Việt Nam phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử

Ngày 10/7, Việt Nam chính thức phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Sputnik

Lễ phát động triển khai chiến dịch đã diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội. Đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước đến nay, số lượng tiêm lên đến hàng triệu mũi và được thực hiện trong thời gian ngắn (từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022).

Những điểm mới trong chiến dịch tiêm chủng kéo dài 9 tháng

Phát biểu tại lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết chiến dịch lần này có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông và Giao thông Vận tải; Trung ương Đoàn Thanh niên CS HCM và các bộ, ngành khác. Ban Chỉ đạo chiến dịch được thiết lập để xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai trên quan điểm “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”.

Vaccine Pfizer sắp về Việt Nam?

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, kế hoạch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 có nhiều điểm thay đổi so với chương trình tiêm chủng quốc gia lâu nay của Việt Nam đã và đang thực hiện ở nhiều điểm.

Đầu tiên là vấn đề vận chuyển, phân phối, bảo quản vắc-xin. Bộ Y tế thiết lập một hệ thống bảo quản hoàn toàn mới dựa vào lực lượng quân đội, là vắc-xin sẽ bảo quản tại các kho của các Quân khu mà Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế phối hợp thiết lập đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Vắc-xin từ đó chuyển tới tất cả các điểm tiêm ở các quận, huyện của địa phương một cách nhanh nhất mà vẫn đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của vắc-xin.

Ngoài ra, Bộ Y tế huy động lực lượng lớn tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm di động, cố định. Qua đó, dựa vào mạng lưới hệ thống y tế cơ sở của dân sự và y tế của quân đội, công an để triển khai đồng loạt công tác tiêm chủng, từ đó tăng độ bao phủ vắc-xin cho nhân dân. 

Để đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, Bộ Y tế triển khai hệ thống công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm trên toàn tuyến. Các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực của điều trị, dự phòng cũng được Bộ Y tế điều động, sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm để xử lý mọi việc kịp thời.

Mỹ chuyển cho Việt Nam 2 triệu liều Moderna, có thể tiêm kết hợp 2 loại vaccine?
“Bộ Y tế cũng đã sửa tất cả các hướng dẫn chuyên môn trên nguyên tắc đảm bảo cho người tiêm”, ông Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Thông tin thêm về triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý tiêm chủng, người đứng đầu Bộ Y tế cho hay Bộ đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng một nền tảng ứng dụng trong tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19. Đáng lưu ý nhất là ứng dụng “Sổ sức khở điện tử” với các thông tin về tiêm chủng như đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm. Từ đó, hình thành nên mã số cho mỗi người dân đã tiêm để cấp QR Code. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vắc-xin” sau này.

“Về giám sát công tác tiêm chủng, Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thành lập tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng, hoạt động mang tính chất độc lập tương đối để giám sát mọi hoạt động của quy trình tiêm chủng từ vận chuyển, bảo quản, phân bổ và tiêm chủng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19 qua nhiều kênh khác nhau. Đến nay, đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam. Phấn đấu đến cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022, cả nước có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Hơn 2 triệu liều vắc-xin Covid-19 Moderna về đến Việt Nam, chuyển gấp 1 triệu liều vào TP.HCM

Theo thông tin từ Bộ Y tế, sáng 10/7, hơn 2 triệu liều vắc-xin Moderna do Hoa Kỳ viện trợ đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ngay sau đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chuyển gấp 1 triệu liều vào TP.HCM.

Vaccine Moderna về Việt Nam kịp thời, đúng lúc

Được biết, lô vắc-xin này nằm trong số 80 triệu liều vắc-xin mà Tổng thống Mỹ cam kết cung ứng từ nguồn vắc-xin trong nước hồi tháng 5, trong đó xấp xỉ 41 triệu liều được phân phối thông qua Cơ chế COVAX, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trên toàn cầu.

Trước đó, Việt Nam đã tiếp nhận 2.493.200 liều vắc-xin AstraZeneca thông qua Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) đồng khởi xướng với UNICEF là đối tác triển khai chính.

Kể từ khi lô vắc-xin đầu tiên đến Việt Nam hồi đầu tháng 4/2021, cả nước đã tiêm gần 4 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Nguồn vắc xin bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên.

Vắc-xin Moderna, có tên khác là Spikevax, sử dụng công nghệ mRNA giống với Pfizer, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt ngày 30/4. Vắc-xin này có hiệu quả phòng bệnh 90%. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hoa Kỳ, vắc-xin Moderna có hiệu quả cao với biến thể Delta, nguồn gốc Ấn Độ.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc-xin Spikevax, hay Moderna, phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch.

Thảo luận