Ai đứng sau tổ hợp kinh tế muối và năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam?
20:06 05.10.2021 (Đã cập nhật: 13:58 06.10.2021)
Đăng ký
Việc nhà máy Điện gió BIM tại Quán Thẻ, Ninh Thuận chính thức vận hành thương mại đã đưa nơi đây thành tổ hợp kinh tế muối và năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam.
Nhà máy Điện gió BIM cũng là một trong những dự án đáng chú ý nhất mà AC Energy của tỷ phú Jaime Zobel de Ayala đầu tư, hướng quốc gia Đông Nam Á này trở thành thị trường lớn thứ hai của công ty sau Philippines.
Ai đứng sau tổ hợp kinh tế xanh lớn nhất Việt Nam?
Nhà máy Điện gió Bim tại Quán Thẻ, Ninh Thuận chính thức được vận hành thương mại, đưa khu vực này thành tổ hợp kinh tế xanh lớn nhất Việt Nam.
Theo đó, nhà máy điện gió BIM công suất 88MW tại Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Điện gió BIM liên danh giữa BIM Group và AC Energy, thành viên Tập đoàn Ayala của Philippines đầu tư phát triển.
“AC Energy của gia đình tỷ phú Philippines bắt tay BIM Group bắt đầu vận hành trang trại gió trị giá 155 triệu USD tại Việt Nam”, Forbes thông tin.
Nhà máy Điện gió BIM cũng đồng thời đánh dấu mốc Tập đoàn BIM Group hoàn thành chiến lược phát triển muối sạch, kết hợp năng lượng sạch trên tổng diện tích 2.500 héc-ta với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, tạo nên tổ hợp kinh tế muối và năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam.
AC Energy – công ty do tỷ phú Jaime Zobel de Ayala và gia đình làm chủ cùng đối tác BIM Group có trụ sở tại Hà Nội đã bắt đầu vận hành thương mại dự án trang trại điện gió tại Việt Nam trước thời hạn, trong khi Ayala Corp., tập đoàn lâu đời nhất Philippines, cũng đẩy nhanh đầu tư trong năng lượng tái tạo, theo Forbes.
Được xây dựng với chi phí 155 triệu USD, trang trại điện gió 88 MW ở tỉnh Ninh Thuận - cách thủ đô Hà Nội của Việt Nam khoảng 1.400 km về phía đông nam - là dự án thứ hai được hoàn thành liên danh, AC Energy cho biết.
Các công ty đối tác cũng đã phát triển Nhà máy năng lượng mặt trời Ninh Thuận với công suất 405 MW, đi vào hoạt động vào năm 2019, trước khi đại dịch tàn phá nền kinh tế toàn cầu.
“Chúng tôi rất vui mừng đưa dự án mới này vào hoạt động thương mại trước thời hạn FIT, bất chấp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, Patrice Clausse, giám đốc điều hành của AC Energy International khẳng định.
Các trại năng lượng mặt trời và gió tại Ninh Thuận dự kiến sẽ tạo ra tổng cộng 900 triệu kilowatt giờ năng lượng tái tạo hàng năm, theo thông tin được đưa ra.
AC Energy cũng đang phát triển các dự án khác tại Việt Nam nhằm nâng tổng công suất năng lượng tái tạo tại Việt Nam lên khoảng 1.000 MW, đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành thị trường lớn thứ hai của công ty sau Philippines.
Công ty con Ayala Corp có niêm yết tại Philippines đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất phát điện lên 5.000 MW trên khắp Australia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam vào năm 2025.
Việc đầu tư vào các dự án này sẽ giúp AC Energy hoàn thành mục tiêu trở thành công ty năng lượng tái tạo lớn nhất được niêm yết trong lĩnh vực năng lượng ở Đông Nam Á, chủ tịch Fernando Zobel de Ayala cho biết trong báo cáo thường niên mới nhất của công ty.
Để hỗ trợ các kế hoạch mở rộng của tập đoàn, công ty đã huy động được 17,3 tỷ peso (341 triệu đô la) từ phát hành quyền và phát hành riêng lẻ cho quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC vào đầu năm nay, ông Ayala cho biết.
© AFP 2023 / Jay Directo Fernando Zobel de Ayala.
Fernando Zobel de Ayala.
© AFP 2023 / Jay Directo
AC Energy do Ayala Corp. sở hữu 71%, có nguồn gốc từ năm 1834 khi đất nước còn là thuộc địa của Tây Ban Nha. Ông cố của Fernando bắt đầu mở một nhà máy chưng cất rượu ở Manila và sau đó mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, bất động sản và viễn thông.
Cha của Fernando, Jaime Zobel de Ayala, 87 tuổi, được xếp hạng là người giàu thứ 5 của đất nước với tài sản ròng 3,3 tỷ USD khi danh sách Người giàu nhất Philippines được công bố vào tháng trước.
Ayala nghỉ hưu vào năm 2006, và con trai cả của ông Jaime Augusto Zobel de Ayala, người từng là Giám đốc điều hành của Ayala Corp. từ năm 1994, kế nhiệm ông làm chủ tịch. Vào tháng 4 năm nay, Fernando tiếp quản vị trí giám đốc điều hành và Jaime Augusto tiếp tục giữ chức chủ tịch.
Tổ hợp năng lượng tái tạo và sản xuất muối công nghiệp lớn nhất Việt Nam
Trước đó, thông tin về tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối lớn nhất Việt Nam được xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận đầy nắng và gió cũng được báo chí trong nước đăng tải.
Như vậy, Nhà máy Điện gió BIM tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã chính thức đi vào vận hành thương mại (COD).
Với sự kiện này, Tập đoàn BIM Group sẽ chính thức hoàn thành chiến lược phát triển muối sạch kết hợp năng lượng sạch trên diện tích 2.500 ha với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng.
Trước đó, từ năm 2006, BIM Group đã đầu tư phát triển cánh đồng muối sạch lớn nhất Đông Nam Á tại Quán Thẻ với sản lượng 300.000 tấn/năm.
Cùng với Cà Ná và Tri Hải, cánh đồng muối Quán Thẻ đã mang đến việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đóng góp 60-70% sản lượng muối công nghiệp của Việt Nam.
Năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này đã định hướng chiến lược phát triển bền vững của quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BIM Group kiêm Tổng Giám đốc BIM Energy Đoàn Quốc Huy nhận định, chỉ đạo vĩ mô của Bộ Chính trị đã khẳng định tính đúng đắn của chiến lược phát triển bền vững mà BIM Group đặt ra.
“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển năng lượng tái tạo bằng cách tối ưu nguồn tài nguyên đất tại Ninh Thuận, nơi có nhiều nắng và gió nhất Việt Nam”, ông Huy chia sẻ.
Phó Chủ tịch Bim Group cũng cho biết, ngay trên vùng đất đang sản xuất muối công nghiệp chính là địa điểm thích hợp nhất để triển khai các dự án điện mặt trời và đặc biệt là xây dựng các cột điện gió công suất lớn.
Cụm nhà máy điện mặt trời được BIM Energy khánh thành với tổng đầu tư 6.000 tỷ đồng tại Ninh Thuận. Năm 2020, tổng công suất của nhà máy 405 MWP. Hơn 600 triệu số điện một năm được sản xuất từ hơn 1 triệu tấm pin mặt trời đã đáp ứng được nhu cầu của 200 nghìn hộ gia đình. Cụm 3 nhà máy đóng góp hơn 500 tỷ đồng thuế và tạo ra gần 200 việc làm thu nhập ổn định tại địa phương.
Đầu tháng 10/2021, BIM Energy bắt đầu vận hành thương mại nhà máy điện gió với tổng công suất 88 MW với vốn đầu tư 3.110 tỷ đồng. Sản lượng khai thác dự kiến của nhà máy khoảng 327 GWH/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của 50 nghìn hộ gia đình mỗi năm và giúp giảm thiểu 298.551 tấn khí carbon.
Nhà máy Điện gió BIM được đấu nối vào hệ thống điện thông qua đường dây 220 kV mạch đơn, từ Trạm biến áp 220 kV của nhà máy đến thanh cái 220 kV Trạm cắt Quán Thẻ.
Trong 15 năm qua, BIM Group đã đầu tư 12.000 tỷ đồng cho các dự án tại Ninh Thuận.
Việc đưa vào vận hành thương mại (COD) Nhà máy Điện gió BIM đã giúp hoàn thành giai đoạn đầu tiên việc hiện thực hóa chiến lược khai thác bền vững, tối ưu hóa tài nguyên đất của BIM Group bằng mô hình Khu Kinh tế muối và năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam.
Những điều đáng chú ý ở tổ hợp kinh tế xanh lớn nhất Việt Nam
BIM Group và AC Energy cùng liên danh, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Giám đốc Dự án Điện gió BIM Nguyễn Hậu Hữu cho hay, với sự quyết tâm và kinh nghiệm quản trị dự án của 3 nhà máy điện mặt trời trước đó, đơn vị đã lên kế hoạch triển khai đề cao tính cam kết về tiến độ song song chất lượng công việc.
“Cao điểm về tiến độ là anh em kỹ sư và công nhân lắp đặt xong 7 cột điện gió trong vòng 18 ngày”, ông Hữu nói.
Để làm được những điều trên, BIM Energy sở hữu đội ngũ nhân sự quản lý dự án giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và nhiệt điện.
Đội ngũ này đã phối hợp hiệu quả với các nhà thầu hàng đầu thế giới như General Electrics, một trong 5 đơn vị cung cấp và lắp đặt tuabin gió uy tín nhất thế giới.
Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 (PCC1) là bên lắp đặt trạm biến áp của nhà máy và Gia Việt là đơn vị nhà thầu tại Ninh Thuận đã hoàn thành việc thi công móng tuabin với chất lượng và tiến độ đúng cam kết.
Toàn bộ thiết bị tuabin, cánh quạt và cấu phần cột điện gió của dự án được nhập khẩu về Việt Nam. Các chuyên gia đã lên phương án để vận chuyển 15 nghìn tấn thiết bị từ cảng Vĩnh Tân về địa điểm dự án, phối hợp với nhiều đơn vị đảm bảo 264 chuyến vận chuyển siêu trường siêu trọng không xảy ra bất cứ sự cố nào.
Đại diện BIM Group nhấn mạnh, tại Ninh Thuận, chiến lược của doanh nghiệp đã gặp được sự đồng thuận và ủng hộ của chính quyền địa phương giúp chúng tôi triển khai hiệu quả các dự án.
“Từ nền tảng xây dựng các ngành kinh doanh bền vững trên một diện tích đất, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển những dự án mới nhằm nâng cao giá trị kinh tế của mô hình với những sản phẩm kết hợp được lợi thế các ngành”, Tổng Giám đốc BIM Energy Đoàn Quốc Huy cho biết.
Tờ Manila Bulletin của Philippines dẫn lời ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Tập đoàn BIM Group cho hay, dự án điện gió BIM 88MW tại Ninh Thuận khẳng định kinh nghiệm, quyết tâm, năng lực quản lý và triển khai dự án hiệu quả của Tập đoàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“Đây là thành quả hợp tác tiếp theo giữa BIM Group và AC Enegy tại Ninh Thuận, sau Dự án Cụm Nhà máy Điện Mặt trời 405MW, đưa điểm đến này trở thành Khu kinh tế muối và năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và xây dựng nguồn năng lượng sạch cho tương lai cho quốc gia”, ông Đoàn Quốc Huy đúc kết.