạt động tập trung đông người, dịch vụ giải trí, các dịch vụ không thiết yếu”, đại diện lãnh đạo Chính phủ bày tỏ.
Cùng với đó, khi công bố ổ dịch, tỉnh cần tiến hành đồng bộ các biện pháp kiểm soát chặt người di chuyển (nhất là công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp), tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Đối với các khu công nghiệp, doanh nghiệp phải có phương án chống dịch, tổ chức lại ca, kíp, khai báo y tế, lập danh sách liên lạc, địa điểm lưu trú để dễ kiểm soát.
Đồng chí Vũ Đức Đam cũng đặc biệt lưu ý đến hai điểm “cốt tử” trong chống dịch Covid-19 ở Việt Nam – đó chính là truy vết, xét nghiệm hợp lý. Bình Dương phải chia 2 mũi xét nghiệm, truy vết ở khu vực có dịch và khu vực còn sạch.
Theo Phó Thủ tướng, mũi thứ nhất tập trung lực lượng có sự chỉ đạo, điều phối thống nhất, đồng bộ giữa truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, khớp nối kết quả, đảm bảo trả kết quả chậm nhất trong vòng 24 giờ. Kết quả xét nghiệm, nhất là ca F0, phải thông báo kết quả nhanh nhất đến các địa phương liên quan. Mũi thứ hai triển khai xét nghiệm sàng lọc, tầm soát đánh giá nguy cơ tại những khu vực an toàn, với địa điểm, tần suất hợp lý trên cơ sở khuyến cáo của ngành y tế như các khu nhà trọ công nhân, chợ, bến xe, khu công nghiệp…
Đối với jkhoanh vùng cách ly, địa phương phải chia ra các mức độ nguy cơ khác nhau để khoanh gọn, kiểm soát chặt hơn, phù hợp với điều kiện thực tế cơ sở. Ngoài ra, tỉnh cũng cần khẩn trương thí điểm cách ly F1 tại nhà với quy mô phù hợp, để chuẩn bị cho phương án nếu dịch bùng phát mạnh.
Ban chỉ đạo lưu ý, Bình Dương cần nâng cao cảnh giác, nếu không kiểm soát tốt, khả năng cao dịch bệnh sẽ bùng phát trong các khu công nghiệp, các F0 hoàn toàn có thể di chuyển từ TP.HCM hoặc ngược lại.
Nhằm chuẩn bị công tác phòng chống dịch, Bình Dương đã tăng năng lực các khu cách ly tập trung từ mức 5.000 dự kiến ban đầu lên 20.000-30.000 chỗ; đảm bảo khả năng xét nghiệm 5.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 50.000 mẫu gộp); nâng số giường điều trị từ 250 giường lên 1.000 giường.
Cùng với đó, tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị để chống và dập dịch, tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng lan vào các khu công nghiệp với số lượng công nhân vô cùng lớn.