Việt Nam không thể phong tỏa mãi, bao giờ mở cửa lại nền kinh tế?

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước không thể phong tỏa mãi. Đã đến lúc chuẩn bị các kịch bản phục hồi kinh tế, khi tất cả đều đã mệt mỏi, kiệt quệ vì Covid-19. Khi nào Việt Nam có thể mở cửa lại nền kinh tế?
Sputnik
Doanh nghiệp đang kiệt sức, cạn tiền. Người dân vất vả. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài gây tổn thương rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia cho rằng, khả năng chống chịu và nguồn lực của một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam chưa đủ để theo đuổi chính sách giãn cách dài hạn. Do đó, cần xem xét mở cửa lại nền kinh tế với lộ trình cụ thể và đặc biệt phải hết sức thận trọng.

Vì sao Việt Nam cần mở cửa lại nền kinh tế?

Nền kinh tế Việt Nam ngưng trệ ngày nào vì Covid-19, thiệt hại đến sản xuất kinh doanh, sinh kế, miếng ăn, đời sống của người dân ngày ấy.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại các cuộc họp của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 đều đề cập vấn đề, không thể phong tỏa mãi, doanh nghiệp kiệt sức, người dân cũng vất vả.
Do đó, cần thích nghi an toàn với điều kiện mới, trong hoàn cảnh dịch bệnh còn kéo dài.
Trước đó, ngày 29/8, tại cuộc họp với đại diện hơn 1.000 xã, phường thuộc 20 tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội.
“Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, Thủ tướng nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, TP.HCM đang hướng đến tìm kiếm biện pháp khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế, đảm bảo sinh nhai cho người dân, không thể mãi giãn cách triệt để, cũng không thể quét cho sạch hết 100% F0.
“Chúng ta sẽ mở dần dần, sống trong điều kiện bình thường mới – điều kiện có dịch bệnh”, Bí thư Nên trăn trở.
Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị với Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể cho những người tiêm đủ hai mũi vaccine được phép đi lại, tham gia hoạt động lao động sản xuất, tham gia công tác chống dịch. Hôm qua, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công điện khẩn yêu cầu tăng tốc kiểm soát Covid-19 ở thủ đô, đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 1 cho 100% người trên 18 tuổi trước ngày 15/9.
Việt Nam không tăng trưởng chỉ nhờ vài ba tỷ USD
Lãnh đạo Hà Nội muốn xét nghiệm thần tốc 100% người dân trên toàn địa bàn thành phố, nhằm bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng. Đối với việc tiêm vaccine, Hà Nội cũng yêu cầu phải hoàn thành tiêm mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trước 15/9, trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế cấp.
Hà Nội sẽ tăng cường lấy mẫu, tiêm ngoài giờ, vào buổi tối để hoàn thành tiến độ. Những người đứng đầu Hà Nội cũng đang hướng đến việc phục hồi và thúc đẩy kinh tế ở vùng xanh, vùng vàng, và rồi là cả thành phố từ 15/9 nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân bảo đảm sinh hoạt hàng ngày, an sinh xã hội, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh an toàn, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Cả nước đều đang muốn hướng đến mục tiêu kép – vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, khôi phục dần hoạt động kinh tế. Liệu đã đến lúc Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế hay chưa?
Theo nhiều chuyên gia, muốn đưa được nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường, trong giai đoạn hiện nay, chỉ có thể đạt được bằng cách từng bước mở cửa và có phương án sống chung an toàn với dịch.
Dịch bệnh kéo dài gây tổn thương rất lớn cho nền kinh tế cả nước. Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất, chuỗi cung ứng đứt gãy. Hàng triệu người lao động mất việc làm, không có thu nhập. Vì vậy, mở cửa nền kinh tế trở lại là cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần có kế hoạch thận trọng, từng bước với lộ trình cụ thể.
Nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt bùng phát dịch thứ tư, bắt đầu từ tháng 4/2021. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh phức tạp trong khu vực và trên thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường nói chung.
Xe trên con đường vắng tanh trong thời gian phong toả ở TP Hồ Chí Minh
Hàng triệu người lao động rơi vào cảnh mất việc làm, không có hoặc có rất ít thu nhập. Nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc rơi vào tình trạng phá sản. Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam phải tính đến chuyện mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên, bài toán này không hề dễ dàng, và phải được làm rất thận trọng, từng bước với lộ trình cụ thể, khoa học.
Xoay quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) và TS. Phạm Công Hiệp (Đại học RMIT Việt Nam) đã có một số chia sẻ, phân tích và đánh giá với Pháp luật TP.HCM. Theo đó, cả hai chuyên gia đều khẳng định, mở cửa lại nền kinh tế là việc làm cần thiết. Ngoài ra, cũng nên từ bỏ chiến lược không ca nhiễm (zero case), loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh ra khỏi cộng đồng.
Lý do là vì khả năng chống chịu và nguồn lực của một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam chưa đủ để theo đuổi chính sách giãn cách dài hạn.

Việt Nam và nỗi lo đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, những khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt trong thời gian qua đều đã được nhiều chuyên gia dự báo.
Thời gian giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên cả cung và cầu của nền kinh tế, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021, cứ mỗi tháng có trung bình 10.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, kéo theo đó là hàng triệu lao động mất việc. TS. Huân cho rằng, nếu cứ tiếp tục đóng cửa nền kinh tế, cuộc sống những người có thu nhập thấp trong xã hội sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và có thể dẫn đến các bất ổn xã hội trong ngắn hạn.
Tuy nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho người nghèo nhưng điều này không thể kéo dài mãi.
“Đó là chưa kể, đã có người đặt câu hỏi về việc, liệu tiền cứu trợ có đến được tay tất cả người nghèo đang gặp khó khăn hay không”, chuyên gia nói.
Do đó, có không ít ý kiến lo ngại về việc người dân chưa chết vì dịch đã phải đối diện với việc khó tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy và nguy cơ làm giảm hiệu quả chống dịch khi mọi người đổ ra đường tìm miếng ăn.
Ngoài ra, trong thời gian giãn cách, nhiều người tại cách địa phương đang có dịch cũng lo ngại về tình trạng khó tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Việt Nam có thể mở cửa dần dần với lộ trình rõ ràng

Theo TS. Huân, mở cửa trở lại đối với Việt Nam là điều cần thiết.
“Việt Nam cũng nên từ bỏ chiến lược không ca nhiễm. Dù vậy, thời điểm mở cửa nền kinh tế phải được tính toán rất kỹ sao cho phù hợp”, TS. Huân nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, phải có lộ trình cụ thể và khoa học cho việc mở cửa. Đặc biệt, cần tránh tâm lý nóng vội trong việc mở cửa nền kinh tế, khi mà dịch bệnh còn chưa được kiểm soát cơ bản. Cần nhìn vào các nước đi trước để học hỏi kinh nghiệm, cũng như tránh lặp lại sai lầm của họ.
Dẫn chứng về một nước cũng đã bắt đầu cho mở cửa lại nền kinh tế là Singapore, TS. Huân cho biết quốc đảo này đã phủ vaccine cho gần hết dân số.
Vì sao Nikkei xếp Việt Nam cuối bảng về chỉ số phục hồi Covid-19?
Theo những nghiên cứu gần đây, việc tiêm vaccine có vẻ như không làm giảm đáng kể số ca nhiễm, nhất là với biến chủng Delta. Tuy nhiên, vaccine lại cực kỳ hiệu quả trong việc giảm thiểu số ca trở nặng phải nhập viện cũng như số ca tử vong.
Do vậy, sau khi phủ vaccine toàn dân, Singapore quyết định chấp nhận sống chung với dịch chứ không theo đuổi chiến lược loại bỏ hoàn toàn dịch.
Theo đó, họ xem Covid-19 như một loại cúm mùa bình thường và chấp nhận thực tế rằng không thể loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh này trong cộng đồng.
Theo TS. Huân, tình hình của Singapore là phù hợp để mở cửa hơn so với Thái Lan. Lý do bởi hệ thống y tế của quốc đảo này rất phát triển, người dân có thu nhập bình quân cao và độ phủ vaccine cao hơn.
Ngoài ra, Singapore cũng có tỷ lệ số ca mắc và tử vong bình quân đầu người thấp, và do vậy phù hợp để tái khởi động nền kinh tế. Trong khi đó, số ca nhiễm và tử vong hằng ngày của Thái Lan vẫn đang rất cao nên sẽ là hơi nóng vội để mở cửa ở thời điểm hiện tại.
Cặp đôi đeo khẩu trang ở Singapore
Như vậy, để có thể tính đến chuyện mở cửa trở lại, Việt Nam cần đẩy mạnh tiêm chủng toàn dân để kéo giảm tối đa số ca tử vong trong thời gian tới.
“Việc xem xét mở cửa dần nền kinh tế theo từng khu vực có thể làm được khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 70%-80% dân số”, chuyên gia lưu ý.

Điều kiện nào để mở cửa lại nền kinh tế?

Về phần mình, TS. Phạm Công Hiệp cho biết, một số nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao đã mở cửa nền kinh tế và chấp nhận việc sống chung với dịch.
Có thể nói, việc đạt nhiễm dịch cộng đồng tuyệt đối là gần như không thể và đóng cửa nền kinh tế quá lâu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Dù vậy, nguy cơ lây nhiễm lan rộng và các hệ quả xã hội khác khi mở cửa là chuyện chắc chăn. Do đó, việc mở cửa trở lại sẽ phụ thuộc vào hai nhóm điều kiện chính là kinh tế và xã hội.
Ở nhóm thứ nhất, điều kiện kinh tế phụ thuộc khả năng sản xuất và trang thiết bị của doanh nghiệp trong tình trạng hạn chế khắt khe. Khi mở cửa trở lại, hầu hết doanh nghiệp trong các lĩnh vực sẽ phải điều chỉnh phương thức hoạt động.
Chẳng hạn như, thực hiện giãn cách vật lý giữa người lao động và khách hàng; trang bị tấm che ngăn cách; giảm số lượng khách trong cùng một không gian; giảm thiểu giao tiếp trực tiếp và sử dụng công nghệ nhiều hơn.
Khách đến nhà hàng trong giai đoạn giãn cách ở Bangkok
Ngoài ra, việc người lao động phải test Covid-19 thường xuyên để đảm bảo kiểm soát dịch sẽ tạo gánh nặng cho cả người lao động và doanh nghiệp.
“Kinh nghiệm các nước đi trước cho thấy họ áp dụng biện pháp giảm quy mô, mức độ tập trung xã hội để tối thiểu hóa nguy cơ lây lan dịch bệnh”, TS. Hiệp nói.
Nhóm điều kiện xã hội là sự chấp nhận của Chính phủ và cộng đồng về tỉ lệ lây nhiễm cộng đồng và tỉ lệ tử vong do bệnh dịch trong mức cho phép.
Đại dịch COVID-19
Chuyên gia Nga: Các thể chế tài chính phương Tây đánh giá sai về kinh tế Việt Nam
Lý do, theo chuyên gia, là do với biến chủng Delta, kể cả các nước có tỉ lệ tiêm chủng cao như Mỹ, Anh, Singapore... cũng khó kiểm soát được mức độ lây nhiễm cộng đồng.
Dù vậy, có thể kiểm soát tỉ lệ nhập viện và tử vong thông qua vaccine, khi mà thống kê cho thấy, hầu hết bệnh nhân nhập viện đều là người chưa chích vaccine.
Do đó, có thể xem xét để người đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine dần quay lại tham gia vào hoạt động xã hội và sản xuất. Và nên cấp giấy thông hành cho những người đã tiêm đủ vaccine để họ tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế, từ đó làm khôi phục được chuỗi sản xuất và cung ứng vốn đã chịu nhiều thiệt hại sau các đợt giãn cách.
TS Phạm Công Hiệp cũng cho rằng, nên ưu tiên mở cửa trước với các chợ đầu mối, siêu thị, dịch vụ logistics giao nhận, dịch vụ y tế và hành chính công.
“Đây là những lĩnh vực ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định xã hội, an sinh của người dân. Người dân sẽ khó đồng hành với các nỗ lực của Chính phủ trong phòng chống dịch nếu nhu cầu căn bản về ăn uống, khám chữa bệnh bị gián đoạn”, chuyên gia nhận định.
Tiếp đó, cần ưu tiên các ngành sản xuất, khu công nghiệp đầu tàu về tạo công ăn việc làm và hoạt động kinh tế. Bởi nếu để số lớn người lao động bỏ về quê thì việc kêu gọi họ quay trở lại làm việc sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.
Ngoài ra, nhà nước cần hỗ trợ về chính sách thuế, thuê nhà xưởng, chi phí logistics, chi phí test cho công nhân và người lao động.
Theo ông Hiệp, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết để giúp doanh nghiệp có thể tái khởi động sản xuất, bình ổn nền kinh tế sau thời gian giãn cách dài vì dịch bệnh.
Người phụ nữ được tiêm vắc xin AstraZeneca tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội
Cũng theo TS. Phạm Công Hiệp, các tỉnh cần phối hợp với TP.HCM mở cửa. Chuyên gia nhấn mạnh, việc thống nhất các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả tỉnh, thành là rất quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa và sản xuất.
“Một số ví dụ gần đây khi xe vận chuyển hàng hóa vào một số địa phương phải sang tải, đổi xe, đổi tài xế… gây phát sinh chi phí, thời gian và bất ổn trong việc lên kế hoạch sản xuất và thời gian giao hàng”, ông Hiệp dẫn chứng.
Việt Nam-Nền kinh tế mà Covid-19 không thể hạ gục
Chuyên gia nhấn mạnh, điều này có nghĩa TP.HCM sẽ không thể hoạt động bình thường nếu các tỉnh, thành lân cận không phối hợp trong các nỗ lực mở cửa.
“Chúng ta có thể chấp nhận một số khác biệt trong biện pháp chống dịch nhằm đáp ứng khả năng y tế của từng địa phương nhưng cần xác định các ngành sản xuất, dịch vụ đòi hỏi tính liên kết cao giữa các địa phương để có biện pháp giải tỏa thông suốt liên tỉnh và có biện pháp nhất quán từ Trung ương”, TS. Hiệp lưu ý và nhấn mạnh, chỉ có như vậy mới đảm bảo từng bước mở cửa nền kinh tế và kiểm soát dịch hiệu quả trong giai đoạn mới.
Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nêu quan điểm trên Dân Việt rằng, mặt trận kinh tế cũng phải xây dựng kế hoạch và chiến lược phục hồi hậu Covid-19. Chính phủ dự báo, phải sang Quý I/2022 hay chậm nhất là Quý II/2022 Việt Nam mới đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng dịch bệnh vẫn sẽ còn rải rác và chúng ta phải chấp nhận sống chung với Covid-19.
“Chúng ta không "học theo" cách làm của một quốc gia cụ thể nào mà tùy vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam để có chiến lược mở cửa phát triển kinh tế phù hợp”, TS. Cấn Văn Lực lưu ý.
Theo chuyên gia, Việt Nam có thể mở cửa trở lại kinh tế phải mở dần dần và vừa mở cửa vừa phải quan sát, nghe ngóng dịch bệnh. Bởi biến thể Delta còn vô cùng phức tap, trong khi năng lực y tế của Việt Nam có hạn nên không thể "đua" với Mỹ hay với Châu Âu vì năng lực y tế của họ rất tốt, vượt trội hơn rất nhiều.
Thảo luận