Bình luận về vấn đề này, chuyên gia cho rằng, các đối tượng tham nhũng luôn nghĩ đến việc ‘hy sinh đời bố để củng cố đời con’, cơ chế thị trường ngày nay khiến các ‘quan tham’ nghĩ rằng vào tù thì cứ vào, nhưng ở ngoài vợ con sẽ được sung sướng.
Vì sao cán bộ còn tham nhũng ở Việt Nam?
Chưa bao giờ, Việt Nam chống tham nhũng mạnh mẽ như bây giờ.
Cần phải khẳng định rằng, với quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo nghiêm túc, sát sao của Đảng Cộng sản, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đặc biệt là người đứng đầu – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, сuộc chiến chống tham nhũng cũng như công cuộc ‘đả hổ diệt ruồi’ – xử quan tham, lãnh đạo yếu kém không đủ năng lực, tiêu chuẩn đạo đức của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Hôm 6/7 vừa qua, Ban Nội chính Trung ương và Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - vấn đề lý luận và thực tiễn” bàn về một trong những vấn đề lớn nhất cần giải quyết để đất nước thực sự phát triển thịnh vượng, người dân được đảm bảo đời sống và quyền lợi tốt nhất.
Theo đó, tổng hợp báo cáo của các cấp ủy, tổ chức Đảng cho thấy, 5 năm qua, có trên 87.000 đảng viên Việt Nam bị xử lý kỷ luật.
Tại Hội thảo, GS.Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, Bộ Chính trị đã có chủ trương phòng chống tham nhũng gắn với phòng chống tiêu cực. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định 27 biểu hiện chống và được cụ thể hóa thành 75 hành vi.
Theo GS.Phú, những vấn đề này đều liên quan đến công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm, chủ nghĩa hưởng lạc, thực dụng.
“Vì vậy, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cần kiên quyết, kiên trì, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của toàn dân”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương PGS.TS Nguyễn Viết Thông cũng cho rằng, lợi ích nhóm là vấn đề lớn cần quan tâm trong phòng chống tham nhũng. Cần có quy định về các hành vi lợi ích nhóm để có thể nhận diện và áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Hữu Thế cũng nêu quan điểm, thực tế các vụ án ở Việt Nam cho thấy, có dấu hiệu nhiều lãnh đạo cấp tỉnh sử dụng quyền lực để ủng hộ doanh nghiệp này, tiêu diệt doanh nghiệp khác.
Ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Tham nhũng là loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.
“Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản là do suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, vị lãnh đạo thừa nhận.
Trước thực tế đó, theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thái Học cũng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.
“Đây là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”, ông Nguyễn Thái Học bày tỏ.
Đưa ra và phân tích lý do dẫn đến tình trạng tham nhũng còn tồn tại hiện nay, theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên nhân cơ bản một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện.
Ông Học cũng chỉ ra rằng, ngoài việc ‘cán bộ suy thoái về đạo đức tư tưởng’ thì công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực ở Việt Nam dù đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như lãnh đạo Đảng, Nhà nước mong muốn.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho hay, theo báo cáo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, 5 năm qua, trên 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó trên 46.000 người liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, chiếm 52,9%.
Ông Phạm Thế Duyệt: Cần chặt đứt tư tưởng hy sinh đời bố, củng cố đời con
Thực tế, dù lãnh đạo Đảng, Nhà nước những năm qua đã quyết tâm rất lớn với cuộc chiến chống tham nhũng “không vùng cấm, không ngoại lệ”, nhiều cán bộ “nhúng chàm” đã phải chịu nhũng mức án nghiêm minh, hình phạt thích đáng, tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do tham nhũng còn thấp, chỉ đạt trên 30%.
Đặc biệt, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ‘quan tham’, ‘sếp lớn’, những người có chức, có quyền, có địa vị sẵn sàng ‘ăn tiền’, “nhúng chàm”, vượt lằn ranh đỏ để có được nguồn tiền bất chính.
Họ thậm chí còn có tư tưởng nếu có bị phát hiện thì sẵn sàng ngồi tù để giữ nguyên được tài sản tham nhũng, vợ con, người thân gia đình bên ngoài vẫn có được cuộc sống sung túc cả đời.
Bình luận về vấn đề này, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ với VOV cho rằng, cần xem xét đến việc thực hiện luật hồi tố, không thể có chuyện chia cho người nọ người kia giờ không có cơ sở để xem xét.
Lý giải về nguyên nhân vì sao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thất thoát ở Việt Nam còn thấp, ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, ở đây, nguyên nhân trực tiếp là những bị can, người phạm tội đã không trung thực để thực hiện kết luận của vụ án đã tuyên, chỉ có họ mới hiểu đầy đủ tất cả.
“Việc thu hồi tài sản tham nhũng không được nhiều, theo tôi chúng ta phải cân nhắc, suy nghĩ. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, chúng ta có cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, có cơ quan tư pháp mà lại chịu không làm thế nào để thu hồi được”, ông Duyệt nhấn mạnh.
Theo nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc bổ nhiệm không đúng người, hoặc bầu lên nhưng để cho họ thoái hóa biến chất mà không ngăn chặn để dẫn đến hành vi phạm tội.
Đồng chí Phạm Thế Duyệt chỉ rõ, khi những cán bộ thoái hóa biến chất phạm tội chỉ là biểu hiện hành động, còn thực sự trong suy nghĩ của họ đã có ý định, làm việc gì kiếm lợi việc ấy. Tức là ở đâu kiếm được thì bằng mọi cách, mọi giá tìm người thân, phe nhóm, kẽ hở để “rút ruột” của Nhà nước, của nhân dân.
Theo vị chuyên gia, việc quản lý bằng cách nào? Giấu tài sản ở đâu, cho ai, gửi nước ngoài thế nào? Hiểu sâu sắc vấn đề này chỉ có cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những cơ quan này phải thực hiện hết trách nhiệm của mình”, ông Phạm Thế Duyệt khẳng định.
Đối với tư tưởng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, ông Duyệt cho rằng, ở thế hệ của các ông, hầu như không có chuyện này.
“Cơ chế thị trường, đối tượng tham nhũng có thể nghĩ vào tù thì cứ vào, nhưng nhất định vợ con sẽ sung sướng”, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ rõ.
Theo ông Duyệt, qua đây có thể xem xét đến những quy định, luật pháp liên quan, lúc cần thiết, với những vụ việc đã xảy ra, đã có kết luận tham nhũng rõ ràng, tòa án đã xử, có thể bổ sung vào việc thực hiện luật hồi tố, không thể có chuyện chia cho người nọ người kia giờ không có cơ sở để xem xét. Những người đã nhận của cải bất minh thì cũng rất dễ chứng minh.
“Là người làm công tác quần chúng, vận động, tôi quan tâm đến việc người dân nghĩ thế nào. Bác Hồ nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vậy người dân đã có ý kiến chưa, từ khu dân cư, cơ quan, các mối quan hệ với đương sự phạm tội, theo tôi phải làm cho rõ những trách nhiệm thì sẽ ra vấn đề thôi”, ông Duyệt nêu ý kiến.
Theo đồng chí Phạm Thế Duyệt, phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến của cả hệ thống chính trị, gồm Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, sự vào cuộc của Đảng đã tương đối mạnh và quyết liệt. Nhưng sự quyết liệt ấy mới chỉ dừng lại ở cấp trên. Nếu nhìn vào cấp ủy ở tỉnh, thành phố hay nhỏ hơn là cấp huyện, cấp xã thì đừng vội nghĩ là mình đã có phong trào.
Lấy ví dụ chống Mỹ thì có chiến sĩ diệt Mỹ, nhưng mà chống giặc nội xâm thì chưa thấy ở đâu biểu dương cả. Có ở đâu dám nói, cấp ủy đã làm tốt vấn đề này? Cấp ủy của tôi đã phát hiện vấn đề này mà không cần chờ sự vào cuộc của Trung ương. Các hội nghị tổng kết thi đua 5 năm đã có những đã có điển hình nào nêu được những vấn đề này.
Theo ông Phạm Thế Duyệt, chỉ khi nào trả lời được những câu hỏi đó thì mới thấy được sự vững chắc của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Thêm vào đó, nếu làm tốt được việc thu hồi tài sản nữa thì dân chúng sẽ rất hoan nghênh.
Chống tham nhũng: Mấu chốt vẫn là công tác cán bộ?
Nói về vấn đề công tác cán bộ, theo quan điểm của ông Phạm Thế Duyệt, ông đồng tình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở chỗ: Đảng không chỉ có nhăm nhăm xử lý cán bộ, phải tạo điều kiện để chọn cán bộ đúng. Đó mới là cái chính. Có những em bé phải tự mình bươn trải, chỉ kiếm được vài chục nghìn một ngày, nhưng khi nhặt được hàng chục, hàng trăm triệu vẫn mang trả lại.
“Vậy tại sao một cán bộ nhà nước lại có tư tưởng tham nhũng đến vậy? Đây là điểm mà Đảng cần có trách nhiệm trong việc lựa chọn, xây dựng, giáo dục đội ngũ cán bộ. Tôi cho rằng đó là cái gốc của vấn đề”, chuyên gia nhấn mạnh.
“Chúng ta không xử lý cực đoan, một chiều nhưng vụ việc đáng phải xử lý đến mức nào thì phải xác định cho đúng, làm cho dân ai cũng tâm phục khẩu phục, ai cũng tin thì như thế mới có ý nghĩa”, ông Phạm Thế Duyệt khẳng định.
Nhấn mạnh đến yếu tố con người, ông Duyệt cho rằng, cần chú trọng đến việc cán bộ này là do ai xây dựng? Do ai đào tạo? Do ai bồi dưỡng, kiểm tra, kiểm soát? Chính là Đảng. Mà Đảng thì lại dựa vào dân, vì Đảng là của nhân dân.
“Cho nên tới đây phải làm thật tốt khâu cán bộ”, đồng chí Phạm Thế Duyệt lưu ý.
Nhắc lại việc vào năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc". Ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, chỉ cần thấm nhuần và vận dụng được cuốn sách ấy thôi thì người Đảng viên đã trưởng thành, đã vững vàng biết bao nhiêu, vượt qua cám dỗ cá nhân biết bao nhiêu.
“Cán bộ phải tự biết phê bình, tự biết rèn luyện, nâng cao trình độ, tự sửa chữa sai lầm, tự biết đặt mình dưới sự kiểm tra của nhân dân. Cán bộ đừng có ba hoa! Tất cả những điều đó Bác dạy rất cụ thể”, ông Duyệt nhắc lại.
Theo chuyên gia, hiện nay, cần phải nhanh chóng lo cho đội ngũ cán bộ trước mắt không vấp vào những lỗi ấy nữa, nhanh chóng xây dựng đội ngũ kế cận. Một đội ngũ không thờ ơ với lý tưởng cách mạng. Thế hệ mai sau như thế nào là điều không thể không lo từ bây giờ.
“Tôi muốn nhấn mạnh thêm vào việc lựa chọn cán bộ. Muốn chọn được cán bộ tốt nhất định phải dựa vào nhân dân. Bởi chẳng có gì nhân dân không biết cả. Hãy dựa vào đó để mà sửa đổi, xây dựng con người”, đồng chí Phạm Thế Duyệt lưu ý.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, là người từng có trách nghiệm nên ông dám khẳng định, với cán bộ được đề bạt, cất nhắc, bổ nhiệm sai thì người đứng đầu phải chịu trách nghiệm.
“Con người là yếu tố quyết định nhất. Mọi sự tham nhũng mà xảy ra từ khâu tổ chức cán bộ, tổ chức con người là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự tham nhũng tai hại khác”, ông Phạm Thế Duyệt thẳng thắn.
“Như vậy, chúng ta không phải ngại, sợ những phần tử xấu. Ta mạnh, khỏe, bệnh tật không thể xâm nhập vào được”, chuyên gia khẳng định.
Nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị cũng nêu quan điểm, cần thẳng thắn chỉ ra rằng, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ vi phạm, mà lại rơi vào số ít của những người lãnh đạo, thì sẽ càng nguy hiểm.
“Tôi cho rằng, những cán bộ có chức có quyền mới có điều kiện để tham nhũng, cho nên việc lựa chọn cán bộ là khâu rất quan trọng”, đồng chí Phạm Thế Duyệt nói và lưu ý thêm đây là vấn đề nói ra không được vui nhưng phải thẳng thắn thấy được để kiên quyết khắc phục, giúp làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng ngày một tốt hơn.