Các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam phải chuyển từ “Zero Covid” sang chủ động thích ứng, đặt mục tiêu phục hồi và tăng trưởng GDP hậu Covid-19 ngay trong vòng 3 năm chứ không thể kéo dài.
Kinh tế Việt Nam nhìn từ quan điểm chuyển từ “Zero Covid” sang “sống chung với Covid”
Không ai có thể phủ nhận, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội.
Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng hồi phục của Việt Nam.
Làn sóng Covid-19 thứ 4 hiện đang đặt người dân, doanh nghiệp, Chính phủ và cả nền kinh tế Việt Nam đứng trước những áp lực rất lớn.
Việc Nikkei xếp Việt Nam vào cuối bảng (121/121) về chỉ số phục hồi Covid-19, hay hàng loạt thể chế tài chính quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho thấy phần nào “đòn giáng” nặng nề mà Covid-19 đè xuống nền kinh tế 97 triệu dân. Tuy nhiên, đây cũng là thực trạng chung của nền kinh tế thế giới. Việt Nam trên thực tế còn “sáng cửa” hồi phục mạnh mẽ hơn rất nhiều so với loạt quốc gia trong khu vực.
Như Sputnik đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục đề cập đến việc sống chung an toàn với dịch bệnh chứ không thể đóng cửa, phong tỏa, giãn cách xã hội mãi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay sẽ cân nhắc, điều chỉnh lại các kịch bản tăng trưởng của Việt Nam, đồng thời cam kết cùng các chuyên gia hàng đầu đất nước, các nhà làm chính sách cùng ngồi lại, tìm giải pháp tốt nhất để Việt Nam không rơi vào đáy sâu khủng hoảng, sớm phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ, nhanh chóng nhất.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam có lẽ cần tạm đặt mục tiêu tăng trưởng sang một bên để lo chặn đà suy giảm kinh tế trước. Tiếp đó, cần sớm có kế hoạch phục hồi nền kinh tế với những giải pháp cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá.
“Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân phải xác định sống chung với Covid-19, và coi đại dịch lần này giống như một loại sởi hay cúm mùa”, Công luận dẫn lời TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ cho biết.
Số liệu của Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV), cho thấy, trong tháng 8/2021 có 10.000 doanh nghiệp phía Nam đã rút khỏi thị trường. Con số này là rất báo động.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu những biện pháp hỗ trợ cụ thể trình các cơ quan có thẩm quyền để Việt Nam phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022-2023. Mục tiêu là đến cuối năm 2023 bắt kịp nhịp với kinh tế thế giới hồi phục lại như tháng 12/2019.
Theo ông Kiên, mọi kịch bản đều phải dựa trên việc chuyển từ “Zero Covid” sang “sống chung với Covid”, phải có các nền tảng khoa học, phương tiện để chuyển từ đại dịch thành bệnh dịch thông thường theo tiêu chuẩn của WHO. Trong đó, vaccine là nhân tố quan trọng nhất.
“Nếu không có vaccine, Việt Nam không tự lực được, tất cả các kịch bản kinh tế chúng tôi tham mưu xây dựng nên đều có thể bị phá”, TS. Nguyễn Đức Kiên lưu ý.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp Quang Minh ngày 10/9/2021
© Ảnh : TTXVN phát
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã rất lắng nghe và có thay đổi cho phù hợp.
Ví dụ, thời gian đầu TP. HCM đã cấm vận chuyển hàng hóa, chỉ được vận chuyển các hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, qua tiếp thu dư luận xã hội và thực tế, thành phố đã thay đổi quy định, chỉ cấm hàng cấm, còn lại mọi hàng hóa khác đều được đi. Biện pháp này sau đó tiếp tục được điều chỉnh cho hợp lý hơn nữa.
“Đến bây giờ biện pháp là người lái xe đã được tiêm cùng với các yêu cầu y tế, thì họ có thể được lưu thông qua các tỉnh, bến cảng như bình thường, và phải tuân thủ quy định của ngành y tế”, ông Kiên nói.
Việt Nam cần sớm có kế hoạch phục hồi kinh tế trong 2-3 năm
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, kế hoạch phục hồi cần xây dựng theo hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên, theo mục tiêu là đến tháng 6/2022 cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng thì cũng đồng thời phải đặt mục tiêu chặn đà suy giảm kinh tế từ nay đến tháng 6/2022.
“Chỉ sau khi đã đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh thì nền kinh tế mới đi lên được”, chuyên gia lưu ý.
Ở giai đoạn 2, từ tháng 7/2022 sẽ triển khai các giải pháp đẩy nhanh phục hồi kinh tế, mà trọng tâm vẫn là đầu tư, gồm cả đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI.
Theo Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đầu tư công phải là vốn mồi, có những lĩnh vực đầu tư công phải tập trung làm trước, còn lại huy động các thành phần kinh tế khác tham gia.
“Tốt nhất là cần đề án tổng thể để tháo gỡ các vướng mắc, còn nếu không thì vướng đâu gỡ đấy”, ông Kiên đề nghị.
Riêng về vốn đầu tư công, theo chuyên gia, Việt Nam vẫn phải tập trung vào đầu tư kết cầu hạ tầng, bao gồm hệ thống hạ tầng giao thông năng lượng và hạ tầng phục vụ nông nghiệp.
Với đầu tư tư nhân, nên hướng các doanh nghiệp tới giải quyết đầu tư các ngành, lĩnh vực hiện đang có thị trường tiềm năng và sử dụng nhiều lao động.
Về phần doanh nghiệp FDI cần thu hút những doanh nghiệp đủ lớn và cam kết lôi kéo được doanh nghiệp Việt vào chuỗi của họ, tận dụng được năng lực, công nghệ, thị trường của họ kết hợp với lợi thế của Việt Nam.
TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, muốn thực hiện được thì phải có kế hoạch ngay từ bây giờ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội, muộn nhất tại Kỳ họp thứ 3 năm sau phải được duyệt phương án.
Trong đó, phải có các chương trình, phương án cụ thể về đầu tư công, về bội chi ngân sách, nợ công, các giải pháp đột phá cho nền kinh tế ngoài những biện pháp mà Quốc hội và các nghị quyết của Đảng đã cho phép.
Bỏ tư duy “ngăn sông cấm chợ” để mở lại nền kinh tế
Theo các chuyên gia, kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế. Tuy vậy, phải hài hòa để vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh, từng bước mở cửa kinh tế và sản xuất.
Nguyên Viện trưởng của CIEM - TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần có sự chung tay của toàn dân trong việc phục hồi lại nền kinh tế.
“Đặc biệt, phải đặt ra mục tiêu và thời hạn trong 3 năm chứ không thể kéo dài. Thành công của chương trình sẽ là nền móng cho 5 năm sau đó”, TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý.
Theo chuyên gia, mục tiêu của chương trình phục hồi kinh tế này là thúc đẩy phục hồi kinh tế, sinh kế của người dân và doanh nghiệp, sau đó thúc đẩy tăng trưởng.
Nguyên Viện trưởng CIEM khuyến nghị, chương trình đầu tiên là về mặt phục hồi phải trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh và từng bước mở cửa lại nền kinh tế, không chỉ mở cửa bên trong mà cả mở cửa với bên ngoài. Và, đây phải là nhiệm vụ hàng đầu.
Thứ hai là phục hồi phát triển các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, các ngành nghề đóng góp nhiều cho xuất khẩu.
“Theo đó tư duy ngăn sông cấm chợ như vừa rồi phải bỏ đi, phải tạo ra sự luân chuyển hàng hoá thống nhất thông suốt thuận lợi dễ dàng”, ông Cung bày tỏ.
Nhằm để kinh tế phục hồi thì cần phải thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất để phục hồi các tổn thương và phát triển các năng lực sản xuất mới. Đầu tiên là cần chương trình phát triển hạ tầng, cả hạ tầng truyền thống và hạ tầng kinh tế số. Việc này lại gắn với đầu tư công.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, các trụ cột của chương trình phục hồi theo thứ tự: mở cửa nền kinh tế - phát triển hạ tầng và thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề mới, lĩnh vực mới, tạo năng lực mới.
Đề xuất Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi
Trong khi đó, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là dòng tiền và vấn đề tiếp cận với dòng vốn ưu đãi của các ngân hàng.
Theo PGS. Thiên, trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Dù vậy, bình quân lãi suất cho vay nhìn chung vẫn ở mức cao.
“Hiện nay, chúng ta rất khó xác định được ngưỡng an toàn của lãi suất cho vay, do đó, tôi cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác không có đủ căn cứ để xác định có nên khuyến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất nữa không”, PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích.
Do đó, ông Thiên đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có khảo sát nghiên cứu về ngưỡng an toàn của lãi suất cho vay.
Nếu nhận thấy ngưỡng an toàn này chưa đủ, cần tiếp tục đề nghị hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế.
Ngược lại, nếu ngưỡng an toàn đã tới giới hạn không thể hạ thêm lãi suất, Chính phủ cần đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp được tiếp cận với vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, Chính phủ nên có một quỹ tiền tệ riêng để bù đắp cho sự thâm hụt của hệ thống ngân hàng.
“Dòng tiền là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay, không có dòng tiền, các doanh nghiệp không thể duy trì và tái sản xuất được. Tuy nhiên, có một thực tế, các doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền, lại rất khó tiếp cận với dòng vốn ưu đãi”, ông Thiên nói.
Nhà máy chế biến thủy sản.
© Depositphotos.com / Vietbox
Trong thời gian dịch bệnh khó khăn, Chính phủ nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần có nguyên tắc kiểm soát nhất định, tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
“Nếu đồng ý với giải pháp lập quỹ tiền tệ, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, Chính phủ bắt buộc phải có Hội đồng tư vấn an toàn sử dụng quỹ. Hội đồng này có nhiệm vụ giám sát điều kiện cho vay, tránh tối đa trường hợp vay vốn khi không đủ điều kiện”, ông Thiên đề xuất.
Cũng theo ông, nếu muốn nhanh chóng phục hồi kinh tế, Việt Nam phải phân loại các nhóm cụ thể.
Theo đó, việc phân nhóm này có thể dựa vào ngành nghề, địa phương, hoặc dựa vào khả năng phục hồi kinh tế sớm hay muộn. Cá nhân ông Thiên cho rằng, phân loại các nhóm dựa vào ngành nghề là cách hợp lý nhất.
Chuyên gia khuyến nghị, các nhóm ngành nghề khác nhau, sẽ có những khó khăn khác nhau hoặc có những vướng mắc mang tính đặc thù ngành nghề.
“Do đó, khi phân loại được thành các nhóm ngành nghề, Chính phủ có thể dựa vào những khó khăn đó để đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể hơn, có thể giúp doanh nghiệp hấp thụ dễ dàng hơn”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị.
Cần nhắc lại, Việt Nam từng là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế, được nhiều nước coi là hình mẫu về sự bứt phá mạnh mẽ vượt qua đói nghèo hậu chiến tranh.
Năm 2020, quy mô GDP của Việt Nam tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD.
Báo cáo trước Quốc hội của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng cho biết, trong 5 năm qua, Việt Nam đã tạo ra khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP năm 2020 của Việt Nam đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore 337,5 tỷ USD, Malaysia 336,5 tỷ USD.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng 2,91% GDP, được coi là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V.
Về triển vọng dài hạn, các tổ chức quốc tế và chuyên gia đều nhất trí rằng, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V. Quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới thời gian tới.