Nhà nghiên cứu Đinh Ngọc Thạnh nhấn mạnh, cần lên tiếng mạnh mẽ với những hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam, nếu cộng đồng khoa học Việt Nam im lặng thì e rằng sẽ thua về chủ quyền ngay trên sân chơi khoa học.
Thời gian qua, từ phim ảnh, sản phẩm, sách báo, tạp chí, game có in đường lưỡi bò đều bị dư luận Việt Nam phản ứng dữ dội.
Bị giới khoa học Việt Nam phản đối vụ bản đồ đường lưỡi bò, Science rút bài
Các vấn đề bài đăng, hình ảnh, bản đồ, post liên quan đến vấn đề “đường lưỡi bò/đường chín đoạn” vi phạm chủ quyền biển đảo, tiếp tục thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận Việt Nam.
Vừa qua, tạp chí khoa học nổi tiếng Science có đăng tải nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc về chủ đề biến đổi khí hậu mang tên “Rapid greening response of China’s 2020 spring vegetation to COVID-19 restrictions: Implications for climate change”.
Tuy nhiên, bài đăng của tạp chí này sau đó đã vấp phải làn sóng phản ứng của giới nghiên cứu khoa học và dư luận Việt Nam do có đính kèm bản đồ đường lưỡi bò.
Cụ thể, liên quan đến bài báo của nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu - “Rapid greening response of China’s 2020 spring vegetation to COVID-19 restrictions: Implications for climate change” do các tác giả Fenzhen Su, Dongjie Fu, Fengqin Yan, Han Xiao, Tingting Pan, Yang Xiao, Lu Kang…cùng một số thành viên khác đến từ các cơ quan nghiên cứu về môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học địa chất mà Science đăng tải có đính kèm bản đồ đường lưỡi bò, phía nhà khoa học Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích, báo cáo rút bài đăng do các tranh cãi về vấn đề chủ quyền biển đảo.
Đến sáng nay, 31/8, tạp chí khoa học nổi tiếng này có thông báo trên trang Facebook về việc rút bài đăng trước đó và xem xét các hướng xử lý tiếp theo.
“Bài đăng trước đó trên tài khoản Facebook của chúng tôi đối với báo cáo “Rapid greening response of China’s 2020 spring vegetation to COVID-19 restrictions: Implications for climate change”, đã được xóa bỏ sau những quan ngại về các bản đồ (có in đường lưỡi bò – PV) được tham chiếu trong nghiên cứu”, tạp chí cho biết.
“Science Advances đánh giá cao phản hồi của độc giả và đang đánh giá các mối quan tâm, vấn đề liên quan và xem xét các bước xử lý tiếp theo”, thông báo nêu rõ.
Được biết, phản hồi này của tạp chí Science được đưa ra sau khi các nhà khoa học Việt Nam đồng loạt lên tiếng phản đối mạnh mẽ vụ đăng có bản đồ đường lưỡi bò trên tạp chí.
Điển hình là lá thư của Asistant Professor Đinh Ngọc Thạnh (ĐH Soongsil, Hàn Quốc). Bên cạnh việc báo cáo phản hồi, gửi thư đến tạp chí Science, nhà nghiên cứu này đã viết bài trên trang Facebook cá nhân thông báo và kêu gọi các nhà khoa học Việt Nam khác cùng lên tiếng phản đối việc Science đăng tải nghiên cứu có đính kèm bản đồ đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Theo đó, hôm 28/8, ông Đinh Ngọc Thạnh (nghiên cứu tại ĐH Soongsil, Hàn Quốc), bày tỏ trên trang Facebook cá nhân về vấn đề đích thân gửi thư yêu cầu Science rút bài đăng có kèm bản đồ đường lưỡi bò.
“Mình vừa gửi thư yêu cầu Science rút bài báo “Rapid greening response of China’s 2020 spring vegetation to COVID-19 restrictions: Implications for climate change" xuất bản trên tạp chí này với bản đồ có "đường lưỡi bò" chứa các quần đảo của Việt Nam”, tác giả cho biết.
Cũng như bất cứ công dân Việt Nam nào khác, ông Đinh Ngọc Thạnh thể hiện lòng yêu nước và quan điểm bảo vệ chủ quyền biển đảo.
“Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, tôi phản đối bất cứ ai đưa mục đích chính trị vào khoa học và phản đối bất cứ tấm bản đồ nào của Trung Quốc có đường lưỡi bò chứa các quần đảo không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam”, nhà nghiên cứu nêu rõ.
Cùng với đó, ông Thạnh kêu gọi dư luận và giới nghiên cứu đồng loạt lên tiếng phản đối với việc đăng tải bản đồ vi phạm chủ quyền của tạp chí Science.
“Các nhà khoa học và mọi người cùng lên tiếng phản đối xuất bản những tài liệu vi phạm chủ quyền của Việt Nam như thế này”, ông Đinh Ngọc Thạnh nhấn mạnh.
“Nếu im lặng thì sẽ thua về vấn đề chủ quyền ngay trên sân chơi khoa học”
Lý giải thêm về vấn đề này, tác giả Việt Nam nêu rõ, việc lên tiếng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Dù sẽ có rút bài hay yêu cầu xem xét với hình ảnh bản đồ khác hay không thì khi nhiều nhà khoa học và cộng đồng lên tiếng thì tạp chí cũng phải họp và đưa vào trường hợp rất thận trọng khi xem xét xuất bản những bài nghiên cứu có bản đồ đó lần sau.
Theo vị chuyên gia, khi nhiều người cùng như thế thì trường hợp này sẽ được lan truyền tới những tạp chí khác.
“Nếu cộng đồng khoa học Việt Nam im lặng thì e rằng chúng ta sẽ thua về chủ quyền ngay trên sân chơi khoa học”, ông Đinh Ngọc Thạnh bày tỏ.
Ngày 31/8, ông Đinh Ngọc Thạnh chia sẻ với Thanh Niên xác nhận việc tạp chí Science rút bài trên trang Facebook, đồng thời nhấn mạnh đây là tin rất vui.
Theo vị chuyên gia, điều này có nghĩa là tạp chí này đã quan tâm tới kiến nghị và đã có bước tiến thứ nhất.
Nhà nghiên cứu Việt Nam cũng lưu ý rằng tạp chí Science đang xem xét việc xử lý tiếp theo, yêu cầu sửa bài hoặc rút bài như yêu cầu trước đó của mình.
Theo ông Đinh Ngọc Thạch, đối với vụ việc này, tạp chí cần tổ chức họp hội đồng biên tập mới ra quyết định được, nhưng cũng vui vì tạp chí này đã xem xét tới kiến nghị.
“Chắc chắn tạp chí cũng sẽ phải đưa trường hợp này vào trường hợp đặc biệt quan tâm cho các ấn bản sau. Vì vậy, dù thế nào thì cũng có lợi cho Việt Nam sau sự việc này”, nhà nghiên cứu này cho biết.
Cùng với đó, ông Đinh Ngọc Thạnh cũng cho biết, đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà khoa học trong mạng lưới, đồng thời, bản thân nhà nghiên cứu cũng đưa ra lời kêu gọi về nhóm nghiên cứu về Biển Đông để lan tỏa cho mọi người.
Ông Thạnh cho hay đã có nhiều người phản ứng, gửi thư đến tạp chí Science đề nghị rút bài.
Về vấn đề các nội dung có đăng tải bản đồ đường lưỡi bò, Ths. Nguyễn Thùy Anh, Viện Biển Đông thông tin rằng, trước năm 2009, số lượng các bài báo có bản đồ đường lưỡi bò chỉ mang tính đơn lẻ.
Tuy nhiên, kể từ năm 2010 đến thời điểm hiện tại, số lượng những bài đăng, hình ảnh, ấn phẩm đều tăng lên.
Đáng chú ý, bà Anh cho hay, năm 2018, các tạp chí khoa học tự nhiên uy tín đã đăng hơn 57 bài. Trong 6 tháng đầu năm 2019 có 45 bài có hình vẽ đường lưỡi bò.
Xu thế này vẫn tiếp diễn trong năm 2020, kéo dài đến năm 2021.
Phim ảnh, game Purrfect Tale bị tẩy chay vì có đường lưỡi bò
Như những làn sóng tẩy chay trước, bất cứ ấn phẩm, sản phẩm, bài đăng nào có in hình ảnh đường lưỡi bò đều bị dư luận Việt Nam phản đối.
Hồi đầu tháng 8 này, bộ phim chiếu mạng của Trung Quốc “Em là niềm kiêu hãnh của anh” sau khi gây sốt ở Việt Nam cũng nhanh chóng bị nhiều page giải trí đưa tin về showbiz Trung Quốc ngừng cập nhật do bị phát hiện có bản đồ đường lưỡi bò.
Đáng chú ý, nhà phát hành WeTV khẳng định đã xử lý khi duyệt phim, biên tập nội dung.
“Để không làm ảnh hưởng cảm xúc của khán giả và tránh đi những tranh cãi liên quan đến yếu tố nhạy cảm, với tất cả hình ảnh bản đồ của Trung Quốc, chúng tôi đều kiểm duyệt và xử lý trước khi phát sóng”, phía WeTV cho biết.
Sau khi vụ việc về bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện, nhiều khán giả Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ phản đối, kêu gọi tẩy chay đường lưỡi bò.
Trước bộ phim “Em là niềm kiêu hãnh của anh” của Dương Dương và Địch Lệ Nhiệt Ba, nhiều bộ phim Trung Quốc có chứa bản đồ đường lưỡi bò cũng bị phát hiện và phản ứng như “Em là thành trì lũy doanh của anh”, “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta”, “Lấy danh nghĩa người nhà”, “Everest – người tuyết bé nhỏ”.
Vừa qua, một game mobile vừa bị xóa khỏi thị trường phát hành Việt Nam vì có chứa bản đồ “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn) vi phạm pháp luật sở tại.
Cụ thể, ứng dụng trò chơi trên điện thoại di động Purrfect Tale, phát hành hôm 25/8, được xác định có chứa bản đồ "đường lưỡi bò" trong nội dung.
Đến trưa 26/8, nhà phát triển game nói trên là BadMouse đã có thông báo trên fanpage chính thức của game về việc gỡ bỏ trò chơi này.
"Vì nội dung trò chơi liên quan đến các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chúng tôi quyết định Purrfect Tale trên cả App Store và Google Play sẽ bị loại bỏ vĩnh viễn tại Việt Nam từ hôm nay", thông báo nêu rõ.
Đến lúc này, người dùng khi tìm kiếm ứng dụng trò chơi này trên kho ứng dụng của iOS và Android tại Việt Nam sẽ không nhận được kết quả.
Như vậy, chỉ sau 1 ngày sau khi được phát hành chính thức trên toàn cầu, trò chơi nuôi mèo ảo này đã bị gỡ bỏ khỏi thị trường Việt. Trước đó, chỉ vừa được ra mắt, game đã đối diện làn sóng tẩy chay của cộng đồng người chơi tại Việt Nam, khi hình ảnh quả địa cầu trong game hiển thị "đường lưỡi bò" phi pháp.
Bên cạnh đó, người chơi còn phàn nàn về các vấn đề như mất kết nối, khó khăn trong đăng nhập.
Trước khi bị xóa khỏi Play Store Việt Nam, game nhận đánh giá trung bình 2,8 sao. Hầu hết người dùng đánh giá 1 sao vì lý do trò chơi này sử dụng hình ảnh vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, người dùng Việt cũng lên fanpage của Purrfect Tale và để lại các bình luận, biểu cảm giận dữ, yêu cầu nhà phát hành thay đổi hình ảnh bản đồ trong game hoặc bị tẩy chay.
Trước đó, một ứng dụng game khác cũng từ Trung Quốc là "Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc" cũng bị phát hiện có chứa hình ảnh đường lưỡi bò. Game được cung cấp thông qua các kho ứng dụng xuyên biên giới của Apple và Google.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông khi đó đã có động thái yêu cầu Google và Apple gỡ bỏ trò chơi khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam.
Việt Nam không nhân nhượng với yêu sách đường chín đoạn
Đường chín đoạn (Nine-dash line) hay còn gọi là Đường lưỡi bò, Đường chữ U, Đường chín khúc là tên gọi dùng để chỉ khu lãnh hải tại Biển Đông mà Trung Quốc chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Cần nhắc lại, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông hay còn gọi là đường lưỡi bò sớm đã bị Tòa trọng tài Thường trực quốc tế ở The Hague Hà Lan bác bỏ trong vụ kiện mà Bắc Kinh thua trước chính quyền Philippines năm 2016.
Tòa quốc tế khẳng định đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, Bắc Kinh cũng không có quyền lịch sử ở Biển Đông.
Việt Nam trong các tuyên bố chính thức đều khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa của Hà Nội là không thể xâm phạm.
Đại diện Bộ Ngoại giao luôn nêu rõ quan điểm Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Trước việc nhiều nhãn hàng có sử dụng hình ảnh đường lưỡi bò xâm phạm chủ quyền Việt Nam, trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng từng lưu ý, mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như thực tế vấn đề Biển Đông.
“Việt Nam yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông”, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.