Trước việc có nhiều người chê cười giấc mơ Việt Nam thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng Quản trị FPT đã nêu lý do vì sao, dự báo của PwC, CEBR rằng đến năm 2050 Việt Nam sẽ thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới với thu nhập cao trên 12.535 USD là hoàn toàn có cơ sở.
Kinh tế Việt Nam đang bỏ xa nhiều nước láng giềng khu vực
Trong khi cả thế giới đang vật lộn chống lại đại dịch Covid-19 thì Việt Nam đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế tích cực, nổi bật hàng đầu châu Á ngay trong năm 2020.
Việt Nam hiện đang bứt tốc, phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP đột phá để thành một quốc gia thịnh vượng, một ‘con rồng’ mạnh ở châu Á, trong đó, ưu tiên của Chính phủ vẫn là người dân, vì chính con người mới là tài sản quý giá nhất.
Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đang lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ toàn diện hướng đến các mục tiêu dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, vươn lên vào top các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đời sống người dân được đảm bảo và cải thiện.
Giám đốc Đầu tư khu vực của Công ty Quản lý tài sản toàn cầu UBS trong cuộc trao đổi với hãng CNBC của Mỹ khẳng định, triển vọng kinh tế Việt Nam là vô cùng tích cực với tiềm năng to lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng đang vượt xa nhiều nước láng giềng trong khu vực.
Theo các chuyên gia, những năm vừa qua, người ta hay nhắc đến Việt Nam trong vai trò “trung tâm sản xuất thay thế” cho các doanh nghiệp quốc tế muốn giảm sự lệ thuộc vào chính phủ Trung Quốc, dịch chuyển sản xuất ra khỏi Đại Lục, tránh bị cuốn vào cuộc xung đột, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng hết sức tươi sáng. Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được dự báo tăng trưởng hết sức tích cực khi năm 2021 có thể về đích ở mức tăng GDP 6,5%.
Dự báo được TS. Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới và nhóm nghiên cứu của WB căn cứ dựa trên giả định rằng dịch Covid-19 được kiểm soát và vaccine chống Covid-19 đạt hiểu quả, kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các lĩnh vực tài khóa, tài chính và xã hội.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất do Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC phát hành vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay 7,6%.
Dù đối mặt với áp lực lạm phát có khả năng tiếp tục ở mức vừa phải, trung bình khoảng 3,3%, thấp hơn mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước, nhưng Ngân hàng HSBC tin rằng, Việt Nam có thể hưởng lợi từ các FTA, dòng vốn FDI ổn định và công nghệ sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế thần kỳ.
Trong khi đó, theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp).
“Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”, Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định.
Việt Nam đang thực hiện chiến lược mà nhóm “Con hổ châu Á” khác đã làm
Trong một diễn biến khác, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital Michael Kokalari cho rằng, Việt Nam đã xử lý rất tốt và thành công với việc kiểm soát các làn sóng đại dịch Covid-19. Do đó, VinaCapital cho rằng, GDP Việt Nam có thể kỳ vọng mức tăng trưởng 6,5% - 7% trong năm 2021 này.
Dự báo của chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital dựa trên các cơ sở như tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam đang phục hồi và sẽ tăng trưởng ở mức 8-9% năm nay so với mức 0% của năm ngoái (đóng góp 66% vào tăng trưởng GDP), sản xuất trong nước sẽ phục hồi và sự tăng trưởng 12% năm nay so với mức tăng 5,8% năm 2020 (đóng góp 20% vào tăng trưởng GDP).
“Việt Nam hiện đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là cách mà các nền kinh tế thuộc nhóm “Con hổ châu Á” khác đã làm, vì vậy yêu cầu tăng mạnh các sản phẩm xuất khẩu là cần thiết cho sự phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam”, chuyên gia Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại VinaCapital khẳng định.
Vị chuyên gia cũng phân tích, công việc được trả lương khá cao, thu nhập của người dân tốt hơn dẫn đến tiêu dùng nhiều hơn, do đó, kéo theo chuỗi tăng trưởng khác như giá cổ phiếu doanh nghiệp tiêu dùng, ngân hàng, các ngành liên quan cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng tiêu dùng trong nước.
Đáng chú ý, theo nhóm nghiên cứu của VinaCapital, người Mỹ rất chuộng các sản phẩm có dán nhãn “Made in Vietnam”. Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố số liệu cho biết, doanh số bán lẻ tháng 1/2021 của Mỹ đã tăng mạnh so với dự kiến, do đó đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt khi nhu cầu hàng hoá “made in Vietnam” từ Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu ngày càng tăng.
Cùng với đó, doanh số bán lẻ hàng hoá có xuất xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng đột phá 70% so với cùng kỳ năm trước đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh, trong đó xuất khẩu hàng điện tử tăng tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này giúp cho cán cân thương mại của Việt Nam từ mức thâm hụt 300 triệu USD vào tháng 1/2020 lên mức thặng dư 2,1 tỷ USD vào tháng 1/2021.
Đồng thời, không chỉ làm ăn tốt với Mỹ, hàng hoá của Việt Nam cũng được tiêu thụ mạnh tại liên minh châu Âu khi tăng tới 55% trong tháng 1/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Vừa qua, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố mức dự báo GDP năm 2021 của Việt Nam tăng 7 – 7,5%. Triển vọng tăng trưởng thời gian sắp tới là rất lớn.
Nói thế để thấy, hoàn toàn có cơ sở tin vào những bước phát triển mới của Việt Nam.
Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khẳng định trong buổi gặp gỡ trí thức, doanh nghiệp với chủ đề “Đối thoại 2045” hôm 6/3 vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đang kêu gọi một cuộc “Tổng động viên” sức mạnh hàng trăm triệu dân cũng như kiều bào cùng giúp sức để tạo một Việt Nam hùng cường.
“Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng di nguyện của Bác về một Việt Nam vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu sẽ trở thành hiện thực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Vẫn có người chê bai giấc mơ “hóa rồng” của Việt Nam
Trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thế hệ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều đang kêu gọi huy động mọi sức mạnh để Việt Nam hùng cường, thì vẫn có người chê bai giấc mơ “hóa rồng” của Hà Nội, cho rằng, Việt Nam khó mà lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vài chục năm nữa.
Đặt câu hỏi “vì sao lại cười khẩy giấc mơ Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới”?, chuyên gia Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT FPT đã dẫn chứng nhiều luận điểm sắc bén, phân tích quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam cùng dự báo tương lai dựa trên những cơ sở nền tảng đã có.
Theo vị chuyên gia, có nhiều người Việt không tin tưởng vào mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, đạt trên 12.535 USD cũng như việc Việt Nam có thể lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đến năm 2050.
Ông Bảo nhận xét, rất nhiều người Việt “nhất định không tin” dự báo của CEBR (UK) rằng năm 2035 Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới và ở vị trí thứ 2 khu vực Đông Nam Á tính theo giá thị trường thời điểm hiện nay chứ không phải theo ngang giá sức mua (PPP).
Như chúng tôi đã thông tin trước đó, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR – tổ chức có 25 năm kinh nghiệm trong cung cấp các phân tích và dự báo kinh tế độc lập với độ chính xác cao cho hàng trăm công ty tư nhân cũng như các tổ chức Chính phủ) của Anh quốc dự báo Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới năm 2035.
Theo CEBR, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025, 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc và Thái Lan.
Sao lại chê cười giấc mơ lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới của Việt Nam?
Ông Đỗ Cao Bảo phân tích, dự báo mà CEBR đưa ra có nghĩa là đến năm 2035, nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô 1.539 tỷ USD, đứng thứ 19 thế giới, vượt trên Đài Loan, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore.
Đáng chú ý, nếu đúng theo dự đoán, Việt Nam sẽ còn vượt cả hàng loạt quốc gia khác như Israel, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Hungary, CH Séc, Rumani, Na Uy, Áo, Đan Mạch, Hy Lạp, Bỉ, Argentina, Bồ Đào Nha, Nam Phi hay UAE.
Thành viên HĐQT FPT nhấn mạnh, đúng là tranh luận về tương lai 15-25 năm nữa, về những con số và thứ hạng kinh tế của tương lai thì hiển nhiên mỗi quan điểm đều phụ thuộc rất lớn vào góc nhìn của mỗi người, rất khó thống nhất.
Theo vị chuyên gia, cách tốt nhất là hãy xem trong quá khứ 25 năm qua Việt Nam đã làm được những gì, có thành tựu tăng trưởng kinh tế nào.
Ông Bảo dân lại những con số “thần kỳ” của nền kinh tế Việt Nam sau 25 năm. Theo đó, năm 1995, GDP đầu người đạt 358,7 USD, đứng thứ 175/195 quốc gia khi đó, Việt Nam là một trong 20 quốc gia nghèo nhất thế giới.
GDP quốc gia năm 1995 chỉ đạt 26,4 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 58 thế giới, thứ 6 Đông Nam Á.
“Viettel là công ty kéo cáp thuê cho VNPT, Vingroup, Thế giới di động, Trường Hải, Vietjet, Sungroup, Masan chưa ra đời. FPT, Hoà Phát, Doji, VPBank, Techcombank chỉ bé bằng 1/100 các tổng công ty và các ngân hàng Nhà nước”, Ông Bảo nhắc lại.
Nhưng sau 25 năm thì sao? Theo vị chuyên gia, GDP đầu người năm 2020 đã đạt 3.497 USD, đứng thứ 121/195 quốc gia (tăng 54 bậc).
GDP quốc gia của Việt Nam đạt 340,6 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 37 thế giới (tăng 21 bậc), thứ 4 Đông Nam Á (vượt 2 bậc).
Đến nay, Viettel, FPT là công ty Viễn thông và công ty IT lớn nhất Đông Nam Á. VPBank, Techcombank lợi nhuận đã lớn hơn cả BIDV và Agribank. Khối doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng 40% GDP, chiếm 85% lực lượng lao động ở Việt Nam hiện tại.
“Số liệu trên đã chỉ ra rằng sau 25 năm, thu nhập đầu người Việt Nam đã cao gấp 9,75 lần, tăng 54 hạng (từ 175 lên 121, trong ASEAN vượt qua Philippines) và về quy mô nền kinh tế lớn gấp 12,9 lần, vượt qua 21 quốc gia (trong khu vực chỉ có Singapore và Malaysia)”, ông Đỗ Cao Bảo phân tích.
Theo vị chuyên gia, điều này có nghĩa rằng 25 năm qua (1995-2020) Việt Nam đã làm được kỳ tích.
“Việt Nam đã đưa nền kinh tế tăng gấp 10 lần cả về quy mô lẫn mức sống của người dân, tăng 21 hạng về quy mô nền kinh tế và tăng 54 hạng về thu nhập đầu người (thịnh vượng) trên bảng xếp hạng các quốc gia”, thành viên HĐQT FPT bày tỏ.
Vậy tại sao lại không dám mơ, không dám tin rằng, trong 25-30 năm tới Việt Nam có thể làm nên kỳ tích tương tự.
Vị chuyên gia chỉ rõ điều kiện tiên quyết chính là phải có khát vọng đủ lớn, tiếp tục đổi mới, cải cách về thể chế, tiếp tục tự do hoá nền kinh tế, đẩy mạnh kinh tế tư nhân, đẩy mạnh khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa.
Theo chuyên gia Đỗ Cao Bảo, khi rất nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo triển vọng tươi sáng và vị trí đáng tự hào của kinh tế Việt Nam trong 15-25-30 năm nữa thì thái độ đúng đắn nhất của mỗi người Việt Nam là bàn cách làm sao biến các dự báo của các thể chế tài chính toàn cầu kia trở thành hiện thực.
“Hãy tích cực tham dự, là một phần của quá trình đổi thay kỳ diệu ấy chứ không phải là người đứng bên lề rồi hoài nghi hay cười khẩy”, ông Đỗ Cao Bảo thẳng thắn.
Trước đó, chia sẻ với Sputnik Việt Nam, GS. Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng lọt top 20 nền kinh tế thế giới.
Theo vị chuyên gia Nga, cùng với việc tăng cường thu hút đầu tư, tỷ lệ dân số trẻ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam còn đang tiến tới xây dựng nền kinh tế quốc dân hoàn chỉnh, chứ không chỉ ưu tiên một số ngành kinh tế mũi nhọn. Điều đó tạo được thế cân bằng và sự phát triển ổn định, lâu dài.
Ngoài ra, Việt Nam có được sự ổn định chính trị - xã hội – điều mà giới phân tích phương Tây thường quên mất – tạo điều kiện thuận lợi cho những biến đổi tích cực trong nước.