Tờ báo kinh tế hàng đầu của Australia lý giải vì sao Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn giới đầu tư toàn cầu, cũng như khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam hậu Covid-19.
Vốn FDI vào Việt Nam tăng trở lại
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020.
“Cùng với vốn đăng ký mới tiếp tục duy trì tăng thì vốn điều chỉnh cũng đã tăng nhẹ trở lại sau khi giảm trong 7 tháng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Cơ quan này cho hay, chỉ có góp vốn, mua cổ phần vẫn chứng kiến xu hướng giảm, mặc dù vậy, mức giảm cũng đang được cải thiện dần. Bộ KH&ĐT cho biết, có 2.720 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước nước ngoài (giảm 43,4%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,81 tỷ USD (giảm 43,4% so với cùng kỳ).
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 36,8%), tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ).
Có 639 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 11%), tuy nhiên, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 5 tỷ USD (tăng 2,3% so với cùng kỳ).
Đánh giá về tình hình FDI của Việt Nam theo lĩnh vực đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực.
Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD và trên 734 triệu USD.
Về đối tác đầu tư của Việt Nam, Bộ KH&ĐT khẳng định đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào quốc gia hình chữ S. trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 6,2 tỷ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 5% so với cùng kỳ 2020.
Kế tiếp, Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,2 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư, tăng 94,9% so với cùng kỳ.
“Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 79,4% và 73,9% tổng vốn đăng ký”, báo cáo nêu rõ.
Trong khi đó, Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,4 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư, giảm 17,8% so với cùng kỳ. Những quốc gia rót nhiều tiền vào Việt Nam tiếp theo đều có liên quan đến giới đầu tư Trung Quốc – gồm Trung Quốc Đại Lục, Hong Kong, Đài Loan.
Tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, vốn đầu tư của Singapore gấp 1,9 lần vốn đầu tư của Nhật Bản và gấp gần 2,6 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam.
Nguyên nhân được lý giải là do Singapore có dự án lớn 3,1 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 50% tổng vốn đầu tư của đảo quốc Sư tử vào Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, mặc dù Hàn Quốc chỉ xếp thứ ba về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới cũng như số lượt dự án điều chỉnh vốn ở Việt Nam.
“Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Xét theo địa bàn đầu tư, báo cáo về tình hình thu hút đầu tư FDI 8 tháng đầu năm của Bộ KH&ĐT nêu rõ, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Trong đó, 8 tháng đầu năm nay, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, phải kể đến dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 85,8% tổng vốn đầu tư của Long An).
Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư. Sau đó là Bình Dương đứng thứ ba với gần 1,7 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội.
“Nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh”, Bộ KH&ĐT chỉ rõ.
Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới (34%), số lượt dự án điều chỉnh (18,3%) và góp vốn mua cổ phần (59,8%). Thủ đô Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài trong 8 tháng, nhưng xếp thứ hai về số dự án mới (21,5%), số lượt dự án điều chỉnh (14,2%) và góp vốn (12,1%).
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, tính tới 20/8/2021, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
“Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện trong tháng 8/2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021. Tuy nhiên, tính cả 8 tháng năm 2021 vốn thực hiện vẫn tăng nhẹ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Đáng chú ý, cũng theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư FDI tiếp tục tăng, song mức độ tăng giảm nhẹ so với 7 tháng năm 2021. Trong đó, xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt 156,9 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ, chiếm 73,8% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 155,9 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,3% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 140,2 tỷ USD, tăng 36,4% so cùng kỳ và chiếm 64,8% kim ngạch nhập khẩu.
Tổng kết chung, theo Bộ KH&ĐT, trong nền kinh tế Việt Nam, khu vực FDI xuất siêu gần 16,7 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 15,6 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 20,4 tỷ USD.
Báo Úc lý giải vì sao Việt Nam tiếp tục hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài
Truyền thông Australia chỉ rõ nguyên nhân vì sao Việt Nam hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài cũng như bày tỏ tin tưởng kinh tế đất nước sẽ nhanh chóng hồi phục sau khi Chính phủ kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.
Cụ thể, trong bài phân tích về việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng khi Covid-19 bùng mạnh ở Việt Nam, nhà báo Emma Connors của tờ The Australia Financial Review (AFR) đã đề cập nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao do dịch bệnh cũng như lý do vì sao Covid-19 không ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào quốc gia hơn 96 triệu dân này.
Theo tờ báo Úc, Việt Nam đang cạnh tranh mãnh liệt với Trung Quốc về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hưởng tăng trưởng chậm do ảnh hưởng và tâm lý lo ngại của giới đầu tư khi đất nước trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng.
Tờ nhật báo kinh tế hàng đầu của Australia đánh giá, dù các biện pháp hạn chế cũng như siết chặt hoạt động cộng đồng đang được áp dụng ở thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đồng thời số các ca nhiễm biến thể Delta tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực sản xuất, bức tranh toàn cảnh về việc Việt Nam trở thành điểm đến ưa chuộng của giới đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ vẫn không thay đổi.
“Trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đã xuất sắc, chứng minh năng lực đất nước trong việc thu hút các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử, giày dép và quần áo”, tạp chí kinh tế của Australia nêu rõ.
Có nhiều nguyên nhân đóng góp vào thành công của Việt Nam bên cạnh yếu tố nền chính trị ổn định, chính sách thu hút FDI ngày càng được cải thiện. Theo AFR, chi phí lao động thấp, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và thủ tục hành chính được đẩy mạnh cải cách theo hướng đơn giản hóa là những yếu tố đã hấp dẫn được những công ty như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas, Gap và Levis lựa chọn.
Báo Úc cũng bình luận về biện pháp ứng phó thông minh “trong cái khó, ló cái khôn” của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Theo đó, trong những ngày qua khi nhiều tỉnh/ thành phố phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để đối phó làn sóng Covid-19 thứ tư đầy phức tạp, nhiều nhà máy của các doanh nghiệp FDI vẫn nỗ lực mở cửa hoạt động theo chính sách “3 trong 1”. Đại bộ phận công nhân và nhân viên thực hiện ăn, ngủ và làm việc tại chỗ, đảm bảo mục tiêu kép – vừa chống dịch – vừa đảm bảo duy trì sản xuất, tránh đứt gãy nền kinh tế.
Nhận định thêm về tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện tại, thời báo kinh tế Australia c AFR thẳng thắn đề cập rằng, mặc dù số ca mắc mới SARS-CoV-2 tính trên 1 triệu dân ở Việt Nam hiện vẫn thấp hơn so với Malaysia hoặc Thái Lan, tuy nhiên số ca mắc nCoV cũng như số lượng bệnh nhân tử vong đang trong xu hướng tăng lên.
“Việt Nam cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 để tăng tỷ lệ người dân được tiêm chủng, hướng đến mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng”, báo Australia đề xuất.
Ông Simon Fraser, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Australia (AustCham) tại Việt Nam khẳng định với AFR rằng, trong khi một số người nước ngoài, đặc biệt là những người có con nhỏ không thể đi học trong nhiều tháng, đã rời khỏi Việt Nam, nhiều người khác đã tiếp tục chọn ở lại, trong đó có các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn đầu tư.
“Hầu hết họ không hoảng sợ và muốn ở lại Việt Nam để công ty của mình có thể phục hồi càng sớm càng tốt”, ông Fraser nhấn mạnh.
Bất chấp những khó khăn, thách thức hiện nay do đại dịch Covid-19 gây ra, AFR nhận định, câu chuyện toàn cảnh về việc Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ không thay đổi.
“Ngay cả khi các dự báo tăng trưởng bị giảm, các nhà kinh tế vẫn tin rằng Việt Nam sẽ phục hồi trở lại”, báo Úc nói.
Như Sputnik Việt Nam cũng đã thông tin trước đó, ngân hàng HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Việt Nam từ 6,1% xuống còn 5,1%.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC tỏ ra rất lạc quan về khả năng bật dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
“Bất chấp những khó khăn, nguy cơ trước mắt, triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn rất khả quan với nhiều yếu tố cơ bản vững chắc”, chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC khẳng định.
Có hay không xu hướng FDI rời Việt Nam?
Theo Báo cáo vừa được công bố về Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Điều này cho thấy điểm đến vững chắc để các nhà đầu tư tự tin với từng đồng vốn của mình.
Tuy nhiên, rõ ràng, đại dịch Covid-19, nhất là các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, tác động nhất định đêsn sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Từng xuất hiện lo ngại, Việt Nam “thất thế” trước Trung Quốc về FDI nếu tiếp tục chưa kiểm soát được dịch bệnh.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vồn FDI trong 7 tháng đầu năm giảm gần 11% so với cùng kỳ 2020.
Theo đó, mảng vốn về các dự án điều chỉnh (giảm 3,7%), giảm ở mảng góp vốn mua cổ phẩn (giảm 55,8%).
Nói về số lượng các dự án FDI cấp mới hay điều chỉnh góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam đang giảm đi, theo vị lãnh đạo, đánh giá chung, thời gian tới, sẽ tiếp tục giảm do tác động từ dịch bệnh.
“Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, phân tích về doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập, làm cho dòng vốn M&A giảm”, ông Thắng nêu nguyên nhân.
Theo Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trả lời VTV, nếu đại dịch Covid-19 còn kéo dài hơn thì đương nhiên ảnh hưởng là dài hạn. Ông Thắng phân tích, sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng trong nước thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động. Những yếu tố này đều làm tăng chi phí đầu tư, từ đó làm giảm triển vọng của nhà đầu tư.
Ông Trần Toàn Thắng cũng nêu rõ, cạnh tranh thu hút vốn FDI tại châu Á đang ở mức cao.
“Với đặc điểm dòng vốn đổ vào các lĩnh vực lắp ráp nhiều hơn, tận dụng lao động giá rẻ, ưu đãi tài chính, cũng như tận dụng kiểm soát môi trường kém… không phải là không có khả năng xảy ra việc dòng vốn FDI rời khỏi Việt Nam”, vị chuyên gia nói.
Đại diện Bộ KH&ĐT cũng cho hay, các doanh nghiệp FDI chỉ cần 6 tháng đến 1 năm là có thể xây dựng được nhà máy và vận hành. Cũng trong khoảng thời gian này họ có thể dịch chuyển đi.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, theo ông Thắng, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trước mắt có một số tích cực giúp giữ chân được doanh nghiệp nước ngoài.
Chuyên gia phân tích, yếu tố thứ nhất, đó là, các hiệp định FDI cho phép các đoàn nghiệp nhập khẩu được linh kiện rẻ hơn, tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt hơn. Thứ hai lao động giá rẻ và năng xuất lao động đang được cải thiện. Tuy nhiên, về lâu dài yếu tố quyết định việc giữ chân doanh nghiệp FDI đấy là câu chuyện liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Cũng như mạng lưới của doanh nghiệp FDI ở trong nước.
Ông Thắng kiến nghị, nếu Việt Nam xây dựng tốt mối ràng buộc giữa các nhà đầu tư với các doanh nghiệp FDI thì cơ hội thu hút và giữ chân doanh nghiệp sẽ tốt hơn.
Vị chuyên gia bổ sung thêm rằng, đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, đó là câu chuyện dài hạn, nghiên cứu thị trường chứ không phải ngày 1, ngày 2.
Các chuyên gia cho rằng, nhìn chung, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến ưa thích của giới đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, để tránh “đòn giáng mạnh” của dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi phải khẩn trương nắm bắt tình hình để có giải pháp thu hút và giữ vững dòng vốn đầu tư FDI. Trước mắt, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, cùng đồng hành vượt qua những khó khăn hiện nay như triển khai tiêm vaccine, hỗ trợ về vốn… đồng thời, tiếp tục phát triển các quyết sách lâu dài đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư.
“Những thành quả chống dịch qua 3 đợt bùng phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm tựa cho nhà đầu tư”, chuyên gia nói.