Mỹ không áp thuế, Việt Nam đã chiến thắng

Việc chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden không áp thuế quan hay trừng phạt Việt Nam (như Donald Trump đã từng làm với Trung Quốc) là chiến thắng cho Việt Nam.
Sputnik
Theo VinaCapital, việc chính quyền Hoa Kỳ không áp thuế quan đối với Việt Nam đã loại bỏ một rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giới đầu tư tiếp tục được hưởng lợi từ cam kết của Ngân hàng Nhà nước cho phép đồng tiền Việt Nam tăng giá theo đúng diễn biến của thị trường.

Mỹ không hài lòng gì về chính sách tiền tệ của Việt Nam?

Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital Michael Kokalari vừa đưa ra đánh giá về việc Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt được thỏa thuận chung, chấm dứt những đe dọa áp thuế quan và lệnh trừng phạt đối với Việt Nam từ chính quyền Hoa Kỳ.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, kể từ thời Donald Trump, Mỹ vẫn luôn gây áp lực lên Hà Nội để đồng tiền Việt Nam tăng giá.
Bộ Tài chính Mỹ xóa Việt Nam khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ
Từ cuối tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, lần đầu tiên chính thức gắn mác thao túng tiền tệ với Việt Nam và Thụy Sĩ.
Mỹ cáo buộc Việt Nam có hành vi thao túng tiền tệ, làm giảm giá trị đồng tiền quốc gia (Việt Nam Đồng – VNĐ) xuống 10% thấp hơn giá trị hợp lý một cách “có chủ đích”. Bộ Tài chính Hoa Kỳ sau đó mở cuộc điều tra chính thức, sử dụng Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 của Washington đối với các cáo buộc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Động thái điều tra kéo dài, giám sát chặt của Mỹ làm dấy lên sự lo ngại trước nguy cơ Việt Nam bị Mỹ áp thuế quan trừng phạt lên đến 25% như cựu Tổng thống Donald Trump đã từng “xuống tay” với gần một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ.
Ngoài Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore và Malaysia tiếp tục bị giám sát và theo dõi chặt chẽ bởi Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào thời điểm đó.
Theo quy định thông thường, quốc gia bị Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ nếu thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ.
Điều đáng nói, đây chỉ là những yếu tố “định lượng” này, Mỹ còn là nước thích áp dụng tiêu chí “định tính” chính là “mục đích” can thiệp của Chính phủ lên thị trường tiền tệ.
Đương nhiên, nếu phía Mỹ kết luận Chính phủ quốc gia đó (ở đây là Việt Nam) có hành vi can thiệp vào tỷ giá là để nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh, gây bất lợi cho Washington thì việc thực hiện các biện pháp trừng phạt vì thao túng tiền tệ là điều khó tránh.

Vì sao Mỹ quyết định không áp thuế với hàng Việt Nam?

Sputnik Việt Nam đã cập nhật tin tức, phân tích, bình luận liên quan đến vấn đề chính quyền Mỹ điều tra việc Việt Nam thao túng tiền tệ, tuy nhiên, Hoa Kỳ không có đủ bằng chứng khẳng định Hà Nội điều hành chính sách tiền tệ chỉ nhằm hưởng lợi thế cạnh tranh, làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của Washington.
Mỹ muốn Việt Nam tiếp tục thông tin về chính sách tiền tệ
Từ tháng 4/2021, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ, và điểm mấu chốt là thỏa thuận song phương giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt được hôm 19/7 vừa qua.
Sau đó, cuối tháng 7/2021, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) chính thức ban hành kết luận điều tra vụ việc theo Mục 301 về các hành vi chính sách thực tiễn áp dụng của Việt Nam về định giá thấp tiền tệ, trong đó khẳng định, Mỹ không trừng phạt hay áp thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng mục tiêu cuộc điều tra của Washington như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được hôm 19/7 giữa Bộ Ngân khố Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất cứ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của chính quyền Hà Nội.
Thỏa thuận đạt được thể hiện mong muốn mạnh mẽ của các nhà làm chính sách Hoa Kỳ trong việc duy trì quan hệ hữu nghị với Việt Nam dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có lý do về địa chính trị, đồng thời cho thấy, Mỹ sẵn sàng bỏ qua “những phàn nàn, nghi ngại” để sẵn sàng thúc đẩy quan hệ tốt đẹp, đầy triển vọng, hướng đến bền vững với Việt Nam.
“Thái độ không can thiệp hiện tại của các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đối với thặng dư thương mại của Việt Nam bắt nguồn từ sự leo thang căng thẳng Mỹ-Trung đang diễn ra, mà các nhà hoạch định chính sách đang phản ứng bằng cách tăng cường can dự của Mỹ ở Đông Nam Á (SEA)”, theo ông Michael Kokalari.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cũng nhấn mạnh, chiến lược tham gia này đã được quảng bá trong “Bức điện dài hơn: Hướng tới một chiến lược Trung Quốc mới của Mỹ”, báo cáo được công bố bởi tổ chức tư vấn có ảnh hưởng Hội đồng Đại Tây Dương vào đầu năm 2021.
Theo đó, lãnh đạo Chiến lược Châu Á của Chính quyền Tổng thống Biden, Kurt Campbell, nhắc lại chiến lược này vài tuần trước khi ông cho biết Mỹ cần “đẩy mạnh cuộc chơi của mình ở Đông Nam Á”. Trong đó, Mỹ lại cho rằng Việt Nam là quốc gia dễ tiếp thu nhất trong Đông Nam Á để tham gia.
“VinaCapital tin rằng điều này mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam hưởng lợi từ sự hỗ trợ kinh tế của Hoa Kỳ”, chuyên gia Michael Kokalari đánh giá.
Theo đó, Việt Nam có thể được “hưởng lợi” dưới dạng một thị trường dễ tiếp nhận hàng xuất khẩu của Việt Nam (đây cũng là chiến lược mà Hoa Kỳ đã sử dụng để hỗ trợ Nhật Bản và Hàn Quốc trong chiến tranh lạnh).
Bên cạnh đó, theo ý kiến của chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital được dẫn trên VnEconomy, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ thế cạnh tranh đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể, cuộc gặp vào tuần này giữa các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Thiên Tân phản ánh thế bế tắc trong quan hệ giữa hai nước.
Trung Quốc thì nhấn mạnh Mỹ cần “sửa chữa sai sót” trong cách đối xử với Bắc Kinh. Cần nhắc lại, thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" của Trump sẽ hết hạn vào cuối năm và không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, vì vậy căng thẳng Mỹ-Trung gần như chắc chắn sẽ tiếp tục leo thang.
“Điều này cuối cùng sẽ có lợi cho Việt Nam”, ông Kokalari nhấn mạnh.

Chiến thắng lớn dành cho Việt Nam

Theo đánh giá của VinaCapital, việc Mỹ không áp thuế với hàng Việt Nam sẽ khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Bên cạnh đó, thỏa thuận đạt được với Bộ Ngân khố Mỹ cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam không chỉ trước mắt mà còn cả trong dài hạn thông qua kích thích dòng vốn từ các nhà đầu tư tài chính nước ngoài (tức là dòng vốn FII) vì các nhà đầu tư đó ưu tiên các quốc gia ổn định, hoặc có nội tệ tăng giá, và khuyến khích các công ty trong nước cải thiện khả năng cạnh tranh của họ.
Mỹ khen ngợi Việt Nam vì cam kết giải quyết cáo buộc thao túng tiền tệ
Cùng với đó, mức sống cho người tiêu dùng trong nước cũng được nâng cao nhờ việc thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế nội địa của Việt Nam.
Chuyên gia Kokalari lưu ý, “những con hổ châu Á” phát triển thịnh vượng nhờ sản xuất xuất khẩu, nhưng hầu hết các quốc gia đó phụ thuộc vào sản xuất theo định hướng xuất khẩu quá lâu, dẫn đến việc định giá đồng tiền của họ bị điều chỉnh thấp hơn một cách có chủ đích trong nhiều năm.
Phân tích sâu hơn, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho biết, khi một quốc gia hạ giá đồng tiền của mình một cách có chủ đích để hỗ trợ xuất khẩu, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn, tiêu dùng trung bình chiếm 53%/GDP ở Trung Quốc trong 10 năm qua so với gần 70% ở Mỹ. Đồng thời, khi tiền tệ được định giá thấp sẽ tạo ra sự kém hiệu quả và các động lực bị biến dạng mà cuối cùng gây bất lợi cho hầu hết các công ty nội địa.
“Ngược lại, đồng tiền tăng giá của Việt Nam sẽ giúp đất nước thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” bằng cách khuyến khích đổi mới vì các công ty trong nước sẽ không thể dựa vào mức tỷ giá hối đoái rẻ để cạnh tranh”, ông Michael Kokalari nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, lương công xưởng của Việt Nam thấp hơn 2/3 so với ở Trung Quốc, vì vậy Việt Nam sẽ vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh trong nhiều năm tới.

Loại bỏ rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Việc Hoa Kỳ chấm dứt “cuộc đe dọa trừng phạt” với Việt Nam đã giúp giới đầu tư loại bỏ mối nguy cơ, rủi ro rất lớn.
Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận về các hoạt động tiền tệ
Theo chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, thỏa thuận chung mà Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt được cho thấy, các nhà làm chính sách của Hà Nội đang chịu áp lực đáng kể để cho phép Việt Nam Đồng tăng giá, điều này được củng cố bởi tuyên bố của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai rằng “Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), phối hợp với Bộ Tài chính, sẽ giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết… liên quan đến việc định giá đồng tiền của mình”.
VinaCapital đánh giá rằng, việc giá trị của Việt Nam Đồng tăng đều 2-3%/ năm hiện là điều gần như chắc chắn, vì lượng vốn khổng lồ tiếp tục chảy vào trong nước và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không còn tiếp tục “các biện pháp can thiệp không trung hoà” làm giảm giá trị của Đồng Việt Nam trong những năm gần đây.
Đồng thời, VinaCapital ước tính rằng vốn nước ngoài đã chảy vào Việt Nam trong năm ngoái với trị giá 10%/GDP, bao gồm cả dòng vốn FDI là 7%/GDP.
Dòng vốn chảy vào, cùng với thặng dư tài khoản vãng lai 4,5%/GDP, đã đưa thặng dư Cán cân thanh toán (BoP) của Việt Nam lên 7%/GDP vào năm 2020 và kỳ vọng thặng dư BoP 5% vào năm 2021.
Điều này giải thích tại sao giá trị của Việt Nam Đồng vẫn rất vững chắc trong năm nay, và thậm chí còn tăng giá nhẹ trong những tuần gần đây, bất chấp tình hình Covid-19 của Việt Nam đang xấu đi, theo VinaCapital.
VinaCapital logo.
“Quyết định của Chính phủ Hoa Kỳ chấm dứt mối đe dọa về thuế quan đối với Việt Nam loại bỏ một rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Michael Kokalari khẳng định.
Điều đáng nói nữa là các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ cam kết của Việt Nam cho phép đồng tiền của quốc gia tăng giá.
“Quyết định của Mỹ được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng kết nối được nhiều nước bạn bè trong khu vực khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang và chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tích lũy được nhiều lợi ích hơn nữa từ kết quả của động thái đó”, ông Michael Kokalari nhận định.
Cần nhắc lại rằng, theo báo cáo của Bộ Công Thương Việt Nam, chỉ trong giai đoạn 5 năm 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng đến 230%, trong khi đó xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng trưởng 175%.
Điều đáng nói, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam và ngược lại. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Washington.
Mỹ họp xem có trừng phạt Việt Nam hay không vì nghi ngờ thao túng tiền tệ
Chỉ tính trong năm 2020, bất chấp cú sốc của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương vượt mốc 90 tỷ USD, đạt 90,8 tỷ USD.
Tính riêng trong 7 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 53,6 tỷ USD, tăng trên 37% so với cùng kỳ 2020. Việt Nam cũng tăng cường nhập hàng hóa của Hoa Kỳ (gần 10%) nhằm cân bằng cán cân thương mại với giá trị khoảng 8,9 tỷ USD.
Trong các tuyên bố đưa ra, chính quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính hay người tiền nhiệm trước đó là đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định, Việt Nam không bao giờ chủ đích thao túng tiền tệ để nhằm hưởng lợi thế cạnh tranh, đồng thời, sẵn sàng trao đổi cởi mở, chân thành, thẳng thắn với Washington về những bất đồng hay vướng mắc tồn tại để tránh những nghi ngại không đáng có, ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ Việt – Mỹ đang phát triển hết sức tốt đẹp
Thảo luận