Vì sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bơm lượng tiền lớn ra thị trường?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có động thái gây chú ý khi bơm lượng tiền lớn ra thị trường.
Sputnik

Theo đó, hợp đồng bán kỳ hạn 6 tháng trị giá gần 7 tỷ USD của các ngân hàng cho Ngân hàng Nhà nước sẽ đáo hạn trong tháng 7 và tháng 8/2021, nghĩa là có 157.000 tỷ đồng đang được NHNN bơm ra thị trường.

Vì sao NHNN bơm tiền ra thị trường?

Theo các chuyên gia, động thái Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm lượng tiền lớn ra thị trường nhằm áp lực tăng lãi vay.

Cùng với đó, động thái mua vào ngoại tệ kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là cũng không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá do lượng ngoại tệ này đã được các ngân hàng thương mại gom mua từ trước.

Giá vàng tăng kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên tiếng

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB, lãi suất liên ngân hàng sẽ hạ nhiệt trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng tiếp tục gây ảnh hưởng tới cầu tín dụng.

Ngoài ra, dòng tiền VNĐ thông qua kênh giao dịch mua ngoại tệ sẽ quay trở lại trong tháng 7 sẽ cung cấp một lượng thanh khoản VNĐ cho hệ thống ngân hàng trong nước hiện nay.

Cùng với đó, khảo sát mới đây của NHNN cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng đều kỳ vọng huy động vốn tăng 5,5% trong quý III và tăng 11,9% trong năm 2021.

Đáng chú ý là các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động – cho vay được dự báo xoay quanh mức hiện tại tính đến cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép được hủy ngang hợp đồng một lần cũng giảm áp lực mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, tài chính khác.

Xuất hiện quan điểm lo ngại một lượng lớn VNĐ được bơm gia sẽ nâng tỷ giá. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng và chuyên gia, tỷ giá ngắn hạn chủ yếu do cung – cầu ngoại tệ quyết định. Tức là, nếu ngoại tệ được đáp ứng tốt, thì kể cả khi thanh khoản VNĐ dư thừa thì tỷ giá vẫn ổn định.

Theo thực tế ghi nhận, tuần qua, có hiện tượng các ngân hàng ở thị trường trong nước còn giảm nhẹ giá bán USD. Tính từ đầu năm nay, tỷ giá trong nước được ghi nhận giảm khoảng 0,4%.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận tỷ giá đồng VNĐ với các ngoại tệ hiện đang chịu áp lực tăng khá lớn, chủ yếu do áp lực lạm phát và xu hướng tăng của đồng đôla trên thị trường thế giới trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Vì sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bơm lượng tiền lớn ra thị trường?

Ngoài ra, việc cả nước tăng nhập siêu cũng góp phần tạo áp lực lên tỷ giá. Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã bớt dư thừa hơn so với đầu năm nay do tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn.

Cùng với đó, theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết 21/6, tín dụng tăng 5,47% trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 3,13%.

Trong thời gian gần đây, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng trở lại. Nhiều ngân hàng cũng đã tăng lãi suất huy động. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng được dự báo sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm nay.

Lượng vốn cần để đáp ứng nhu cầu tín dụng để tăng tương ứng, áp lực tăng lãi suất do đó cũng sẽ tăng lên. Trong bối cảnh này, việc Ngân hàng Nhà nước bơm thêm tiền (VNĐ) vào thị trường sẽ làm dịu bớt áp lực tăng lãi suất.

NHNN bơm tiền ra thị trường nhưng vẫn khó nới ngay room tín dụng?

Trong tuần từ ngày 5-9/7, lãi suất VNĐ liên ngân hàng có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/7 các mức lãi suất giao dịch qua đêm ở mức 1,0% (giảm 0,12 điểm phần trăm); 1 tuần: 1,11% (giảm 0,21 điểm phần trăm); 2 tuần: 1,25% (giảm 0,16 điểm phần trăm) và 1 tháng là 1,41% (giảm 0,12 điểm phần trăm).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm lãi suất điều hành vì Covid-19

Trong khi đó, vào tuần trước, trái với VNĐ, lãi suất USD chỉ biến động tăng – giảm nhẹ, chốt phiên giao dịch cuối tuần ở mức qua đêm 0,15% (không đổi), 1 tuần 0,18% (giảm 0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 0,23% (giảm 0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 0,32% (giảm 0,01 điểm phần trăm).

Cùng với đó, tỷ giá cũng ít biến động. Giá USD trên liên ngân hàng đóng của tuần tại 23.005 VND, chỉ tăng 1 VND so với tuần trước. Giá USD tự do là 23.250 – 23.300 VND, tương ứng chiều mua vào – bán ra.

Đặc biệt, trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 6.553/7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 94%).

Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công 850/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động toàn bộ lần lượt 3.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 1.203/1.500 tỷ đồng. Tính chung đến nay, Kho bạc Nhà nước mới huy động được 40% chỉ tiêu cả năm.

Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,08%/năm (giảm 0,02 điểm phần trăm), kỳ hạn 10 năm tại 2,17%/năm (giảm 0,03 điểm phần trăm), kỳ hạn 15 năm tại 2,44%/năm (giảm 0,02 điểm phần trăm) và kỳ hạn 30 năm không đổi tại 3,05%/năm.

Các chuyên gia thuộc Hội Nghiên cứu thị trường Liên Ngân hàng Việt Nam (VIRA), vào tuần thứ ba của tháng 7 này, hệ thống có thể sẽ đón dòng tiền lớn đáo hạn từ kênh Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ tập trung.

Trong khi đó, ở diễn biến ngược lại, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng thương mại đẩy tăng trưởng tín dụng khá cao, bình quân toàn hệ thống cũng tăng cao gấp đối cùng kỳ hồi năm trước.

Một số tổ chức, đơn vị bị cạn ‘room tín dụng’ đã buộc phải đề nghị NHNN nới rộng thêm hạn mức. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, theo VnEconomy, động thái của Ngân hàng Nhà nước chưa thật rõ ràng và còn khá dè dặt, cân nhắc.

Theo nhóm chuyên gia của VIRA, lãi suất trên liên ngân hàng dự kiến sẽ giảm. Đầu vào thêm yếu tố thuận lợi, đầu ra được kiểm soát chặt chẽ, khó nới ngay room tín dụng, cân đối nguồn của hệ thống cũng sẽ thuận lợi hơn.

Tuy vậy, tồn tại giả định khác cho thấy, hơn nửa đầu năm 2021, doanh số huy động của Kho bạc Nhà nước mới chỉ đáp ứng 40%. Ngoài ra, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế, cầu tín dụng phục hồi, sẽ đẩy lãi suất và áp lực nới room tín dụng lên cao hơn nữa trong kịch bản lạc quan hơn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức "ra tay" đẩy lùi tín dụng đen

Bên cạnh đó, sau nhiều tháng bất động, nghiệp vụ thị trường mở rục rịch hoạt động trở lại, điều này, theo nhiều chuyên gia, khó có thể coi là “ngẫu nhiên trùng hợp”.

Cụ thể: từ 05/07 - 09/07, nhà điều hành chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên ở kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Có 52,8 tỷ đồng trúng thầu trong tuần, con số này cũng là bơm ròng tuần qua.

Đồng thời, lần gần nhất, (7-11/6), nghiệp vụ thị trường mở chỉ giao dịch vỏn vẹn nhưng giá thị rất thấp chỉ vỏn vẹn 1,08 tỷ đồng. Đây cũng là giao dịch đầu tiên sau 4 tháng “án binh bất động” của nghiệp vụ thị trường mở.

Trước đó, đợt bơm tiền với quy mô đáng chú ý gần nhất là tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021 với mức bơm ròng 11.060 tỷ đồng được đẩy ra thị trường.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, nhiều ngân hàng có động thái vay mượn nhau. Doanh số trên liên ngân hàng gần đây cũng tăng nhanh liên tục và tập trung vào kỳ hạn qua đêm.

Cùng với đó, trong tuần có 4.885 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đáo hạn. Tuần này từ 12/07 – 16/07, Kho bạc Nhà nước dự kiến sẽ gọi thầu 6.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, cao hơn 500 tỷ đồng so với tuần trước đó.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng trở lại gọi thầu với 2.000 tỷ đồng.

Việt Nam vẫn điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

Cần nhắc lại, trước đó Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam.

“Thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục dồi dào và ổn định, tỷ lệ dự trữ bắt buộc Ngân hàng Nhà nước áp dụng tại các ngân hàng thương mại cũng có dôi dư, cho thấy thanh khoản của toàn nền kinh tế, các ngân hàng vẫn rất ổn định”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Tính đến hết ngày 15/6, tín dụng nền kinh tế đã tăng 5,1% so với cuối năm ngoái. Theo lãnh đạo NHNN, nếu so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 là 2,26% thì mức tăng nửa đầu năm nay được tính là tăng gấp đôi dù dịch Covid-19 còn phức tạp.

Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu về cải cách hành chính

Trong khi đó, nếu tính theo số tuyệt đối, mức tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6 kể trên tương đương việc các ngân hàng đã bơm ròng hơn 468.800 tỷ đồng ra nền kinh tế qua kênh cho vay.

“Với mức tăng trưởng nửa năm như vậy, con số tăng trưởng tín dụng kế hoạch 12% cho năm nay có thể đạt được. Nếu dịch được khống chế tốt thì có thể mở rộng tín dụng hơn nữa”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ.

Ngân hàng Nhà nước đồng thời cũng có hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khác hàng, một số doanh nghiệp được cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi kinh doanh sản xuất.

NHNN cũng phối hợp với Bộ LĐ-TB và XH nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cùng với đó, dựa vào mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế đất nước.

“Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Thảo luận