Đại dịch COVID-19

Covid-19 với chủng mới Delta: Giãn cách xã hội TP.HCM là một quyết định khó khăn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phải khó khăn lắm, băn khoăn nhiều lắm, suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng mới phải quyết định để TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Sputnik

Dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Với thêm 645 ca mắc mới chiều tối nay, cả nước phát hiện thêm 1.314 ca dương tính mới chỉ trong 24h qua.

Bộ Y tế lên tiếng về sự chênh lệch trong việc báo cáo, cập nhật số lượng ca tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam.

Khoảng 600.000 liều vaccine AstraZeneca Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sẽ về đến Tân Sơn Nhất và sáng mai 9/7.

Sau TP.HCM, Đồng Nai quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 9/7 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Việt Nam phát hiện hơn 1.300 ca Covid-19 mới

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 của Việt Nam tiếp tục tăng cao. Bộ Y tế cho biết, hôm nay, cả nước ghi nhận thêm trên 1.300 ca, riêng TP.HCM đã chiếm đến hơn 900 trường hợp.

Cụ thể, bản tin chiều tối nay của Bộ Y tế công bố thêm 645 ca mắc nCoV mới, nâng tổng số ca nhiễm trong ngày lên thành 1.314 trường hợp, trong đó, riêng TP.HCM phát hiện tới 915 người dương tính với SARS-CoV-2.

Trưa 8/7: Việt Nam thêm 355 ca mắc Covid-19, TP.HCM 200 ca, Hà Nội 1 ca

Số lượng ca Covid-19 của Việt Nam tính đến 18h chiều ngày 8/7 là 24.385 người.

Trong số 645 trường hợp mắc mới, chỉ có 7 ca nhập cảnh tại Khánh Hòa (3), Kiên Giang (2), Tây Ninh (2).

Còn lại 638 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (481), Bình Dương (55), Khánh Hòa (25), Đồng Tháp (17), Vĩnh Long (17), Phú Yên (11), Bắc Giang (6), Cà Mau (4), Quảng Ngãi (4), Bắc Ninh (4), Hà Nội (4), Bình Phước (3), Hưng Yên (2), Tây Ninh (1), Hậu Giang (1), Kiên Giang (1), Bình Thuận (1), Bến Tre (1).

Trong số này, có 615 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả trước đó.

Bộ Y tế cho biết, số lượng ca nhiễm mới ghi nhận từ 27/4 đến nay là 20.917 trường hợp, trong đó đã có 6.176 bệnh nhân bình phục.

Covid-19 với chủng mới Delta: Giãn cách xã hội TP.HCM là một quyết định khó khăn

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 3.718.380 xét nghiệm cho 8.797.334 lượt người.

Tính đến nay, đã có 8.950/24.835 người khỏi bệnh. Số ca Covid-19 tử vong mà Việt Nam công bố là 105.

Bộ Y tế nói gì về chênh lệch số ca tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam?

Bộ Y tế hôm nay cũng có trả lời về việc có sự chênh lệch trong số lượng ca Covid-19 tử vong tại Việt Nam.

Theo đó, trả lời Tuổi Trẻ về việc chênh lệch số bệnh nhân Covid-19 tử vong, đại diện Bộ Y tế cho biết, do các bệnh viện điều trị bệnh nhân báo cáo từng ca chậm.

Người lao động ngừng việc, nghỉ việc do Covid-19 được hỗ trợ bao nhiêu?

Tuy vậy, vị này khẳng định, mỗi bệnh nhân tử vong đều được cập nhật lên trang theo dõi trực tuyến hàng ngày.

Trước đó, hôm qua, ngày 7/7, tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đối với công tác điều trị, các chuyên gia nhận định do biến chủng Delta nên tỷ lệ tử vong có thể cao hơn trước và có thể sẽ có nhiều bệnh nhân tử vong hơn so với những đợt dịch trước.

Bộ Y tế Việt Nam hiện đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải thiết lập trung tâm hồi sức tích cực (ICU) đối với bệnh nhân Covid-19 nặng, đồng thời thiết lập 2 trung tâm ICU tại Đồng Nai cho khu vực miền Đông Nam Bộ và tại Cần Thơ cho các tỉnh miền Tây để điều trị cho bệnh nhân nguy kịch.

Bộ Y tế cũng xây dựng kịch bản cho tình huống xấu và rà soát lại tất cả các trang thiết bị, máy thở, máy ECMO (tim phổi nhân tạo), máy thở oxy dòng cao HFNC, kể cả oxy, thuốc men, hóa chất, thiết bị phòng hộ, chuẩn bị cho tình huống có nhiều ca bệnh.

Lô vaccine Nhật Bản viện trợ sắp về Việt Nam

Chiều tối nay, Bộ Y tế cho biết, lô vaccine thứ ba (AstraZeneca) do Nhật Bản viện trợ Việt Nam với số lượng khoảng 600.000 liều sẽ về đến Tân Sơn Nhất trong sáng mai 9/7.

Cần nhắc lại rằng, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được Nhật Bản viện trợ vaccine Covid-19.

Sáng 8/7: Việt Nam thêm 314 ca mắc Covid-19 đều ở TP.HCM và Bình Dương

Với khoảng 600.00 liều AstraZeneca này, ngày mai Nhật Bản sẽ chuyển đủ cho Việt Nam gần 2 triệu liều vaccine phòng Covid-19 như đã cam kết trước đó.

Trước đó, như Sputnik đã đưa tin, ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ Việt Nam gần 1 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Đến ngày 2/7, chuyến bay chở 400.000 liều vaccine mà Nhật Bản tặng thêm Việt Nam phòng chống dịch Covid-19 cũng đã về Tân Sơn Nhất, phục vụ chiến dịch tiêm chủng lịch sử của Việt Nam.

Như vậy, tính cả số vaccine về Việt Nam vào sáng mai, tính đến nay, Hà Nội đã nhận được hơn 5,5 triệu liều vaccine.

Trong đó, 2,5 triệu liều do COVAX hỗ trợ, hơn 400.000 liều Bộ Y tế mua qua VNVC, 2,5 triệu liều được các nước tặng (Nga, Mỹ, Trung Quốc) và 97.000 liều đặt mua của Pfizer (trên tổng số 31 triệu liều).

Theo chương trình tiêm chủng mở rộng, tính đến chiều 7/7, Việt Nam đã tiêm vaccine cho gần 4 triệu người, trong đó số người đã tiêm đủ 2 mũi là trên 242.000 người.

Như Sputnik thông tin trước đó, hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Việt Nam sẽ nhận thêm khoảng 8,7 triệu liều vaccine vào tháng 7 này, trong đó ưu tiên cho TP.HCM và các tỉnh lân cận có tình hình dịch phức tạp.

Dịch Covid-19 ở TP.HCM còn phức tạp

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long, 7 ngày qua trung bình số mắc ghi nhận khoảng 500-600 ca/ngày, chủ yếu là các trường hợp tiếp xúc với F0 đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa và các trường hợp có triệu chứng đi khám tại các cơ sở y tế và xét nghiệm tại cộng đồng.

“Số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng”, Bộ trưởng thừa nhận.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Long, báo cáo của Bộ phận thường trực Bộ Y tế tại TP.HCM cho thấy, ngày 7/7, trên địa bàn TP.HCM ghi nhận 2 ổ dịch phát sinh mới. Điều rất quan ngại là nhiều ca bệnh, ổ dịch đã xuất hiện trong các khu chợ dân sinh, chợ đầu mối, đã xuất hiện lây nhiễm tại 6 ổ dịch trong khu công nghiệp, đồng thời có một số ổ dịch trong khu dân cư.

Covid-19 với chủng mới Delta: Giãn cách xã hội TP.HCM là một quyết định khó khăn
“Thực trạng này cảnh báo lây nhiễm dịch ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp, số ca mắc còn gia tăng trong thời gian tới, đồng nghĩa tăng gánh nặng đối với cơ sở y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, chống dịch tại TP.HCM không chỉ cho thành phố, mà còn có yếu tố quyết định đến sự thành công trong chống dịch của cả nước. Phòng chống dịch tại TP.HCM phải gắn kết chặt chẽ với phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố lân cận.

“Chúng ta phải coi Bình Dương, Long An, Bình Dương, Đồng Nai gần như là một thể thống nhất để triển khai phòng chống dịch tổng thể trong khu vực này”, Bộ trưởng Long lưu ý.
‘Cực chẳng đã’ mới phải giãn cách xã hội TP.HCM

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, cân nhắc đi, cân nhắc lại, trao đổi nhiều lần, kỹ lưỡng lắm mới phải quyết định để TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16.

“Tổ chức thực hiện Chỉ thị 16 tại TPHCM cần khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả hơn ở các cấp, các ngành. Với các ổ dịch lớn, trên cơ sở các kinh nghiệm đã tích lũy được, phải có biện pháp, giải pháp khoanh vùng thật nhanh, thật gọn, giải quyết dứt điểm, nghiên cứu các cách làm mới trên cơ sở khoa học, thực tiễn, bảo đảm an toàn cho người dân”, Thủ tướng lưu ý.

Dịch Covid-19 bùng mạnh, TP.HCM buộc phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Theo Thủ tướng, cả hệ thống chính trị, cả thành phố quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và nhất trí TP.HCM cần chuẩn bị cho phương án cao hơn.

Thủ tướng đề nghị TP.HCM phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản đến 50.000 ca nhiễm để bố trí đủ nguồn lực. Việc chi viện, hỗ trợ phải tập trung, thống nhất. Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo việc bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa, bám sát tình hình, không gây xáo trộn cuộc sống của nhân dân do thiếu các nhu yếu phẩm.

“Tất cả vì sức khỏe của nhân dân và vì sự phát triển của TP.HCM”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
TP.HCM sẽ xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng

Ngày 8/7, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký công văn khẩn về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày từ 0h ngày mai 9/7.

Theo đó, thành phố sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính người ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định, không có lý do chính đáng.

Việt Nam có thêm 400 ca mắc mới chỉ sau 6 giờ, 5 người tử vong vì Covid-19

Công văn khẩn mà ông Nguyễn Thành Phong vừa ký cũng yêu cầu người dân ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.

Các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ), làm việc tại cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao... khi ra khỏi nhà phải đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu UBND phường, xã, thị trấn tổ chức đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra hiện tượng tập trung đông người, xử nghiêm các vi phạm liên quan công tác phòng chống dịch.

Lãnh đạo thành phố nhắc lại nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố/ấp cách ly với khu phố/áp, xã phường thị trấn cách ly với xã phường thị trấn, quận huyện và TP.Thủ Đức cách ly với quận – huyện và TP. Thủ Đức”.

TP.HCM đã buộc phải áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 hôm 7/7.

Đây là lần thứ hai TP.HCM phải thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục.

Theo lãnh đạo TP.HCM, mục đích chính là tận dụng thời gian giãn cách xã hội để siết chặt các biên pháp phòng, chống dịch nhằm đạt kết quả cao nhất.

Sáng 7/7: Việt Nam thêm 277 ca mắc Covid-19, TP.HCM chiếm tới 270 ca

Theo Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức, thành phố căn cứ trên nội dung của Chỉ thị 16 để ban hành văn bản 2279. Cơ bản đảm bảo giãn cách xã hội và duy trì hoạt động thiết yếu, hoạt động sản xuất nếu đảm bảo an toàn.

“Trên tinh thần là ngưng tất cả hoạt động không cần thiết. Cơ quan Nhà nước dừng cuộc họp không cần thiết, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến, trừ trường hợp đặc biệt thì thủ trưởng cơ quan công bố cho người dân”, lãnh đạo TP.HCM khẳng định.

Về giao thông, thành phố hạn chế lưu lượng phương tiện không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, các dịch vụ cần thiết, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, lương thực thực phẩm cho dân.

Các siêu thị cửa hàng tiện lợi, điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu vẫn được duy trì phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân.

Hoạt động y tế và đảm bảo an ninh trật tự phải hoạt động ở mức cao nhất. Lực lượng y tế và vũ trang làm việc 100% công suất. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) được giao nội dung liên quan đến ngừng hoạt động vận chuyển hành khách. Nhưng vận chuyển hàng hóa vẫn duy trì với loại hình cấp thiết.

Đặc biệt, theo lãnh đạo thành phố, các hoạt động liên quan vận chuyển hàng hóa, giao hàng bằng xe mô tô vẫn được tiếp tục duy trì như trong văn bản.

Đồng Nai: Khẩn cấp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Tình hình dịch bệnh không chỉ nghiêm trọng ở TP.HCM, ở các địa phương lân cận, diễn biến dịch bệnh cũng trở nên phức tạp hơn.

Ngày 8/7, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã quyết định cách ly toàn xã hội toàn tỉnh Đồng Nai theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Theo đó, báo cáo tại cuộc họp về phòng chống Covid-19 chiều nay của tỉnh, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho hay, tổng số ca dương tính với nCoV trong toàn tỉnh đến chiều ngày 8/7 là 160 ca.

Trong đó, từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay là 128 ca, bao gồm 93 ca liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM.

“Nếu không có những biện pháp cấp bách thì chỉ 10 ngày nữa, tỉnh Đồng Nai sẽ quá tải, sẽ có những ổ dịch nhỏ trong cộng đồng ở TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch.”, TS.BS Vũ nêu rõ.

Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, hiện nay, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai đã đầy bệnh nhân, tỉnh đang triển khai bệnh viện dã chiến ở Trung tâm y tế các huyện Thống Nhất, Trung tâm y tế huyện Tân Phú.

“Dự báo, nếu số ca bệnh vượt quá 1 ngàn ca, ngành Y tế Đồng Nai sẽ quá tải”, ông Vũ nhắc lại.

Việt Nam thêm 248 ca mắc Covid-19, riêng TP.HCM 206 ca chỉ sau 6 giờ
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng thừa nhận, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang có tính chất rất phức tạp, cấp thiết.

“TP.HCM từ 0 giờ, ngày 9/7 đã bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16. Do đó, tỉnh Đồng Nai cũng cần triển khai các biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan”, lãnh đạo địa phương nêu rõ.

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở, ngành, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn kết luận, bắt đầu từ 0 giờ, ngày 9/7, toàn tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài việc thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch như hiện nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng lưu ý các ngành chức năng cần quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, bằng mọi cách nhanh chóng ổn định, kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt, tránh để lây nhiễm trên diện rộng, lây vào các cụm, khu công nghiệp, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội địa phương.

Thảo luận