Ngày 23/7, Việt Nam ghi nhận số lượng ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục – 7.307 ca, nâng tổng số người mắc nCoV đến thời điểm này là 81.678.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần quan tâm, ưu tiên đặc biệt để sản xuất bằng được vaccine Covid-19 nội địa nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất.
Số ca mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục, Việt Nam đã gần ‘đuổi kịp’ Trung Quốc
Bản tin mới nhất chiều tối ngày 23/7 của Bộ Y tế cho thấy, thêm 3.409 ca mắc nCoV, nâng tổng số ca nhiễm phát hiện trong ngày là 7.307 trường hợp.
Hôm nay cũng là ngày cả nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam tới nay.
Tính từ thời điểm bùng dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam đã có tất cả 81.678 ca mắc SARS-CoV-2. Đáng lo ngại hơn, với số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, Việt Nam đang ‘bám rất sát’ vị trí của Trung Quốc trên bảng thống kê số ca nhiễm coronavirus và tình hình dịch bệnh nCoV toàn thế giới của Worldometers.
Đây là thực tế. Không thể để tâm lý chủ quan, khinh thường dịch bệnh còn tồn tại trong tâm lý của một bộ phận người dân hay địa phương.
Quay trở lại với bản tin Covid-19 của Bộ Y tế, cơ quan này cho hay, trong số 3.409 ca mắc mới, Việt Nam chỉ có 12 trường hợp là nguồn bệnh xâm nhập, còn lại 3.397 ca lây nhiễm trong nước.
Trong đó, riêng TP.HCM chiếm đến 1.611 ca Covid-19 trên tổng sôs 3.409 ca công bố chiều nay. Kế tiếp là ình Dương (571), Long An (379), Đồng Nai (184), Tây Ninh (176), Đồng Tháp (98), Tiền Giang (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (58), Hà Nội (56), Khánh Hòa (51), Quảng Ngãi (26), Bình Thuận (24), Cần Thơ (24), Ninh Thuận (18), Phú Yên (15), Đắk Nông (8 ), Trà Vinh (6), Bình Định (6), Bình Phước (4), Hậu Giang (4), Bắc Ninh (4), Vĩnh Phúc (3), Lâm Đồng (2), Cà Mau (2), Hà Tĩnh (2), An Giang (2), Bắc Giang (2). Các địa phương phát hiện 1 ca nhiễm chiều tối nay gồm ba tỉnh Hòa Bình, Quảng Nam, Kon Tum.
Tính cả ngày 23/7, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam phát hiện 7.925/7.307 ca nhiễm mới là lây nhiễm trong nước. Trong đó, riêng TP.HCM đã phát hiện 4.913 ca, Bình Dương 608, Long An (602), Đồng Nai (217), Tây Ninh (212), Đồng Tháp (129), Tiền Giang (95), Hà Nội (70), Bà Rịa - Vũng Tàu (58), Khánh Hòa (51), Đà Nẵng (47), Bình Thuận (47), Ninh Thuận (37), Cần Thơ (34), Phú Yên (30), Quảng Ngãi (26), Bến Tre (20), Trà Vinh (15), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An (11), Đắk Nông (8 ), Bình Định (6), Đắk Lắk (4), Bình Phước (4), Hậu Giang (4), Bắc Ninh (4), Vĩnh Phúc (3), Quảng Nam (2), Lâm Đồng (2), Cà Mau (2), Hà Tĩnh (2), An Giang (2), Bắc Giang (2).
Các địa phương chỉ ghi nhận một ca nhiễm trong ngày hôm nay là Kon Tum, Lai Châu, Hòa Bình. Cùng ngày có 2.115 người được công bố khỏi bệnh.
Số ca mắc mới từ 27/4 – làn sóng dịch thứ 4 ở Việt Nam đến nay là 77.967 trường hợp. Đã có 12.762 người trong số này bình phục.
Bộ Y tế cho biết, có 15.536/81.678 người đã được điều trị khỏi, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 166, số ca nguy kịch cần can thiệp ECMO là 19.
Về tình hình xét nghiệm, Bộ Y tế cho biết, 24h qua đã thực hiện 103.146 xét nghiệm cho 407.714 lượt người. Tính từ 27/4 đến nay, đã thực hiện được 5.008.871 mẫu cho 13.980.234 lượt người.
Về tình hình tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết, đã được tiêm là 4.411.659 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.077.099, số người đã được tiêm đủ hai mũi là 334.560.
Chính phủ, Bộ Y tế đều đang rất nỗ lực, tập trung lực lượng, nguồn lực, vật lực, biện pháp hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất, đặc biệt là ở TP.HCM, nơi đã chính thức vượt mức trên 50.000 ca nhiễm (cụ thể là 50.474 - PV).
Bộ Y tế đã cử Bộ phận thường trực đặc biệt thường xuyên bám sát các diễn biến thực tế, liên tục chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện biện pháp phòng, chống dịch như giãn cách, cách ly phù hợp theo mức độ nguy cơ trên nguyên tắc khoanh vùng rộng để lấy mẫu xét nghiệm và phong tỏa hẹp, cố gắng kiểm soát tình hình dịch.
Nóng: TP HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 đến ngày 1/8
Trước các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM đã quyết định gia hạn thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm 8 ngày nữa, tức là đến 1/8, đồng thời bổ sung thêm một số biện pháp mạnh để phòng và dập dịch.
Đây là thông tin được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cung cấp tại cuộc họp Sơ kết 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng vào chiểu 23/7.
Trong đợt dịch thứ 4 này, thành phố đã ghi nhận hơn 48.800 ca nhiễm, trải qua 37 ngày áp dụng Chỉ thị 15 và sau đó là 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ông Đức cho biết, với việc gia hạn Chỉ thị 16 này, thành phố sẽ bổ sung các biện pháp mạnh hơn theo hướng phong toả để dập dịch. Thành phố sẽ giữ vững, mở rộng vùng an toàn, kiểm soát lây lan vùng nguy cơ cao với nhằm kéo giảm ca nhiễm mới và các ca tử vong do Covid-19.
"Dù đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhưng số ca bệnh trên địa bàn vẫn tăng cao. Số bệnh nhân phát hiện qua tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện chưa thuyên giảm", ông Đức cho biết.
Theo ông, trong thời gian qua, vẫn có tình trạng một số nơi chưa thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16, hoặc thực hiện Chỉ thị này chưa đủ mạnh.
Theo ông Đức, sắp tới các khu phong tỏa trên địa bàn thành phố sẽ được siết chặt hơn nữa để không xảy ra lây nhiễm chéo. Các khu phong toả sẽ được đánh giá định kỳ trước khi gỡ giám sát từng phần. Việc này sẽ giúp người dân bớt áp lực và cơ quan quản lý bớt gánh nặng
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát người dân tại các địa phương sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn nữa. Trong đó, việc giãn cách phải đảm bảo nguyên tắc "nhà cách ly nhà, người cách ly người" đúng tinh thần Chỉ thị 16. Nếu có vi phạm thì người vi phạm và lãnh đạo địa phương sẽ bị xử lý nghiêm.
Số liệu cho thấy, trong vòng 14 ngày (từ 9/7 đến 6h ngày 23/7) áp dụng Chỉ thị 16, TP.HCM ghi nhận 40.255 ca nhiễm mới, với mức trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca. Phần lớn các trường hợp này đều nằm trong khu cách ly, phong tỏa.
Hiện thành phố đang điều trị cho 36.569 người dương tính với SARS-CoV-2 (bao gồm xét nghiệm PCR và test nhanh). Trong đó, có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân được can thiệp ECMO. Đã có 441 ca tử vong liên quan đến Covid-19.
Trong công tác xét nghiệm, thành phố đang có 4.456 người lấy mẫu, chia thành 2.228 đội. Trung bình mỗi đội lấy 150-200 mẫu/ngày, tối đa thành phố có thể lấy 334.000-445.000 mẫu mỗi ngày.
TP.HCM hiện có 14.000 nhân viên y tế tham gia công tác chống dịch, trong đó hơn 10.000 người là đội ngũ y bác sĩ của thành phố. Trung ương và các tỉnh thành khác hỗ trợ 4.107 người.
Thành phố đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5. Trước đó, thành phố đã thực hiện 4 đợt tiêm cho 991.322 người (trong đó, 943.215 người đã tiêm 1 mũi và 48.107 người tiêm đủ 2 mũi).
TP.HCM đã chi hỗ trợ cho hơn 270.000 lao động tự do (mỗi người 1,5 triệu đồng), đạt 100% kế hoạch. Tổng số tiền đã chi là hơn 404 tỷ đồng. Hiện thành phố vẫn đang thực hiện hỗ trợ cho các nhóm còn lại.
Hiện TP.HCM và 18 tỉnh, thành khác ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống Covid-19.
Không có việc học viên cơ sở cai nghiện Bố Lá bạo loạn, bỏ trốn
Thông tin từ Công an huyện Phú Giáo cho biết, hoàn toàn không có chuyện các học viên cơ sở cai nghiện Phú Giáo “bạo loạn, bỏ trốn trong đêm” như tin đồn đang lan truyền.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng tại cơ sở cai nghiện Bố Lá, có nhiều học viên có hành vi bạo loạn, bỏ trốn khỏi cơ sở.
Ngày 23/7, Trưởng công an huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) là Thượng tá Bồ Văn Cúc đã chính thức lên tiếng khẳng định đây hoàn toàn là thông tin sai sự thật. Việc phát tán, lan truyền tin giả đã làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Do vậy, Công an huyện Phú Giáo kiến nghị Công an tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, xác định chủ các tài khoản đăng tải thông tin trên để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Thượng tá Cúc, sau khi có chỉ đạo từ công an tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện, công an huyện đã phối hợp cùng Ban Chỉ huy Quân sự huyện tiến hành lập chốt kiểm soát tại khu vực, nhằm tăng cường an ninh trật tự, xử lý kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.
Tại cuộc họp báo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương sáng nay 23/7, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương khẳng định, hoàn toàn không có chuyện 100% cán bộ, người lao động, học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá nhiễm Covid-19.
Công an tỉnh sẽ gửi văn bản cho Sở Thông tin-Truyền thông Bình Dương để đề xuất Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM rút lại văn bản báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá.
Trên thực tế, qua xét nghiệm PCR cho thấy số lượng ca F0 rất ít và những ca này cũng có tải lượng virus rất thấp. Đến nay, chỉ có 18 lao động có kết quả dương tính PCR, số còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.
Qua test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, có 18/83 cán bộ, nhân viên tại cơ sở cai nghiện Bố Lá dương tính với SARS-CoV-2, nồng độ virus dưới 30%. Sức khỏe của người nhiễm đều ổn định, không có các biến chứng khác thường và đều ở thể nhẹ.
Ngoài ra, ngành y tế TP.HCM đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR với các học viên có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2, từ đó đưa ra các bước xử lý tiếp theo.
Hôm qua ngày 22/7, tổ công tác thuộc Sở Y tế TP.HCM và đoàn y, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Nhân Ái, tỉnh Bình Phước đã thăm khám sàng lọc, phân loại mức độ ca bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp. Tổ công tác Sở Y tế TP.HCM sẽ túc trực tại cơ sở để điều trị khỏi bệnh cho các ca nhiễm mới trở về.
Hiện tình hình tại cơ sở Bố Lá đã ổn định. Các học viên đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế. Hiện chưa có ca nào bệnh tình trở nặng đến mức phải chuyển viện điều trị.
Trước đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM đã công văn khẩn gửi UBND TP.HCM và Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố yêu cầu hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Công văn này nêu rằng, tình hình dịch Covid-19 ở cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá đang diễn ra rất phức tạp khi có đến 100% viên chức, người lao động và học viên tại cơ sở có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Việt Nam đẩy nhanh sản xuất vaccine nội địa
Chiều 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với đại diện các Bộ, ngành, đơn vị sản xuất, nghiên cứu vaccine, các nhà khoa học nhằm trao đổi về công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước rất phức tạp, khó lường.
“Dịch bệnh và việc phòng, chống dịch không có tiền lệ, vì vậy, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cần phải tập trung các biện pháp cơ bản như uôn luôn chủ động, đề cao cảnh giác, không lơ là chủ quan mất cảnh giác trước dịch bệnh, thực hiện chiến lược vaccine.
“Nâng cao ý thức của người dân, chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch nói riêng và trong chấp hành Luật pháp và quy định của Đảng, Nhà nước nói chung”, lãnh đạo Chính phủ cho hay.
“Cả 3 nội dung công việc trên đều đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt”, Thủ tướng khẳng định.
Riêng về vấn đề sản xuất vaccine Covid-19 trong nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này nên đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo từ sớm, từ xa, thường xuyên, liên tục.
“Cuộc họp lần này nhằm đánh giá lại khả năng, kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ở trong nước, rà soát những vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ kịp thời, thúc đẩy nhanh sản xuất vaccine trong nước, với tinh thần là không cầu toàn nhưng không nóng vội, phải đảm bảo kịp thời nhưng đảm bảo khoa học, an toàn và hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu vấn đề, Chính phủ phải làm gì, các bộ, ngành phải làm gì để có được vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn, hiệu, quả, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, của các bộ ngành thì dự báo bao giờ có thể có được vaccine?.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay cả nước có hai ứng viên vaccine Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng gồm vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế.
Riêng về tiến độ và kết quả thử nghiệm lâm sàng Nanocovax, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho hay, đơn vị đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đến ngày 22/7/2021, đã hoàn thành tiêm mũi 1 của giai đoạn 3 cho 13.007 người tình nguyện để đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine, hoàn thành tiêm mũi 2 cho 977 người tình nguyện. Dự kiến ngày 15/8/2021 sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 của cả giai đoạn 3.
Đối với Covivac, tiến độ và kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine hiện đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine giai đoạn 1 cho 120 người tình nguyện từ 18-59 tuổi với mục tiêu chính là đánh giá bước đầu tính an toàn trên người tình nguyện và lựa chọn 3 công thức phù hợp nhất để chuyển sang giai đoạn 2.
Việt Nam sẽ hợp tác sản xuất vaccine Covid-19 với các nước nào?
Đối với nghiên cứu chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài, hiện có 3 đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận, đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ các đối tác của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga.
Cụ thể, tập đoàn Vingroup đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Acturus, Hoa Kỳ. Dự kiến tháng 8/2021 có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến có công suất 100 đến 200 triệu liều/năm.
Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Dự kiến, tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.
Ngoài ra, Vabiotech và Công ty DS-Bio đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga (RDIF) về việc đóng ống vaccine Sputnik-V từ bán thành phẩm. Dự kiến, đến 10/8/2021 sẽ có kết quả kiểm định, sau đó có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8/2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
“Hiện, các doanh nghiệp đang trong quá trình sản xuất, thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, nếu thuận lợi từ cuối năm 2021 sẽ bắt đầu sản xuất, với công suất từ 200-300 triệu liều vaccine/năm”, báo cáo tổng thể cho thấy.
Bộ Y tế cũng đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ việc nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, đặc biệt là tháo gỡ đối với một số vướng mắc về thể chế, cơ chế như về cấp phép vaccine phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành lưu ý, tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, cả hệ thống chính trị đang chống Covid-19, mong mỗi người dân đừng chủ quan, hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.