Việt Nam nghiên cứu phát triển CryptoCurrency – muộn còn hơn không

Hiện nay, xu thế đẩy nhanh nghiên cứu và ứng dụng thử CBDC là rõ nét trên toàn cầu. Nếu chậm trễ, khi thói quen sử dụng của người dân đã gắn với một vài CBDC hay CC nào đó, việc thay đổi sẽ rất khó khăn và nhà nước sẽ giao mảnh đất màu mỡ này của người dân vào tay ngoại bang mà kèm theo đó là chủ quyền, quyền quyết định về chính sách tiền tệ.
Sputnik

Trong Chiến lược phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).

“Tiền ảo” ở đây được hiểu như thế nào? Quyết định của Chính phủ Việt Nam giao NHNN nghiên cứu phát triển “tiền ảo” là phù hợp xu thế thời đại hay không? Đề tài đang gây những tranh luận nóng ở Việt Nam.

Phóng viên Sputnik đã phỏng vấn Tiến sỹ Hoài Linh (bí danh) - chuyên gia nổi tiếng của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng, người đã từng được vinh danh là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của ngành tài chính ngân hàng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về đề tài đang rất nóng này.

Tiền ảo mà NHNN Việt Nam sẽ sử dụng là gì?

Sputnik: Trước hết, chúng ta có thể làm rõ khái niệm “tiền ảo” ở đây là gì? Hiện nay trên thị trường có nhiều tên gọi khác nhau và dễ gây nhầm lẫn như tiền ảo (virtual currency), tiền kỹ thuật số (digital currency), tiền mã hóa (cryptocurrency). Trước hết cần phải làm rõ khái niệm tiền ảo mà NHNN Việt Nam sẽ sử dụng là gì?

Tiến sỹ Hoài Linh: Có lẽ cần làm rõ khái niệm. Do Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) nên tôi hiểu “tiền ảo” ở đây được hiểu là Tiền Mã Hoá (CryptoCurrency - CC). Với cách hiểu của tôi về tiền tệ và xu thế hiện tại, việc Chính phủ giao NHNN xây dựng CC tức là giao NHNN xây dựng ứng dụng Blockchain trong hoạt động tiền tệ.

Việt Nam chính thức nghiên cứu, thí điểm tiền ảo?

CC mà Việt Nam nghiên cứu là gì? Do chưa có tài liệu và thông tin nên chỉ có thể dự đoán.

Như vậy trước hết đó phải là tiền. Ở Việt Nam chỉ có một loại tiền hợp pháp là tiền đồng (VND). Và Nhà nước cũng sẽ không bao giờ giao quyền phát hành và kiểm soát tiền trong lãnh thổ mình cho ai khác. Do vậy CC tương lai khả năng cao sẽ là một loại CC bản vị (Stable Coin) theo VND.

Thứ nữa, nó sẽ là loại tiền mã hoá (Crypto - Encrypted) theo công nghệ Blockchain.

Đến đây lại phải làm rõ: Trong bối cảnh hôm nay NHNN phát hành tiền VND có thể bằng tiền giấy mà cũng có thể bằng bút toán ghi sổ. Tiền bút toán ghi sổ hiện nay được NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) hạch toán, theo dõi và thanh toán thông qua hệ thống sổ sách điện tử - kỹ thuật số. Bản chất đồng tiền VND hiện nay, ngoài tiền mặt, đều nằm ở NHTM và đều đã được số hoá để chúng ta có thể thanh toán bằng các ví điện tử, apps ngân hàng, mobile banking hay internet banking: Tiền đã là tiền kỹ thuật số (Digital Currency - DC) rồi. Đối với các giao dịch nhỏ sử dụng DC cũng được nhưng khá bất tiện cho cả NHTM lẫn người sử dụng do khối lượng thanh toán lớn, số tiền nhỏ… nên nếu thu phí sẽ thành cao. Do đó thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn.

Việt Nam nghiên cứu phát triển CryptoCurrency – muộn còn hơn không

Bằng cách áp dụng CC việc thanh toán là ngang hàng (P2P - Peers To Peers) sẽ giảm phí trung gian, an toàn mà “số hoá” được luôn các giao dịch nhỏ lẻ.

Trót "lỡ lời" về tiền ảo Pi, CEO của BKAV bị phản ứng

Hiện một số NHTW trên thế giới đã thử nghiệm CC, đi đầu là Trung Quốc. Tuy nhiên do CC truyền thống, nguyên bản là hoàn toàn phân tán, phi biên giới địa lý và nằm ngoài tầm kiểm soát của NHTW. Điều này làm giảm vai trò và ảnh hưởng của nhà nước là điều không chính quyền nào mong muốn. Do vậy Trung Quốc đã triển khai một loại CC “nửa chừng” mà tôi vẫn gọi là Quasi CryptoCurrency (QCC) - Tiền Giả Mã Hoá trên nền tảng Blockchain với tên gọi quen thuộc là Central Bank Digital Currency (CBDC) - Tiền kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương. Tại sao là Quasi- (Giả)? Là vì hệ thống này không hoàn toàn phân tán 100% như BTC chẳng hạn, không vô danh (Anonymous) và không hoàn toàn bảo mật giao dịch với NHTW. Hơn thế nữa là vẫn tập trung hoá ở NHTW  và NHTW giám sát biết được từng giao dịch, số dư từng chủ tài khoản. Về bản chất, CBDC là tiền kỹ thuật số pháp định (fiat money) áp dụng công nghệ Blockchain trong phạm vi hẹp (Giả lập phân tán - Quasi-Blockchain)  để thanh toán nhanh nhờ P2P, an toàn nhờ công nghệ Blockchain.

Với các suy luận như vậy, tôi dự báo rằng tiền “ảo” mà văn bản trên nêu ra sẽ là một loại Tiền kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương (CBDC) bằng VND. Áp dụng Quasi-Blockchain và các tiến bộ mới nhất để có thể thanh toán nhanh, khối lượng lớn và vẫn nằm trong tầm quản lý của NHTW (giải quyết được những khiếm khuyết hiện tại của CC từ góc nhìn nhà nước) mà tương đối an toàn bảo mật. Nhưng không vô danh và không thuận tiện cho những giao dịch lớn.

Những ưu thế của việc phát hành và phát triển CBDC

Sputnik: Tiền mã hóa trên nền tảng của công nghệ blockchain là gì, được sử dụng như thế nào? Những nước nào đã sử dụng?

Tiến sỹ Hoài Linh: Tiền mã hóa (CC) trên nền tảng của công nghệ blockchain là một tài sản tài chính được chọn làm phương tiện thanh toán có các tính chất cơ bản sau:

  1. 1. Ẩn danh: Không ai ngoài chính chủ biết chủ TK có bao nhiêu CC. Chỉ người gửi người nhận biết họ chuyển cho nhau bao nhiêu CC. Mọi thông tin của chủ TK đều được mã hoá không thể giải mã được về nguyên tắc.
  2. Dân chủ: Mọi thay đổi trong Chính sách của mạng phải được các thành viên đồng ý với tỷ lệ cao nào đó. Không một ai hay nhóm nào đủ tiềm lực áp đặt.
  3. Phi tập trung (Decentralized): Không có máy chủ trung tâm nào lưu trữ dữ liệu. Tất cả các máy tính tham gia mạng đều lưu trữ thông tin của toàn thể các giao dịch. Thông tin này được phân thành các khối (Block) và kết nối với nhau thành Chuỗi (Chain). Đây là một loại sổ cái (Ledger) phân tán.
  4. Độ tin cậy, an toàn cao: Mọi giao dịch đều được mã hoá, xác nhận và ghi nhận bởi các thành viên, mọi thay đổi phải được tất cả xác nhận nên việc giả mạo trở nên không thể.
  5. Ngang hàng P2P: CC được giao dịch trực tiếp P2P không thông qua trung gian thanh toán kiểu các NHTM hay SWIFT.
  6. Không biên giới địa lý, chỉ có biên giới mạng: Các thành viên tham gia không phân biệt quốc gia có thể thanh toán trực tiếp cho nhau.
  7. Số hoá tuyệt đối 100% (Digitalized): Chỉ tồn tại trên thiết bị điện tử. Không có CC tiền mặt.

Ba tính chất đầu của CC làm nhà nước không thể kiểm soát giao dịch tiền tệ, lạm dụng để rửa tiền hay trốn thuế, v.v. Và có thể vô hiệu hoá các chính sách tiền tệ của NHTW. CBDC giải quyết được và vô hiệu hoá được 3 tính chất này. Và ở một góc độ nào đó làm CBDC không còn là CC nữa chỉ là Quasi-CryptoCurrency.

CBDC là tiền đảm bảo bằng tiền pháp định nội tệ (fiat money) và có 4 tính năng còn lại của CC. 3 tính năng đầu, nếu có, là rất tương đối.

Bằng cách phát hành và phát triển CBDC NHTW có thể:

  1. Phát triển mức cao hơn nền kinh tế phi tiền mặt do đã có loại tiền kỹ thuật số thay thế tiền mặt. Điều này giúp nhà nước kiểm soát giao dịch, chống rửa tiền và kiểm soát hành vi người dân chặt chẽ hơn.
  2. Thanh toán quốc tế nhanh gọn và không phụ thuộc trung gian thanh toán, phi biên giới nên không thể bị cấm vận hay block tiền.
  3. Công cụ bành trướng và mở rộng ảnh hưởng, thoát khỏi bóng của các loại ngoại tệ mạnh của các nền kinh tế lớn.

Trung Quốc là nước đi đầu trong phát triển CBDC. Họ đã triển khai thử thành công trong nước. Hiện đang thử nghiệm dùng CBDC của mình để thanh toán xuyên biên giới giữa Thailand - Hongkong - UAE. Họ cũng đang bành trướng khả năng sử dụng CBDC với các nước Đông Nam Á và châu Á.

Quyết định của Chính phủ Việt Nam giao NHNN nghiên cứu phát triển “tiền ảo” là phù hợp xu thế

Sputnik: Ông đánh giá quyết định nói trên của chính phủ Việt Nam như thế nào? Có muộn hay không? Tiền mã hóa trên nền tảng của công nghệ blockchain là xu hướng tất yếu? Vì sao? Hơn nữa, Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21.7.2017 của NHNN VN không thừa nhận tiền ảo là một phương tiện thanh toán.

Tiến sỹ Hoài Linh: Hiện nay có gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nghiên cứu phát triển CC bao gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ, NHTW Châu Âu ECB, Na Uy, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, BVI, v.v. Bản thân Chủ tịch NH Thế Giới và TGĐ Quỹ tiền tệ Quốc tế đều đã từng kêu gọi các NHTW nghiên cứu ứng dụng CC thay vì thụ động chống lại chúng. Các NHTM cũng đang nghiên cứu ứng dụng Blockchain trong vận hành.

Bộ Tài chính Việt Nam đang “nghiên cứu” gì về tiền ảo?

Cho đến ngày hôm nay xu thế đẩy nhanh nghiên cứu và ứng dụng thử CBDC là rõ nét trên toàn cầu. Nếu chậm trễ, khi thói quen sử dụng của người dân đã gắn với một vài CBDC hay CC nào đó, việc thay đổi sẽ rất khó khăn và nhà nước sẽ giao mảnh đất màu mỡ này của người dân vào tay ngoại bang mà kèm theo đó là chủ quyền, quyền quyết định về chính sách tiền tệ. Lý do trước tiên là bởi CBDC/CC không có biên giới địa lý như đã nói ở trên.

Trong bối cảnh ấy, quyết định của Chính phủ Việt Nam giao NHNN nghiên cứu phát triển “tiền ảo” là phù hợp xu thế. Điều này thể hiện Chính phủ sẵn sàng thay đổi theo bối cảnh, bởi trước đây đúng là NHNN Việt Nam công bố không thừa nhận tiền ảo là một phương tiện thanh toán. Nhưng tôi hiểu đó là NHNN nói về “tiền ảo” của người khác chứ không phải do NHNN Việt Nam phát hành.

Kể ra nếu Việt Nam bắt tay vào làm sớm hơn sẽ có nhiều thuận lợi vì người Việt Nam tham gia thị trường CC rất sớm và ta có nhiều chuyên gia kinh nghiệm. Một phần cũng bởi lĩnh vực công nghệ này rất mới và không đòi hỏi đầu tư quá nhiều nguồn lực nên người đi đầu dễ dành vị thế tốt. Nhưng không sao, muộn còn hơn không bao giờ. Vấn đề ở chỗ: chúng ta chỉ muốn làm như các nước đi đầu hay muốn bứt phá hơn? Điều ấy phụ thuộc nhiều vào đánh giá tiềm năng của ứng dụng Blockchain và CC trong tương lai.

Sputnik: Cảm ơn TS Hoài Linh đã trả lời phỏng vấn của Sputnik.

Thảo luận