Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, từ 2023, 100% người dùng di động trên toàn quốc sẽ sẵn sàng sử dụng internet.
Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế ITU Houlin Zhao cho rằng, Việt Nam là hình mẫu đáng chú ý để các quốc gia trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm.
Việt Nam muốn trợ giá điện thoại 4G
Đây được đánh giá là kế hoạch hết sức tham vọng nhưng cần thiết của Việt Nam để thực hiện tắt công nghệ 2G, chuyển sang tập trung cho 4G, hướng đến 5G và mục tiêu lọt vào top cường quốc công nghệ trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, đến năm 2023 Việt Nam sẽ tắt sóng 2G. Trước đó, kế hoạch tắt sóng và dừng công nghệ 2G được dự kiến vào quý I/2022.
Thực tế, đây không phải thông tin mới, Sputnik cũng đã có loạt bài về vấn đề Việt Nam dừng sản xuất và nhập khẩu điện thoại công nghệ mặt đất cũ 2G, 3G từ 1/7/2021.
Các sản phẩm di động, smartphones nhập vào trong nước phải đáp ứng hỗ trợ công nghệ E-UTRA (4G) trở lên.
“Đây là giải pháp đầu tiên của kế hoạch tắt sóng 2G, 3G bằng hàng rào kỹ thuật”, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Cũng theo Bộ TT&TT, khi Thông tư 43 về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến” có hiệu lực từ 1/7, chắc chắn sẽ có tác động đến số lượng máy điện thoại ‘cục gạch’ chỉ hỗ trợ 2G, 3G đưa vào hoạt động trên mạng di động, tăng nhu cầu chuyển đổi sang smartphones 4G, 5G của người dân trong nước.
Hồi tháng 7, thống kê cho thấy, có khoảng 25,6 triệu thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G hoặc 3G tại Việt Nam, trong đó, khoảng 630 nghìn người trên 70 tuổi chỉ sử dụng điện thoại 2G. Đồng thời, với 25,6 triệu thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G/3G đang hoạt động trên mạng lưới, theo thời gian vòng đời của thiết bị (trung bình khoảng 3 năm), thì lượng thiết bị này sẽ dần được loại bỏ ra khỏi mạng khi không còn nguồn cung (ngừng nhập, sản xuất, bán điện thoại 2G,3G).
Phát biểu về kế hoạch tắt sóng 2G, hỗ trợ giá điện thoại 4G tại sự kiện Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021) tối 12/10, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Chính phủ Việt Nam và các nhà mạng sẽ trợ giá thiết bị 4G cho những thuê bao, người dùng 2G còn lại. Số này chiếm khoảng 5%, theo ông Hùng. Các nhà mạng viễn thông Việt Nam đã thực hiện gói hỗ trợ cước viễn thông và internet lên tới 10.000 tỷ đồng (gần 500 triệu USD).
“Nghĩa là từ năm 2023, 100% người dùng di động tại Việt Nam sẽ sẵn sàng sử dụng internet”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.
Cục Viễn thông công bố số liệu cho thấy, tính đến hết năm 2024, Việt Nam có khoảng 24 triệu thuê bao 2G trên tổng số 130 triệu thuê bao di động.
Trong số 24 triệu thuê bao này có những số được sử dụng cho máy phụ thứ hai của người dùng đã có smartphones.
Cục Viễn thông cũng cho rằng, ước tính còn khoảng 12,4 triệu người chỉ sử dụng duy nhất một điện thoại “cục gạch” và là những người cần hỗ trợ để chuyển sang điện thoại 4G.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, con số này trong 2 năm tới dự kiến có thể giảm xuống còn 5-7 triệu, tức chiếm khoảng 5%, như khẳng định của Tư lệnh ngành.
Phát biểu tại sự kiện ITU Digital World 2021 về vai trò của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong chuyển đổi số, đặc biệt là kết nối 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong giai đoạn đầu tiên của 5G, Việt Nam triển khai giải pháp là mỗi nhà mạng trong số bốn nhà mạng sẽ phủ sóng 25% đất nước và thực hiện roaming, nhờ đó giúp giảm chi phí đầu tư.
“Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng số hiện đại, đẩy nhanh phát triển kinh tế số. Việc cấp phép tần số và cung cấp dịch vụ sẽ được triển khai trong Quý 4 để đảm bảo phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc năm 2022”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2021 này, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, ban hành các khung pháp lý và chiến lược liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số.
“Việt Nam đang kiên cường vượt qua thách thức, dùng công nghệ số để chiến thắng dịch bệnh, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Việt Nam là hình mẫu lớn cho khu vực và thế giới
Phát biểu tại Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021) tối qua, ông Houlin Zhao, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế ITU đánh giá rất cao thành tựu về công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam.
“Việt Nam là hình mẫu lớn cho khu vực và thế giới”, Tổng Thư ký ITU nhấn mạnh và cho rằng, nhiều quốc gia trên toàn cầu có thể học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam.
Vị lãnh đạo cho hay, hiện một nửa thế giới đã được kết nối nhờ công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, nửa còn lại cũng cần được kết nối.
Việt Nam đã chung tay cùng nhiều nước ở châu Á, châu Phi và Mỹ - Latinh trong việc phát triển ngành viễn thông, dù đó là những nơi thu được ít lợi nhuận và thường bị các nhà đầu tư khác bỏ qua.
Theo ông Houlin Zhao, 2021 là năm đặc biệt, kỷ niệm 50 năm sự kiện của ITU Telecom. Các sự kiện của ITU Telecom suốt thời gian qua đã góp phần tạo ra những biến đổi đáng kinh ngạc, từ sự nổi lên của Internet, các mạng không dây hay các công nghệ mới như 5G, trí tuệ nhân tạo. Các sự kiện IT tạo ra cho các doanh nghiệp cơ hội để trình diễn những thành tựu của họ.
Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của băng thông rộng cũng như cách làm sáng tạo nhằm cải thiện kỹ năng số, giảm thiểu bất bình đẳng về số là một trong những vấn đề gợi mở được thảo luận đồng thời cho biết đến tháng 2/2022, ITU sẽ mời các lãnh đạo đến đến chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Zhao hy vọng, hợp tác công-tư và sự hợp tác của tất cả sẽ giúp đạt được kết nối toàn cầu từ nay tới năm 2030, đồng thời, mong Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các nước khác.
“Tôi đánh giá cao cách làm của Việt Nam và mong Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với các quốc gia khác”, ông Houlin Zhao bày tỏ.
Việt Nam muốn phát triển dựa vào khoa học công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính có phát biểu đáng chú, trong đó khẳng định, Việt Nam coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, lấy người dân làm trung tâm, để không ai bị bỏ lại phía sau trên cơ sở đảm bảo chủ quyền số, an toàn, an ninh mạng.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, thế giới đang trải qua những biến động nhanh chóng sâu sắc chưa từng có của đại dịch Covid-19. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Chính phủ, chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn, vừa đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường mới trên không gian số, vừa góp phần phục hồi kinh tế với sức khỏe và sự an toàn của người dân luôn được đặt lên trên hết và trước hết.
“Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay.
Trong đó, Chính phủ luôn tin tưởng lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công tiến trình này, để kinh tế số Việt Nam phấn đấu chiếm hơn 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và phấn đấu đạt 30% vào năm 2030.
Người đứng đầu Chính phủ kỳ cũng chia sẻ một số quan điểm đáng chú ý. Trong đó, công cuộc chuyển đổi số để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào, đồng thời, cũng không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số của nhân loại.
Tiếp đó, theo Thủ tướng Chính, Chính phủ các nước cần định hướng, dẫn dắt quá trình này để chuyển đổi số có hiệu quả, phát huy cao nhất những giá trị mới của không gian số trong mọi mặt đời sống xã hội.
Khu vực nhà nước và tư nhân cần được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo nên sự năng động, hiệu quả của thị trường. Đáng chú ý, lãnh đạo Việt Nam cũng cho rằng, chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển.
Ngoài ra, theo ông Chính, thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng. ITU cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là một tổ chức chuyên ngành của Liên Hợp Quốc trong việc định hình khuôn khổ quốc tế về chủ quyền số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
“Việt Nam đã xác định một trong những quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng tự đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ITU Digital World 2021
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và là thành viên có trách nhiệm của Liên minh Viễn thông Quốc tế; luôn đồng hành, hợp tác cùng các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng thế giới số.
Cho rằng hiện nay thế giới còn 50% dân số chưa được kết nối Internet, do đó, thu hẹp khoảng cách về kết nối số, kỹ năng số, an toàn số đang là thách thức lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
“ITU cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ các nước, nhất là các nước đang và kém phát triển, mở rộng mạng lưới viễn thông, tăng cường khả năng truy cập dịch vụ cho người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Thủ tướng cũng mong rằng, với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ và dịch vụ số, ITU sẽ ưu tiên nghiên cứu đón đầu các vấn đề mới như xu thế ứng dụng và quản lý đối với dịch vụ Internet vệ tinh, các công nghệ AI, blockchain, IoT… khuyến nghị kịp thời các nước thành viên để điều chỉnh, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan
“Việt Nam mong muốn hợp tác cùng các nước thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao”, ông Phạm Minh Chính nói.