Việt Nam-Nền kinh tế mà Covid-19 không thể hạ gục

Việt Nam chính là nền kinh tế mà Covid-19 không thể hạ gục. Quốc gia này đang dần nổi lên giống như con rồng châu Á mới, nỗ lực viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế ở khu vực.
Sputnik
Tuy nhiên, từ một quốc gia nghèo nàn lạc hậu, chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh, liệu Việt Nam có thể giàu lên nhanh chóng mà chỉ dựa vào xuất khẩu, thương mại và FDI?
Giới chuyên gia cũng phân tích sự khác biệt đáng kể giữa kinh tế Việt Nam và Trung Quốc, những động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam và các trở ngại cần tính đến, nhất là quan hệ giữa khối kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Việt Nam là nền kinh tế mà Covid-19 không thể hạ gục

Trong bài viết “The economy that Covid-19 could not stop”, The Economist có đánh giá tổng quan về đặc trưng nền kinh tế Việt Nam.
Đáng chú ý, bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu xóa đói giảm nghèo “xứng đáng là hình mẫu cho thế giới” của Việt Nam thông qua mọi hoạt động kinh tế thương mại và thu hút, tận dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tờ The Economist còn vẫn đặt vấn đề về việc, liệu thương mại và FDI có thể giúp Việt Nam giàu lên nhanh chóng hay không?
Dịch COVID-19 tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam
Thời báo kinh tế này nhấn mạnh, trong năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia có thành tích chống dịch tốt nhất thế giới và điều này đã gây ấn tượng mạnh với những nhà đầu tư và giới quan sát quốc tế.
Tuy nhiên, làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ tư diễn ra từ cuối tháng 4 năm nay đã đặt đất nước vào tình thế khó khăn với những chuỗi ngày giãn cách, cách ly xã hội ngày càng nghiêm ngặt.
Điểm mấu chốt chính là, tình hình dịch bệnh đã buộc nhiều nhà máy, từ nơi sản xuất giày cho Nike đến cơ sở sản xuất điện thoại cho Samsung, phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì trong thời kỳ dịch bệnh nhờ hội nhập với nền sản xuất toàn cầu. Trong năm 2020, GDP cả nước tăng 2,9% bất chấp việc nhiều nước khác phải chịu suy thoái sâu.
Và mặc cho đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng đang xảy ra, nền kinh tế năm nay vẫn có thể đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới đưa ra hôm 24/8, Việt Nam kỳ vọng mức tăng 4,8% trong năm 2021.
“Thành tích này của Việt Nam thực sự ấn tượng”, The Economist nhấn mạnh.
Quốc gia Đông Nam Á đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhờ sự cởi mở trong thương mại và đầu tư. Chính điều này đã mang lại tăng trưởng đáng kể và kéo dài.
Đồng thời, Việt Nam góp mặt trong top 5 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua, vượt qua các nước láng giềng.
Tờ báo nêu rõ, jhông như các thị trường cận biên khác, các thành tựu tăng trưởng của Việt Nam duy trì ổn định. Chính phủ đặt ra mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia thu nhập cao năm 2045, một mục tiêu tham vọng đòi hỏi mức tăng trưởng GDP duy trì ở ngưỡng 7%/năm.

Kinh tế Việt Nam khác Trung Quốc như thế nào?

The Economist lưu ý rằng, nhiều nhà quan sát vẫn thường so sánh Việt Nam với Trung Quốc vào những năm 1990 hoặc đầu những năm 2000.
“Lý do là bởi cả hai có sự tương đồng về chế độ chính trị, và đều tập trung vào tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Dù vậy, giữa hai quốc gia vẫn có những khác biệt đáng kể”, thời báo kinh tế khẳng định.
Khác biệt đầu tiên phải kể đến đặc trưng nền kinh tế có độ mở cao, nổi bật với xu hướng “xuất siêu” của Việt Nam.
Việt Nam vượt Singapore, quy mô nền kinh tế có thể vượt mốc 500 tỷ USD năm 2021
Thời báo kinh tế nhắc lại thực tế rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa của đất nước (vốn từng nhiều lần lập kỷ lục – PV), thậm chí vượt ngưỡng 200% GDP.
Cần khẳng định rằng, hiếm có nền kinh tế nào trên thế giới làm được điều tương tự. Theo The Economist, rất ít quốc gia có độ mở của nền kinh tế lên đến hơn 200% GDP như Việt Nam, trừ các nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên hay sở hữu những trung tâm thương mại lớn của khu vực và toàn cầu, nắm ưu thế từ giao thương hàng hải, đã hoặc đang từng có mức thâm hụt thương mại lớn như thế.
Không chỉ kim ngạch, mức độ xuất khẩu mà khác biệt còn năm ở bản chất các nhà xuất khẩu của hai nước. Từ năm 1990, Việt Nam đã nhận được dòng vốn từ giới đầu tư nước ngoài (FDI) trung bình khoảng 6% GDP mỗi năm, gấp hơn 2 lần mức toàn cầu. Con số này cao hơn nhiều so với Trung Quốc hay Hàn Quốc trong suốt thời gian dài.
Một trong những lý do biến Việt Nam trở thành thiên đường thu hút vốn FDI chính là chi phí lao động thấp và tỷ giá hối đoái ổn định, trong bối cảnh mức lương của các nước Đông Á khác ngày càng tăng.
Điều này đã tạo nên sự bùng nổ xuất khẩu trong suốt thập kỷ qua, khi xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 137%, còn xuất khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tăng 422%.
Dù vậy, khoảng cách đang gia tăng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đã và đang đe dọa sự phát triển của Việt Nam. Các công ty trong nước hoạt động kém hiệu quả, trong khi số khác phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu của các công ty nước ngoài.
Trong quá trình phát triển của mình, các công ty nước ngoài đã cung cấp nhiều việc làm cho lao động Việt Nam. Tuy vậy, hoạt động của họ vẫn có giới hạn trong thúc đẩy Việt Nam phát triển.
The Economist nhấn mạnh rằng, vấn đề đặt ra với Việt Nam là một khu vực dịch vụ năng suất và hiệu quả. Theo đó, một khi mức sống tăng lên, kéo theo cả chi phí lao động, Việt Nam có thể sẽ kém hấp dẫn hơn với các nhà sản xuất nước ngoài theo thời gian và người lao động sẽ cần những cơ hội khác. Đó là nguyên lý của nền kinh tế thị trường – làm ăn thì lúc nào cũng phải tính đến lợi nhuận.

“Những nhà vô địch quốc gia”

Theo phân tích của The Economist, phần của lực cản đối với các doanh nghiệp Việt Nam đến từ các doanh nghiệp nhà nước.
Không đặt so sánh “tư nhân – nhà nước”, tuy nhiên, thực tế, tầm quan trọng của các doanh nghiệp đối với hoạt động và việc làm của đất nước cũng bị thu hẹp. Nhưng họ vẫn có tác động lớn đến nền kinh tế thông qua vị thế ưu tiên trong hệ thống ngân hàng, cho phép vay với lãi suất ưu đãi.
Chính Covid-19 đã chứng minh sức mạnh nền kinh tế Việt Nam
Điều đáng nói là các ngân hàng bù đắp cho khoản cho vay không hiệu quả đó bằng cách tính lãi suất cao hơn cho các công ty trong nước khác. Trong khi các công ty nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ở nước ngoài, lãi suất cho vay ngân hàng trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam bình quân đã lên tới 10,25% trong năm ngoái.
The Economist cũng dẫn nghiên cứu gần đây của các học giả tại Trường Kinh tế London cũng cho thấy rằng mức tăng năng suất trong 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 sẽ cao hơn 40% nếu không có các doanh nghiệp nhà nước.
Thời gian qua, để thúc đẩy khu vực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cũng muốn nuôi dưỡng các tập đoàn tương tự như chaebol của Hàn Quốc hoặc keiretsu của Nhật Bản, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Chính phủ đang cố gắng tạo ra những nhà vô địch quốc gia”, TS. Lê Hồng Hiệp, Thành viên cấp cao Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), bình luận.
Vị chuyên gia cho rằng, Vingroup là ứng cử viên rõ nhất. Họ có VinPearl, VinSchool và Vinmec với hoạt động trải dài trên các lĩnh vực du lịch, giáo dục và y tế. VinHomes, mảng bất động sản, là công ty tư nhân niêm yết lớn nhất Việt Nam tính theo vốn hóa thị trường.
Ngoài ra, các nỗ lực sản xuất ôtô thông qua công ty VinFast của Vingroup, có thể đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia thường được biết đến với ngành sản xuất trung gian như Việt Nam, theo The Economist.
Trong tháng 7 vừa qua, chiếc xe Fadil của VinFast đã trở thành mẫu xe bán chạy nhất của Việt Nam, đánh bại những gã khổng lồ về xe hơi thế giới khác như BMW, Toyota, GM…
Như đã biết, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng có tham vọng lớn ở nước ngoài. Vào tháng 7, công ty thông báo đã mở văn phòng ở Mỹ, châu Âu và dự định bán xe điện ở đó vào tháng 3/2022 tới đây với quyết tâm tạo được vị thế nhất định ở những thị trường này.
“Tuy vậy, phát triển định hướng cả các nhà vô địch quốc gia trong khi vẫn cởi mở với đầu tư nước ngoài không phải là điều dễ dàng”, theo The Economist.
Hồi tháng 8, Chính phủ cho biết đang xem xét khôi phục việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất trong nước.
Thời báo này cũng nhấn mạnh, việc trở thành thành viên của CPTPP cũng như một loạt các thỏa thuận thương mại và đầu tư khác như EVFTA… có nghĩa là Việt Nam không thể dành ưu đãi chỉ cho các nhà sản xuất trong nước.
“Họ cũng phải mở rộng hỗ trợ cho các công ty nước ngoài sản xuất ôtô tại Việt Nam”, The Economist lưu ý, nhấn mạnh đến yếu tố cuộc chơi công bằng.

Kiều hối đối với nền kinh tế Việt Nam

Theo đó, đất nước Việt Nam còn có thể dựa vào một nguồn tăng trưởng khác – ngoại hối.
Cần khẳng định rằng, Việt Nam là một trong số các nước nhận nhiều kiều hối nhất thế giới.
The Economist phân tích, sự bùng nổ kinh tế đã khuyến khích cộng đồng kiều bào đầu tư, hoặc thậm chí trở về nhà.
“Không có nhiều nền kinh tế đang trải qua điều tương tự như Việt Nam”, Andy Ho của VinaCapital, một công ty đầu tư với tài sản 3,7 tỷ USD, đánh giá với The Economist.
Việt Nam vào top 15 nền kinh tế phục hồi tốt nhất thế giới hậu Covid-19
Gia đình doanh nhân Andy Ho chuyển đến Mỹ vào năm 1977, nơi ông được đào tạo và làm việc trong lĩnh vực tư vấn và tài chính và trở về nước vào năm 2004.
Đồng thời, Việt Nam giờ trở thành một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới, với 17 tỷ USD vào năm ngoái, tương đương 6% GDP.
Ở đây, Sputnik xin lưu ý, hồi giữa tháng 5/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật dữ liệu kiều hối toàn cầu tháng 5/2021.
Theo World Bank, tổ chức này đã điều chỉnh ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 từ mức 15,7 tỷ USD trong báo cáo hồi tháng 10/2020 lên đến 17,2 tỷ USD. Đặc biệt, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Thương mại và FDI có làm Việt Nam giàu lên?

Trong bài phân tích của mình, The Economist nêu rõ, gác lại Covid-19 sang một bên, không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực, phấn khởi về Việt Nam.
“Việt Nam dường như đang trong giai đoạn đầu của việc phấn đấu thành một phép màu ở khu vực Đông Á (và châu Á – PV). Nhưng cần lưu ý rằng, không có quốc gia nào trở nên giàu có chỉ nhờ kiều hối”, tạp chí nhấn mạnh.
Ai nói Việt Nam sẽ không thể là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới?
The Economist khẳng định, một khi Việt Nam phát triển, việc duy trì tăng trưởng nhanh chóng từ xuất khẩu của các công ty nước ngoài sẽ ngày càng trở nên khó khăn, và căng thẳng giữa việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài và thúc đẩy “các nhà vô địch quốc gia” sẽ dần gay gắt hơn.
“Tất cả những yếu tố trên khiến cho việc cải cách khu vực kinh tế tư nhân trong nước và hệ thống tài chính là điều tối quan trọng. Nếu không có nó, mục tiêu cao cả của Chính phủ Việt Nam là làm giàu nhanh chóng có thể sẽ nằm ngoài tầm với”, theo The Economist.
Báo cáo hồi đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, qua gần 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, kinh tế tư nhân, đặc biệt lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chính phủ đồng thời cũng giao Bộ KH&ĐT xây dựng Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” với mục tiêu chính là đề xuất hệ thống giải pháp đổi mới toàn diện quản lý nhà nước thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nền kinh tế Việt Nam trong cú sốc Covid-19: Tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao
Các chuyên gia cho rằng, để nền kinh tế đất nước lớn mạnh, không chỉ mãi phụ thuộc vào xuất khẩu, vào FDI, nguồn kiều hối hay các yếu tố nước ngoài.
Các doanh nghiệp – cũng như từng tế bào trong cơ thể, từng mắt xích trong dây chuyền, họ khỏe, nền kinh tế sẽ vận hành tốt. Cần có sự kết nối, hài hòa phát triển giữa khối tư nhân và nhà nước, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất, gắn kết chặt chẽ với nhau – doanh nghiệp lớn dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ - để làm sao hình thành mạng lưới cung ứng hỗ trợ cho nhau, tránh phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.
Đã đến lúc nền kinh tế Việt Nam thôi “phòng thủ”, hướng đến xây dựng và tập trung phát triển sức mạnh nội tại, để không thất bại ngay chính trên sân nhà khi đất nước ngày càng hội nhập.
Thảo luận