Việc đánh chặn mục tiêu ở độ cao cực thấp đã được thực hiện trong những lần phóng thử nghiệm từ tàu mang tên lửa nhỏ Odintsovo (MRK) và tàu hộ tống tên lửa cỡ lớn Shuya. Theo các nguồn tin của báo Izvestia từ bên quân sự, hệ thống Pantsir phiên bản hải quân đã bắn hạ một số tên lửa chống tăng Kornet mô phỏng một cuộc tấn công của đối phương. Tất cả các mục tiêu đều bị đánh chặn ở khoảng cách vài km tính từ điểm phóng, khi chúng đang bay ở độ cao từ 1 đến 3 mét so với mặt nước biển.
Theo các nguồn tin trong bộ quân sự, biến thể hải quân của hệ thống Pantsir đảm bảo bắn trúng các mục tiêu bay thấp sau khi hệ thống điều khiển và ngắm mục tiêu của nó được cải tiến. Khi bắn vào những mục tiêu như vậy, tên lửa ở giai đoạn cuối của hành trình bay sẽ cơ động mạnh và "lặn" xuống mặt nước.
Tàu hộ tống tên lửa Shuya R-71 đã khai hỏa để kiểm tra khả năng mới của Pantsir-M, còn tàu Odintsovo MRK đã tham gia vào kế hoạch phóng thử theo lịch trình.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-M bao gồm 8 pháo phòng không và 2 pháo tự động 30mm gồm 6 nòng. Tổ hợp được thiết kế để bảo vệ tàu hải quân an toàn trước các cuộc tấn công của tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và trực thăng. Vũ khí này có thể bắn các loại đạn xuyên giáp dưới cỡ nòng (APCR) và đạn phá mảnh - nổ mạnh, tốc độ bắn lên tới 10 nghìn viên/phút.
"Pantsir" được phát triển theo nguyên tắc hệ thống phòng không hai cấp: tên lửa tấn công mục tiêu trên không ở những khoảng cách tiếp cận xa, còn các vật thể đến được gần tàu sẽ bị tiêu diệt bằng hỏa lực đại bác. Một trong những tính năng của tổ hợp này phiên bản hải quân là có khả năng tiêu diệt cả các mục tiêu trên biển và mục tiêu ven biển trên đất liền.