Giảm điện than, dừng nhà máy hạt nhân, Việt Nam chọn LNG và năng lượng tái tạo

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu tại diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” lần thứ IV với chủ đề “Năng lượng thế giới: Chuyển đổi để phát triển” từ 13-15/10.
Sputnik
Dự sự kiện quan trọng này có cả Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các đại diện lãnh đạo nhiều quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp lớn về năng lượng thế giới.
Như Sputnik đã đề cập, Việt Nam đang trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu sử dụng mạnh mẽ với định hướng giảm điện than, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG.
Bộ Công Thương đã chính thức trình lên Chính phủ Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 – tức Quy hoạch Điện VIII.

Điện than, điện gió, LNG, Việt Nam sẽ bàn gì tại diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga”?

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là đại diện lãnh đạo đất nước tham dự và phát biểu tại diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga”.
“Nhận lời mời của Lãnh đạo và Chính phủ Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại Diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” lần thứ IV với chủ đề “Năng lượng thế giới: Chuyển đổi để phát triển”, diễn ra tại Moscow từ ngày 13-15/10 theo hình thức ghi hình”, theo cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Nga cùng nhiều đại diện quốc tế, người đứng đầu Chính phủ các nước, tổ chức, thể chế liên quan năng lượng toàn cầu sẽ góp mặt.
Diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” là sự kiện quan trọng về năng lượng, được tổ chức theo sáng kiến của Chính phủ Nga từ năm 2017 nhằm thảo luận vấn đề phát triển và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.
Năm 2021, diễn đàn quốc tế "Tuần lễ Năng lượng Nga" sẽ được tổ chức ở thủ đô Moskva tại Trung tâm triển lãm Manege.
Hợp tác giữa Petrovietnam và Zarubezhneft ở Nga vẫn rất bền chặt
Mục đích của Diễn đàn là nhằm giới thiệu triển vọng to lớn của tổ hợp phát triển năng lượng và nhiên liệu của Nga cũng như tìm kiếm, hiện thực hóa tiềm năng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ trở thành nơi để thảo luận về những thách thức chính mà ngành năng lượng trong cơ cấu các nền kinh tế phải đối mặt hiện nay.
Tại diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” năm 2021 này sẽ tập trung thảo luận vào các vấn đề phát triển mang tính thời sự như công nghiệp khí đốt; dầu mỏ; điện than; hóa dầu; điện lực; tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng ngày nay.
Diễn đàn này quy tụ dàn lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn về năng lượng trên toàn thế giới.

Bộ Công Thương trình Chính phủ Đề án Quy hoạch Điện VIII

Ngày 12/10, sau khi được Hội đồng thẩm định họp xem xét và bỏ phiếu thông qua, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và chính thức trình Đề án Quy hoạch điện VIII lên Chính phủ.
Theo Bộ Công Thương, trong quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương đã tuân thủ theo đúng các quy định của Luật Quy hoạch.
Ai đứng sau tổ hợp kinh tế muối và năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam?
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều biến động lớn trong phát triển điện lực, như việc Quốc hội Việt Nam đã quyết định dừng thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (như Sputnik đã thông tin trước đó).
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 11 năm 2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt trời tại Việt Nam và Quyết định số 39 năm 2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
“Điều này tạo ra sự bùng nổ đầu tư của các dự án điện Mặt trời, điện gió (chủ yếu do các nhà đầu tư tư nhân thực hiện - là điểm mới so với trước đây khi hầu hết các dự án, công trình điện đều do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư)”, Bộ Công Thương lưu ý.
Ở góc độ khác, theo đại diện Bộ Công Thương, sự chậm trễ và khó khăn trong đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện (đặc biệt là các nhà máy điện truyền thống); sự phát triển của công nghệ trong sản xuất và truyền tải điện (đặc biệt là công nghệ điện Mặt trời, điện gió), dẫn tới khả năng giảm sâu giá thành sản xuất của loại hình nguồn điện này.
Cùng với đó là sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có ảnh hưởng to lớn tới quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện…
“Những biến động này có tác động lớn tới tình hình phát triển điện lực của Việt Nam, vì vậy việc lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) là nhiệm vụ cấp bách và có tính thời sự cao”, Bộ Công Thương khẳng định.
Theo lý giải của cơ quan này, trong tương lai, sự phát triển của ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc thoả mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Đơn cử một số thách thức lớn đối với ngành điện như nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu; xây dựng nhiều nguồn điện không theo sát quy hoạch, phân bố trên vùng miền mất cân đối dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải lãng phí, tổn thất truyền tải còn cao.
Việt Nam có thể trở thành cường quốc năng lượng tái tạo?
Đồng thời, sự phát triển mạnh của các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, Mặt trời dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực…
Do đó, để vượt qua các khó khăn, thách thức, đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, cần thiết phải xây dựng Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 – tức Quy hoạch điện VIII.
Bộ Công Thương nêu rõ, quy hoạch sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.

Việt Nam muốn phát triển các nguồn điện khí LNG

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đề án quy hoạch điện VIII được xây dựng trên cơ sở định hướng tại Nghị quyết 55-ND/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị.
Trong đó gồm có ba quan điểm cốt lõi là phát triển điện lực đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân.
Ngoài ra, Việt Nam cũng hướng đến việc phát triển đồng bộ nguồn và lưới; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng miền; không xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2021-2030; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây tải điện liên miền giai đoạn 2031-2045.
Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch điện VIII tiếp tục xem xét, phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió, điện Mặt trời, điện sinh khối, điện rác…) với quy mô phù hợp.
“Xem xét lộ trình giảm các nguồn điện than, phát triển các nguồn điện khí LNG một các hợp lý; tăng cường nhập khẩu điện trên cơ sở tuân thủ các văn bản ghi nhớ đã cam kết”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Việt Nam đang có lộ trình giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo

Điều này được khẳng định rõ rệt không chỉ trong Đề án Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công Thương đã chính thức trình Chính phủ mà còn được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại trong cuộc điện đàm với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry.
Trong cuộc điện đàm với ông John Kerry, chính trị gia không hề xa lạ với người dân Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao quyết tâm của chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy các nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Một bước tiến mới trong năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là một trong những nước có bờ biển dài, đồng bằng thấp, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ những rủi ro, thách thức gây ra bởi biến đổi khí hậu, nhất là ảnh hưởng nặng nề tại Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, dù quá trình chuyển đổi kinh tế xanh còn gặp nhiều khó khăn sau nhiều năm trải qua chiến tranh, tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng tới chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon.
Theo đó, Hà Nội hiện đang có lộ trình để giảm mạnh phụ thuộc vào điện than và tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với chủ trương của Việt Nam về phát triển bền vững và điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.
“Việt Nam đã đưa ra hàng loạt biện pháp giảm nhẹ phát thải khí metan, cắt giảm lượng khí phát thải nhà kính và phát triển năng lượng bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Về phần đại diện Washington, ông John Kerry đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và mong Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa vai trò trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn thế giới hiện nay.
“Việt Nam có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry nhấn mạnh.
Ông Kerry cũng cam kết, Mỹ sẽ ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về công nghệ năng lượng sạch, tái tạo với các dự án hợp tác cụ thể.
Thảo luận