Sputnik sẽ tóm lược các nội dung đó trong tổng quan truyền thống "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
Hoa Kỳ lại một lần nữa mắc phải “hội chứng Việt Nam”
Các sự kiện ở Afghanistan rất giống cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam tiếp tục là mối quan tâm của người Mỹ, và điều này được phản ánh trên báo chí. Trang Diễn đàn Chính sách Policy Forum đã đăng một bài dài về "Hội chứng Việt Nam" trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Hội chứng này đã từng ngăn cản đất nước gửi hàng trăm nghìn lính Mỹ ra nước ngoài. Nhưng, sau khi kết thúc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, Tổng thống George Bush đã nói với thế giới rằng, Hoa Kỳ “đã vượt qua Hội chứng Việt Nam”. Tác giả viết: Giờ đây, sau Afghanistan, bóng ma Việt Nam lại quay trở lại ám ảnh nền chính trị Mỹ. Tác giả nêu câu hỏi: liệu điều này có thể ảnh hưởng đến các quyết định chính sách đối ngoại của Washington hay không.
Hoa Kỳ cần thay đổi chiến lược
Một vấn đề khác đối với Washington là ở chỗ: các quốc gia như Việt Nam không muốn hy sinh mối quan hệ với Trung Quốc hoặc với Hoa Kỳ. Đây là lời mở đầu một bài dài trên tờ The Diplomat về mối quan hệ trong tam giác Việt - Mỹ - Trung. Các quốc gia Đông Nam Á ngày càng thấy mình trong tình trạng khi họ buộc phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là điều đáng báo động đối với chính phủ của các quốc gia này do sự phụ thuộc kép của họ: vào Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh và vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc là mối đe dọa không chỉ đối với ASEAN, mà còn đối với các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nhiều người lo ngại rằng, nếu Mỹ tập trung quá mức vào hợp tác an ninh, họ sẽ gửi đến Trung Quốc một tín hiệu đe dọa, và điều đó sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, tờ báo nhấn mạnh. Vì lý do này, và cũng vì mối quan hệ láng giềng, Việt Nam sẽ luôn thận trọng trong việc tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ.
“Nếu Mỹ muốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn để có mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, họ phải thay đổi cách tiếp cận, chuyển trọng tâm từ an ninh sang hợp tác kinh tế, vốn là cơ sở cho sự thịnh vượng trong tương lai của Việt Nam và các thành viên ASEAN khác”, tác giả của bài báo kết luận.
Khách du lịch muốn nhìn thấy Việt Nam trên đảo Phú Quốc
Hãng tin Reuters đã đưa tin và nhiều hãng khác đăng lại tin vui rằng, Việt Nam có kế hoạch từ tháng 10 tới, Phú Quốc sẽ chính thức đón khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng chống dịch Covid-19 theo mô hình du lịch cách ly khép kín.
Và tờ Business Insider đã đăng một bài dài về hòn đảo - khu dự trữ sinh quyển và gọi Phú Quốc là "ốc đảo thiên đường cuối cùng của thiên nhiên hoang sơ". Hòn đảo này hiện có các chương trình biểu diễn cả ngày lẫn đêm, du thuyền gondola kiểu Venice, các quán bar, câu lạc bộ và khu nghỉ dưỡng phức hợp như Grand World và Grand City kết hợp giữa thương mại, du lịch và casino, mà đối với tầng lớp trung lưu Việt Nam đây là “một điểm đến du lịch quốc tế mà không cần rời khỏi nước". Nhưng, trên thực tế du khách nước ngoài muốn nhìn thấy Việt Nam trên đảo Phú Quốc, muốn nhìn thấy nét đặc trưng của Việt Nam, tác giả bài báo lưu ý. Một vấn đề khác của Phú Quốc là những bãi rác như núi.
Offshore Wind đưa tin về sự hợp tác giữa tập đoàn hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi Ørsted và T&T Group của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi tại Việt Nam. Ở đây nói về các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10GW.
Tờ National Hogfarmer cho biết về đề xuất của Hoa Kỳ đề nghị loại bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu (MFN) đối với các sản phẩm thịt lợn, ngô và lúa mì. Việc Việt Nam tham gia CPTPP và EVFTA đã đặt những người nông dân Mỹ vào thế rất bất lợi mà họ đang tìm cách khắc phục. Theo Reuters, nhiều nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam đang xem xét chuyển các dự án sang nơi khác nếu các hạn chế để đối phó với COVID-19 kéo dài lâu hơn nữa. Business of Fashion viết về tác động nghiêm trọng của lệnh phong tỏa tại Việt Nam đối với các cơ sở sản xuất của On, Adidas, Puma, Nike. Các thương hiệu Mỹ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi vì Việt Nam chiếm khoảng 40% kim ngạch nhập khẩu đường biển của Hoa Kỳ mỗi năm.
The Star viết về chiến lược của Việt Nam nhằm thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của biến thể coronavirus mới trong khi vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất, và cho biết về chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh chuyển đổi số. CNBC đưa tin về việc xe ô tô nội địa Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường xe hơi Indonesia. Tờ Krasnaya Vesna của Nga cho biết rằng, tổng vốn ngân sách nhà nước của Việt Nam năm 2022 dự kiến sẽ tăng 8,3%. Các cơ quan chức năng dự kiến nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, chú trọng phát triển đường cao tốc, cảng biển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cũng như tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vào các dự án quốc gia và liên vùng quan trọng nhất.
Và tờ Glas Naroda của Nga cho biết về việc Việt Nam dừng nhập khẩu điện thoại 2G, 3G. Sau khi tắt sóng 2G, 3G, người dùng trong nước có thể mua được smartphone 4G với giá tốt nhất nhờ sự hỗ trợ của các nhà mạng.
Đánh giá cao công tác tổ chức của Việt Nam cho Army Games
Chúng tôi muốn kết thúc bài điểm báo bằng một bản tin đăng tải trên cổng thông tin Big Asia của Nga. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko đánh giá cao công tác của Việt Nam tổ chức 2 nội dung “Xạ thủ bắn tỉa” và “Vùng tai nạn” trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế Army Games 2021.
“Tôi đặc biệt cảm ơn Nhà nước và Quân đội Việt Nam đã quyết định đăng cai và tổ chức các nội dung thi đấu thuộc Army Games 2021 trong điều kiện đặc biệt. Các bạn đã tổ chức thành công sự kiện có ý nghĩa quốc tế này trong điều kiện dịch Covid-19, cũng như tình hình thời tiết có nhiều bất thường gây ảnh hưởng không nhỏ tới các đội tuyển tham dự. Các nội dung thi đấu đã được tổ chức trên tinh thần đoàn kết, tình hữu nghị và khát vọng chiến thắng, các đội tuyển đã thể hiện tính chuyên nghiệp và ý chí chiến thắng, thật ấn tượng”, - Thứ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh.