Ngành công nghiệp xe điện Việt Nam sẽ đi về đâu?

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên có doanh nghiệp nội địa (VinFast) sản xuất thành công ô tô điện, đồng thời, đang đứng trước cơ hội vươn lên dẫn đầu trong ngành công nhiệp sản xuất xe điện ở khu vực và thế giới.
Sputnik
Việt Nam cần làm gì để nắm bắt thời cơ, cơ hội vàng phát triển ngành công nghiệp sản xuất xe điện?

Lộ trình phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam

Việt Nam có cơ hội vươn lên dẫn trước trong ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô điện ở khu vực và thế giới khi gần như đang ở cùng điểm xuất phát với nhiều quốc gia. Đất nước đang đứng trước cơ hội vàng phát triển ngành xe điện.
Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” do Báo Giao thông phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) diễn ra hôm nay ngày 3/9 theo hình thức trực tuyến.
Vinbus lăn bánh - khởi đầu cho cách mạng xe bus điện tại Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, nhiều nước trên thế giới hiện đã xây dựng lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh như xe điện, xe tự lái.
“Là đất nước với quy mô gần 100 triệu dân và xe điện chưa phát triển, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng cho các loại phương tiện thân thiện với môi trường trong tương lai gần”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Ngày 16/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1168/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Theo Quyết định này, Chính phủ xác định rõ mục tiêu khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông” của đất nước.
Xét trên tình hình thực tế, Việt Nam hiện đã và đang tích cực tham gia các Hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường, đất nước cũng có nhiều thuận lợi đồng thời là thị trường tiềm năng để phát triển xe điện, phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.
Vì sao xe điện VinFast VF e34 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gây ‘sốt’ ở Việt Nam?
Tuy nhiên, làm sao để có thể phát triển loại hình phương tiện mới này an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông, thì cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, mà trước hết, Chính phủ sẽ lắng nghe quan điểm, tham luận, góp ý của các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học và doanh nghiệp xe điện tại Việt Nam.
Với chính sách tạo điều kiện cho xe điện phát triển, hàng loạt các hãng như VinFast, Mitsubishi, Honda đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như Hybrid, xe máy điện, ô tô điện... đi trước đón đầu chờ lộ trình về chính sách, hạ tầng để sản xuất thương mại.
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nhận định rằng, hướng phát triển xe điện tại Việt Nam đã có nhưng còn có rào cản nhất định, đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam gần như chưa có.
Xe điện đến nay mới nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương, ở Việt Nam, hiện chưa có doanh nghiệp nào ngoài VinFast, đơn vị thành viên của Vingroup, sản xuất, lắp ráp xe điện thì nhìn chung, “các dòng xe điện hóa chưa phổ biến”.
Vingroup logo
Thống kê sơ bộ cho thấy, số lượng xe điện hóa (hybrid, hybrid sạc ngoài và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn ít ỏi.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, năm 2019 chỉ có 140 xe điện được đăng ký, năm 2020 tăng lên 900 xe. Đến hết quý I-2021 mới có thêm 600 xe. Đáng chú ý, tất cả đều là xe nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid và xe điện chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Việt Nam có thể vươn lên dẫn trước trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển Trạm sạc VinFast cho biết, từ tháng 4/2021, công ty này đã bắt đầu ra mắt thị trường các sản phẩm xe điện.
Cùng với việc phát triển sản phẩm, VinFast đã phát triển hệ thống trạm sạc tại các địa phương, xưởng dịch vụ cho thuê pin xe điện. Đây là những hạ tầng cốt yếu để xe điện hoạt động.
VinFast Việt Nam chính thức được cấp phép thử nghiệm xe điện tự hành tại Mỹ
Theo bà Phan Thị Thùy Dung, dự kiến hết năm 2021, VinFast quy hoạch 2.121 vị trí trạm sạc ở 63 tỉnh thành, với hơn 2.000 trạm sạc, gần 40.000 cổng sạc tại các chung cư, cây xăng, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, trường học.
Các thiết bị sạc mà VinFast sử dụng gồm AC 11KW, sạc nhanh DC30KW, sạc nhanh DC 60KW và sạc siêu nhanh DC 250KW đạt tiêu chuẩn châu Âu. Tiến độ triển khai đến tháng 6/2021 đã có 455 vị trí tại 60/63 tỉnh thành của cả nước.
“Với trạm sạc VinFast, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận mạng lưới trạm sạc phủ khắp toàn quốc. Ngoài các trạm sạc công cộng, VinFast sẽ cung cấp bộ thiết bị chuyển đổi điện để phục vụ sạc tại nhà”, bà Dương thông tin.
Liên quan đến yếu tố thị trường, bà Phan Thị Thùy Dương nhấn mạnh, Việt Nam gần như đang ở cùng xuất phát điểm về thị trường xe điện với các nước trong khu vực.
Song, Việt Nam là nước đầu tiên có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, các nước lân cận gần như chưa có. Việt Nam có cơ hội để vươn lên dẫn trước trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện. Đây là cơ hội để ngành sản xuất xe điện trong nước bắt kịp xu thế, trước khi hoàn thiện hành lang pháp lý và hạ tầng.
“Với tiềm năng phát triển nguồn điện sạch và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện cùng các yếu tố bên ngoài, được coi là cơ hội “Vàng” để phát triển ngành ô tô điện Việt Nam”, bà Dương nhấn mạnh.
Đại diện VinFast cho rằng, nếu chậm trễ một hai năm nữa, khi các nước trong khu vực đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi có một không hai này.
VinFast cũng nhấn mạnh, Việt Nam còn tiềm năng rất lớn phát triển nguồn điện sạch từ điện gió, điện mặt trời, đây đều là những cơ sở quan trọng để thực hiện xe điện hóa.
Vinfast.
Thông tin thêm tại Hội thảo, bà Phan Thị Thùy Dương cho rằng, các nước trên thế giới đã đầu tư cho phát triển xe điện và số lượng xe này đã tăng 4 lần từ năm 2015 đến năm 2020. Ngoài ra, không chỉ có ở châu Âu, bên Mỹ, mà cả các quốc gia lân cận với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản đều ban hành các chính sách rất cụ thể, dành nhiều ưu đãi cho sản xuất, ưu đãi trực tiếp cho người dùng (miễn giảm thuế, tài trợ tiền cho người mua xe…).
VinFast ‘đấu’ Tesla: Liệu xe điện của ông Phạm Nhật Vượng có thành công ở Mỹ, châu Âu?
Bên nước ngoài cũng đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng trạm sạc để khuyến khích chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Bà Thùy Dung cũng nhấn mạnh, căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung tạo ra làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam cùng các nước lân cận. Nhân cơ hội này, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đang chạy đua để thu hút đầu tư. Do đó, Việt Nam không thể chậm trễ một hai năm nữa khi các quốc gia láng giềng đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng, Việt Nam sẽ dễ bị tụt hậu.
Đưa ra kiến nghị tại Hội thảo, đại diện VinFast cho biết, cùng với việc phát triển mạng lưới trạm sạc trong tiến trình chung phát triển ngành xe điện, Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, đưa trạm sạc, nạp pin thành một hạng mục bắt buộc có trong hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng đô thị.
Lãnh đạo VinFast đề nghị bổ sung quy định bắt buộc “có bố trí khu vực ưu tiên cho phương tiện chạy bằng điện và trạm sạc (nạp) pin” tại các bãi đỗ xe, các công trình công cộng, dịch vụ, các khu chung cư, trung tâm thương mại, các tòa nhà cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thời gian tới.
“Cùng với đó là đưa quy hoạch trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị và quy hoạch mạng lưới hạ tầng điện đi kèm theo một cách đồng bộ”, bà Phan Thị Thùy Dương nhấn mạnh.

Đã đến lúc cần có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về xe điện

Tại Hội thảo, ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) nêu quan điểm, cần sớm hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn.
VinFast bắt đầu có "động thái lạ" ở Bắc Mỹ và Châu Âu
Trước quy mô ngày càng phát triển của dòng xe điện đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam đòi hỏi Việt Nam phải có một hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đầy đủ và hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới để có thể đáp ứng phù hợp với tiến trình và kích thích sự phát triển của đối tượng xe này.
Ông Phương nhấn mạnh, hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia hiện có trên 13.000 tiêu chuẩn, bao gồm cả TCVN về xe điện.
Với mức độ hài hoà chung so với tiêu chuẩn quốc tế của tổng số tất cả các tiêu chuẩn khoảng 60%. Hệ thống các TCVN về xe điện chính là công cụ hỗ trong công tác quản lý Nhà nước, định hướng cho các nhà sản xuất lắp ráp, công nghiệp phụ trợ và góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sản phẩm xe điện.
Bộ Giao thông Vận tải đã có chủ trương xây dựng các quy định liên quan đến xe điện như an toàn điện, động cơ, pin, hệ thống điều khiển, an toàn thông tin, chuẩn sạc ….
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng trên cơ sở hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, rà soát, cập nhật các quy định quản lý, khai thác phương tiện giao thông điện trong quá trình xây dựng Luật giao thông đường bộ sửa đổi tới đây, Luật chất lượng hàng hóa, Luật Bảo vệ môi trường mới được quốc hội thông qua năm 2020, Luật đầu tư...).

Kịch bản nào phát triển ngành công nghiệp xe điện Việt Nam?

Nhận định về tiềm năng thị trường xe điện, ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, cũng như các quốc gia phát triển về xe điện hóa, trạm sạc là yếu tố tiên quyết cho xe điện Việt Nam.
Ô tô VinFast, Honda, Toyota… đồng loạt giảm giá
Mặc dù vậy, cơ sở hạ tầng dành cho xe điện Việt Nam chưa sẵn sàng do chưa có trạm sạc dù là công cộng hay tư nhân. Đồng thời, theo ông Quyết, trạm sạc cần phải có yêu cầu về chi phí hợp lý và có sự hỗ trợ từ Chính phủ để các trạm sạc này bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý cho khách hàng.
Ông Đào Công Quyết cũng đề xuất 3 kịch bản lộ trình và các chính sách hỗ trợ phát triển xe điện, tham khảo kinh nghiệm của các nước.
Cụ thể, kịch bản nhanh tương tự Thái Lan đang áp dụng, bắt đầu quá trình xe điện hóa từ năm 2025 cho đến khi đạt 100% xe điện hóa năm 2035. Kịch bản trung bình sẽ bắt đầu quá trình xe điện hóa từ 2025 cho đến khi đạt 100% xe điện hoá năm 2045 và kịch bản cơ bản mà Indonesia đang áp dụng là bắt đầu quá trình xe điện hóa từ 2025 cho đến khi đạt 100% xe điện hóa vào năm 2050.
Căn cứ vào thị trường ô tô tại Việt Nam đã đạt doanh số khoảng 416.000 xe, VAMA đề xuất lộ trình phát triển xe điện hóa theo từng giai đoạn.
Đầu tiên từ 2021 - 2030 là giai đoạn khởi đầu sẽ đạt mức cơ giới hóa vào năm 2028 xấp xỉ 1 triệu xe các loại và xe động cơ đốt trong vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lượng xe điện hóa sẽ tăng dần lên.
Giai đoạn thứ từ năm 2030 - 2040 là giai đoạn tăng trưởng nhanh và lượng xe điện hoá sẽ tăng mạnh, đạt 100% vào giai đoạn 3 từ năm 2040 - 2050 tăng trưởng ổn định.
Về các chính sách hỗ trợ, VAMA đề xuất các chính sách cơ bản cho từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn khởi đầu (2021 - 2030), để khuyến khích nhu cầu thị trường cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt hài hoà cho các loại xe điện nhắm phát triển thị trường, giảm lệ phí trước bạ 50% cho dòng xe HEV (xe hybrid có trang bị động cơ điện và cơ bản sử dụng động cơ đốt trong), 70% cho dòng xe PHEV (xe hybrid sạc ngoài, có động cơ điện được sạc sử dụng nguồn năng lượng sạc điện, được trang bị động cơ đốt trong để sử dụng trong trường hợp nguồn điện của xe suy giảm), 100% cho dòng xe BEV (xe điện hoàn toàn) và hỗ trợ khách hàng phí đỗ xe, thuế môi trường… đối với tất cả các loại xe điện.
Khi chúng ta đã bước sang giai đoạn tăng trưởng nhanh (2030 - 2040) cần hỗ trợ tài chính cho sản xuất và hoạt động của trạm sạc nhanh và hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất các loại xe điện.
Vào đến giai đoạn tăng trưởng ổn định (2040 - 2050) tập trung ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện chạy pin và giảm lệ phí trước bạ cho dòng xe này, đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất và hoạt động của các trạm sạc nhanh.

Bộ Tài chính nêu 3 giải pháp về điều chỉnh, thay đổi phí trước bạ xe điện

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính ông Trương Bá Tuấn đưa ra đề xuất có những chính sách phù hợp để phát triển cơ sở hạ tầng cho xe ô tô điện như: hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp nguồn điện sạch cho các trạm sạc điện.
So sánh VinFast và Tesla: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nói gì?
Vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra ba giải pháp về điều chỉnh thay đổi phí trước bạ xe điện để đánh giá tác động.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ Tài chính, Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đánh giá tác động của đề xuất ưu đãi phí trước bạ đối với xe ô tô điện sử dụng pin tại Việt Nam. Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ liên ngành cần đánh giá kinh nghiệm của các nước đã, đang và sẽ áp dụng cho xe điện để xây dựng chính sách cho Việt Nam.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với xe điện thay vì giải pháp miễn hoàn toàn hoặc đánh phí từ 10-12% như hiện nay. Cụ thể, đối với phương án giảm 50% phí trước bạ, nếu VinFast sản xuất, lắp ráp đủ công suất hơn 250.000 chiếc/năm, với giá xe là 690 triệu đồng/chiếc, với phí trước bạ 5%, số thu ngân sách địa phương của lệ phí trước bạ là hơn 8.600 tỷ đồng.
Phương án giữ nguyên lệ phí trước bạ 10-12% như hiện nay, số thu ngân sách các địa phương ước tính là hơn 17.250 tỷ đồng. Còn phương án miễn hoàn toàn lệ phí trước bạ, ngân sách trung ương mất hơn 17.250 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, các giả định này gần như không thể xảy ra trên thực tế.
Ngoài ra, cơ quan này cho biết, nếu miễn lệ phí trước bạ cho xe ô tô điện chạy pin, sẽ ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của địa phương.
Cơ quan này cho rằng, không phải cổng cắm sạc của các loại xe điện đều được tạo ra giống nhau nên việc phát triển hệ thống trạm sạc có thể đáp ứng nhu cầu sạc điện cho tất cả các loại xe điện sẽ là thách thức không nhỏ.
Theo đó, nếu miễn phí trước bạ ô tô điện thì nhu cầu sử dụng ô tô điện sẽ tăng chủ yếu ở những đô thị lớn - nơi có hạ tầng giao thông phát triển, vậy nên số lượng ô tô điện sẽ tăng không quá lớn.
Sự tác động cụ thể đến số thu ngân sách Nhà nước của việc thực hiện ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô điện ở mỗi địa phương sẽ là khác nhau và còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như việc phát triển hạ tầng giao thông cho ô tô điện, mức giá ô tô điện của mỗi hãng sản xuất, mức thu lệ phí trước bạ cụ thể của mỗi địa phương, thu nhập của người dân.
Sau khi nghiên cứu tác động, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho thực hiện chính sách thu lệ phí trước bạ xe ô tô điện sử dụng pin đăng ký lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương từ 5-7,5%) trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Mức nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%).
Tại Hội thảo, các thâm luận kiến nghị một số giải pháp như áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện...
Veni, Vidi, VinFast: Vingroup đổ bộ sang Mỹ, biểu tượng cho sự trỗi dậy của Việt Nam
Ngoài ra, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin về xe điện và giải pháp giúp triển khai loại phương tiện này ở Việt Nam.
Hầu hết các ý kiến nhất trí với quan điểm, xe xanh nói chung và các loại phương tiện điện hóa nói riêng là hướng phát triển tất yếu đối với nhu cầu đi lại của nhân loại, nhưng mỗi quốc gia đều cần một lộ trình phát triển phù hợp, tránh nóng vội, hạn chế gây sốc nền kinh tế và hạ tầng giao thông. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Đặc biệt, vấn đề cần được xem xét chính là nếu tính toán phát thải carbon cả vòng đời, xe điện (đặc biệt là xe điện chạy pin) chưa thực sự sạch so với các loại xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống. Do đó, điều kiện tiên quyết để gia tăng số lượng xe thuần điện là phải “sạch hóa” được không chỉ quá trình sản xuất, lắp ráp, mà cả nguồn năng lượng điện.
Trong quá trình này, giới chuyên gia cho rằng, “rác” xe điện có nhiều hóa chất độc hại cần được tính toán xử lý từ sớm để tránh trở thành mối nguy hại lâu dài, nhất là làm sao tái thiết pin lithium.
Chắc chắn, Việt Nam sẽ có “chương trình hành động”, lộ trình riêng cho xe điện, để không đánh mất cơ hội vàng ghi tên mình vào bản đồ ngành xe điện thế giới cũng như vươn lên dẫn đầu ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, các rào cản vẫn còn hiện hữu và cần sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Nhà nước cần ban hành lộ trình phát triển xe điện ở Việt Nam, quy hoạch chi tiết cho hạ tầng xe điện, bao gồm các địa điểm bố trí trạm, trang thiết bị nạp của trạm, công suất các trạm và sự cân bằng giữa công suất trạm nạp với mạng lưới điện cục bộ cũng như lưới điện quốc gia.
Việt Nam cũng cần có nhiều chính sách khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng ô tô điện, tạo thị trường ổn định và thay đổi nhận thức, thói quen của người dùng.
Đọc thêm:
Thảo luận